Khi tôi chia sẻ cảm nhận của một giảng viên đại học về cuốn sách “Năng lực truyền đạt” (tác giả: Ikegami Akira, người dịch: Nguyễn Quốc Vương), một bạn hỏi: “Thành công rồi có cần đọc nữa không anh? Em hỏi thật đấy để em mua tặng một người đang tự cho mình rất thành công rồi”. Vì đây là một câu hỏi rất thú vị nên tôi sẽ trả lời thành một “status” riêng.

Thật ra câu hỏi này là câu hỏi tôi – một người viết, dịch, bán sách rong hay gặp phải ở cả nơi đăng đàn diễn thuyết lẫn trên mâm cỗ, ngoài bàn trà, quán nước.

Nhiều người đã đưa ra câu hỏi phản biện là: “Liệu có tin được chăng khi mấy ông nói về sách và xúi người ta đọc sách toàn là những ông có vẻ như thất bại hoặc chẳng giàu có gì. Nói ai tin?”.

Ở một thái cực khác lại là câu hỏi phản biện như trên: “Nhiều người đã thành công rồi cần gì phải đọc”. Thậm chí, hấp dẫn hơn là câu hỏi: “Nhiều người có đọc gì đâu mà vẫn thành công?”.

Để trả lời mấy câu hỏi này, người bán sách rong xin đặt ra mấy câu hỏi nôm na thế này.

1. Cá nhân con người và cộng đồng quan niệm thế nào là thành công?

– Thành công có một mô hình đơn nhất với một giá trị đơn nhất? (Ví dụ “nhiều tiền là thành công”)

– Với một con người thì giàu có ở mức nào là thành công? 10 tỉ, 20 tỉ, 2000 tỉ, 2 triệu tỉ?

– Thành công là có chức vụ, là làm sếp? Nếu thế thì lên làm sếp ở mức độ nào thì sẽ là thành công? Trưởng phòng? Giám đốc sở? Chủ tịch tập đoàn? Bộ trưởng?

– Thành công là có nhà to, xe đẹp? Nếu thế thì xe gì, nhà rộng bao nhiêu, ở phố nào là thành công?

– Thành công là danh, có tiếng? Thế thì đạt danh hiệu gì là thành công? “Ưu tú”, “nhân dân”, “chiến sĩ thi đua”, “… xuất sắc” hay cứ phải là Giáo sư – tiến sĩ mời là thành công?

– Thành công là vợ phải đẹp, chân dài, gia thế oách, có đủ cả con trai lẫn con gái? Nếu thế đẻ toàn con gái là thất bại?

2. Đã thành công rồi thì có “thành công hơn” không?

Nhiều người quả thật trong đời sống đã thành công ở mức độ nào đó so với mặt bằng chung hay so với cộng đồng xung quanh. Nhưng như thế đã là tuyệt đỉnh chưa? Có thể thành công hơn nữa không? Ví dụ nếu đã giàu rồi thì so với doanh nhân Mĩ, Nhật, Hàn đã giàu bằng họ chưa, hơn họ chưa?

Tài sản đã có rồi thì nó tồn tại ở dạng nào? Các dạng thức tài sản đó có gia tăng giá trị theo thời gian không? Nguy cơ bị mất tài sản lớn hay bé? Tài sản đó có được sử dụng hữu ích không? Nó có đem lại hạnh phúc cho người sở hữu và những người có liên quan hay không?

Nổi tiếng, có danh vị, chức tước rồi thì sự nổi tiếng đó ở mức nào? Nó có lớn lên theo thời gian không? Nó có thật sự khớp với thực lực bản thân có không? Nó có đem lại giá trị gì cho người khác ngoài mình không?

Khi so sánh như vậy thì rõ ràng không có thành công tuyệt đỉnh. Luôn có các mục tiêu khác cần phải chinh phục nếu cá nhân khao khát thành công.

3. Thành công rồi (tạm cho là thế) thì làm gì với thành công đó?

Nếu tự cho bản thân mình là thành công rồi thì cá nhân sẽ làm gì với thành công đó? Nếu mình thành công rồi thì mình có trách nhiệm hay mong muốn giúp người khác cũng thành công hay không? Những thứ mình có đem lại gì cho những người xung quanh mình?

Nếu tư duy theo hướng này thì hiểu nhiên thành công là một mục tiêu xa vời, vô cùng, vô tận, cả cuộc đời cá nhân cho dù xuất sắc thế nào, cố gắng thế nào cũng không thể đạt tới sự thỏa mãn.

Đơn giản vì cho dù thành công, cho dù xuất sắc các cá nhân vẫn chỉ là một CON NGƯỜI. Khi đã là một con người thì cho dù giàu có, may mắn, đẹp trai, xinh gái, có ảnh hưởng, nổi tiếng, có chức vụ thế nào họ cũng không thoát khỏi những khổ đau thường tình của con người ít nhất là sinh, lão, bệnh, tử, rắc rối của hôn nhân, bất an trong nuôi dạy con cái… Để vượt qua hay chấp nhận nó để sống hạnh phúc hơn dĩ nhiên cá nhân cần phải có hiểu biết hơn nữa. Khi đó đọc và học là tất yếu.

Hơn nữa, đời mình thành công chưa chắc con cái sẽ thành công, mình tuyệt vời con cái chưa hẳn được như vậy. Do đó thành công rồi thì giáo dục con cái ra sao để đời sau thành công hơn đời trước?

Thế nên chẳng có gì ngạc nhiên nếu ta đọc, tìm hiểu và thấy rằng thật ra những người thành công nhất trên thế giới này bất kể ở giới nào dù là thể thao, nghệ thuật, khoa học hay kinh doanh đều bày tỏ sự khắc khoải khôn nguôi về kiếp người ngắn ngủi, về khả năng hữu hạn của bản thân trong tương quan với khát vọng và mơ ước.

Tóm lại, nếu bạn chưa thành công (người Việt thích từ thành đạt hơn) thì bạn nên học và đọc để tiến tới thành công. Còn nếu bạn đã thành công rồi thì nhờ học tiếp, đọc tiếp bạn có thể thành công hơn nữa.

Tất nhiên là bạn có thể đọc vô vàn cuốn sách hay ho khác chứ không chỉ là cuốn sách này vì có thể những gì viết ở đây bạn đã vượt qua rồi!

Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Blog Người Bán Sách Rong (nguoibansachrong.com)
Tham khảo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: