Ngay trung tâm Sài Gòn xưa có một tòa nhà mang kiến trúc Pháp với bốn mặt tiền Trần Hưng Đạo – Ký Con – Yersin – Lê Thị Hồng Gấm, phía trên có dòng chữ “NG.V.HAO”. Đó chính là tòa nhà Nguyễn Văn Hảo – biệt thự của một trong những thương gia giàu có nhất Sài Gòn trước 75, chủ rạp hát “hàng không mẫu hạm” Nguyễn Văn Hảo (rạp Công nhân ngày nay) với sức chứa hàng ngàn người hiện đại nhất Sài Gòn những năm 50 của thế kỷ trước.

Thuong gia Nguyen Van Hao di san mat mat 04
Dòng chữ “NG.V.HAO” trên tòa nhà. (Ảnh: Manhhai, Flickr, CC BY 2.0)

Miền Nam nửa đầu thế kỷ 20 đã đạt được những bước nhảy vọt vượt bậc trong kinh tế, xuất hiện những doanh nhân tài ba với cơ nghiệp khổng lồ như: Huỳnh Văn Hoa (Chú Hỏa), Trương Văn Bền, Lê Phát An, Nguyễn Hữu Hào, Lê Thanh Liêm, Trần Trinh Trạch và trong đó có cả Nguyễn Văn Hảo.

Ông Hảo đi lên từ nghề bán phụ tùng xe hơi, sau làm đại diện vỏ ruột xe hơi cho hãng Michelin của Pháp – một thương hiệu được ưa chuộng và rất thịnh hành ở Sài Gòn thời điểm đó. Ông cũng từng kinh doanh xe hơi nguyên chiếc với nhiều thương hiệu như Fiat, Lancia, Nash…

Từ nghề nông tới thợ sửa xe chuyên nghiệp

Ông Nguyễn Văn Hảo sinh năm 1890 tại ấp Long Thuận, xã Nhị Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, trong một gia đình làm nông. Cha của ông có ba người vợ, ông Hảo là con thứ ba của người vợ thứ ba.

Bấy giờ, người anh cùng cha khác mẹ của ông Hảo, ông Nguyễn Văn Kiện, làm chủ một tiệm buôn bán phụ tùng xe hơi ở đường Nguyễn An Ninh. Ông Kiện xin cha đưa ông Hảo lên Sài Gòn phụ việc và được đồng ý. Ở Sài Gòn, nhờ thông minh chịu khó, ông Hảo đã học hỏi được nhiều điều, và cuối cùng trở thành thợ chính tại tiệm.

Thương gia Nguyễn Văn Hảo: Những di sản và mất mát
Đầu đường Trần Hưng Đạo (Galliéni) bên trái là giao lộ với Calmette, bên trái là nhà ga sài Gòn và đường Phạm Ngũ Lão. (Ảnh: Harry Hallman, Manhhai, Flickr, CC BY 2.0)

Rành kỹ thuật lại có năng khiếu buôn bán, ông Hảo sớm tích lũy được vốn liếng, đưa vợ lên Sài Gòn và xin phép anh tự mở tiệm riêng. Được ông Kiện đồng ý, ông Hảo mở tiệm phụ tùng xe hơi ở số 21 – 23 đường Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo quận 1). Bên cạnh phụ tùng xe hơi, ông Hảo còn mở thêm một cây xăng bơm tay để kinh doanh xăng, dầu nhớt.

Phất lên nhờ phụ tùng xe hơi

Thời điểm này ở miền Nam, giao thông vận tải có một sự phát triển vượt bậc. Sau khi người Pháp chiếm miền Nam và “bảo hộ” miền Bắc, Trung thì họ đã đem vào Việt Nam, nhất là miền Nam, rất nhiều máy móc và phương tiện vận tải, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế chính trị cũng như khai thác tài nguyên. Phong trào sử dụng xe đò bấy giờ cũng nở rộ.

Bên cạnh đó, nhiều công ty xe hơi đã được dựng lên, phần lớn có trụ sở trong địa hạt quận 1 trước 1954, một số có công ty đại diện ở các tỉnh lớn như Hà Nội Hải Phòng, làm đại lý cho hãng xe Pháp Peugoet, Citroen, Renault, Simca, Packard, Panhard, hãng xe Mỹ như Ford, Chrysler, General Motors, xe Anh như Vauxhall, Austin, Morris và xe Đức như Opel, Volswagen, xe Ý như Fiat, Nhật như Toyota, Hond, v.v.

Trong làn sóng này, nhu cầu mua bán phụ tùng xe hơi càng ngày càng lớn, các tiệm phụ tùng mọc lên, làm không hết việc.

Tiệm của ông Hảo nằm ở vị trí trung tâm đắc địa, và quan trọng là bán đúng giá, lại có vợ ông Hảo mau mắn, chịu thương chịu khó, không kể giờ giấc đêm hôm, nên rất đắt khách. Tiệm ông Hảo còn có hình thức động viên cánh tài xế, trích thêm một chút khuyến mãi cho họ, nên đây là nơi cánh tài xế thường tìm đến mỗi dịp cần.

Giai thoại bán xe hơi

Đến khoảng năm 1940, khi vốn liếng dồi dào, ông Hảo bắt đầu nhập xe hơi nguyên chiếc về bán. Ông bán qua xe của nhiều thương hiệu như Fiat, Lancia, Nash…, chẳng kém gì các showroom xe hơi ngày nay.

Cái hay của ông Hảo là dù kinh doanh mặt hàng xe hơi dành cho dân có tiền nhưng ông không bao giờ phân biệt khách. Người ta thường truyền nhau một giai thoại về cách làm ăn của ông thế này:

Một lần garage xe của ông Hảo tiếp một vị khách hết sức đặc biệt. Sáng hôm đó khi garage vừa mở cửa, có một ông khách quê mùa, mặc áo dài khăn đóng khá cũ vào hỏi mua xe hơi. Nhân viên bán hàng tính ra đuổi vì nghĩ ăn mặc như vậy thì không thể có tiền mua xe, nhưng do ông Hảo đang đứng gần đó nên nhân viên không dám vô phép.

Vị khách này sau khi coi xe đòi nhân viên đề máy. Ông khách nghe tiếng máy kêu êm êm xong cất tiếng hỏi ngắn gọn: “Bao nhiêu tiền?”. “Gần 3.000 đồng bạc”, anh nhân viên trả lời mà giọng vẫn e dè.

Ông khách mở cửa ngồi lên xe nhún vài cái rồi nói: “Hình như nhíp hơi kêu. Anh cho thêm miếng dầu vô nhíp đi”.

Nói xong, vị khách kêu tính tiền. Sau cuộc mua bán nhanh gọn, ông Hảo sai người đưa chiếc xe ra cây xăng trước nhà tính “khuyến mãi” cho khách một thùng xăng đầy.

Tuy nhiên, vị khách không chịu mà chỉ “xin” 5 lít. Ông Hảo ngạc nhiên hỏi lý do. Lúc này vị khách mới kể thực ra ban đầu ông không thích nhãn hiệu xe Nash của ông Hảo đang bán mà thích chiếc xe Ford (Mỹ) bán ở garage Scama người Pháp (nằm trên đường Lê Lợi hiện nay).

Trước đó, ông khách đã ghé garage này để hỏi mua. Tuy nhiên, viên quản lý người nước ngoài và nhân viên khi thấy bộ dạng rách rưới và kỳ quái của khách đã đuổi khách đi. Ông ta buộc phải tìm qua hãng xe của ông Hảo.

Đổ xăng xong, vị khách sai người làm chở xuống garage xe đã đuổi ông, rồi tới trước mặt vị quản lý người Pháp nói ngắn gọn bằng tiếng Pháp: “Vì mày đuổi nên tao phải qua garage ông Nguyễn Văn Hảo mua chiếc này. Bây giờ tao chạy xe qua tiệm mày để mua xăng”.

Nghe vị khách kể lại, ông chủ người Pháp đuổi việc luôn cả viên quản lý người Pháp và nhân viên người Việt. Vụ đó, ông Hảo lời 600 đồng Đông Dương sau khi bán được chiếc xe Nash.

Sau khi tính tiền và làm thủ tục xong, ông khách rút sau lưng cái mo cau gập làm đôi trong đó từng xấp tiền 100 đồng bạc Đông Dương nhiều không thể tả. Sau này tìm hiểu ông Hảo mới biết vị khách lập dị kia là một trong những người giàu nức tiếng ở miền Tây khi đó, từng là bạn khá thân với ông Trần Trinh Trạch (thường gọi Hội đồng Trạch) – thân phụ của công tử Bạc Liêu.

Giá xe hơi khi đó chừng 2.000 đồng bạc Đông Dương (1 đồng đổi được 17 franc Pháp). Ngoài việc buôn bán xe hơi, garage của ông Hảo còn làm luôn chuyện sửa các loại xe, cạnh tranh ngon lành với các garage Charner bán xe Peugeot, garage Auto Hall bán xe hiệu Citroen, garage Scama bán xe Ford của người Tây nằm gần đó.

Ông Hảo còn làm đại diện vỏ ruột xe hơi của Hãng Michelin (Pháp) – một thương hiệu được ưa chuộng và rất thịnh hành ở Sài Gòn thời gian này.

Những di sản và mất mát

Khoảng năm 1933, ông Hảo mua miếng đất ở đường Trần Hưng Đạo – Ký Con – Yersin – Lê Thị Hồng Gấm, 4 mặt tiền để xây nhà. Việc xây nhà từ năm 1933 cho đến năm 1937. Tòa nhà có diện tích 800m2, được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp. Gạch bông lót nền nhà được đưa từ Pháp qua. Do lúc đó chưa có xi măng nên phải lấy mủ cây trộn với vôi cát, nước để xây. Hai bên hông nhà có khắc chữ “NG.V.HAO”. Tầng trên cùng của tòa nhà có một hồ bơi nhỏ, tuy nhà có hai lầu nhưng có gắn cả thang máy.

Thương gia Nguyễn Văn Hảo: Những di sản và mất mát
Cư xá Nguyễn Văn Hảo góc Trần Hưng Đạo – Bùi Viện. (Ảnh: Manhhai, Flickr, CC BY-NC 2.0)

Năm 1940, ông Hảo mua đất và xây dựng rạp Nguyễn Văn Hảo để phục vụ sở thích cải lương của mình. Nhà hát này một thời được coi là “hàng không mẫu hạm” của giới cải lương vì nó có sức chứa hơn 1.200 khách. Đây là rạp hát lớn nhất, nổi tiếng nhất, nằm ở ví trí trung tâm của Sài Gòn – Chợ Lớn.

Thương gia Nguyễn Văn Hảo: Những di sản và mất mát
Rạp Nguyễn Văn Hảo, đường Trần Hưng Đạo. (Ảnh: Manhhai, Flickr, CC BY-NC 2.0)
Thuong gia Nguyen Van Hao di san mat mat 02
Quảng cáo trước rạp Nguyễn Văn Hảo. (Ảnh: Manhhai, Flickr, CC BY 2.0)

Năm 1960, ông Hảo về quê mua đất xây chùa Hảo tâm tự, gọi nôm na là chùa ông Hảo. Chùa ông Hảo tọa lạc trên diện tích khoảng hơn 8.000 m2, theo lối kiến trúc nửa ta, nửa Tây với điểm nhấn là ngôi tháp cao 9 tầng. Quanh Chùa có những bức tranh phù điêu vẽ cảnh Nhà hát Nguyễn Văn Hảo, du thuyền ông Hảo dùng đi từ Sài Gòn về Càng Long… Ông Hảo cũng cho xây dãy phố lầu hoành tráng gần Chùa và còn xây một khu chợ cho người dân tới lui mua bán.

Năm 1966, người vợ đầu của ông Hảo qua đời, ông trả môn bài về ở quê Càng Long sống. Công ty Nguyễn Văn Hảo cũng ngưng hoạt động. Các tài sản ông Hảo ở Sài Gòn, ông giao hết cho người con trai cả quản lý.

Năm 1968, Chùa ông Hảo xây xong cũng là lúc chiến sự diễn ra ác liệt. Ngôi chùa trở thành nơi trú thân của người dân từ khắp nơi, và dù khách lạ hay quen, giàu hoặc nghèo, cũng đều được ông Hảo giúp đỡ tận tình cơm gạo, thuốc men. Đất quanh chùa ông cho dân mượn cấy lúa.

Sau năm 75, trải qua nhiều biến cố, những tài sản lớn như nhà hát, ngôi nhà bốn mặt tiền, garage, cây xăng… của ông Hảo đều bị tịch biên. Rạp Nguyễn Văn Hảo bị đổi tên là Rạp Công Nhân. Chùa ông Hảo bị niêm phong, nhiều vật dụng quý trong chùa bị thất lạc.

Năm 1979, khi người vợ ông Hảo chọn chăm sóc Chùa qua đời, toàn bộ khu đất bị thu lại. Sau đó chùa bị chính quyền trưng dụng làm bệnh viện, rồi cho làm thư viện và khu vui chơi cho trẻ em. Ngày nay, ngôi chùa đã hoang phế.

Ngôi nhà bốn mặt tiền của ông Hảo hiện tầng trệt do chính quyền quản lý, con cháu ông Hảo chỉ được sử dụng hai tầng lầu dãy phía trước, phải ra vào qua chiếc cổng nhỏ ở đường Ký Con của toà nhà. Mọi đồ đạc có giá trị trong căn nhà trước đây hầu như đã bị bán mất…

Dựa theo bài viết đăng trên Fanpage Sài Gòn Xưa
Lê Nguyên

Xem thêm:

Mời xem video: