Những người lớn tuổi thường hay dặn dò con cháu như thế này: “tích đức, làm việc tốt”. Khi có người làm việc thương thiên hại lý, cổ nhân thường có câu rằng: “thất đức, tổn đức”. Vậy đức ấy là gì?

Cổ nhân thường nói "tích đức, thất đức" - Đức ấy là gì?
(Ảnh minh họa: Bubbers BB, Shutterstock)

Người xưa có câu: “Đức phối thiên địa, thiên tất hữu chi”, có nghĩa là đạo đức của người ta mà hài hòa với trời đất thì trời đất ắt sẽ phù trợ. Phong thủy lớn nhất của đời người chính là đức, chỉ khi nào có đạo đức tốt, nhân ái, lương thiện thì hạnh phúc thật sự mới tìm đến gõ cửa.

Phong thủy lớn nhất của đời người chính là đức

Chữ “德” (đức) được tạo thành từ 5 bộ, bao gồm: “彳”, “十”, “罒”, “一” và “心”. Ý nghĩa như sau:

  • Bộ “彳” (xích) có nghĩa là bước đi chậm rãi, cũng có nghĩa là đức cần phải tích lũy lâu dài. Muốn tích đức thì cần luôn giữ thiện tâm, không phải là nhất thời hứng chí. Phúc đức là kết quả nỗ lực liên tục của cả một đời người.
  • Bộ “十” (thập) có nghĩa là nhiều, là đầy đủ, thập toàn thập mỹ, mười phân vẹn mười, ngụ ý là bất cứ lúc nào hay bất cứ nơi đâu cũng đều phải có thiện tâm, phải đức độ, khoan dung với mọi người.
  • Bộ “罒” (võng) thực chất là bộ mục (con mắt) nằm ngang, nhấn mạnh người có đức có thể nhìn thấy rõ những điều không chân chính, có thể nhận biết được đâu là đúng đâu là sai, đâu là tốt đâu là xấu.
  • Bộ “一” (nhất) là tổng thể, ý rằng người luôn có tầm nhìn bao quát, không ích kỷ, luôn chính trực, lý trí, trung thành, trong lòng không có tạp niệm, không lo lắng mới là người có đức.
  • Bộ “心” (tâm) là nói đến nội tâm, bồi dưỡng “đức” cần phải dựa vào tu ở tâm, chân tâm, thành thâm, chung tâm. “Tâm” nằm ở vị trí cuối cùng của chữ “đức” cho thấy đức là ở tận đáy lòng.

“Đức” có nghĩa là đạo đức, phẩm đức, phẩm hạnh. Những tính tốt như chân thành, kiên trì, nhẫn nại, vị tha, v.v. đều được gọi là “đức tính”. Người hay làm điều thiện, tấm lòng bao dung lại được gọi là người “đức độ”. Trong xã hội xưa kia, dù là bình dân bá tánh, quan lại hay kẻ làm vua đều phải biết “tu dưỡng đạo đức”. Điều đó đủ để thấy rằng một chữ “đức” đã gồm thâu lại tất cả những phẩm chất tốt đẹp của con người.

  • Mời quý vị xem thêm video: Âm đức nghĩa là gì? Vì sao lại gọi là “âm”?

Có một câu nói rằng: “Âm dương phong thủy hữu thiện chủ, thử đạo tà dâm nan hữu phúc. Cực thiện chi gia hữu dư khánh, đức phối thiên địa thị chân đồ.” Có nghĩa là phong thủy âm dương chỉ dành cho người sống thiện, những kẻ gian tà mưu mô dâm loạn thì khó mà có phúc. Những người ở lành thì sẽ dư dả, đức hòa hợp với trời đất là con đường đúng đắn nhất.

Mặc dù ngày nay đức không được coi trọng như trước kia, nhưng điều đáng quý là, thi thoảng chúng ta lại có dịp thốt lên một câu rằng: “tài đức vẹn toàn”. Có tài mà không có đức thì sẽ gây họa loạn cho xã hội. Có người nói rằng có đức mà không có tài thì cũng vô dụng thôi. Nhưng không phải thế, có đức thì tất sẽ có tài. Nếu không phải cái tài ở phương diện kỹ thuật thì sẽ là cái tài khiến người khác mến phục tin tưởng, bởi vì đức chính là tiêu chuẩn để nhân loại nhận định tốt xấu, phân biệt đúng sai. Chính vì thế, có đức là có tất cả!

Thanh Trúc

Xem thêm:

Mời nghe radio: