Tử Tư, họ Khổng, tên Cấp, là cháu nội của Khổng Tử, người đời sau gọi ông là “Thuật Thánh”. Ông là một nhà tư tưởng nổi tiếng đầu thời Chiến Quốc. Trong thời chiến loạn, Tử Tư không từ gian khổ đi du thuyết khắp các quốc gia, cố gắng hoằng dương đạo đức, và khuyên nhủ các vị quân vương trị vì bằng lòng nhân từ, yêu thương bách tính, nỗ lực vãn hồi nguy cơ trong xã hội. Tinh thần kiên định, theo đuổi chân lý, uy vũ bất khuất của Tử Tư đã ảnh hưởng sâu sắc đến hậu thế.

Thuật Thánh Tử Tư: Cháu nội Khổng Tử trong thời loạn thế
(Tranh qua Sound Of Hope)

Từ nhỏ Tử Tư đã rất có chí hướng. Chuyện kể rằng, một hôm, thấy Khổng Tử thở dài một mình, Tử Tư bèn hỏi Khổng Tử: “Phải chăng ông đang lo lắng con cháu không kế thừa gia nghiệp của tổ tiên, hoằng dương đạo đức? Hay vì ngưỡng mộ đạo của vua Nghiêu và vua Thuấn nhưng bản thân lại không được như họ?” Khổng Tử nói: “Cháu còn nhỏ như vậy, làm sao biết được chí hướng của ta?” Tử Tư đáp: “Cha mẹ chặt củi, con cái không cõng củi thì thật xấu hổ. Mỗi khi nghĩ đến đây, con lại nỗ lực học hành, không dám có chút lười nhác, để mai này cũng có thể hiểu đạo cứu đời.” Khổng Tử nghe cháu nội nói vậy thì vui vẻ: “Vậy là ta không phải lo lắng nữa rồi.”

Tử Tư khổ học sách thánh hiền, ông nói: “Thành giả, thiên hạ chi đạo dã” (Chân thành là đạo của thiên hạ). Thiên đạo là công lý tại thế gian, thể hiện ra ở mỗi Đạo, mỗi Giáo một góc nhìn. Nho gia yêu cầu con người phải lấy chữ Nhân (nhân ái) làm gốc, cầu điều thiện, giảng đức hạnh và hành vi phải đồng nhất với nhau.

Một lần Mạnh Tử thỉnh giáo Tử Tư về chữ “Thành”, Tử Tư giảng rằng: “Nền tảng của việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ là tu thân, dưỡng tính. Mà điều quan trọng của việc tu dưỡng đạo hạnh chính là chữ Thành (chân thành). Đó là phép tắc của Thiên thượng, theo đuổi sự chân thành là phép tắc làm người. Tâm ý vô cùng chân thành mà không thể lay động lòng người, là việc chưa từng có. Không chân thành không thể cảm hóa lòng người. Người quân tử không bao giờ tự lừa dối lòng mình, lại càng phải cẩn trọng hơn khi ở một mình.”

Thời đại mà Tử Tư sống là xã hội trong tình trạng lễ nhạc băng hoại nghiêm trọng, chư hầu tranh bá, bách tính lầm than.

Khi nước Vệ gặp chiến loạn, Tử Tư đã tiến cử Cẩu Biện làm tướng cho vua nước Vệ. Ông nói: “Cẩu Biện rất tài năng.” Vua nước Vệ nói: “Ta biết. Nhưng khi Cẩu Biện làm quan, có lần thu thuế đã ăn hai quả trứng của dân, vậy nên ta không dùng ông ta.” Tử Tư nói: “Thực tế, mỗi người đều có sở trường nhưng mỗi người cũng đều có khi mắc lỗi. Dẫn dắt và giáo dục ông ta một cách đúng đắn, thần tin rằng ông ấy sẽ hối cải. Không nên vì vậy mà bỏ qua sở trường, chán ghét không dùng người này!” Vua nước Vệ bái tạ Tử Tư nói: “Ta chấp nhận đề nghị của ngài.”

Sau này, Tử Tư nghe kể khi Vua nước Vệ đưa ra kế sách sai lầm, thì quần thần nước Vệ vẫn một mực phụ họa theo. Tử Tư bèn nói: “Ta nghĩ nước Vệ quả thực là quân chẳng ra quân, thần chẳng ra thần.” Công Khâu Ý Tư hỏi. “Vì sao?” Tử Tư nói: “Quân vương tự cho mình là đúng, không suy xét đúng sai mà vui thích để người khác tán dương bản thân. Điều này thật vô cùng ngu muội. Không phán đoán sự tình liệu có đạo lý hay không, chỉ một mực a dua nịnh hót, đây là điều đê tiện, là đang khuyến khích cái ác. Những người ở trên bách tính mà như vậy, thử hỏi bách tính sao có thể toại nguyện? Khi người khác chỉ ra lỗi của mình, thì nghe thấy vui mới là thái độ mà các bậc hiền nhân tôn sùng.”

Tử Tư luôn hướng tới việc giáo hóa người dân bằng đạo đức, thi hành đức trị. Dẫu thân ở hoàn cảnh nào, ông cũng chưa bao giờ dao động chí hướng. Ông gạt sự sống và cái chết cá nhân sang một bên, ngăn cản chư hầu tranh giành quyền lực và những hành vi ỷ mạnh hiếp yếu.

Có lần, Hồ Mẫu Báo, người nước Lỗ, nói với Tử Tư: “Ông nên suy xét thực tế, phải dung hòa với thực tế!” Tử Tư nói: “Điều ta lo lắng chỉ là chí hướng và đạo đức không đủ cao xa. Ta hy vọng có thể dung hòa cả thế giới, là vì để thực hiện con đường nhân đức. Nếu ta phản bội chí hướng, khí tiết của mình và Thiên đạo mà tìm cách dung hòa với thế gian, thì ta còn việc gì đáng làm trên đời này? Đó là tội lỗi, nên ta sẽ không bao giờ thay đổi đạo nghĩa mà mình theo đuổi.”

Tử Tư đã đi khắp các nước để hoằng dương đạo đức. Ông nhận được sự kính trọng của rất nhiều chư hầu, cũng như sự yêu mến của bách tính. Học trò của ông ngày càng nhiều. Lỗ Mục Công mời ông về làm tướng quốc, nhưng Tử Tư lại lấy lý do dạy học làm trọng mà khéo léo từ chối. Tử Tư một đời nghèo khổ, ông lý giải hàm nghĩa của phú quý như sau: “Không tranh đoạt của người thì gọi là Phú, không làm nhục người thì gọi là Quý, không tranh đoạt, không làm nhục thì gọi là Phú Quý.”

Tằng Thân, con trai của Tằng Tử từng hỏi Tử Tư: “Cúi mình vì để hoằng dương Đạo chăng, giữ gìn chí hướng cao thượng mà thân ở nơi nghèo hèn chăng?” Tử Tư nói: “Để hoằng dương Đạo, ta nguyện làm vậy. Nay thiên hạ rối ren, đúng là thời điểm thích hợp. Cúi mình cầu phú quý, chi bằng giữ chí hướng cao thượng mà thân ở chốn nghèo hèn. Cúi mình có thể ước chế người, giữ gìn chí hướng sẽ không thẹn với Đạo.” Tử Tư cho rằng: “Đạo là thứ không thể rời dẫu chỉ trong giây lát, có thể rời thì không còn gọi là Đạo nữa.” Sự lựa chọn giữa “Đạo”“Thời thế” của Tử Tư đã thể hiện khí tiết cao thượng và chính khí hạo nhiên của bậc thánh hiền.

Tử Tư tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc lễ nghi và đạo đức. Ông kế thừa Khổng Tử, viết cuốn sách kinh điển của Nho gia “Trung Dung”, có ảnh hưởng rất lớn đến hậu thế.

Mỗi thời kỳ thịnh thế trong lịch sử đều là thời kỳ có chuẩn mực đạo đức xã hội cao, lòng dân hướng thiện. Mỗi lần đến thời loạn lạc và thời mạt thế đều sẽ xuất hiện cảnh con người theo đuổi ham muốn vật chất, theo đuổi quyền lực, đạo đức suy thoái. Vì vậy, ở những thời kỳ khác nhau đều có bậc thánh nhân xuất thế cứu đời, duy hộ chuẩn mực đạo đức và khai sáng thiện niệm trong tâm của con người.

Theo Minghui.org tiếng Trung
Tác giả: Dũng Thư, Văn Tư Mẫn

Xem thêm:

Mời xem video: