Tôi xem một đoạn phim tình cảm gia đình của Mỹ, chẳng nhớ tên phim hay tên diễn viên, chỉ nhớ vài cảnh, và đó là những cảnh mà ta rất thường gặp trong đời thực ở bất kỳ xã hội nào. Hai chị em gái ở bên giường bố trong bệnh viện lúc ông bị đột quỵ nhẹ. Hai cô cãi nhau. Cô em cho rằng mình là một kẻ hèn nhát và chị mình là người dũng cảm. Cô chị thì nhận ngược lại. Cô em cãi, “Bố luôn nói em là đứa hèn nhát và chị là người dũng cảm.” Cô chị lại nói, “Không. Bố nói chị là đứa hèn nhát và em mới là người dũng cảm…” Cô em vì lời nói của bố mà sinh lòng đố kỵ. Sự đố kỵ thời thơ ấu đó không được giải tỏa, nó kéo dài trong suốt nhiều năm làm cho cô em chỉ có thể cảm thấy yêu chị khi ở xa, lại gần là cãi nhau, và không coi gia đình chị là gia đình mình.

Trong các gia đình người Việt, ta vẫn thường thấy ba mẹ ông bà so sánh đứa lớn đứa nhỏ và con mình với con hàng xóm khi dạy con. Cái đứa “con hàng xóm”, “con nhà người ta” là nỗi ám ảnh không nguôi của hầu hết những đứa trẻ Việt. Nếu bạn may mắn không dính việc bị so sánh với “con nhà người ta” thì bạn cũng sẽ dính những trường hợp khác.

Bạn làm gì cũng không thể làm cho cha mẹ hài lòng và tự hào, lời khen rất hiếm khi được trao cho bạn. Bạn vẽ một bức tranh bằng sự tưởng tượng của tuổi thơ, người lớn sẽ bảo nó nguệch ngoạc và cố gắng bắt bạn phải vẽ thế này thế này, phải tô đúng trong đường kẻ, phải vân vân hằng ti tỉ thứ. Bạn cố bắt chước mẹ, cố giúp mẹ rửa cái chén thì bị chê bẩn và bị đuổi đi chỗ khác, họ sẽ bảo bạn chỉ lợi dụng việc rửa bát để có cơ hội nghịch nước mà thôi. Dĩ nhiên, họ nói đúng, nhưng điều ấy thật ác với một đứa trẻ.

Thật khó để lấy được lời khen ngợi từ người lớn. Muốn lấy được nó bạn phải là “thần đồng”, phải làm tính chính xác và nhanh như gió, phải nói một ngoại ngữ nào đó thông thuộc như tiếng mẹ đẻ, phải đàn hay, hát giỏi và phải biết trình diễn cho bạn bè của người lớn xem mỗi khi họ yêu cầu và yêu cầu lần nữa lần nữa… bắt bạn biểu diễn như con khỉ trong đoàn xiếc với mục đích để khoe, mặc kệ bạn có muốn hay không. Vâng, khi và chỉ khi bạn làm được những điều mà họ không thể làm được thì họ mới khen tặng bạn. Và thậm chí ngay cả khi bạn làm được thì họ cũng tiết kiệm lời khen lắm vì họ quan niệm rằng khen nhiều quá sẽ làm bạn “kiêu hãnh”.

Khó khăn lắm mới lấy được lời khen của người lớn nhưng những lời chê trách quát tháo hoặc bảo bạn tránh ra chỗ khác vì người lớn đang bận việc gì đó…. thì bạn lại phải nghe thường xuyên. Họ luôn bận một cái gì đó. Thế giới của họ thật kỳ lạ, chả lúc nào ngưng bận lại một chút, họ có thể quát bạn xê ra và họ bảo họ bận ngay cả lúc mắt họ đang dán vào màn hình xem một bộ phim hay trận bóng đá.

Và một điều đáng ghét nữa là họ luôn đổ thừa mọi thứ vất vả, cực khổ mà họ phải chịu trong ngày “là vì con”. Bạn nghe câu này lặp đi lặp lại không biết chán từ miệng của họ và tự hỏi mình sinh ra để làm gì? Tại sao mình lại được sinh ra để làm khổ người khác? Và khi bạn không thể nói chuyện với họ, bạn giải quyết vấn đề mà bạn gặp phải theo cách mà bạn biết. Cái cách đó có thể ngốc nghếch, dở òm, nhưng đó là cách duy nhất mà bạn biết.

Điều tệ hại xảy ra tiếp theo là gì? Là họ sẽ chất vấn bạn tại sao bạn không nói với họ mà lại tự giải quyết vấn đề của mình?! Nghĩa là, tất tật mọi tội nợ phiền toái và khốn khổ đều dễ dàng thông qua lời nói đổ lên đầu bạn một cách vô tư, hồn nhiên, không hề băn khoăn, không hề có chút mảy may suy nghĩ. Và kể cả khi bạn đúng, họ sai, họ cũng không bao giờ xin lỗi bạn, không bao giờ thừa nhận sai lầm vì họ là ba mẹ, họ nghĩ họ sinh bạn ra thì bạn phải mang ơn điều đó, họ sở hữu bạn và bạn phải ngoan ngoãn làm mọi thứ họ bảo.

Và điều đáng buồn, đáng trách, đáng thương là họ không biết họ đã gây ra sự tổn thương nào cho tâm hồn của trẻ. Họ sinh đẻ, nuôi dạy con theo cách hoàn toàn bản năng. Một thứ bản năng sai lệch bởi nhân danh các thứ giáo điều, truyền thống, văn hóa và xã hội. Và nó là một cái vòng tròn được lặp đi lặp lại từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Bạn thường xuyên bị ba mẹ đánh thì rất khó có khả năng bạn sẽ không đánh con cái mình. Bạn khó nhận được lời khen ngợi của ba mẹ thì bạn cũng sẽ không hào phóng lời khen với bạn bè, người xung quanh và bạn luôn ép con bạn bằng cách, “Ngày xưa bố (mẹ) phải… mà còn chưa được khen đây này!” Bạn có thấy sự ẩn ức tuổi thơ của chính bạn trong câu nói đó không?

Dĩ nhiên, phần đông ba mẹ luôn thương yêu con và con cái yêu thương ba mẹ nhưng họ luôn làm tổn thương nhau vì không biết cách. Họ không hiểu sức mạnh của ngôn ngữ. Một lời chê trách hoặc vô tâm có thể khiến một người trở nên thất bại, thất vọng và có những quyết định sai lầm, bi quan, buồn bã, cuộc đời rẽ sang hướng tiêu cực. Một lời khen ngợi, động viên, trao đổi đúng lúc, đúng cách có thể khiến một người vui vẻ, hạnh phúc và thành công.

Tục ngữ Việt Nam có câu, “Lời nói không mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” rất hay nhưng chính nó cũng bị hiểu méo mó theo hai cách. Cách một, người ta ăn nói vòng vo dài dòng rào trước đón sau, nói mé nói tránh… để tránh mích lòng nên thành không còn sự thẳng thắn và chân thật, mất nhiều thời gian mà lại cũng dễ gây hiểu lầm hoặc làm người tiếp nhận bị rối rắm trong mớ chữ nghĩa. Cách hai, người ta chê đó là giả tạo và không cần thiết phải lựa lời, nhất là đối với “người trong nhà”. Thế là người ta có thể suồng sã nói ra những chỉ trích, phán xét không cần kiềm chế, không cần suy xét vào nhau.

Nguyễn Thị Bích Ngà

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây

Xem thêm cùng tác giả:

Mời xem video: