Mình với một người bạn có một cuộc tranh luận khá thú vị. Anh hỏi:

– Em có thể lý giải để anh hiểu vì sao người ta có thể hy sinh mạng sống của mình để cứu người khác?

– Vì đó là điều đúng.

– Nhưng anh nghĩ, với mỗi con người, mạng sống là điều quý giá nhất. Thế thì cái động lực nào dẫn dắt người ta có hành động hy sinh mạng mình để cứu người khác kể cả khi đó không phải là người thân?

– Những người hy sinh mạng sống của mình để cứu sống người khác thường được tôn vinh là anh hùng, biết hy sinh vì người khác, nhân ái bao la này nọ. Nhưng trong cái giây phút quyết định chuyện sinh tử họ là con người bình thường, họ chẳng suy tính nghĩ ngợi gì. Họ chỉ đơn giản làm điều mà họ cho là đúng đắn, và khi biết đó là điều đúng đắn thì họ làm thôi.

– Kể cả phải chết?

– Vâng, kể cả phải chết. Anh nói đúng, sinh mạng là rất đáng quý, nhưng với một số người thì có những thứ quý hơn sinh mạng, ví như: sống và chết thế nào cho có ý nghĩa. Bảo vệ các giá trị mà họ tin tưởng. Khi họ tin cái chết của họ là cái chết có ý nghĩa vì bảo vệ điều đúng hoặc làm điều đúng mà chết thì cái chết nhẹ lắm, chẳng sợ nữa. Sự hy sinh đó rất đơn giản. Với những người luôn muốn làm điều đúng thì khi biết việc đúng mà không làm họ sẽ bị ám ảnh và dằn vặt, điều đó tệ hơn cái chết.

– Đâu thể nào biết cái chết đó có ý nghĩa hay không?

– Bản thân cái việc làm điều đúng là có ý nghĩa rồi.

– Giả dụ ta chết để cứu A, sau đó A làm rất nhiều điều xấu, hại chết rất nhiều người thì ta chết vô nghĩa rồi.

– À, mình không thể lập luận như vậy. B cứu A vì B cho rằng đó là điều đúng phải làm. Việc này có ý nghĩa. Sau đó, A có những hành động sai trái thế nào thì đó là trách nhiệm của A. Ta không thể lấy tội lỗi của A để quy rằng cái chết của B vì cứu A là vô nghĩa được.

– Bản năng sinh tồn là thứ rất mạnh, vượt qua nó thì như tự sát vậy, ta lý giải thế nào về việc một người hy sinh mạng sống vì người khác bất kỳ? Bởi anh nghĩ vì nó quý giá nên nó phải được trao tặng một cách trân trọng.

– Mình đâu có quyền phán xét ai đáng sống hơn ai. Mình đâu có lựa chọn và nghĩ người đó không đáng sống bằng mình. Trong giây phút quyết định cứu hoặc không cứu ai đó, có hai trạng thái: Không cứu là vì sợ quá, đó là điều bình thường. Cứu vì đó là việc đúng cần làm, đó là người ta vượt qua được bản năng để làm điều đúng. Anh có lần nói anh hay bị người này người kia bảo sao mày gan quá, sao mày liều quá thế nọ thế kia khi anh phản biện, lên tiếng trước những bất công, sai trái trong xã hội. Trong khi đó anh thấy việc mình phải lên tiếng là điều bình thường, tự nhiên như nhu cầu tự thân chứ có gan hay liều gì đâu. Anh lên tiếng vì trong lòng anh nghĩ đó là việc đúng. Mình thấy đúng thì mình làm thôi. Thế thì chuyện người ta hy sinh để cứu mạng ai đó cũng vậy, nó cũng đơn giản thấy đúng thì làm, tự nhiên như hết hơi thì thở.

– Khác nhau mà. Nếu lên tiếng mà chết ngay thì đâu tự nhiên như hít thở được.

– Rõ ràng là mức độ cao hơn, nhưng nó vẫn thế. Anh coi giải cứu binh nhì Ryan chưa? Nếu bỏ mặc thì chỉ mỗi binh nhì chết thôi, nhưng vì giải cứu là điều đúng nên người ta phải giải cứu, vì chuyện đó mà chết nhiều người chỉ để cứu một người.

– Khi tham gia vào một nhiệm vụ như vậy thì người ta vẫn có hy vọng trở về. Nó khác với việc nằm đè lên quả lựu đạn hoặc nhảy ra hứng đạn thay cho đồng đội. Cái lựa chọn đó có hợp lý hay không?

Các anh chị có lời giải thích nào hợp lý không?

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

Xem thêm:

Mời xem video: