Chúng ta không chỉ nghe, nói, đọc, hát tiếng mẹ đẻ,
mà chúng ta thương, yêu, quý, trọng tiếng mẹ đẻ của chúng ta!
Nhưng có nhiều cách thương trên đời này, vì chuyện thương, yêu, mến, mộ
cũng là chuyện của trình độ của thức,
trong đó kiến thức xây tri thức, ý thức dựng nhận thức.

Tiếng mẹ hay lòng mẹ?

Chúng ta không chỉ nghe, nói, đọc, hát tiếng mẹ đẻ, mà chúng ta thương, yêu, quý, trọng tiếng mẹ đẻ của chúng ta! Nhưng có nhiều cách thương trên đời này, vì chuyện thương, yêu, mến, mộ cũng là chuyện của trình độ của thức, trong đó kiến thức xây tri thức, ý thức dựng nhận thức. Hãy dùng thí dụ của bài Mười thương: «một thương tóc xõa đuôi gà…» của miền Bắc, bài này như đã ngấm vào não bộ ta rồi theo ta cả đời từ tuổi biết yêu đương cho tới khi “dứt kiếp”; trong đó một chàng trai có đủ mọi lý lẽ (cả mười lý trên mười lý) để yêu một người con gái, để tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ. Khi người miền Bắc vào miền Nam, sống và hít thở ngôn ngữ miền Nam, nhiều người đã yêu mến và trân quý bài Mười thương của miền Nam: «Một thương tiếng vịt kêu chiều…»; trân quý bài này, vì ngay trong câu đầu một thương đã không còn tụ trên thân thể của một người phụ nữ, mà đi cao, sâu, xa, rộng trong thương tiếng vịt kêu chiều. Ngay trong câu đầu, không những có một động vật rất gần gũi cõi người, mà vịt còn biết kêu cả một vũ trụ (chiều). Câu chuyện ngôn ngữ, cũng như rất nhiều chuyện trên đời này vẫn là câu chuyện của trình độ tri thức, trong đó ngôn ngữ nói lên chiều cao, chiều sâu, chiều rộng của nhân sinh quan (nơi mà tầm nhìn nâng tầm vóc cho nhân sinh), cho nên có những nhân sinh quan rộng hơn các nhân sinh quan khác, vì nó mang theo thế giới quan của muôn loài, vũ trụ quan của muôn vật, để hỗ trợ cho nhân sinh quan của chính nó.

Chúng ta vừa đi từ Bắc vào Nam, bây giờ chúng ta đi ngược lại từ Nam ra Bắc, khởi hành từ miền Nam với ca khúc Lòng mẹ, của nhạc sĩ Y Vân: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình… Tình mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào… Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ… Thương con thao thức bao đêm trường… Thương con mẹ hát câu êm đềm… Bao năm nước mắt như suối nguồn… Vẫn mong quay về vui vầy dưới bóng mẹ yêu.”. Những người Việt hát ca khúc này (hát to hoặc hát thầm), họ không hát như hát các ca khúc khác, họ hát về mẹ của họ bằng tình cảm thân thương trong trân quý mẹ, không bằng kỹ thuật âm nhạc mà bằng cái thân thương giờ đã thành thân kính, khi người đã thành nhân, vì người Việt rõ hơn ai hết: “Sống lâu mới biết lòng người có nhân”. Đưa được lòng kính trọng của con tới mẹ trong một ca khúc, ca từ thành thật trong nhạc điệu trầm lắng, và cứ như vậy mà đi sâu vào lòng người, không qua sáo ngữ, đây là thành công lớn của nhạc sĩ. Y Vân là một nhạc sĩ với những ca từ lạc quan, với những giai điệu yêu đời, biết sống vui để vui sống, nhưng trong ca khúc Lòng mẹ, không như trong các ca khúc khác của ông, ông đã gởi được nỗi nhớ, nỗi thương cả nỗi buồn, nỗi tiếc khi mọi người trong chúng ta phải sống xa mẹ, rồi mất mẹ.

Nhưng tiếng mẹ (đẻ) qua lòng mẹ nằm sâu lắng trong cõi rất Việt tộc, chúng ta đừng quên bài: Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa của thi sĩ Nguyễn Duy, đây có lẽ là bài thơ về mẹ, đi thật sâu vào lòng mỗi người Việt, ngay khi ta đọc, nghe bài này chỉ lần đầu. Nó đi sâu rồi đọng lại thật lâu, nên nghe nó lần đầu chúng ta sẽ cứ trở lại với nó để… nghe, đọc, ngâm, hát nó “suốt kiếp”. Khi ta đi lần mò trong nghiên cứu, đi dò dẫm trong điều tra, đi gạn lọc trong điền dã kiểu dân tộc học văn hóa và nghệ thuật, để có một nhận xét được khách quan hóa qua khảo sát, thì đây có lẽ là bài thơ về mẹ loại hay hàng đầu của nhân loại. Vì nó hội tụ được nhân sinh quan (làm con để hiểu mẹ bằng cuộc sống); thế giới quan (làm con để thương mẹ qua sự sống); vũ trụ quan (làm con để thương mẹ rồi thương muôn loài, muôn vật). Hơn thế nữa, cõi rất Việt tộc mà bài thơ này đã tạo được có cái đẹp đi cùng cái hay của tiếng mẹ đẻ; một thứ tiếng mẹ đẻ của hệ thuần, nơi mà cái thuần chất Việt làm sáng cái thuần tính Việt, làm ngời cái thuần huyết Việt, đây là chuyện khó làm; và là chuyện hiếm trong thi ca và nghệ thuật:

Bần thần hương huệ thơm đêm
Khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn
Chân nhang lấm láp tro tàn
Xâm xâm bóng mẹ trần gian thuở nào…

Chân dung của mẹ được vẽ lên khi mẹ đã qua đời rồi! Đó là bi kịch của mỗi chúng ta chỉ thấy rõ hình ảnh mẹ khi mẹ đã rời cuộc sống này, rời chúng ta: khói nhang đây! Chân nhang đây! Nhưng mẹ không còn nữa! Lạ thay, hình ảnh mẹ lại vô cùng sinh động trong não bộ ta: xâm xâm bóng mẹ trần gian thuở nào! Câu chuyện nghệ thuật của tiếng mẹ đẻ qua lòng mẹ có trong chúng ta là người đã qua đời, đã ra đi rồi, nhưng luôn hiện hữu trong cõi sống của chúng ta, và sự hiện hữu lại là sự-sống-của-sự-sống:

Mẹ ta không có yếm đào
Nón me thay nón quai thao đội đầu
Rối ren tay bí tay bầu
Váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa…

Hình ảnh mẹ sinh động lạ thường, rõ ràng qua mạch lạc, sáng trong ký ức, rồi ngời trong trí tuệ của ta qua hệ lương: chúng ta thấy một hình ảnh mẹ lương thiện trong lao động, dày lương tri trong hành tác nuôi con, luôn đầy lương tâm với con cái. Mẹ rối ren trong chuyện nuôi gia đình, váyáo nhuộm cả thời gian dằng dặc của bốn mùa, trong không gian nhuộm bùn của con người dãi nắng dầm mưa, lao động trong một nắng hai sương, tìm kế sinh nhai vì con bằng thức khuya dậy sớm. Qua hình ảnh mẹ là cả một vũ trụ Việt, có động vật và thực vật, được lồng vào câu ca mẹ trong lời mẹ ru, làm nên vừa nhân vị, vừa phẩm chất của lòng mẹ:

Cái cò sung chát đào chua
Câu ca mẹ hát gió đưa về trời
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru…

Khi Ta đi trọn kiếp con người, thì đứa con đã thật sự trải nghiệm với cuộc đời, đã đầy kinh nghiệm với cuộc sống, nhưng khi trưởng thành rồi vẫn nhận ra: cũng không đi hết mấy lời mẹ ru. Vì trong lời mẹ ru có mang theo hệ đạo, tại đây đạo lý (hay, đẹp, tốt, lành) làm nên đạo đức để nâng luân lý hiểu trách nhiệm, biết trách nhiệm của mình đối với con cái. Chính hệ đạo này làm nên hệ nhân nơi mà nhân đạo của mẹ có đường đi nẻo về của nhân nghĩa trong nhân từ làm nên gốc, rễ, cội, nguồn của nhân lý, để chế tác ra nhân tính có trong mỗi chúng ta. Tại đây, ta thấy có nhân tri về sự hy sinh của mẹ sẽ làm nên nhân trí của ta về cuộc sống, vì mình mà cũng vì ruột rà thân quyến, rồi từ đó ta nhận nhân vị giữa đời, biết sống vì mình mà không quên tha nhân, đồng loại vì đã có nhân văn trong trong đối nhân, có nhân bản trong xử thế, làm nên nhân cách của mỗi chúng ta qua nhân phẩm của mẹ đã giáo dưỡng ta. Trong vũ trụ sống của ta có cõi mẹ hòa nhịp, rồi hoà đồng thành một, ta quý yêu cõi mẹ có trong cõi ta, nhà tư tưởng Habermas có một triết luận thật đẹp: fusion des horizons, sự hòa nhập để có cùng một chân trời, khi ông tin rằng các niềm tin khi đã trở thành tin yêu, sẽ biết mà hẹn với nhau tại một nơi hay, đẹp, tốt, lành, để hòa mình cùng nhau mà sống vui để vui sống trong chân trời đó. Bùi Giáng có thi từ riêng mình để kể chuyện “chân trời của chân trời” về hệ hòa này: hòa nhịp để hòa đồng, rồi hòa chung trong hòa mình, ở đây: “Ba chân trời về chung gục bên giông”. Câu chuyện mẹ của Nguyễn Duy vẫn chưa hết nhé:

Bao giờ cho tới tháng năm
Mẹ ta trải chiếu ta nằm đếm sao
Ngân hà chảy ngược lên cao
Quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm…

Trong thời gian của tháng năm có cõi của riêng ta mà mẹ ta đã trải chiếu cho ta nằm đếm sao; đây không những là hồi ức làm nên hồi ký trong mỗi chúng ta, mà là không gian của ký ức trọn vẹn. Tại đây, kỷ niệm của quá khứ đã trưởng thành trong hệ thức, trong đó kiến thức tuổi thơ của ta đã lập nên được tri thức hiện tại của ta, tạo ra ý thức mỗi chúng ta, để chúng ta sống giữa cõi đời này với nhận thức là ta đã được: Mẹ ta trải chiếu ta nằm đếm sao. Để ta thấy được cái bao la của vũ trụ với Ngân hà chảy ngược lên cao, cùng với huyền thoại mà ta đã sống như thực tại: Quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm.

Khi tâm lý học, phân tâm học tìm cách giải luận về hồi ức rồi hồi ký dựng nên ký ức vừa chỉnh lý, vừa toàn lý, thì triết học và sử học đã diễn luận rằng quá khứ của chủ thể giờ đây đã thành lịch sử cho riêng chủ thể đó, đây là lý lịch của cá nhân rất hoàn chỉnh, đã trưởng thành như lịch sử của chủ thể, mà chủ thể sẽ dùng để xây đắp tương lai cho chính mình; nơi mà triết gia Ricoeur đặt tên là sống đúng trong một không gian đúng. Nếu không có lịch sử chủ thể này, thì ta bị cõi đời coi như: “bụi đời”, tức là mồ côi, không mẹ, không cha, không nhà, tứ cố vô thân rồi đầu đường xó chợ, để khi rời cõi đời này rồi mà hồn vẫn không yên, quanh quẩn bên cõi đời trong bất an, để cõi đời này phải đặt thêm một tên nữa là: oan hồn! Ngược lại khi có mẹ thì ta có đầy đủ:

Bờ ao đom đóm chập chờn
Trong leo lẻo những vui buồn xa xôi
Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn…

Không gian của ta thuở đó có ánh sáng của đom đóm chập chờn, có nước trong leo lẻo… nhất là có lời Mẹ ru cái lẽ ở đời, tiếng mẹ ru luôn là đại diện chân chính cho tiếng mẹ đẻ đã có trong ta tư khi ta biết nghe, biết nói, biết hát cùng mẹ khi mẹ ru ta. Hãy vinh danh về đạo lý làm người vì biết công lao mẹ: “Lên non mới biết non cao, nuôi con mới biết công lao mẫu từ”, xứng danh để thẩm thấu câu chuyện trao truyền về sự hy sinh cao đẹp qua bao thế hệ bà-mẹ-con:

Bà ru mẹ, mẹ ru con
Liệu ai sau các còn còn nhớ chăng?
Nhìn về quê mẹ xa xăm
Lòng ta chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa

Không gian của mẹ có con và con luôn được che chở bởi mẹ, trong không gian này cái ích kỷ không có chỗ nằm, cái vị kỷ không có chỗ ngồi, cái vô tri, vô giác của cá nhân chủ nghĩa làm nên vô tình, vô ân không sao vào được; nên Kant nói rõ và nói lớn chuyện này: cái đẹp không bao giờ tách rời cái đạo lý. Một chế độ hiện nay độc tài trong vô tri đã đưa cái thờ ơ vào cái vô cảm, để xây thành đắp lũy cho cái vô luân, một chế độ như vậy tuổi thọ rất yểu! Thi sĩ Nguyễn Duy muốn mọi người trong chúng ta phải vượt thoát để vượt thắng mọi thể loại của vô (vô minh, vô tri, vô giác, vô tình, vô ân, vô cảm, vô luân):

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương
Trọn đời nhớ mẹ ta xưa…

Cuộc đời dạy ta một quy luật về cái nhớ, để chống lại cái quên, nơi mà ký ức, nhật ký, lịch sử chỉ là một trong nhân đạo thông suốt từ quá khứ tới hiện tại rồi thẳng tới tương lai là: Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa chính là: Trọn đời nhớ mẹ ta xưa! Chỉ một phương trình để làm người, để thành nhân, vậy mà ta tu cả đời mà cũng không biết hết, không hiểu hết, không thấu hết… Tiếng mẹ đẻ qua lòng mẹ, vừa thân mật trong chiều sâu trong đời sống nội tâm của mỗi người, vừa dắt tay ta ra đời để nhìn đời bằng mắt thương, ta nghe, đọc, nói, hát tiếng mẹ đẻ, cũng để vượt thoát các thử thách, vượt thắng các thăng trầm, bằng vốn liếng tình thương của mẹ. Câu chuyện ban đầu của chúng ta là cấu trúc tiếng mẹ đẻ, mà bây giờ đã chuyển sang âm hưởng của tiếng mẹ đẻ, và nó đã tới chúng ta với nội công, bản lĩnh, tầm vóc của Ca dao mẹ, một ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong đó có một bài học, mới đọc nghe rất bình thường nhưng nó bao la rồi bàng bạc cả kiếp người: “Mẹ dạy cho con tiếng nói quê hương”. Bạn ơi, quê hương bạn nên là tiếng mẹ (đẻ) của bạn trước đã!

Tiếng mẹ đẻ: tư tưởng tiếp cận

Chúng ta hãy ngừng xem tiếng mẹ đẻ chỉ là công cụ truyền thông giữa các người Việt cùng một lịch sử, có cùng một văn hóa, được hưởng các vốn liếng của tổ tiên từ đạo đức tới giáo dục… mà chúng ta hãy nâng tầm vóc của tiếng mẹ đẻ lên hàng tư tưởng có hệ thống giá trị riêng của nó, với phương pháp giải luận của riêng nó; biết tạo nhân sinh quan riêng cho con cháu nó, qua các quá trình lý luận bằng chính các kinh nghiệm sống thật. Các kinh nghiệm này không những đã thành kiến thức mà còn trưởng thành như các mô thức sống – sống đúng và sống tốt đi cùng với sống đẹp và sống cao. Ngay trong cấu trúc, tiếng mẹ đẻ là một loại tư tưởng tiếp cận, vì ở thượng nguồn nó đã biết gạn lọc các giá trị cội rễ của cuộc sống (uống nước nhớ nguồn), dưới hạ nguồn nó còn biết biến: ân thành nghĩa (ăn trái nhớ kẻ trồng cây). Sức mạnh của tư tưởng tiếp cận này là nó giúp đứa trẻ Việt khi học nói: mẹ ơi! cha ơi! Tức thì đứa trẻ được học ngay sau đó: công cha, nghĩa mẹ, như học một đạo lý rất sáng suốt để vào đời.

tư tưởng tiếp cận, tiếng mẹ đẻ giúp chủ thể tiếp nhận văn hóa của mình trong: thờ cha, kính mẹ, để trực tiếp hưởng văn minh của chính tổ tiên mình trong giá trị làm thăng hoa cuộc sống: con hơn cha là nhà có phúc, tiếng mẹ đẻ luôn mang ý nghĩa của các giá trị mà nó muốn trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Là tư tưởng tiếp cận, tiếng mẹ đẻ trình bày một nhận thức của ở sao cho vừa lòng người, để tạo nên sự thông minh tức khắc cho chủ thể nhận diện ra nội dung của cuộc sống là phải: ăn ở có hậu, có một mai hậu lành trong một tương lai hiền. Là tư tưởng tiếp cận, tiếng mẹ đẻ đưa vào nội lực của chủ thể muốn làm người trong đạo đức trong: ăn ở có trên có dưới, để tỉnh táo trong sáng suốt qua quy luật luân lý: trên kính dưới nhường. Và, từ tư tưởng tiếp cận đó, một thi sĩ sẽ đào sâu thêm đạo lý này để thăng hoa tư tưởng tiếp cận này, bằng cách đưa cái khoan dung riêng vào cái khoan hồng chung, đưa rộng lượng vào vị tha: “Phải dung kẻ dưới mới là lượng trên” (Nguyễn Du, Truyện Kiều).

Để mất tiếng mẹ đẻ là đánh mất cả một hệ thống tư tưởng tiếp cận với tất cả giá trị của tổ tiên đã được rèn, luyện, mài, dũa tự bao đời, mất tiếng mẹ đẻ chính là mất đi vốn tiếp cận với cuộc sống, vốn hội nhập với cuộc đời, mất đi vốn sống của chính mình, nơi mà tiếng mẹ đẻ giúp mọi cá thể trưởng thành đúng, trưởng thành đẹp giữa cõi người. Câu chuyện này tưởng như lý thuyết, nhưng nó có tính thời sự bức thiết, toàn cầu hóa hiện nay với sức mạnh của Anh ngữ song hành cùng lối sống của văn hóa tiêu thụ và giải trí kiểu Mỹ, đã là một cuồng trận loại khó để ta phải chú tâm mà bảo vệ tiếng mẹ đẻ. Giờ lại thêm ý đồ xâm chiếm lãnh thổ của Tàu tặc, xâm lăng kinh tế của Tàu họa, xâm lược xã hội của Tàu nạn; trong bối cảnh này, lại len vào một hai nhân vật tự “vỗ ngực” là các nhà ngôn ngữ học, muốn cải tiến tiếng Việt, họ “vỗ ngực” là các nhà cải tổ, nhưng họ vô luân với tiếng mẹ đẻ, chỉ vì họ vô tri trước các giá trị nhân văn của Việt tộc đã được xây dựng từ bao đời ngay trong Việt ngữ. Đô hộ một dân tộc thường bắt đầu bằng đô hộ về ngôn ngữ trong đó có văn hóa, văn minh, văn hiến của một dân tộc mạnh đặt, áp, nén, đè lên một dân tộc yếu, hãy thận trọng!

Alain Rey, nhà ngôn ngữ hàng đầu của Pháp ngữ, suốt đời tìm đường đi nẻo về trong nghiên cứu ngôn ngữ học của mình bằng cách sống thường trực, sống cùng để sống chung với các cuốn tự điển của tiếng mẹ đẻ, một sự thủy chung dày lý trí, có lý luận chỉnh lý, có lập luận toàn lý, ông có vài nhận định để chúng ta suy ngẫm:

• Ngôn ngữ chịu quy luật lên bổng xuống trầm, qua thử thách và qua thăng trầm, có lúc còn bị tha hóa, bị mất gốc… khi tiếng nói của một dân tộc va chạm với các ngôn ngữ khác mà nó trong thế yếu. Nhưng thế yếu không phải là thế hèn, chúng ta phải biết đề kháng chống ngoại lai tiêu cực như chúng ta kháng chiến vì độc lập dân tộc, vì toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, và cho chính nhân phẩm của chúng ta. Hãy ý thức là tiếng mẹ đẻ cũng chịu hiểm nguy như một thân thể, như một lãnh thổ, như một quốc gia, như một dân tộc trước họa ngoại xâm, nó cũng mang những hiểm nạn như chuyện an ninh, quốc phòng, kinh tế, luân lý.

• Ngôn ngữ luôn cần sự hỗ trợ của tập thể, cộng đồng, dân tộc để sống còn, ngôn ngữ rất tùy thuộc vào sự cư xử chính trị của chính quyền, và một chính quyền thông minh thì biết thăng hoa tiếng mẹ đẻ; ngược lại chính quyền ngu, khờ, dại, ngốc thì sẽ làm tiếng mẹ đẻ chột, què, lảng, ngọng… Tiếng Việt hiện nay đã và đang bị thô bạo hóa với các cuộc cải tổ nhưng thực chất là biến chất hóa tiếng Việt của một vài nhà ngôn ngữ với tham vọng cá nhân, mà hậu quả là bóp cho ngộp thở sinh lực của tiếng mẹ đẻ; kẻ thì đổi cách viết, gây ung thư nội tạng cho tiếng Việt; kẻ thì đổi cách đọc, gây ung thư não bộ cho tiếng Việt. Một chính quyền không đủ kiến thức trong lý luận, không đủ ý thức trong giải luận trước các cuộc tấn công ngôn ngữ của loại vô luân vì vô tri này, thì sẽ để các loại ung thư này trở đi trở lại rồi lan tràn trong tư duy Việt như một bịnh dịch!

• Có sự tương quan khắng khít giữa ngữ vựng, văn phạm của tiếng mẹ đẻ đối với các chính sách của một chính quyền về kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, luân lý… Nếu chúng ta công nhận văn hóa thay đổi chậm hơn khoa học, giáo dục thay đổi chậm hơn kỹ thuật, thì ngôn ngữ cũng thay đổi chậm hơn các chuyển hóa của xã hội; từ đây chúng ta nên có nhận thức để luôn được tỉnh thức trước các thử thách ngôn ngữ tới từ bên ngoài. Một nhận thức biết đón nhưng cũng biết lọc, biết nhận nhưng cũng biết tra, biết tiếp nhưng cũng biết giải (giải thích được là đã giải độc được một phần lớn rồi), trong quyết đoán là làm mới tiếng Việt, nhưng không làm hư tiếng Việt.

Hãy lấy một thí dụ: Hàn Lâm Viện Pháp quốc, một hàn lâm viện lâu đời và uy tín của nhân loại, với các hàn lâm viện sĩ chỉ tụ họp với nhau để soạn một cuốn tự điển không bao giờ dứt, vì không có hạn kỳ để ngừng; không bao giờ dứt chỉ vì sự phát triển của một ngôn ngữ không bao giờ định được hạn kỳ hóa cả. Các hàn lâm viện sĩ này là những đứa con tin yêu của học thuật Pháp, nhưng khi họ làm cuốn “tự điển vô thời hạn” này, họ có một niềm tin vô bờ bến vào sức mạnh của tiếng mẹ đẻ của họ, họ luôn chỉnh lý trong lý luận, vì số đông của Hàn Lâm Viện là những nhà nghiên cứu trong khoa học xã hội và nhân văn, ngày ngày chia sẻ công việc với các văn sĩ, thi sĩ đam mê ngôn ngữ học để sống-với-và-sống-vì tiếng mẹ đẻ. Có chuyện lạ là họ không bao giờ dùng tri thức của họ để áp đặt bất cứ điều gì trên tiếng mẹ đẻ của họ; như chúng ta đã thấy một hai nhân vật đơn thân độc mã muốn cải tổ tiếng Việt, để những kẻ nếu theo học tiếng Việt qua cách viết và cách đọc của họ, sẽ tự nhận ra là các nhân vật mang ý đồ cải cách tiếng Việt này đang tật nguyền hóa tiếng Việt trong cách đọc, đang ung thư hóa tiếng Việt trong cách viết. Ngược lại các hàn lâm viện sĩ Pháp khiêm tốn và nhún nhường vì họ chỉ xin làm kẻ song hành với tiếng mẹ đẻ của họ. Họ song hành trong chỉnh lý, vì khi có một chữ mới, một cụm từ lạ xuất hiện trong tiếng mẹ đẻ thì họ theo dõi để tìm hiểu, rồi tranh luận để đề nghị, và khi quyết định đưa một chữ mới, một cụm từ lạ vào tự điển Hàn Lâm Viện hàng năm, thì họ thông báo mạch lạc qua các mạng truyền thông để cả xã hội được biết, mà cũng để được lắng nghe trong tranh-luận-để-trao-luận về chuyện biến thiên trong một ngôn ngữ. Họ song hành với tiếng mẹ đẻ của họ để cảm nhận rồi đóng góp vào sự phát triển của nó, và khi nó thăng hoa trong đời sống nghệ thuật, học thuật, văn chương, thi ca… thì họ vinh danh nó bằng những giải luận rất toàn lý. Họ không hề muốn đóng vai độc vương, lãnh chúa, nguyên soái về ngôn ngữ để “dạy đời thiên hạ”, với ý đồ thay đổi ngôn ngữ qua cải cách như chúng ta đã thấy qua một vài nhân vật “đầu khờ, miệng lanh” tại Việt Nam trong vài năm qua. Mang ý đồ muốn thay đổi mà thật ra là biến chất tiếng Việt, mà chính họ cũng không lường hết các hậu quả mà tiếng mẹ đẻ phải gánh chịu từ văn hóa tới giáo dục, từ đạo đức tới đạo lý.

Lê Hữu Khóa
Tác giả gửi Trí Thức VN

Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học * Giám đốc Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO-Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á * Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các bài viết của tác giả có thể tìm được trên facebook Vùng Khả Luận.

Xem thêm: