Văn hóa Nho gia xem “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín” là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá đạo đức tu dưỡng của con người, cũng là năm đức để điều chỉnh các mối quan hệ giữa người với người trong xã hội. Trong năm đức ấy thì đức “Nhân” (lòng nhân từ, nhân ái) được xếp ở vị trí đứng đầu, đủ thấy tầm quan trọng vô cùng của nó. Kỳ thực nhân ái, nhân văn là một tiêu chuẩn phổ quát của con người nói chung, vượt ra ngoài tín ngưỡng cụ thể, người ta khi làm việc làm người, đều nên lấy người khác làm trọng.

Lòng biết ơn, âm đức, Đạo làm người: Hoa dù tàn vẫn lưu lại dư hương
(Ảnh minh họa: Bubbers BB, Shutterstock)

Trong sách “Luận Ngữ” có ghi chép lại câu chuyện như sau.

Có một hôm, chuồng ngựa bị thiêu cháy. Khổng Tử vào thiết triều xong ra về, điều đầu tiên ông hỏi là: “Có người nào bị thương không?” Ông không hề hỏi về tình trạng của bầy ngựa.

Vào thời Xuân Thu, ngựa là tài sản vô cùng quan trọng không chỉ về tiêu chí và thân phận, mà còn là phương tiện giao thông và công cụ tham gia chiến trận rất trọng yếu. Tuy nhiên, giữa người và ngựa, điều Khổng Tử xem trọng là người, chứ không phải là vật.

Khổng Tử rất nhiều lần bàn về đạo “Nhân”. Khi dạy dỗ các môn sinh của mình, ông sẽ tùy theo tính cách của mỗi người mà giáo dục chữ “Nhân” này một khác. Tỉ như biết tật lớn nhất của trò là không quan tâm tới người khác, thì Khổng Tử bèn nói: “Nhân giả ái nhân dã”, tức là người có lòng nhân từ thì phải biết yêu mến và bảo hộ người khác. Với một người không thể xử lý tốt mối quan hệ với người khác, Khổng Tử lại nói rằng: “Nhân giả nhị nhân dã”, ý rằng chữ “Nhân” (仁) ấy là do chữ “con người” (人) và “số hai” (二) ghép thành, hàm ý hy vọng học trò có thể chung sống hoà thuận với người khác.

Từ “nhân văn” xuất hiện sớm nhất trong “Kinh Dịch”: “Cương nhu giao thác, thiên văn dã. Văn minh dĩ chỉ, nhân văn dã. Quan hồ thiên văn dĩ sát thời biến; quan hồ nhân văn dĩ hóa thành thiên hạ.” Nhu với cương giao trộn với nhau, mà thành thiên văn. Văn minh mà lại có hạn chế, ấy là nhân văn. Quan sát sự vận hành của thiên văn, để xem biến đổi thời thế. Coi trọng nhân văn, để giáo hoá người trong thiên hạ.

Liên quan đến từ “nhân văn” cũng có rất nhiều chú giải. Trình Di thời Tống giải thích trong cuốn “Y Xuyên Dịch Truyện”: “Thiên văn, thiên chi lý dã; nhân văn, nhân chi đạo dã.” “Thiên văn” chính là quy luật vận hành thiên thể, bao gồm trình tự sắp xếp và sự vận hành của mặt trời, mặt trăng và các vì sao, sự thay đổi luân phiên của âm dương và thời tiết. “Nhân văn” chính là đạo lý làm người, bao gồm luân thường đạo lý, lễ nhạc giáo hóa, tu dưỡng đạo đức nhân loại.

Người hiện đại có cách lý giải về nhân văn không giống vậy. Khoa học nhân văn chỉ là những thứ như triết học, văn học, nghệ thuật, lịch sử, ngôn ngữ, v.v.. Nhưng đó chỉ là bộ môn, còn cốt lõi của nhân văn là ở việc lấy người làm trọng, coi trọng, tôn trọng, quan tâm và bảo hộ đối với nhân loại.

“Thiên địa chi gian nhân vi đại”, giữa trời và đất, con người là trọng. Đây không phải ý nói là con người muốn làm gì thì làm nấy. Nếu như lừa Trời dối Đất, báng bổ Thần linh, bất kính với tín ngưỡng, hủy hoại tự nhiên, thì chỉ có thể mang đến cho nhân loại tai họa to lớn. Trong rất nhiều tôn giáo và tín ngưỡng đều nói rằng Thần tạo ra con người dưới hình tượng của Thần. Vạn vật trong trời đất nơi thế gian đều là vì con người mà tồn tại, vì con người mà được Thần tạo ra. Nhưng bản thân nhân loại phải thấu hiểu đạo lý “Thiên nhân hợp nhất”, thuận ứng lẽ Trời và bảo hộ tự nhiên, bởi lẽ nếu không có Trời đất và tự nhiên thì nhân loại cũng mất đi chỗ dựa để sinh tồn.

Ở đây còn có một tầng hàm nghĩa là làm người thì không thể điên đảo giữa người và vật. Bất kể là động vật, tài vật, cũng chỉ có thể quý tiếc nhưng không thể vô độ, phá hoại nguyên tắc làm người. Ví như ngày nay có người đối xử với con vật còn hơn cả con người. Người ăn xin ngoài đường không được xem trọng bằng một con vật được cưng chiều trên bàn ăn. Đây đều là những việc làm hao tổn phúc đức, bại hoại luân thường.

Bất kể là giáo dục, gia đình, công tác, trị quốc, cho đến tu dưỡng cá nhân… đều phải lấy người làm trọng, xoay quanh nhân loại và căn bản của việc làm người. Nếu không hiểu rõ về căn bản thì sẽ trôi nổi bất định, không nắm vững được trọng điểm. Nếu như tìm về căn bản thì nhân sinh chính là bài học quan trọng và cao thâm nhất.

Dựa theo “Văn hóa Thần truyền: Lấy nhân loại làm trọng
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Minh Nguyệt

Xem thêm:

Mời xem video: