Thánh Dực là đội quân thiện chiến bậc nhất nhưng lại có xuất thân kỳ lạ. Họ là những người không nơi nương tựa, tội phạm, bị bỏ rơi không người thân thích, nhưng sau khi được thu nhận đã dũng cảm đương đầu với đội quân Mông Cổ từng tung hoành khắp Á sang Âu và đội quân Nguyên Mông không kém phần hung hãn.

Vào thời kỳ vua Trần Thái Tông, đội quân thiện chiến nhất của Đại Việt là đội quân Ngũ Yên của Trần Quốc Tuấn. Đây là đội quân do An Sinh Vương Trần Liễu nuôi dạy từ tấm bé với những người thầy giỏi nhất, mang ý định giúp ông rửa hận chiếm ngai vàng (Xem bài: Trần Quốc Tuấn và lá số thánh nhân bất bại – P1). Tuy nhiên quân Ngũ Yên là đội quân riêng của Trần Quốc Tuấn chứ không phải quân của Triều đình. Trong tay triều đình thì đội quân tinh nhuệ nhất chính là Cấm quân. Mà trong Cấm quân thì thiện chiến nhất là đội quân Thánh Dực.

Thánh Dực: Đội quân kỳ lạ giúp Đại Việt đánh bại Nguyên Mông
(Tranh minh họa của họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online)

Đội quân Thánh Dực

Đội quân Thánh Dực chia làm Thánh Dực Quân và Thánh Dực Dũng Nghĩa. Thánh Dực Quân chuyên bảo vệ Vua, cho nên xuất thân thuộc tầng lớp Hoàng gia. Trong khi đó Thánh Dực Dũng Nghĩa là đội quân thiện chiến hơn, từ xuất thân cho đến huấn luyện đều rất đặc biệt, thậm chí kỳ lạ hiếm có.

Những người thuộc đội quân Thánh Dực Dũng Nghĩa vốn là những đứa trẻ từ tấm bé không người thân thích, không chốn dung thân, được Triều đình nhận nuôi nấng. Ngoài ra còn có những ai gia cảnh quá khó khăn buộc phải làm đầu trộm đuôi cướp và bị triều đình bắt được, biết họ ăn trộm do quá nghèo khổ mà bất đắc dĩ phạm tội, nên thu nạp cưu mang họ. Ngoài ra còn có những người cùng đinh của xã hội, không nhà cửa, cô nhi không ai quan tâm cũng được thu nạp vào đội quân này.

Đội quân này được thu nạp từ lúc còn nhỏ hay trẻ tuổi, được đào tạo võ công đánh trận rất bài bản với kỷ luật nghiêm khắc, được đối xử và hưởng lương cao như những quân thiện chiến khác. Qua nhiều năm rèn luyện cho đến tận khi trưởng thành nên đội quân này vô cùng thiện chiến, lại có kỷ luật nghiêm, có thể đương đầu với đội quân đông hơn rất nhiều lần.

Ngoài ra do quân Thánh Dực Dũng Nghĩa có xuất thân nghèo khó không nơi nương tựa, được Triều đình cưu mang nên họ tuyệt đối trung thành, luôn chiến đấu với tinh thần cảm tử, không ngại gian khó, quyết chiến đến cùng và không có khái niệm đầu hàng.

Trong từ “Thánh Dực” thì Dực là đôi cánh, “Thánh Dực” nghĩa là đôi cánh Thần Thánh vậy. Trong 3 lần đối mặt với vó ngựa Mông Cổ, đội quân này đều trải qua những trận đánh đáng chú ý, cho thấy sự thiện chiến của họ.

Trong cuộc chiến chống quân Mông Cổ lần thứ nhất

Năm 1258, quân Mông Cổ tiến đánh Đại Việt lần thứ nhất, Ngột Lương Hợp Thai thống lãnh 4,5 vạn quân tiến sang, khí thế rất mạnh. Quân Đại Việt tập hợp tại Bình Lệ Nguyên (nay là Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), biến nơi đây trở thành vùng đất có cuộc chiến quy mô lớn đầu tiên giữa quân Mông Cổ và Đại Việt. Vua Trần Thái Tông cùng các hoàng tử có mặt trong trận đánh, và đương nhiên không thể thiếu đội quân Thánh Dực Dũng Nghĩa.

Đây là trận đánh lớn đầu tiên với quân Mông Cổ, giúp Đại Việt liễu giải sức mạnh của đối phương, vốn gây kinh hoàng khắp thế giới. Trong trận đánh này, đội Thánh Dực Dũng Nghĩa giữ tầm quan trọng then chốt, giúp quân Đại Việt giữ vững thế trận.

Ngột Lương Hợp Thai biết có mặt vua Trần trong trận nên quyết bắt Vua bằng được nhằm nhanh chóng kết thúc chiến tranh, tuy nhiên sự tinh nhuệ và dũng cảm của đội quân Thánh Dực Dũng Nghĩa khiến quân Mông Cổ không sao thực hiện được điều này.

Giữa lúc trận đánh đang diễn ra quyết liệt và ngang ngửa thì tướng quân Lê Tần nhắc nhở Vua về kế hoạch của Tiết chế Hưng Đạo Vương: chỉ đánh một trận nhằm liễu giải và tiêu hao binh lực giặc rồi rút lui nhằm bảo toàn lực lượng. Vua Trần đang say sưa với cuộc chiến bỗng tỉnh ra, liền lập tức ra lệnh rút lui.

Ngột Lương Hợp Thai cho quân đuổi theo sát, nhưng đội Thánh Dực Dũng Nghĩa chặn hậu khiến quân Mông Cổ không thể làm gì được.

Trong cuộc chiến chống quân Nguyên lần thứ hai

Quân Mông Cổ sau khi đánh bại nhà Tống thì lập ra nhà Nguyên. Năm 1285, nhà Nguyên tiến đánh Đại Việt lần thứ hai với đội quân lên đến 50 vạn. Hưng Đạo vương cho quân vừa đánh vừa lùi để tiêu hao bớt sinh lực quân Nguyên và bảo toàn lực lượng.

Quân Nguyên tiến vào kinh thành Thăng Long, Hưng Đạo Vương cho quân chủ động rút lui thực hiện kế vườn không nhà trống. Chiếm kinh thành Thăng Long nhưng không thấy quân chủ lực nhà Trần, quân Nguyên lập tức đuổi theo vua Trần.

Thoát Hoan chọn những tướng giỏi và quân thiện chiến nhất của mình đuổi theo. Để nhà Vua và quân chủ lực rút đi, Hưng Đạo Vương cho quân chặn quân Nguyên ở Thiên Mạc. Nhiệm vụ quan trọng này được giao cho một phần của đội quân Thánh Dực Dũng Nghĩa đặt dưới sự chỉ huy của Trần Bình Trọng.

Thiên Mạc nằm ở phía bắc tỉnh Hà Nam, ranh giới giữa hai huyện Duy Tiên và Lý Nhân. Trần Bình Trọng chỉ có một đội quân tinh nhuệ để chặn giặc mạnh, nhưng đội quân nhỏ nhoi ấy đã khiến quân Nguyên phải dừng bước.

Sau gần 1 ngày chặn đứng quân Nguyên, giữ được cứ điểm Thiên Mạc, thì vua Trần đã rời xa, nhiệm vụ của đội quân đã hoàn thành. Họ bị quân Nguyên vây chặt, vẫn bình thản chống đỡ và cuối cùng hy sinh. Chỉ còn lại Trần Bình Trọng cùng một vài binh lính bị bắt.

Nhận thấy sự anh dũng và thiện chiến đáng sợ của đội quân Thánh Dực, các tướng quân Nguyên chiêu dụ hàng, tuy nhiên không một ai đầu hàng cả. Cuối cùng quân Nguyên hỏi Trần Bình Trọng có muốn làm Vương không, ông đáp rằng: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì có một chết mà thôi, can gì mà phải hỏi lôi thôi” (Đại Việt Sử ký Toàn thư).

Không thể làm gì được, quân Nguyên đã giết Trần Bình Trọng cùng những người khác.

Trong cuộc chiến chống quân Nguyên lần thứ ba

Năm 1287, quân Nguyên đưa 50 vạn quân tiến đánh Đại Việt lần thứ ba, nhưng đến năm 1288 bị đánh bại và phải rút về nước theo cả đường thủy và đường bộ, cánh rút theo đường Thủy do Ô Mã Nhi chỉ huy. Hưng Đạo Vương cho quân chuẩn bị trận địa cọc trên sông Bạch Đằng để đánh quân Nguyên.

Quân Đại Việt giao chiến với quân Nguyên rồi giả thua rút đi, dụ quân Nguyên vào bãi cọc ngầm. Quân Nguyên tiến vào sông Bạch Đằng sớm hơn thời gian so với dự tính vì nước thủy triều chưa kịp rút đủ để cọc ngầm có thể đâm vào đáy thuyền.

Nguyễn Khoái liền dẫn đội Thánh Dực Dũng Nghĩa tiến đánh chặn quân Nguyên, thế rất dũng mãnh, đợi đúng thời gian mới cho quân rút đi. Quân Nguyên tiến vào đụng ngay phải bãi cọc ngầm khiến chiến thuyền bị đắm vô số, quân Đại Việt mai phục đổ xô ra đánh. Nguyễn Khoái lại cho quân Thánh Dực cùng tiến đánh quân Nguyên, khiến toàn bộ thủy quân nhà Nguyên bị tiêu diệt hoặc bị bắt, không một ai thoát được.

Dù xuất thân nghèo hèn không nơi nương tựa, thậm chí có người vì nghèo khó mà phải phạm tội, nhưng khi được trọng dụng, những con người trong đội quân Thánh Dực đã quả cảm chiến đấu đến cùng vì Triều đình và Giang Sơn Xã Tắc, không màng đến sống chết của bản thân, góp công to lớn giúp Đại Việt 3 lần đánh bại đội quân hùng bá khắp thế giới, viết nên trang sử xán lạn nhất trong lịch sử Đại Việt.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: