Hàng trăm hàng ngàn năm nay, trong văn hóa truyền thống, mặt trăng được ban cho những nội hàm phong phú. Có bao nhiêu những câu chuyện truyền thuyết về mặt trăng khiến người ta mong ước, có bao nhiêu thơ, từ, ca, phú về mặt trăng khiến người ta truyền tụng. Ngâm những câu thơ hay về trăng, ý tứ hình ảnh phong phú, nội hàm sâu rộng, thể hiện sự bác đại tinh thâm và vận vị vô tận của văn hóa truyền thống. Trong rất nhiều những tác phẩm thơ vịnh trăng, người sáng tác nhiều nhất không ai khác ngoài Thi Tiên Lý Bạch. Gửi gắm tấm lòng và ca vịnh trăng đã xuyên suốt cả cuộc đời thi nhân.

Thi Tiên Lý Bạch vịnh trăng, tìm về cội nguồn sinh mệnh
(Tranh minh họa: Vision Times tiếng Trung)

Lý Bạch sinh ngày 28 tháng 2 năm 701, từ nhỏ đã đọc nhiều thi thư, bác cổ thông kim. Phụ thân Lý Bạch từng đưa ông tới núi Tượng Nhĩ ở My Châu để học tập. Đến năm 708, tức năm Khai Nguyên thứ 6, Lý Bạch bắt đầu tu tập thuật tung hoành và du ngoạn Thục Trung. Năm Khai Nguyên thứ 13, Lý Bạch khoảng 25 tuổi, sau khi du ngoạn Thục Trung, ông bắt đầu mang gươm đi viễn xứ.

Năm Khai Nguyên thứ 14, Lý Bạch đến Dương Châu. Trong quán trọ, ông đã viết bài thơ “Tĩnh dạ tư” lưu danh thiên cổ, người người thích thú.

Tĩnh dạ tư

Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương

Dịch thơ:

Ánh trăng sáng trước giường
Ngỡ mặt đất mờ sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương

Về ý nghĩa bề mặt, bài thơ biểu đạt tình cảm nỗi lòng nhớ nhung sâu sắc cố hương của một người đi xa nơi đất khách. Những lời bình dị nhẹ nhàng thổ lộ, như bông sen trong hồ nước tinh khiết, không một chút điểm tô, tự nhiên thành thơ, không chút dấu vết tạo tác nào. Bởi thế người đời sau ca ngợi là “tuyệt diệu cổ kim”.

Nhưng Lý Bạch nhớ cố hương, trở về quê nhà là không còn phiền não, là hạnh phúc chăng? Trong một bài thơ khác, thi nhân đã viết: “Trừu đao đoạn thủy thủy cánh lưu, cử bôi tiêu sầu sầu cánh sầu” (Rút dao chém xuống nước nước càng chảy mạnh, nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm). Danh, lợi, tình nhân gian, nơi nào là nơi trở về? Một vầng trăng sáng, từ cổ chí kim, không một ngày rời xa, lơ lửng chiếu sáng tầng không, ánh sáng trắng khiết, thuần tịnh, đó chẳng phải cảnh giới tốt đẹp mà thi nhân gửi gắm tấm lòng đó sao?

Lý Bạch được người đời gọi là Thi Tiên vì ông trước tiên “ngẩng đầu nhìn trăng sáng”, sau đó “cúi đầu nhớ cố hương”. Nhìn từ văn hóa tu luyện, cố hương của một vị Thi Tiên ở nơi đâu? Nơi Thượng Thiên thánh khiết mới là cố hương tâm linh, tinh thần của ông, ngẩng đầu trông ngóng, cúi đầu nhớ nhung. Ngàn năm nay, biết bao người đã ngâm tụng “Tĩnh dạ tư” mà xúc động không hiểu tại sao. Bản tính người ta là muốn trở về nơi nguồn cội của tâm linh, lòng phản bổn quy chân từ nơi sâu thẳm nội tâm bị xúc động, tuy không thể minh bạch ngộ Đạo, nhưng lại vui thích mà không biết tại sao. Đây có lẽ là nguyên nhân thực sụ khiến bài thơ “Tĩnh dạ tư” được người người yêu thích, lưu truyền thiên cổ.

Từ năm 725 đến năm 742, Lý Bạch xuôi dòng Hoàng Hà xuống phía đông, lần lượt du ngoạn các nơi như Giang Hạ, Lạc Dương, Thái Nguyên. Sau ông lại du ngoạn Hà Nam, Hoài Nam và vùng Tương Ngạc (Hồ Nam và Hồ Bắc), lên phía bắc leo Thái Sơn, xuống phía nam đến Hàng Châu, Cối Kê… Những nơi ông đến, phỏng Tiên vấn Đạo, những bậc hiền nhân đều tề tựu, ông đã để lại rất nhiều bài thơ tuyệt mỹ.

Bả tửu vấn nguyệt

Thanh thiên hữu nguyệt lai kỷ thì,
Ngã kim đình bôi nhất vấn chi!
Nhân phan minh nguyệt bất khả đắc,
Nguyệt hành khước dữ nhân tương tùy,
Kiểu như phi kính lâm đan khuyết,
Lục yên diệt tận thanh huy phát
Đãn kiến tiêu tòng hải thượng lai,
Ninh tri hiểu hướng vân gian một.
Bạch thố đảo dược thu phục xuân,
Thường nga cô thê dữ thuỳ lân.
Kim nhân bất kiến cổ thì nguyệt,
Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân.
Cổ nhân kim nhân nhược lưu thủy,
Cộng khan minh nguyệt giai như thử.
Duy nguyện đương ca đối tửu thì,
Nguyệt quang thường chiếu kim tôn lý.

Dịch thơ:

Trời xanh có trăng từ thuở nào?
Ngừng chén đêm này hỏi một câu.
Người với lên trăng, vin chẳng được,
Khi đi, trăng lại mãi theo nhau.
Trăng như gương lượn bên đan khuyết,
Xóa sạch mây xanh, soi vằng vặc.
Chỉ thấy đêm từ mặt biển lên,
Hay đâu đến sáng vào mây khuất.
Thỏ ngọc giã thuốc thu lại xuân,
Thường Nga quạnh hiu ai người gần?
Người nay chẳng thấy trăng thời trước,
Người trước, trăng nay soi đã từng.
Người trước, người nay như nước chảy,
Cùng xem trăng sáng đều thế đấy.
Chỉ ước vui ca thưởng chén quỳnh,
Be vàng, trăng sáng vào rọi mãi.

(Bản dịch của Nam Trân)

Mở đầu bài thơ, thi nhân đưa ra một câu hỏi vĩnh hằng của nhân loại “Trời xanh có trăng từ thuở nào?”. Vầng trăng trên trời có từ thuở nào? Chốn nhân gian tấp nập ồn ào đều vì lợi, đối với trăng sao sáng trên trời cao xa kia, có bao nhiêu người tĩnh tâm xuống mà ngắm trông, tìm tòi những bí mật của thời không vũ trụ?

Đời người ngắn ngủi, những vầng trăng sáng trường tồn, từ cổ chí kim, việc người dễ mất, mà Thỏ Ngọc, Hằng Nga trên Cung Trăng và các vị Thần Tiên vẫn trường tồn. Lấy rượu ngâm thơ, thi nhân và vầng trăng sáng mãi cùng gìn giữ. Từ xưa đến nay, vầng trăng sáng tiêu biểu cho sự thánh khiết, lý tưởng, tinh thần và Tiên giới, bất kể nhân thế biến đổi bãi biển nương dâu, thịnh suy chìm nổi như thế nào, thì vầng trăng sáng treo trên trời cao vẫn không chiếu riêng một góc nào, không có phân biệt người xưa người nay. Trong “Bả tửu vấn nguyệt”, câu thơ “Người nay chẳng thấy trăng thời trước, Người trước, trăng nay soi đã từng” cùng với câu thơ trong bài “Xuân giang hoa nguyệt dạ” của Trương Nhược Hư “Ai người đầu đã trông trăng ấy? Trăng ấy soi người tự thuở nao?” tỏa sáng lẫn nhau, chiếu sáng vĩnh hằng, gợi mở thế nhân hướng tới cao thượng, gột sạch ô uế trần tục, cuối cùng phản bổn quy chân.

Năm Thiên Bảo thứ nhất, Lý Bạch phụng chiếu vào cung. Đường Huyền Tông xúc động vì tài hoa siêu phàm xuất chúng của Thi Tiên, tôn Lý Bạch là Hàn lâm.

Năm 744, ở thành Trường An, Lý Bạch viết bài thơ “Nguyệt hạ độc chước” (Một mình uống rượu dưới trăng), đây lại là một bài thơ nổi tiếng thiên cổ nữa của Lý Bạch vịnh trăng.

Nguyệt hạ độc chước

Hoa gian nhất hồ tửu,
Độc chước vô tương thân.
Cử bôi yêu minh nguyệt,
Đối ảnh thành tam nhân.
Nguyệt ký bất giải ẩm,
Ảnh đồ tùy ngã thân.
Tạm bạn nguyệt tương ảnh,
Hành lạc tu cập xuân.
Ngã ca nguyệt bồi hồi,
Ngã vũ ảnh linh loạn.
Tỉnh thì đồng giao hoan,
Tuý hậu các phân tán.
Vĩnh kết vô tình du,
Tương kỳ mạc Vân Hán.

Dịch thơ:

Có rượu không có bạn,
Một mình chuốc dưới hoa.
Cất chén mời trăng sáng,
Mình với bóng là ba.
Trăng đã không biết uống,
Bóng chỉ quấn theo ta.
Tạm cùng trăng với bóng,
Chơi xuân cho kịp mà!
Ta hát, trăng bồi hồi,
Ta múa, bóng rối loạn.
Lúc tỉnh cùng nhau vui,
Say rồi đều phân tán.
Gắn bó cuộc vong tình,
Hẹn nhau tít Vân Hán.

(Bản dịch của Nam Trân)

Dưới trăng, Lý Bạch coi bóng trăng là bạn, uống rượu say sưa múa hát. Thi nhân cho rằng vầng trăng sáng kia có thể đàm đạo, có thể làm bạn, mặc dù trăng không biết uống rượu, chỉ có bóng ảnh theo thân hình, nhưng thi nhân lại coi vầng trăng sáng là tri kỷ, và đã biểu đạt cảnh giới siêu nhiên của tinh thần siêu thoát ngoài vật chất.

“Lúc tỉnh cùng nhau vui, Say rồi đều phân tán”. Nhân sinh tại thế gian, giữa người với người lẽ nào chẳng như thế: sống cùng nhau tụ hợp, chết biệt ly. Trong bài thơ “Nghĩ cổ thập nhị thủ (9)” (12 bài thơ phỏng cổ – bài 9), Lý Bạch viết:

Sinh giả vi quá khách
Tử giả vi quy nhân
Thiên địa nhất nghịch lữ
Đồng bi vạn cổ trần

Dịch thơ:

Sống ta là khách qua đường
Còn khi đã chết quê hương tìm về
Đất trời quán trọ lê thê
Trần gian cát bụi não nề xót thương

(Bản dịch của Lão Nông)

Đời người như một chuyến đi, kết thúc hành trình sinh mệnh chẳng qua là sự khởi đầu mới, giữa trời đất, có người đến, có người đi, chẳng qua chỉ là một lần luân hồi mà thôi. Thi nhân mượn trăng thổ lộ tấm lòng, hé lộ ý nghĩa chân chính của đại Đạo về sự vĩnh hằng của sinh mệnh: “Gắn bó cuộc vong tình, Hẹn nhau tít Vân Hán”.

Từ “Tĩnh dạ tư” đến “Bả tửu vấn nguyệt”, cho đến “Nguyệt hạ độc chước”, thi nhân từ ngắm trăng từ xa, đến hỏi han trăng, rồi đến múa cùng trăng, đã triển hiện ra quá trình thăng hoa của cảnh giới tinh thần.

Mùa xuân năm Thiên Bảo thứ 3, Lý Bạch rời Tràng An, bắt đầu lần viễn du thứ 2 kéo dài 11 năm. Thời gian này là thời kỳ Lý Bạch sáng tác phong phú nhất.

Năm Thiên Bảo thứ 5, Lý Bạch viết “Mộng du Thiên Mụ ngâm lưu biệt”, bài thơ có hình tượng nghệ thuật đa dạng, thủ pháp biểu hiện mới lạ, được người đời truyền tụng từ đó đến nay, được coi là thi phẩm có tính tiêu biểu nhất của Lý Bạch.

Trong ‘bức tranh’ lớn với khí tượng hùng vĩ, cổng Trời mở rộng này, trăng sáng trong hồ nước trở thành người tiễn biệt thi nhân:

Ngã dục nhân chi mộng Ngô Việt
Nhất dạ phi độ kính hồ nguyệt
Hồ nguyệt chiếu ngã ảnh
Tống ngã chí Diệm Khê

Dịch thơ:

Ta muốn nhân đây mộng Ngô Việt,
Một đêm nương trăng Kinh Hồ vượt.
Trăng hồ rọi bóng ta,
Đưa ta đến Diễm Khê.

(Bản dịch của Khương Hữu Dụng)

Dưới ánh trăng tinh khiết đêm trăng chiếu rọi, Lý Bạch bay qua Kính Hồ như tấm gương sáng. Trăng sáng chiếu bóng hình hồng lên mặt Kính Hồ, lại đưa ông hạ xuống Diệm Khê. Đại thi nhân thời Nam Bắc triều Tạ Linh Vận năm xưa khi du ngoạn Thiên Mụ đã từng cư trú ở Diệm khê, Tạ Linh Vận vốn là người tu luyện. Lý Bạch nay đi đôi guốc gỗ đặc biệt do Tạ Linh Vận năm xưa chế tạo, rồi bước trên con đường đá mà Tạ Công đã từng đi: Thanh Vân Thê (thang mây xanh). Sau đó Lý Bạch ngắm mặt trời mọc trên biển, nghe tiếng gà trời, ngàn vạn đá núi chuyển động, hoa đá kỳ lạ, gấu gào rồng thét, mây xanh như mưa, nước nhạt sinh khói.

Lý Bạch viết “Liệt khuyết tích lịch, khâu loan băng tồi” (Sét đánh chớp lòa, gò nhào cồn tan). Trong tiếng sét chớp lòa đó, “động thiên đá phi, hoanh nhiên trung khai” (Động trời cửa đá, ầm ầm mở toang).

Một thế giới Thần Tiên đột nhiên xuất hiện, “thanh minh hạo đãng bất kiến để, nhật nguyệt chiếu diệu kim ngân đài. Nghê vi y hề phong vi mã, vân chi quân hề phân phân nhi lai hạ” (Xanh mờ thăm thẳm chẳng thấy đáy, ánh trời ánh trăng ngấn bạc vàng. Mặc áo ráng hề cưỡi ngựa gió, Thần trong mây hề bời bời bay xuống đó).

“Tiên chi nhân hề liệt như ma” (Người Tiên đông như cỏ gai). Quần Tiên xếp thành đội ngũ đến nghênh tiếp thi nhân. Đài vàng đài bạc tỏa sáng cùng nhật nguyệt, cảnh sắc tráng lệ, sắc màu kỳ lạ phất phới.

Từ khi rời khỏi Trường An, đến năm Thiên Bảo thứ 14, nhà Đường nổ ra loạn An Sử, Lý Bạch luôn trong các cuộc du ngoạn, tuy phiêu du bất định, nhưng ý chí ông càng kiên cường, dùng thơ để tỏ rõ chí hướng, diệt ác phù chính, không sợ quyền quý.

Năm Thượng Nguyên thứ 3, thi nhân khi đó 61 tuổi, lưu lại Đương Đồ một thời gian ngắn, đã viết bài thơ vịnh trăng cuối cùng.

Cửu nhật Long Sơn ẩm

Cửu nhật Long Sơn ẩm
Hoàng hoa tiếu trục thần
Túy khán phong lạc mão
Vũ ái nguyệt lưu nhân

Tạm dịch:

Trùng Cửu uống rượu Long Sơn
Hoa vàng cười kẻ sớm hôm lưu đày
Say nhìn gió thổi mũ bay
Ánh trăng lưu luyến kẻ hay múa này.

Tết Trùng Cửu mùng 9 tháng 9, Lý Bạch uống rượu ở núi Long Sơn (phía tây bắc Giang Lăng, Hồ Bắc ngày nay), khắp nơi hoa cúc vàng nở rộ, bất kể thi nhân đi đến đâu, đều thấy những đóa hoa vàng khai nở mỉm cười với ông. Khi say, ông ngắm di chỉ “Gió thổi bay mũ” (di tích Lạc Mạo Đài nổi tiếng ở Long Sơn), nhớ người xưa phóng khoáng, uống thỏa thích dưới ánh trăng sáng, ngắm những Tiên tử múa thướt tha dưới trăng. Cuối cùng, kết thúc bằng “nguyệt lưu nhân”, đã để lại bức tranh sinh động sự tác động qua lại giữa thi nhân và Tiên tử cung trăng: Thi nhân chìm đắm trong cảnh thoát tục quên cõi trần, trăng sáng gió mát trên cao này. Tiên tử cung trăng cũng múa thướt tha để bày tỏ ý quý tiếc không muốn rời.

Trăng cũng là hình ảnh thường xuất hiện trong thơ Lý Bạch, có trên 300 bài thơ ông đã trực tiếp hoặc gián tiếp viết về trăng. Nguyệt thố, Thường Nga, Quế tử, là khách thường xuyên của ông. Dưới cây bút của ông, trăng muôn ngàn dáng vẻ, có “minh nguyệt xuất Thiên San, thương mang vân hải gian” (Vầng trăng ra núi Thiên San, mênh mang nước bể mây ngàn sáng soi); có “thu sơn lục mộng trung, kim tịch vị thùy minh” (Núi thu trong giấc mộng xanh, vì ai trăng tỏ trăng thanh đêm này)…Tình cảm thủy chung của ông đối với trăng có thể nói là thiên hạ vô song.

Triều Đường thịnh thế được công nhận là đỉnh cao của văn hóa Trung Hoa, rực rỡ huy hoàng. Triều Đường lại là một quốc độ của thơ ca, tư tưởng Tam giáo Nho – Thích – Đạo đạt đến sự dung hợp chưa từng có trong các tác phẩm văn học. Có những vần thơ biểu đạt cái lý nhập thế, trung quân ái quốc của Nho gia, như “báo quân hoàng kim đài thượng ý” (báo đáp ơn vua xây đài cầu hiền tài). Cũng không ít những thi nhân cả đời nghiên cứu cái lý của Phật gia và Đạo gia, họ được người đương thời gọi là “Tiên tông thập hữu” (10 người bạn truy cầu cảnh Tiên). Những người này dốc sức tu dưỡng tâm tính, có người cả đời tầm Tiên phỏng Đạo, tìm kiếm con đường phản phác quy chân, đạt đến cảnh giới sinh mệnh cao hơn. Những tác phẩm thơ của “Tiên tông thập hữu”, những tác phẩm được truyền tụng rộng rãi hàng trăm hàng nghìn năm nay, chắc chắn là những vần thơ của Lý Bạch. Trong những thi phẩm này, vầng trăng sáng dưới bút của Lý Bạch giống như một tấm gương soi hết cả nhân gian, lại giống như một cánh cửa mở ra vũ trụ, thời không, khiến người đời sau mỗi lần ngắm trăng đều nhớ đến những câu thơ tuyệt mỹ này, trong tâm sinh ra sự sáng suốt, hy vọng và cảm ngộ. Hàng trăm hàng nghìn năm nay, mọi người vịnh trăng, thưởng nguyệt, tìm kiếm Thiên lý đại Đạo và ý nghĩa đích thực của đời người, khát vọng trở về với cái tốt đẹp, thiện lương và vĩnh hằng.

Đăng lại có chỉnh sửa từ “Lý Bạch vịnh trăng: Phản bổn quy chân tìm ý nghĩa đích thực của sinh mệnh”
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Thăng Hoa

Tài liệu tham khảo:

  • Nhân vật anh hùng thiên cổ: Lý Bạch
  • Lý Bạch thi toàn tập

Xem thêm:

Mời xem video: