“Thái căn đàm” là một cuốn sách chứa đựng những kinh nghiệm tu dưỡng, làm người, đối nhân xử thế của cổ nhân, ẩn chứa trí tuệ cao thâm sâu rộng. Trong sách có bình luận về sự thành bại giàu nghèo của đời người như sau: Người tài phú nhiều, lúc mất đi tổn thất lại càng lớn, chẳng bằng người bần cùng sống cuộc đời không hề lo âu. Người thành đạt có địa vị cao, lúc té ngã lại càng thảm hại, chẳng bằng người thấp cổ bé họng, sống một cuộc sống bình yên.

Thành đạt không đủ để mừng, nghèo khó không đáng để lo
Bức “Thu giang ngư ẩn đồ” thời Tống tại Bảo tàng quốc gia Đài Loan. (Họa sĩ: Mã Viễn, Public Domain)

Trong lịch sử có không ít những người thành đạt, quyền cao chức trọng, giàu có vô kể, nhưng kết cục cuối cùng rất thảm hại. Trong đó nhân vật mang tính đại biểu nhất có lẽ là đại thần Hoà Thân thời Hoàng đế Càn Long triều Thanh.

Sử sách chép rằng bấy giờ Hòa Thân có quyền hành rất lớn trong triều đình. Chẳng hạn từng có một vị quan tên là Uông Như Long tặng cho Hoà Thân mấy chục vạn lượng bạc, muốn có được một chức quan nào đó. Hoà Thân liền cho Uông Như Long làm quan Giám chính vùng Lưỡng Hoài. Chức vị này trước đây do một viên quan tên là Trưng Thụy đảm nhiệm.

Trưng Thụy mỗi năm đều dâng tặng cho Hoà Thân mười vạn lượng bạc, nay thấy Uông Như Long chiếm mất chức vị của mình thì trong lòng không vui. Trưng Thụy liền đi hỏi Hoà Thân: “Đại nhân, hàng năm tôi đều cống hiến mười vạn lượng bạc cho quốc gia, cống hiến nhiều như thế, sao lại đổi tôi đi nơi khác”.

Hoà Thân kéo tay Trưng Thụy rồi cười nói rằng: “Người khác còn cống hiến nhiều hơn nữa”. Hoà Thân trả lời trắng trợn không che đậy như thế khiến Trưng Thụy câm nín không nói được lời nào.

Còn có một vị Tuần phủ ở Sơn Tây phái thuộc hạ đem hai mươi vạn lượng bạc đến kinh thành dâng cho Hoà Thân làm lễ vật, nhưng đi đến mấy lần cũng không có người tiếp đãi. Về sau, thuộc hạ đem năm nghìn lượng bạc trắng tặng cho người tiếp đãi. Lúc bấy giờ mới có một tên nô bộc trẻ xuất hiện, mở miệng hỏi: “Là vàng hay là bạc đấy?”

Người nọ đáp rằng là bạc, tên nô bộc trẻ tuổi dặn thủ hạ đem bạc bỏ vào kho rồi đưa cho người nọ một tờ giấy, bảo rằng: “Cầm cái này về làm chứng, nói là đồ đã thu nhận rồi”. Tặng một số bạc lớn như vậy mà ngay cả mặt Hoà Thân cũng không được gặp, có thể thấy Hoà Thân quyền to đến mức nào.

Hoà Thân nắm triều chính hơn 20 năm, kim tiền nhiều vô kể. Ông ta làm quan, lộng quyền gian trá, mưu mô xảo quyệt, cả trong triều và người dân thiên hạ đều chửi rủa ông ta không dứt. Cho nên sau khi Hoàng đế Càn Long, chỗ dựa của Hòa Thân qua đời thì chẳng bao lâu, Hoàng đế Gia Khánh tuyên bố 20 tội trạng của ông ta. Đồng thời Hoàng đế đã lệnh cho Hòa Thân phải tự vẫn.

Hòa Thân một đời làm tham quan, quyền thế cao tuyệt, tài vật đều đủ, rốt cuộc không được chết già, thậm chí còn bị người đời nguyền rủa không dứt, sử sách lưu tiếng xấu muôn đời.

Bậc thánh hiền thời cổ đại cho rằng, người giàu có không bằng người bần cùng không lo âu, nguyên nhân là ở chỗ tài phú càng nhiều thì một khi mất đi tổn thất càng lớn. Người có địa vị cao không bằng người có địa vị thấp mà sống yên ổn, nguyên nhân là ở chỗ leo càng cao thì khi té ngã càng thảm hại. Gương của Hoà Thân là một minh chứng.

Cho nên nói, tiền tài dư dật không nhất định là việc tốt, ban ngày đề phòng kẻ mưu hại, ban đêm phòng kẻ trộm cắp. Quan vị hiển hách cũng không đáng để ngưỡng mộ, sẽ có lúc gặp phải sự đố kỵ của người khác, sống cũng không được yên ổn.

Trong cuộc đời còn có những con đường nhân sinh khác đáng quý hơn, hoạ sĩ Sử Trung triều Minh là một ví dụ. Sử Trung năm 17 tuổi mới bắt đầu học vẽ. Ông thông thạo thi từ, giỏi vẽ tranh, khí chất hào hiệp lại không thích kẻ quyền quý.

Con gái ông từ nhỏ đã được định hôn ước với một gia đình nghèo khó. Đến tuổi xuất giá, bởi nhà chàng rể nghèo khó, không đủ sức để làm đám cưới, Sử Trung bèn nghĩ cách có lợi cho nhà trai. Lúc tiết Thượng Nguyên, ông giả nói là đi xem hội đèn, dẫn vợ và con gái đến nhà chàng rể. Khi đến trước cửa nhà trai, ông gọi chàng rể ra bái, rồi để con gái lại, ông cùng phu nhân cười lớn mà ra về.

Sử Trung đã không chọn người giàu có quyền thế, mà giữ chữ tín chấp nhận đem con gái mình gả cho nhà nghèo khó. Đó là biểu hiện của khí tiết cao thượng, không chê nghèo, không tham giàu.

Rất nhiều người đều vì tài phú, danh lợi, vì sự thành đạt mà bôn ba. Hễ có được thì vui mừng hớn hở, dương dương tự đắc, không những không biết dừng mà ngược lại càng ra sức tăng thêm, kết quả đúng như lời người xưa nói “người chết vì tiền, chim chết vì mồi”. Tài phú càng nhiều thì tổn thất càng lớn, địa vị càng cao thì té ngã càng nặng. Vì vậy, người sáng suốt nên là học theo Sử Trung, không xem nặng danh lợi phú quý, thành đạt không đủ để vui mừng, nghèo khó không đáng để lo âu. Giữ cho mình một tâm bình thường, đạm bạc một chút, lạc quan một chút, đó mới là phúc khí chân chính.

Theo Sound of Hope
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: