Âm nhạc có thể trị bệnh không phải là một điều mới lạ trong y học truyền thống phương Đông và phương Tây. Nhưng kỳ thực khả năng trị bệnh không chỉ đúng với âm nhạc, các tác phẩm mỹ thuật chính diện cũng có tác động rất tốt tới tinh thần và thể chất của con người.

Trong cuốn “Thi Lâm Quảng Ký” có ghi chép về Tần Quán, một trong bốn vị học sĩ theo trường phái của Tô Đông Pha vào thời Triết Tông Bắc Tống. Tần Quán làm quan cai quản việc dạy học tại quận Nhữ Nam. Mùa hè năm nọ, bệnh viêm ruột của ông phát tác, ông nằm dưỡng bệnh tại phủ quan. Mặc dù chạy chữa thuốc thang nhưng bệnh tình của ông vẫn ngày một trầm trọng.

Cao Phù Trọng, một người bạn thân của Tần Quán bèn mang bức tranh “Võng Xuyên Đồ” của Vương Duy tới thăm và nói với ông rằng: “Xem xong bức tranh này của Vương Duy ông sẽ khỏi bệnh.”

Thưởng lãm tranh cũng có thể trị bệnh
Một họa phẩm sông núi của Vương Duy. (Public Domain)

Tần Quán nghe đại danh của bức “Võng Xuyên Đồ” đã lâu nhưng chưa từng được nhìn thấy, nên nhận được bức tranh ông vô cùng hoan hỉ. Tần Quán lập tức lệnh cho 2 tiểu đồng hầu cận mang bức tranh “Võng Xuyên Đồ” trải xuống dưới giường, ông nằm trên giường thưởng lãm.

Trong cuốn “Đường Triều Danh Hoạ Lục” ghi lại rằng trên bức tranh “Võng Xuyên Đồ” có vẽ 20 điểm thắng cảnh. Có thơ về tranh rằng:

Sơn Cốc uất bàn,
Vân thuỷ phi động.
Ý xuất trần ngoại,
Quái sinh bút đoan.

Tạm dịch nghĩa là:

Sơn cốc quanh co,
Mây nước vờn quanh.
Ý xuất trần ai,
Xuất sinh tuyệt bút.

Đây là lời khen rằng cảnh vật trong bức tranh sống động như thực.

Khi thưởng lãm bức tranh Tần Quán đột nhiên thấy mình như đang được cùng Vương Duy ngao du giữa nơi sơn thuỷ hữu tình, cùng nhau ngâm vịnh thoát khỏi nơi thế tục, mà quên mất hoàn cảnh của bản thân. Chỉ vài ngày sau bệnh của Tần Quán tự nhiên tiêu mất.

Thưởng lãm tranh cũng có thể trị bệnh

Thưởng lãm tranh cũng có thể trị bệnh
Trích đoạn từ một họa quyển của Vương Duy. Bức “Võng Xuyên Đồ” cũng là một họa quyển sông núi rất dài. (Public Domain)

Vì sao một tác phẩm nghệ thuật lại có thể trị bệnh? Bởi bên trong nó có bao hàm cả sự lịch duyệt và kinh nghiệm nhân sinh của bản thân người họa sĩ, bởi vậy người xem tranh không chỉ là quan sát tranh, mà còn bị ảnh hưởng bởi cảnh giới tinh thần của tác giả. Bên cạnh đó, những nhà thẩm định tranh và đồ cổ chuyên nghiệp nhất có thể từ khía cạnh này mà biết được một tác phẩm là nguyên gốc hay chỉ là phỏng theo hoặc sao chép.

Việc thưởng lãm những tác phẩm thuần chính, mỹ hảo rất hữu ích cho con người; ngược lại nếu xem những tác phẩm âm u bất hảo sẽ có hại cho con người. Tranh cũng như người, những người đức hạnh càng cao thì tác phẩm của họ càng mang tới hiệu quả tích cực cho con người. Ngược lại, nếu truy cầu giải phóng tư tưởng và giải phóng tạo hình trong sáng tác, thì điều nhận được sẽ là các tác phẩm mang năng lượng không tốt. Rất nhiều tác phẩm của phái hiện đại đã vô tình hay cố ý đi lạc sang con đường này.

Người họa sĩ chân chính không chỉ có đôi tay tuyệt mỹ với kỹ nghệ điêu luyện, mà điều quan trọng hơn là việc tu dưỡng của bản thân họ. Là những nghệ thuật gia, ngoài tài năng ra, điều cần chú ý hơn là có thể truyền được nguồn năng lượng thuần chính cho xã hội.

Tại Đông phương hay Tây phương cũng vậy, các tác phẩm nghệ thuật đạt đến đỉnh cao đều có cùng một đề tài: tín ngưỡng. Mái vòm nhà nguyện Sistine, quần thể tượng Phật tại hang đá Long Môn, những căn phòng của Raphael, hay Thiên Phật Động tại Đôn Hoàng, tất cả những tác phẩm hội họa, điêu khắc và kiến trúc này mang đến cho con người sự hướng thượng, thăng hoa về tâm linh, và năng lượng chính diện mạnh mẽ.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: