Vào thời thịnh Đường, văn hóa phát triển vượt trội, cả ba tín ngưỡng lớn là Nho gia, Đạo gia và Phật gia đều cường thịnh. Người dân thời này phổ biến kính tín Thần Phật, rất tin vào nhân quả. Tư tưởng tín ngưỡng của các văn nhân lỗi lạc nhà Đường như Lưu Vũ Tích, Bạch Cư Dị… cũng là như thế. Bạch Cư Dị viết: “Vô luận hải giác dữ thiên nhai, đại để tâm an tức thị gia”, ý nghĩa là không cần biết ở nơi góc biển hay chân trời, chỉ cần cảm thấy bình yên trong lòng thì đó là nhà. Mang tâm thái đơn giản, xem nhẹ danh lợi như vậy, nên Bạch Cư Dị đã từ bỏ công danh, quyết tâm theo con đường tu Phật.

Bạch Cư Dị (772-846) là nhà thơ nổi tiếng thời Đường. Ngôn từ trong thơ ca của ông dễ hiểu, mạch lạc và trôi chảy. Phong cách thơ độc đáo của ông đã trở thành một thể loại văn học được gọi là “nguyên bạch thể”. Ông có sở trường về các thể thơ ca, đặc biệt là tự sự trường ca. Trong đó “Trường hận ca”“Tỳ bà hành” là hai tác phẩm tiêu biểu, trong đó “Trường hận ca” được cho là tác phẩm thiên cổ.

Không giống như Hàn Dũ, Đỗ Phủ và một số nhà thơ khác sau khi mất mới được người đời đặc biệt tôn sùng. Ngay vào lúc sinh thời, Bạch Cư Dị đã là nhà thơ nổi tiếng, được người trong nước và ngoài nước sùng bái, hơn nữa còn có sự ảnh hưởng mạnh mẽ và lâu dài đến lịch sử.

Trong khoảng thời gian 20 năm nổi danh, các bài thơ của ông được dán ở khắp nơi như chùa chiền, đạo miếu, các bức tường… Từ vương công đại thần cho tới lão nông, trẻ chăn trâu, không phân biệt nam nữ, già trẻ, thậm chí cả những bà lão không biết chữ đều yêu thích thơ ca của ông. Lúc ấy, khắp nơi đều có những người sao chép thơ của ông để bán lấy tiền hoặc đổi lấy rượu, lấy trà để uống. Thậm chí Tể tướng cũng sẵn sàng bỏ tiền vàng ra để nhờ thương nhân mua thơ của ông.

Thi sĩ Bạch Cư Dị: Mọi thứ trên thế gian đều có mối liên hệ nhân quả
Tranh “Tây viên nhã tập đồ” của họa sỹ Cừu Anh. (Tranh: Public Domain)

Trong cả đời Bạch Cư Dị, thể loại thơ gần gũi với bình dân bách tính được viết nhiều hơn so với những nhà thơ khác. Ông rất quan tâm đến người nghèo khổ, đồng cảm với những người lương thiện, chịu thương chịu khó. Nổi tiếng trong những tác phẩm về đề tài này là “Mại thán ông”, “Quan ngải mạch”, “Liễu lăng”… Đến nay, mỗi khi đọc những bài thơ này, người ta có thể cảm nhận được lòng thiện tâm bao dung lớn lao của Bạch Cư Dị.

Ngoài sự đồng cảm với bách tính, Bạch Cư Dị cũng thường soi chiếu sự việc xảy ra xung quanh vào bản thân mình. Khi thấy một người phụ nữ lấm lem đang bế đứa bé đói khát nhặt từng hạt từng hạt lúa thừa trên cánh đồng sau buổi thu hoạch, Bạch Cư Dị tự xỉ vả mình vì đã nhận 300 giạ lúa làm lương bổng. Việc này được ghi lại trong “Quan Ngải Mạch”.

Lòng lương thiện đã dần dần dẫn dắt Bạch Cư Dị đến với tu luyện Phật giáo. Những năm cuối đời, Bạch Cư Dị tự xưng là “Hương sơn cư sĩ” dù không vào chùa. Việc tu luyện cho phép ông biết được nguyên lý rằng mọi thứ trên thế gian đều có mối liên hệ nhân quả.

Chính bởi vậy mà Bạch Cư Dị không quá quan tâm khi đối mặt với khổ nạn. Ông không phiền não khi bị giáng chức trong lúc tại vị và được chuyển đến Giang Châu làm một chức sắc nhỏ. Ông dần dần xa rời danh lợi, tha thiết nói với thế nhân rằng lời nói và hành động của bản thân sẽ mang đến phúc lành hay khổ nạn.

Trong thời kỳ thịnh Đường, rất nhiều mệnh quan triều đình và các văn nhân đều là người tu Phật, và nhiều người trong số họ đã biết được kiếp trước của mình. Bạch Cư Dị là một trong số đó.

Ông mô tả điều ấy trong một bài thơ, tạm diễn nghĩa là: “Nghe đâu Phòng Thái Úy kiếp trước là một hòa thượng tu Phật, còn Vương Hữu Thừa kiếp trước vốn là một họa sĩ. Ta xem tiền kiếp của mình, phát hiện rằng nhiều kiếp trước đã liên tục có duyên gắn bó với thi ca.” Vương Hữu Thừa chính là Vương Duy, một họa gia, thi gia, thư pháp gia nổi danh thời Đường.

Từ lời nói này, Bạch Cư Dị cho thấy nhân quả của các thiên tài kiếp này đều là do những điều họ đã không ngừng tích lũy từ nhiều kiếp trước mà tạo nên.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: