Nhà văn Victor Hugo từng nói: “Trên thế giới thứ rộng lớn nhất là đại dương, nhưng thứ rộng lớn hơn lại là bầu trời, mà thứ còn rộng hơn cả bầu trời lại chính là lòng người.” Bao dung thì luôn được lợi và người làm thành được sự nghiệp thì nhất định phải có lòng bao dung rộng lớn. Lâm Tắc Từ, một vị quan nổi tiếng thời xưa cũng viết: “Hải nạp bách xuyên, hữu dung nãi đại; bích lập thiên nhận, vô dục tắc cương”, biển vì có thể dung nạp trăm nghìn con sông mà trở nên rộng lớn, vách núi nghìn trượng sừng sững vì không mang dục vọng mới có thể giữ mình cương trực. Đây cũng là nói đến trí huệ của lòng bao dung.

Thứ có thể rộng lớn hơn bầu trời chính là lòng người
(Ảnh minh họa: Andrey Armyagov, Shutterstock)

Biển rộng mênh mông không bờ không bến là bởi vì nó không cự tuyệt bất kỳ một giọt nước nào. Núi cao sừng sững vạn trượng không thể với tới là bởi vì nó không cự tuyệt bất luận một hòn đá nhỏ nào. Lẽ trời cũng là lẽ của con người, chính bởi vì có thể bao dung mới có thể như biển rộng, núi cao, cải thiện được mối quan hệ giữa con người và con người, thành tựu được sự nghiệp to lớn.

Cổ ngữ có câu: “Cái trán của Tướng quân rộng đến mức có thể phi ngựa, bụng của Tể Tướng rộng đến mức có thể chèo thuyền”. Một người có tấm lòng quảng đại, rộng lớn bao nhiêu thì sự nghiệp sẽ to lớn bấy nhiêu. Bởi thế bao dung là một loại khí phách, cũng là một loại trí huệ.

Trong cuộc sống, có lẽ mỗi người chúng ta đều từng mắc phải một tật xấu, đó là người khác đối với chúng ta có mười điểm tốt và một điểm không tốt thì mười điểm tốt kia đều sẽ bị chúng ta gạt bỏ toàn bộ chỉ trong nháy mắt. Người ta thường có xu hướng nhớ kỹ khuyết điểm và sai lầm của người khác dù chúng rất nhỏ bé, nhớ kỹ những lúc bị người khác xem thường. Vì thế có những lúc nhìn ai cũng thấy sự xấu xa, càng nhìn thì lại càng thấy người khác không thể chấp nhận nổi.

Nhưng chúng ta lại thường quên mất rằng, người khác chính là chiếc gương phản chiếu chính mình. Nhìn vào “chiếc gương” với nét mặt như thế nào thì từ trong gương sẽ phản xạ lại hình ảnh như thế ấy. Bạn nở nụ cười nhìn vào “chiếc gương” thì hình ảnh mà bạn nhận được là một gương mặt rạng rỡ, tươi vui. Còn khi dùng nét mặt giận dữ, cau có nhìn vào “chiếc gương” thì hình ảnh mà bạn nhận lại chẳng phải là một gương mặt xấu xí? Gieo trồng loại hạt giống nào thì sẽ thu hoạch được loại quả đó. Bởi thế dùng nội tâm bao dung, chúc phúc mà đối xử với người thì tự nhiên thứ thu hoạch được cũng sẽ là chúc phúc, bao dung.

Những người có tu dưỡng sẽ dùng trí tuệ để xử lý việc của bản thân, đồng thời cũng sẽ đứng ở góc độ của người khác để suy nghĩ, tôn trọng người khác. Khi một người thể hiện lòng tôn trọng đối với chúng ta, không nhất định là bởi vì chúng ta vĩ đại, nhưng nhất định là bởi vì họ là người có tu dưỡng. Khi chúng ta có thể vì người khác mà suy nghĩ thì tự nhiên sẽ học được cách thông cảm với người khác, bao dung người khác, đồng thời cũng có thể nâng cao được cảnh giới tu dưỡng của chính bản thân mình.

Người có tu dưỡng có thể vì người khác suy nghĩ, đồng thời cũng là dùng tâm từ bi, lòng bao dung đi thành tựu người khác, thành tựu chính mình. Người có thể thực sự tôn trọng người khác, đối xử tử tế, thông cảm với người khác mới có thể có được cảnh giới tu dưỡng cao, mới có thể ở trong sự vẩn đục của thế tục mà đạt được sự yên tĩnh nội tại.

“Người thiện, thì ta thiện; người không thiện, ta vẫn cứ thiện, đó chính là thiện”. Trong mọi việc con người đều lưu giữ thiện tâm, lấy thiện đãi người, dù có chịu thiệt thòi trước mắt thì cũng không mất đi tín niệm trong lòng, như vậy sẽ được người yêu mến, được trời đất phù trợ, chính là thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Biển rộng nguyện ý dung nạp những giọt nước thanh khiết nhất, và cũng nguyện ý dung nạp những giọt nước dơ bẩn nhất. Tâm lượng quảng đại cần có sự công chính vô tư làm nền tảng, không bao che cho sai lầm của người khác, không dung túng để người khác phạm sai lầm. Nhưng lòng bao dung sẽ tạo cơ hội tốt cho người khác sửa sai. Có những lúc, bao dung đem lại kết quả tốt đẹp hơn gấp ngàn lần sự trừng phạt.

Có một tác gia nổi tiếng từng nói: “Một con người vĩ đại có hai trái tim: Một trái tim chảy máu và một trái tim bao dung”. Khổng Tử cũng giảng: “Khoan dung thì được lòng mọi người”. Trong kinh Phật cũng dạy: “Chỉ một ý niệm cũng khiến hoàn cảnh thay đổi”. Cho nên, chỉ một câu nói, một hành động nhỏ hay chỉ một nụ cười thôi đã đủ để khiến cho người xấu quay đầu hướng thiện.

Trăng sáng có thể chiếu rọi cho những nơi sông núi mịt mờ, cũng có thể chiếu rọi lên khắp mặt đất, không chê một ai. Làm người, vừa phải có tâm lượng quảng đại, bao dung được những thứ tốt và không tốt, còn phải bao dung chính mình, bao dung người khác và bao dung vạn vật.

Tục ngữ nói: “Vàng không thuần khiết, người không ai hoàn mỹ”. Khi đối mặt với sai lầm của người khác, nếu như canh cánh để ở trong lòng và đòi đáp trả thì sẽ chỉ khiến cho tâm linh của bản thân thêm nặng, thêm trầm trọng mà thôi. Thay vì để cho thù hận gặm nhấm tâm linh, chịu đựng thống khổ, chi bằng hãy mở rộng lòng mà bao dung hết thảy, chẳng phải chúng ta sẽ được thản nhiên và tự tại hay sao?

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: