Có 372 làng thuộc lưu vực ba con sông là sông Cầu, sông Thương, sông Cà Lồ lập đền thờ Thánh Tam Giang. Thánh Tam Giang kỳ thực là chỉ hai người: anh em Trương Hống, Trương Hát. Câu chuyện về hai ông kéo dài từ cuộc chiến giữ nước Vạn Xuân đến bài thơ “Nam quốc sơn hà”.

Thánh Tam Giang: Từ nước Vạn Xuân đến bài thơ “Nam quốc sơn hà”
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Xuất thân

Theo cuốn Thần phả hiện được lưu giữ tại đền Vân Mẫu, thôn Hai Vân, phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh thì vào thời thuộc Lương ở nơi đây có cô gái tên là Phùng Từ Nhan. Khi Từ Nhan được 18 tuổi, vào đêm rằm tháng 11 nằm mộng thấy có Thần long quấn quanh người ở sông Lục Đầu.

Sau giấc mộng ấy thì Từ Nhan mang thai. Sau 14 tháng mang thai, một lần Từ Nhan đi lễ chùa, khi về đến Cửa Cữu, làng Vân Mẫu thì trở dạ sinh được 5 người con 4 trai, 1 gái. Vì cho rằng đây là con của Thần long nên Từ Nhan lấy họ Trương để đặt tên cho 5 người con là: Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy và con gái là Trương Đạm Lương. Nguyên nhân là vì theo truyền thuyết thời bấy giờ, có lần Ngọc Hoàng giáng trần tu luyện, được gọi là Trương Bách Nhẫn hay Trương Hữu Nhân.

Họ Phùng lúc ấy là thế tộc lớn nhất vùng Vũ Ninh nên đã đón người thầy rất giỏi là Tiên sinh Lã Thị người hương Chu Minh, lộ Bắc Giang (tức xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn ngày nay) để giảng dạy cho 5 anh em. Nhờ đó mà 5 anh em đều thuộc làu kinh sử, siêng năng đọc binh thư, lại tinh thông cả võ nghệ.

Khi 5 anh em được 17 tuổi thì mẹ mất.

Chiêu mộ quân chống quân Lương

Lúc này quân Lương do Trần Bá Tiên chỉ huy tiến quân sang xâm chiếm Vạn Xuân, Lý Nam Đế không chống được phải lui về động Khuất Lão, trao quyền chỉ huy toàn quân cho Tả tướng Triệu Quang Phục nhằm khôi phục nước Vạn Xuân. Triệu Quang Phục cầm quân đóng ở Dạ Trạch và được dân chúng gọi là Dạ Trạch Vương.

Năm 548, Lý Nam Đế mất, Triệu Quang Phục tự xưng là Triệu Việt Vương nhằm hiệu triệu dân chúng theo mình khôi phục lại đất nước. Triệu Việt Vương cho hịch truyền đi các nơi tìm người hiền tài đánh đuổi quân Lương, khôi phục nước Vạn Xuân.

Anh em Trương Hống Trương Hát xin với thầy cho được lập thân, chiêu mộ hiền tài trong vùng chống quân Lương. Sau khi mộ được quân, Trương Hống lá chánh tướng, Trương Hát là phó tướng, làm lễ tế cờ rồi thao luyện quân sĩ.

Hai anh em nhận thấy địa phận làng Tiên Tảo, huyện Kim Hoa, phủ Đa Phúc, lộ Bắc Giang có thế ỷ giốc, tiến thoái đều thuận tiện, liền đưa quân đến, soạn tờ chiêu mộ trai tráng. Dân chúng truyền nhau, trai tráng đi theo thêm được hơn 300 người, cùng dốc sức luyện tập.

Hai anh em cho người đến liên lạc với Triệu Việt Vương ở đầm Dạ Trạch. Được tin, Triệu Việt Vương mừng lắm, cho sứ giả đến phong cho Trương Hống làm Thượng tướng quân, Trương Hát làm Phó tướng quân, Trương Lừng và Trương Lẫy làm Tỳ tướng, Đạm Lương làm tổng binh lương thảo. Triệu Việt Vương hẹn khi nào có cơ hội sẽ xuất quân cùng tiến đánh thành Long Uyên (sau này là thành Thăng Long).

Khi nhà Lương có biến, Trần Bá Tiên phải về nước, Dương Sàn ở lại thống lĩnh binh mã. Chớp thời cơ, Triệu Việt Vương báo tin hội quân cùng anh em Trương Hống, Trương Hát tấn công quân Lương.

Quân của Triệu Việt Vương từ đầm Dạ Trạch tiến lên, quân của anh em Trương Hống, Trương Hát cũng từ Tiên Tảo kéo xuống. Thủy bộ giáp công cùng tiến đánh thành Long Uyên. Dương Sàn không chống nổi bị tử trận.

Triệu Việt Vương lên ngôi Vua tại thành Long Uyên, phong thưởng cho anh em Trương Hống rất hậu hĩnh, trọng dụng cả 5 anh em và xem là công thần phục quốc, ban cho 5 anh em thực ấp ở Tiên Tảo và Vân Mẫu.

5 anh em nhớ dân chúng đã giúp đỡ và cưu mang mình trước đây, nên mang số của cải được thưởng chia cho dân chúng ở khắp vùng.

Khuyên Vua không được, 5 anh em từ quan

Năm 557, Lý Phật Tử muốn giành ngôi Vua Vạn Xuân, nên từ Dã Năng (thuộc Lào ngày nay) đưa quân vào đánh với quân của Triệu Việt Vương.

Hai bên có 5 lần giáp chiến lớn, lần nào quân của Triệu Việt Vương cũng ngăn được quân của Lý Phật Tử. Nhưng vì không muốn có cuộc tàn sát nội chiến nên lần nào Triệu Việt Vương cũng chỉ đứng nhìn quân của Lý Phật Tử rút chạy mà không cho quân truy kích.

Thấy không thể thắng được, Lý Phật Tử cầu hòa, Triệu Việt Vương nghĩ tình trước theo Lý Nam Đế kiến lập nước Vạn Xuân, nên đồng ý nghị hòa nhằm giữ cho Giang Sơn được hưởng cảnh thái bình, lấy bãi Quân Thần (nay là Bắc Từ Liêm, Hà Nội) làm ranh giới, phía tây thuộc về Lý Phật Tử. Lý Phật Tử cũng xin thề suốt đời giữ hòa hiếu giữa hai bên

Lý Phật Tử được thêm đất, liền dời đến ở thành Ô Diên (xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội ngày nay), đồng thời lập mưu để con trai Nhã Lang được kết hôn với con gái Cảo Nương của Triệu Việt Vương.

Nhận thấy đây là âm mưu của Lý Phật Tử, anh em Trương Hống Trương Hát cùng các tướng hết lòng khuyên nhủ. Tuy nhiên Triệu Việt Vương không nghe lời các trung thần, đồng ý cuộc hôn nhân. Các tướng như Triệu Chí Thành, Chiêu Công, anh em Trương Hống, Trương Hát đều từ quan về quê.

Trung thành với Vua

Năm 571, Lý Phật Tử phụ lời thề cho quân bất ngờ đánh úp quân của Triệu Việt Vương. Trong thế trận bị đánh bất ngờ, lại bị lộ hết cách bố phòng, Triệu Việt Vương không thể chống đỡ nổi đành bỏ chạy tìm nơi hiểm yếu. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, ông chạy đến cửa biển Đại Nha thì cùng đường, không còn lối thoát, đành nhảy xuống biển tự vẫn.

Lý Phật Tử lên ngôi Vua, biết anh em Trương Hống, Trương Hát là tướng tài bèn mời ra giúp mình. Nhưng “tôi trung không thời hai chủ”, hai anh em không chịu ra làm quan. Biết không thể khuất phục được, Lý Phật Tử tức giận cho người tìm bắt, hai anh em chạy trốn ở núi Phù Long.

Lý Phật Tử cho người truy lùng bắt bằng được, anh em Trương Hống Trương Hát uống thuốc độc tự tử, thà chết không phục vụ cho kẻ tráo trở phản bội lời thề.

Người dân ở thôn Hai Vân, nơi đóng quân ở làng Tiên Tảo, cùng dân chúng dọc theo sông Cầu đều thương tiếc mà lập đên thờ ở rất nhiều nơi. Theo dân gian thì Trương Hống, Trương Hát sau khi chết trở thành thần sông.

Anh em Trương Hống, Trương Hát có thể được xem là nằm trong những người được dựng đền thờ nhiều nhất, khi mà có đến 372 làng thuộc lưu vực ba con sông là sông Cầu, sông Thương, sông Cà Lồ lập đền thờ hai ông với tên gọi là Thánh Tam Giang.

Bài thơ “Nam quốc sơn hà”

Hơn 4 thế kỷ sau, lợi dụng lúc hai cha con vua Đinh Tiên Hoàng vừa mất, nhà Tống đưa quân sang tiến đánh Đại Cồ Việt. Nhân tình thế này, Thái hậu Dương Vân Nga đã đưa Lê Hoàn lên ngôi Vua, hiệu là Lê Đại Hành. Sau Dương Vân Nga lại trở thành Hoàng hậu của Lê Đại Hành.

Năm 981, quân Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy tiến đánh Đại Cồ Việt, các nguồn sử liệu cho thấy ban đầu quân Tống rất mạnh và giành nhiều trận thắng.

Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng chỉ huy quân thủy bộ tiến theo sông Kinh Thầy đến sông Lục Đầu. Nhận được tin báo quân Tống di chuyển đến sống Lục Đầu, vua Lê Đại Hành đích thân chỉ huy ba quân trấn giữ con sông này, tuyến phòng thủ được xây dựng từ sông Đại La đến sông Lục Đầu nhằm ngăn quân Tống vào thành Đại La.

Tại sông Lục Đầu, quân Việt xây dựng được căn cứ Phù Lan với nhiều bãi cọc để ngăn thuyền quân Tống.

Quân Tống đến sông Lục Đầu, các thuyền chở quân Tống đổ bộ lên bờ lập trại rồi tiến đánh quân Việt. Hai bên giao trận rất ác liệt, quân Tống cố chọc thủng phòng tuyến quân Việt nhằm tiến đến thành Đại La nhưng đều thất bại.

Giữa lúc cuộc chiến ác liệt nhất, thì bổng văng vẳng xuất hiện tiếng thơ:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư
Như hà Bắc Lỗ lai xâm lược
Bạch nhận phiên thành phá trúc dư

Dịch là:

Sông núi nước nam, vua nam ở
Sách Trời định phận rõ non sông
Cớ sao giặc bắc sang xâm phạm?
Bây hãy chờ gươm chém bại vong

Lời thờ văng vẳng rõ ràng khẳng định chủ quyền dân tộc, khích lệ quân sĩ,  giúp quân Đại Cồ Việt được tiếp thêm sức mạnh đánh quân Tống đại bại phải tháo chạy.

Không sao chiếm được Lục Đầu, quân Tống bị thiệt hại nặng nề về người và thuyền nên phải rút về các vùng xung quanh sông Bạch Đằng. Sông Lục Đầu vì thế còn gọi là sông Đồ Lỗ (“đồ” nghĩa là giết, “lỗ” là chỉ quân Tống).

Sau trận Đồ Lỗ, tinh thần quân Tống sa sút, tướng Tôn Toàn Hưng cho quân về Hoa Bộ để chờ cánh thủy quân của Lưu Trừng cùng viện binh, bất chấp sự thúc dục của Hầu Nhân Bảo.

Đây cũng là lần đầu tiên bài thơ “Nam quốc sơn hà” xuất hiện trong lịch sử. “Việt sử diễn âm” có ghi chép rằng:

Tháng bảy có Tống binh sang
Toàn những tướng mạnh binh cường ba muôn
Đến thành Phù Lỗ đóng vây
Quân ta quân nó đôi bên ngất trời
Chưa phân thắng phụ về ai
Ngày rằm tháng chạp vua nằm chiêm bao
Thấy đôi thần nhân bãi nào
Trương Hống Trương Hát bước vào quỳ thưa
Chúng tôi thần đế lòng xưa
Phụng thờ nhà chúa bấy chừ chẳng sai
Tiên Hoàng có sắc chỉ bày
Đòi về phong chức cho tôi tước quyền
Trung thần bất sự nhị quân
Chúng tôi tự vẫn làm thần đạo ngay
Thượng đế thấy bộ thương thay
Phong chúng tôi rày Quỉ bộ thần quân
Đại Hành thức dậy mừng thay
Giết trâu liền có minh tài tế khao
Đêm sau vua lại chiêm bao
Thấy mặc áo mới liền vào tạ ơn
Có một người đứng án tiền
Lĩnh được trăm áo vàn vàn quỷ binh
Lấy ra chưng đất Nam Bình
Đại Hành sực thức gẫm tình mới hay
Nửa đêm thấy một cơn mây
Bạo phong hắc ám gió bay vội vàng
Tống binh mất vía trở dường
Chúng quỷ đánh gãy đao thương liền cờ
Bỗng nghe mảng tiếng không hư
Thần nhân hiện xuống có thơ ngâm rằng

Thi vân:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư
Như hà Bắc lỗ cảm xâm phạm
Hội kiến phong trần tận tảo trừ

Còn trong “Thiên nam ngữ lục” cũng ghi chép rằng:

Bấy giờ binh mã sửa sang
Địch cùng Nhân Bảo là thằng giặc Ngô
Mười buôn binh mạnh thẳng đua
Qua miền Giang Bắc, đây là Phù Lan
Đêm thấy hai ngài đến màn
Xưng danh là Hát, xưng danh là Hồng
Giúp đời Triệu Việt có công
Thuở chẳng như lòng, ẩn nội Phù Lan…
Ơn trên Thượng đế xét thương
Quyền cho chúa tể giữ phương yên này.
Bây chừ bệ hạ đến đây
Nguyện ra giúp nước phá này giặc Ngô
Phán rằng: Tướng quan y như
Công nên thời lập miêú thờ trả ơn
Ngày sau Nhân Bảo ra quân
Trên không nghe tiếng người ngâm thơ rằng:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư
Như hà Bắc lỗ lai xâm phạm
Hội kiến phong trần tận khử trừ

Vậy nguồn gốc bài thơ này là từ đâu? Trong Lĩnh Nam chích quái, phần “Truyện hai vị thần ở Long Nhãn, Như Nguyệt” có ghi chép rằng:

Năm Thiên Phúc nguyên niên hiệu vua Lê Đại Hành, vua Tống Thái Tổ sai Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng đem quân sang đánh Đại Cồ Việt. Hai bên đối lũy cùng cầm cự với nhau ở sông Đồ Lỗ. Vua Lê Đại Hành nằm ngủ thấy hai vị Thần hiện về báo mộng. Hai vị Thần nói với vua, đại ý như sau: “Anh em thần tên là Trương Hống, Trương Hát, là tướng của Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục). Anh em thần vì nghĩa mà chết nên được phong làm tướng trong các thần linh, thống lĩnh quỷ binh. Nay quân Tống xâm phạm nước ta, anh em thần đến yết kiến, cùng giúp vua đánh giặc để cứu dân chúng.”

Vua Lê Đại Hành tỉnh dậy liền đốt hương khấn cầu thần giúp. Đêm ấy thấy một người dẫn đoàn âm binh áo trắng và một người dẫn đoàn âm binh áo đỏ từ phía Bắc sông Như Nguyệt mà lại cùng xông vào trại quân Tống mà đánh. Quân Tống kinh hoàng, lúc này bỗng có tiếng thơ ngâm lớn rằng:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư.
Như hà Bắc Lỗ lai xâm lược,
Bạch nhận phiên thành phá trúc dư.

Có thể thấy rằng đây là do Thánh Tam Giang Trương Hống Trương Hát hiển linh, giúp đánh đuổi quân Tống.

Sau này tại các cuộc chiến chống phương bắc khác, nhiều tướng lĩnh khi đi ngang qua đều không quên vào đền Thánh Tam Giang cầu mong thắng trận.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: