Hôm qua khi giao lưu với độc giả tại phố sách – Hà Nội với chủ đề “mỗi đứa trẻ là một thiên tài” tôi có nói một ý thế này. Đó là thành công, thành tựu của các thiên tài như Newton, Edison, Einstein… không phải là kết quả thuần túy của nỗ lực cá nhân hay nỗ lực của gia đình cá nhân đó. Thực chất nó là sự hun đúc, kết tinh của truyền thống, của cộng đồng, của di sản tinh thần, vật chất của hàng chục, thậm chí hàng trăm thế hệ trước cộng hưởng lại.

Các thiên tài ấy ra đời, lớn lên và tỏa sáng trong bầu không khí của hàng triệu triệu người háo hức truy tìm chân lý, sùng bái và ngưỡng mộ những người truy tìm cái mới, cái chưa biết và sung sướng hưởng thụ niềm vui trí tuệ trong cuộc sống hàng ngày thông qua thưởng thức, sáng tạo văn chương, nghệ thuật, khoa học…

Bầu không khí này vô cùng quan trọng với nhân tài và thiên tài. Nó như bầu trời xanh cho con chim bay, hồ nước rộng cho con cá bơi.

Nói nôm na thì không có hàng chục triệu người vỗ tay và say mê bóng đá, cơ hội để có cầu thủ đỉnh cao rất khó và nếu có họ cũng bỏ đi.

Vậy nên, làm sao để xây dựng được bầu không khí đó cho trẻ em, thanh thiếu niên là điều người lớn cần suy ngẫm chứ không phải giản đơn là đầu tư tiền cho con mình, cháu mình học thật nhiều, luyện thật chăm các môn giáo khoa hay có các chứng chỉ ngoại ngữ với thành tích tốt để đi du học là được. Việc chưa có cả người gốc Việt nào đoạt giải Nobel trong cả thế kỉ qua là điều rất đáng suy ngẫm.

Những nguyên nhân sâu xa của các vấn đề xã hội thường sẽ được tìm thấy ở trong văn hóa và truyền thống.

Và như một quy luật, muốn chinh phục, vượt qua được truyền thống cũ – truyền thống tiêu cực thì chỉ có cách là tạo ra truyền thống mới. Xét ở góc độ văn hóa, mọi biện pháp dù mạnh để xóa bỏ truyền thống cũ một cách tức thời đều sẽ thất bại.

Vì vậy, với những người quan tâm tới văn hóa đọc, việc tạo ra thói quen đọc sách ở từng nhà, văn hóa đọc ở từng gia đình là điều vô cùng quan trọng. Dần dần sẽ tạo ra một truyền thống ở gia đình, cộng đồng, xã hội… Trên nền tảng đó dần dần sẽ có các ngôi sao sáng.

Không gì buồn hơn khi ở ta phải nghe những lời tiêu cực và thái độ, hành vi tiêu cực với việc đọc sách từ chính những người có học, tốt nghiệp đại học trở lên thậm chí có thể là nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà thơ… Hơn ai hết, những người làm nghề đó phải yêu tiếng mẹ đẻ, yêu thích việc đọc và nỗ lực truyền bá giá trị của văn hóa đọc tới mọi người. Nếu họ không yêu điều đó (cho dù nó gắn với nghề nghiệp của họ) thì ai sẽ yêu, ai sẽ quý sách vở và trân trọng việc đọc?

Nguyễn Quốc Vương
Tựa do tòa soạn đặt

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: