Đạo Đức Kinh là tác phẩm kinh điển của nhà tư tưởng Lão Tử, được các học phái Đạo gia thời Xuân Thu Chiến Quốc tôn là điển tịch sáng lập Đạo gia. Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử nói rất nhiều câu đơn giản nhưng lại vô cùng hữu ích, khai sáng tâm linh cho người đọc về mối quan hệ giữa Trời Đất và người.

Lão Tử: Phúc đức sinh ra bởi biết đủ, tai họa sinh ra bởi lòng tham
(Tranh minh họa: Widodo, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Câu thứ nhất

Nhân pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên pháp Đạo, Đạo pháp Tự nhiên.

Tạm dịch:

Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo Tự nhiên

Sự vận hành của Trời và Đất là gần với Tự nhiên nhất. Cá bơi trong nước, chim bay trên trời, hoa nở hoa rơi, mặt trời và mặt trăng luân phiên, bốn mùa thay đổi… Vạn vật trong Trời Đất đều đã được một lực lượng an bài. Hơn nữa, hết thảy sự an bài này đều hết sức có trật tự. Đây chính là Đạo.

Cá sẽ không nghĩ: “Ta vì sao không thể bay trên bầu trời?” và chim cũng sẽ không nghĩ: “Ta vì sao không thể bơi trong nước?” Mùa đông qua đi sẽ không trực tiếp tới mùa hè, và mùa thu cũng không thay thế được vị trí của mùa xuân… Đây chính là Đạo.

Lão Tử giảng rằng Trời, Đất và người là có mối liên hệ thâm sâu và đều có căn nguyên cuối cùng là Đạo. Người ngàn vạn lần không thể vì thỏa mãn dục vọng của bản thân mà ra sức phá hư trật tự hài hòa của Trời Đất. Bởi vì, một khi Trời không yên, Đất không tĩnh thì chịu tổn hại nhất vẫn là người.

Cho nên, người cần sống thuận theo Đất, thuận theo Trời, thuận theo Đạo. Lão Tử giảng người phải biết kính sợ Trời Đất.

Câu thứ hai

Trì nhi doanh chi, bất như kì dĩ. Sủy nhi duệ chi, bất khả trường bảo. Kim ngọc mãn đường, mạc chi năng thủ. Phú quý nhi kiêu, tự di kì cữu. Công toại thân thối, thiên chi đạo dã.

Tạm dịch:

Tích lũy cho đầy không bằng dừng lại đúng lúc. Nhuệ khí nếu quá cường thịnh thì không thể bảo trì được lâu dài. Trong nhà vàng ngọc có chất cao như núi thì cũng không ai có thể giữ nổi. Giàu sang mà thêm kiêu ngạo là tự rước lấy họa. Công thành rồi thì nên lui về, đó là đạo Trời.

Thiên Đạo tuần hoàn một cách hoàn hảo. Con người có “sinh, lão, bệnh, tử”, vạn vật có “thành, trụ, hoại, diệt”. “Thành, trụ, hoại, diệt” là thuật ngữ dùng trong Phật giáo. “Thành” là chỉ sự vật xuất hiện. “Trụ” là chỉ sự vật phát triển phồn thịnh trong một giai đoạn thời gian. “Hoại” là bắt đầu đi xuống dốc. “Diệt” là tất cả về hư không. Vạn vật nơi thế gian, không gì là không như vậy.

Người ta thường muốn thủ giữ sự cương mãnh, nhưng cương thì dễ gãy. Người muốn lưu giữ tài sản nhưng giàu là không kéo dài nhiều đời. Người muốn duy trì quyền lực nhưng quyền lực là không thể được lâu dài mãi.

Lão Tử khuyên mọi người cần “trống rỗng”. Trống rỗng mới có thể chứa được ngoại vật, do đó không được ôm giữ, không được chiếm hữu. Trong Luận Ngữ có chép, Tăng Sâm khen ngợi Nhan Hồi: “Hữu nhược vô, thật nhược hư”, có mà như không, đầy mà như trống rỗng. Trống rỗng mới có thể dung nạp được hết thảy, mới không gây ra oán thù. Trống rỗng mới có thể không luyến tiếc quyền lực, nên bỏ liền bỏ, nên đi liền đi.

Lão Tử khuyên mọi người nên có mức độ. Trống rỗng là cảnh giới, còn có mức độ lại là công phu. Đối với người thế gian mà nói, giữa người với người là có ranh giới, không thể mạo phạm. Đối với việc lấy hay bỏ vật chất mà nói, chỉ lấy cái cần thiết, không lấy cái ham muốn. Đối với con người và tự nhiên mà nói, Trời Đất có cái tận mỹ mà chẳng nói, chỉ có thể quan sát từ xa mà chẳng thể khinh nhờn, đùa cợt.

Lão Tử khuyên mọi người cần biết dừng. Trong “Xích Bích phú”, Tô Đông Pha cũng viết: “Ở trong trời đất, vật đều có chủ, nếu không phải của mình thì một sợi tơ cũng không được lấy. Duy chỉ có gió mát trên sông, trăng sáng trên núi thì cứ dùng chẳng hết, là kho tàng vô tận của tạo hóa”. Do đó, mỗi người đều cần phải biết dừng.

Câu thứ ba

Cố vật hoặc tổn chi nhi ích, hoặc ích chi nhi tổn.

Tạm dịch:

Hết thảy sự việc, có lúc thấy là bị tổn thất, nhưng trái lại lại có lợi ích, có lúc thấy có lợi ích nhưng trái lại lại bị tổn thất.

Con người hiện đại ngày nay dường như rất sòng phẳng. Tôi làm cho anh bao nhiêu việc, anh trả cho tôi bao nhiêu tiền. Bảo một người làm một việc nào đó, người ấy nhất định phải hỏi lợi ích thế nào? Hễ nơi nào “văn minh vật chất” tràn tới, thì tất cả đều lấy lợi ích hiện thực làm tiêu chuẩn để đánh giá tốt xấu. Không có lợi ích rõ ràng thì có đáng làm không? Hết thảy đều là một tư duy như vậy.

Người xưa vốn rất coi trọng sự cân bằng, lâu dài và hài hòa trong tổng thể. Bất kể sự việc gì cũng có hai mặt âm dương, dương tăng trưởng thì âm tiêu hao, âm tiến thì dương thoái. Vấn đề mấu chốt không phải là dương chiếm bao nhiêu, âm chiếm bao nhiêu thì mới thích hợp, mà là âm dương cân bằng mới là phù hợp nhất với Đạo của Trời Đất.

Đôi khi tạm thời có lợi, nhưng phá hoại cân bằng âm dương thì đối với sự ổn định của tương lai có ảnh hưởng tiêu cực vô cùng to lớn. Đôi khi tạm thời chịu tổn thất, nhưng lợi cho duy trì cân bằng âm dương thì đối với sự hài hòa trong tương lai có tác dụng thúc đẩy rất to lớn. Cho nên các bậc Thánh hiền thời cổ đại thường không nói lợi thế nào, mà thường nói “Đức”, bởi “Đức” thuận theo Đạo Trời, mang đến phúc phận, là điều chịu tải âm dương. “May mắn”“phúc lành” coi trọng hiệu quả tích lũy lâu dài của “Đức”, mà không chú trọng được mất trước mắt. Cũng bởi vậy mà người xưa thường nói “cát nhân”“thiên tướng”. Người có thể tích đức làm việc thiện, thuận Thiên đạo sẽ được Trời bảo hộ.

Trong “Liễu Phàm tứ huấn” nổi tiếng về cách thay đổi vận mệnh của Viên Liễu Phàm đời Minh thì những ghi chép thực chất đều xoay quanh câu nói: “Mệnh do kỷ lập, phúc tự kỷ cầu”, mệnh do mình tạo nên, phúc do mình cầu được (Xem thêm: Trí tuệ cổ nhân: Giải án oan, được phúc báo). “Kỷ lập” ở đây không phải là tự mình làm bừa, mà là có Thiên mệnh. Cái gốc của “kỷ lập” chính là đức, chính là thiện, chính là do lựa chọn của bản thân trước mỗi sự việc trong cuộc đời. Còn như người vì muốn có được “lợi” mà cố tình đi tìm việc thiện, có đi khắp nơi, nhọc thân tốn tiền, cũng chỉ là “vì lợi” mà thôi, đâu thể gọi là “kỷ lập” được.

Lão Tử giảng: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, Đạo Trời không thân với ai, mà thường ở chỗ người Thiện. Các bậc Thánh nhân, các vị tôn sư trong thiên hạ đều dạy con người một chân lý rằng, tích đức hành thiện mới được phúc lành, tu luyện quay về với chân ngã mới là ý nghĩa của cuộc sống.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: