Chúng ta không chỉ nghe, nói, đọc, hát tiếng mẹ đẻ,
mà chúng ta thương, yêu, quý, trọng tiếng mẹ đẻ của chúng ta!
Nhưng có nhiều cách thương trên đời này, vì chuyện thương, yêu, mến, mộ
cũng là chuyện của trình độ của thức,
trong đó kiến thức xây tri thứcý thức dựng nhận thức.

Tiếng mẹ đẻ: biểu đồ tri thức

Tiếng mẹ đẻ mang hai tiềm lực như hai nội công song hành với chúng ta suốt kiếp, vì tiếng nói và chữ viết này có sức tạo hình vừa cụ thể, vừa công phá, cùng lúc lại là mô hình của kiến thức, mà Kant gọi tiếng nói mà ta dùng hằng ngày với dân tộc ta là biểu đồ biết xếp đặt các kiến thức, được tổ chức như những kinh nghiệm của cuộc sống đã được ngôn ngữ định hình. Vừa cụ thể, vừa công phá, lại mô hình của kiến thức tạo tri thức cho trí tuệ, cứ lấy một thí dụ: “Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cầy, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp”. Quy trình của con người có trong quy luật của thiên nhiên (mưa, nước) làm ra sự sống rất cụ thể (ruộng, cơm); và sức công phá có ngay trong lý luận khi con người biết dùng tri thức của mình để biến thiên nhiên (mưa, nước) thành: rơm đun bếp, biết biến: nước thành lửa! Để có đầy bát cơm. Hùng lực của ca dao nói lên được một biểu đồ tri thức có ngay trong tiếng nói, câu ca, trong đó con người chủ động được sự sống vì biết tận dụng tri thức của mình. Sung lực của châm ngôn, ngạn ngữ, dân ca… trong tiếng mẹ đẻ mang trí tuệ của con người biết trả lời các thử thách, các thăng trầm của cuộc sống, con người đó biết là có đầu sóng ngọn gió, mà cũng biết đứng mũi chịu sào trong sóng to gió lớn, nhưng vững tin vào sức của mình nên vững tay chèo.

Hagège, đứa con tin yêu của ngôn ngữ học hiện đại, biết yêu tiếng người và chữ người như yêu những người mà mình yêu quý nhất trên cõi đời này, đưa ra một phân tích lạ: hãy cẩn trọng với chuyện độc ngữ là chỉ biết yêu tiếng mẹ đẻ, mà không biết các tiếng mẹ đẻ khác, vì chuyện này có dính líu đến chuyện độc tài về tư tưởng có trong độc tài vì độc ngữ. Bảo vệ cho bằng được sự đa dạng của ngôn ngữ của nhân loại để yêu hơn tiếng mẹ đẻ của mình, cụ thể là đi tìm để yêu các tiếng mẹ đẻ khác, để thấy tính tương đồng, để có sự đồng cảm giữa các ngôn ngữ. Xa hơn nữa là hãy thấy để nhận ra tính đa trí, đa tài; đa lực, đa hiệu, đa năng của các tiếng mẹ đẻ khác, đã đóng góp nhiều không những cho sự giàu có ngôn ngữ của nhân loại, mà cũng làm cao tính đa nguyên cho nhân trí. Hagège thẳng thắn đề nghị luôn: chống độc tài về tư tưởng là chống độc tài về ngôn ngữ, ngôn ngữ độc nhất là ngôn ngữ độc tài, và đa ngữ là công cụ hữu hiệu để chống độc tài về tư tưởng. Khi một thế giới chỉ biết tiếng Anh với văn hóa Mỹ, thì thế giới này có tư duy rất nghèo nàn, độc ngữ chỉ làm trí tuệ của nhân loại tụt hậu về ngôn ngữ, về tư tưởng, về nhân văn… Hagège còn thẳng thừng trong thành thật, một sự thành thật rất trong sáng và thông minh khi yêu cầu ta phải biết làm giầu cho tính đa trí, đa tài, đa năng, đa hiệu của đa ngữ.

Nói người hãy nghĩ tới ta! Chính khi người Việt chạy theo văn hóa Mỹ với ngôn ngữ Anh độc tài trong toàn cầu hóa hiện nay, tức là ta đang bị điều khiển bởi độc tài về tư tưởng có trong độc tài về ngôn ngữ, là ta tự tạo các tai biến trong chính ngôn ngữ của mình, để sau đó phải nhận chịu những hậu quả về xáo trộn luân lý, hỗn loạn đạo lý… Hiện nay, loại tuổi trẻ nhập cuộc cuồng loạn tức khắc với các thể loại nhạc cuồng tri, rồi lấy đó làm tiêu chuẩn để chê trách, khinh rẻ ca dao Việt, rồi bôi bác dân ca Việt là: «khó nghe», «chói tai», vì «quê mùa», vì «nhà quê». Chính các bạn trẻ này đang tự dẫm lên chân của mình cho què, chọc vào mắt mình để bị chột, đâm vào tai mình để bị điếc, xiết vào cổ mình để bị ngọng ngay trong tiếng mẹ đẻ của mình. Các nhà ngôn ngữ học tri thức xếp loại người này vào loại thấy hoa mà không ngửi được hương của hoa. Hãy lấy ngay một thí dụ trong thi ca Việt của đứa con vô cùng thông minh là Nguyễn Bính đã nói rất hay về chuyện thấy hoa mà không biết hưởng hương của hoa trong bài Chân quê:

Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy me cùng với chúng mình chân quê
Hôm qua, em ra phố về
Hương đồng cỏ nội bay đi rất nhiều…

Để đánh mất đi hương đồng cỏ nội là một thiệt thòi lớn quá về trực giác lẫn tuệ giác, hãy rất cẩn trọng khi chê người này «quê mùa», người kia «nhà quê»… vì chân quê vừa là vốn liếng của tri thức, vừa là vốn sống của nhận thức. Hãy cẩn thận để giữ ngọn hải đăng giữa sương mù, bão táp, như Thanh Tâm Tuyền -một đỉnh núi cao của thơ hiện đại, một giòng suối lạ của văn xuôi Việt Nam- khi ông nói lên những sự mất mát trong kiếp người đã có ngay trong ngôn ngữ: “…Những vì sao… những đứa con… những biệt ly rạn nứt lòng đường…”. Tiếng mẹ đẻ như những vì sao với vị thế thật cao, sống cả đời người chưa chắc với tới được; những đứa con vì ở dưới đất, quá sát đất nên chưa chắc thấy đủ, thấy đúng nội lực của những vì sao (lai căng mà cứ tưởng là hợp thời trang), tự tạo ra những rạn nứt ngay trên lòng đường mà mình đang đi. Mất tiếng mẹ đẻ là mất đường đi nẻo về lại quê mẹ, quê cha, đất tổ. Vô minh trong hiện tại nên vô định trước tương lai!

Bài học của tổ tiên -xưa hay nay- vẫn đúng cho tiếng mẹ đẻ: “Người khôn chưa đắn đã đo, chưa ra tới biển đã dò nông sâu” nơi mà tiếng mẹ đẻ đang bị vây khốn bởi bao bạo quyền giáo dục của độc-đảng-luôn-độc-tài-lại-bất-tài ngay trong giáo dục để một bộ trưởng mà tri thức thì chột, què, nên điếc, ngọng về nhận thức giáo dục “bật đen xanh” cho một, hai nhân vật làm chuyện “cải cách tiếng Việt”. Một kẻ thì đổi cách viết để thui chột hóa tiếng mẹ đẻ, một kẻ thì đổi cách đánh vần để ngọng nghịu hóa cách đọc tiếng mẹ đẻ. Cả đám độc diển mà chính phủ không tổ chức được một hội thảo chuyên môn nào để kiểm nghiệm, một hội luận toàn quốc nào để thanh tra, một hội đàm nào có quy mô đại chúng để thu nhận các ý kiến khách quan. Nên đám này tiếp tục gãi đầu-xoa mặt-vuốt mũi như đang đi “bán thuốc bắc ngoài chợ trời”. Chúng ta hãy tự cảnh giác vì chúng ta không còn mong chờ gì nữa vào một chính quyền độc trị-nhưng-không-biết-quản-trị ngôn ngữ, văn hóa, giáo dục… gây ra bao độc hại cho tiếng mẹ đẻ. Chúng ta hãy vận dụng chính hệ thức của mình: lấy kiến thức trong sáng để lập tri thức sáng suốt, lấy ý thức bảo vệ cho bằng được tiếng mẹ đẻ, để vững tâm bền chí trong nhận thức phải chăm sóc hằng ngày tiếng mẹ đẻ, vì chúng ta tin vào tiếng mẹ đẻ vừa chỉnh lý trong trao truyền giáo dục, vừa toàn lý trong giáo huấn đạo lý (công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy). Tiếng mẹ đẻ biết gây dựng tượng hình cụ thể để chống bất bình đẳng và vừa đặc sắc để sắc nhọn trong mô tả để chống lại mọi bất công (cốc mò cò ăn, thừa gió bẻ măng, thừa nước đục thả câu, ăn cỗ đi trước lội nước theo sau…). Tiếng mẹ đẻ nói lên ý tưởng yêu nước để làm nên lý tưởng thương nòi (thương dân yêu nước, yêu nước thương nòi); lại vừa xác thực trong phân tích thực tế và vừa ngày ngày nâng chúng ta cao theo hệ thức (kiến thức, tri thức, trí thức, ý thức, nhận thức), tiếng mẹ đẻ vừa là tư tưởng Việt và vừa là nghệ thuật Việt, đã từng thăng hoa chúng ta trong hệ sáng (sáng kiến, sáng chế, sáng tạo).

Tiếng mẹ đẻ: tâm-cảnh-ngữ

Khi tâm lý học phát triển cùng khoa học não bộ để bồi đắp kiến thức thêm cho tri thức luận, thì nhiều nghiên cứu của các ngành này đã đi sâu vào chiều sâu tâm linh của một dân tộc nơi mà tiếng mẹ đẻ chính là một kho tàng tư tưởng của dân tộc này. Cũng chính các chuyên ngành này dùng cách nghe-đọc-nói-viết tiếng mẹ đẻ như một phương pháp mới của tâm lý trị liệu; tên của phương pháp này là l’écritothérapie, dùng thượng nguồn của chữ viết để kể chuyện, để viết truyện, dùng chữ viết qua hồi ký hoặc qua kịch bản của một câu chuyện để trị liệu các bịnh thuộc về tâm lý, tâm thần.

Hãy bắt đầu bằng tâm sự của nhà tiểu thuyết tài hoa của khoa học giả tưởng hiện đại là Bernard Werber (không phải và cũng không có họ hàng gì với Max Weber, một trong các sư tổ của ngành xã hội học), khi ông kể về các tâm bịnh mà ông phải gánh chịu từ khi ra đời. Từ tuổi thơ tới tuổi thanh niên, ông được sống với một người cha, cả đời vì con và sống với đứa con trai là ông qua các câu chuyện do chính ông kể. Các truyện mà người cha đã kể cho đứa con trai mang tâm bịnh, mà chính Werber công nhận là mình được thừa hưởng tiếng mẹ đẻ ở dạng sáng tạo nhất, vừa bằng tri thức, vừa bằng trí tưởng tượng, các truyện này làm giầu cho lý luận đứa trẻ, lại tạo cho đứa trẻ một lòng tin mạnh vững vào cuộc sống. Các câu chuyện này như những chặng đường giúp đứa con có tự tin trong tự do, có tự chủ trong tự trọng… Và Bernard Werber đã thành tài, đã thành nhân, bằng một thứ tiếng mẹ để dầy hùng lực của nhân trí, đầy sung lực của nhân tính, vì mạnh nội lực của nhân tâm.

Kể-nghe-đọc-viết tiếng mẹ đẻ như một tâm lý trị liệu, đã có gốc, rễ, cội, nguồn từ câu hỏi mà Chomsky cứ lấy ra để xem, xét, tra, nghiệm các công trình của mình về ngôn ngữ học là: “Tại sao khi chúng ta tự nói chuyện một mình lại khó hơn, với ngữ vựng hỗn loạn, với ngữ văn xáo loạn, với ngữ pháp biến loạn, hơn là khi chúng ta nói chuyện với người đối diện qua quan hệ xã hội với truyền thông có sẵn trong xã hội?”. Chomsky đặt ra giả thuyết có lẽ khi nói chuyện ngay trong quan hệ xã hội, ta đã có trong ý thức đối thoại về ý nghĩa câu chuyện, hơn là khi ta độc thoại chăng? Đây là một câu chuyện thật hay! Giúp mọi người Việt trong nước tìm hiểu sâu hơn về thể loại tùy bút của văn sĩ Võ Phiến tại Mỹ, về các truyện ngắn (nhưng có lúc rất dài) của văn sĩ Kiệt Tấn tại Pháp, như là những tri thức độc thoại của các đứa con xa quê hương nhưng luôn biết làm giầu tiếng mẹ đẻ của mình. Nghiên cứu về ngôn ngữ học Việt Nam cận và hiện đại mà quên văn học Việt Nam hải ngoại là chuyện không chấp nhận được. Vì văn học Việt Nam hải ngoại không hề rời văn học quốc nội, vì nền văn học Việt Nam hải ngoại luôn có ngôn ngữ thuần Việt của nó, mà không một bạo quyền độc đảng, không một tà quyền tuyên huấn nào, không một ma quyền bút nô nào chụp mũ, vu khống, vo tròn bóp méo được nó.

Khi Nguyễn Bính chỉ xa quê của mình có vài trăm cây số mà thi sĩ đã để lại một thi tứ với tiếng mẹ đẻ đặc sắc trong giản dị của người Việt nhìn cảnh lúc xa quê: “Những cánh bườm nâu cánh buồm”. Chính tâm nhìn cảnh như vậy mà thi sĩ xa nhà vì lưu vong Nguyễn Bá Trạc nhìn cảnh quê người, tại Mỹ, với cảnh theo tâm, để nhìn trong sự tiếp nối cùng Nguyễn Bính: “Những mái nhà xa mái nhà”. Các đứa con xa xứ biết tiếp nối ngay trong di sản tiếng mẹ đẻ, để có cùng một tâm-cảnh, rồi tới với nhau trong cùng một tâm-ngữ, bằng một hình ảnh mới nơi xa thật xa quê cha đất tổ, nhưng mọi người Việt khi đọc hai cấu trúc của hai thi từ trên đều thấy nó rất gần gũi với mình, dễ cùng nhau chia sẻ tâm-cảnh-ngữ với nhau.

Hãy nhìn rộng hơn câu chuyện tâm-cảnh-ngữ cùng nhau này, để nhớ lại chuyện ngắn đầu tiên của Mai Thảo, Đêm giã từ Hà Nội, được Thanh Tâm Tuyền tuyển đăng ngay, cho báo Sáng Tạo, kể về chuyện di cư từ Bắc vào Nam năm 1954, với một câu đầu thật lạ: “Hàng phượng vĩ ở trên, Hà Nội ở dưới”. Một cấu trúc vừa mang ẩn ngữ, lại vừa tiên tri về số phận của Việt tộc với: “Hàng phượng vĩ ở trên sẽ nhuộm đỏ số phận của của thủ đô, của cả đất nước, của cả dân tộc bằng màu đỏ của cộng sản, của độc đảng trong độc trị, đỏ trong mất mát, đỏ trong điêu linh… sau hơn nửa thế kỷ câu này không sai! Mai Thảo có một văn hữu thân thiết là Thanh Nam, nơi mà nhân từnhân tri làm nên tiên tri cho nhân vị. Cụ thể là sau chiến thắng của người cộng sản năm 1975, kẻ chiến thắng tự xưng là vô thần, nhưng cũng tự vỗ ngực là họ đã lập nên một chiến công thần thánh. Thanh Nam đã độc thoại trong tiên tri, lấy khiêm tốn để giáo dưỡng khiêm nhường, cho những kẻ vừa tự xưng là: vô thần lại ngược đời cùng lúc vỗ ngực đòi làm: thánh thần, chỉ qua một thi từ: “Cuộc chiến trần gian dù thắng bại, đường về cõi lạnh giống nhau thôi”. Chúng ta nói tiếng Việt và tự dặn lòng mình là ta phải khiêm nhường trong khiêm cẩn trước nhân vị của ta!

Câu chuyện độc thoại bằng tiếng mẹ đẻ nơi xứ lạ quê người, để thấy tâm hồn Việt qua ngôn ngữ Việt, thì ta không nên quên thi sĩ Cao Tần (văn sĩ Lê Tất Điều), khi ông lưu vong sau 1975, ông thấy một cảnh rất lạ trong những ngày tháng đầu tiên tại Mỹ, trong các nơi công cộng, trên các phương tiện lưu thông đại chúng mặt mũi người Mỹ bản xứ xem ra rất “lo”, có khi “buồn”, tới “yểu”, quên sống vui để vui sống, rồi quên luôn cả: chào nhau! Thế là ông làm một bài thơ độc thoại khi ông tiếc nối chuyện xa quê hương, xa đồng bào của ông, chúng ta đọc bài thơ này, chúng ta vừa cười, lại vừa khóc, và cười khóc xong ta thấy nước mắt đã dàn dụa ra đầy ngực, đầy tay ta, đây chính là sức mạnh của tiếng mẹ đẻ: “Tiếc xưa sao không quen cả nước!” để ông được chào mọi người, được chào cả nước, Cao Tần tiếc mà nhớ đồng bào mình xiết bao, rồi ông lại đùa ngay (đùa cho đỡ tiếc, đùa cho đỡ buồn): “Nếu quen cả nước, ra đường ‘chào gãy cổ!’”. Hãy dừng lại ở hình tượng “chào gãy cổ!” để tri thức hóa hiện tượng vừa khóc, vừa cười, với nước mắt dàn dụa này của ta bằng chính lập luận của Spinoza, khi triết gia này cả quyết rằng: tiếng mẹ đẻ tiếng luôn mang theo hai sung lực, nó vừa có hình tượng với sức tạo hình vô song, và nó vừa có tri thức để ta tổ chức kiến thức trong hoàn chỉnh, nơi đây hình tượng là thượng nguồn của kiến thức.

Câu chuyện tiếng mẹ để cũng chưa cạn (vì chưa xong) với các nghiên cứu của nhà phân tâm học Cyrulnik, mà cũng là đứa con xuất sắc của khoa học não bộ, trong một tác phẩm mới nhất của ông, trong năm 2019 này: Psychothérapie de Dieu, Tâm lý trị liệu của thượng đế. Ở đây, ông không hề kể lể lý lịch, bản lai, diện mạo của thượng đế, mà ông chỉ dùng khoa học não bộ để tìm hiểu tại sao mỗi lần những người tới nhà thờ cầu nguyện trước thượng đế là: nỗi lo của họ tan biến đi, và nỗi buồn của họ cũng “bốc hơi” luôn. Với các phương tiện hiện đại được tập trung để quan sát từng chi tiết các diễn biến của não bộ trong lúc con người đang cầu nguyện, thì người ta thấy rõ là sự thư giản đã tới với kẻ đang lo, đang phiền, đang sợ là các vùng não đang vị căng thẳng, giờ được vào vị nhàn hạ, thế thảnh thơi, sau vài lời cầu nguyện. Chỉ vài lời lầm bầm nhưng rất nghiêm cẩn là lo âu, phiền não bay biến đi, để thư thái trở lại với nhân cách, để thong dong trở về với nhân vị, để ung dung nhập nội vào thảnh thơi. Người cầu nguyện đâu có thấy thượng đế, nhưng kẻ cầu nguyện gởi niềm tin như chế tác ra được một tư tưởng trong tự tin bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình để vượt thắng các bức xúc, các dồn nén, các sức ép chung quanh, nói theo kiểu của Xuân Diệu, là để: “cởi hết ưu phiền gởi gió mây!”.

Ta có nên kết thúc câu chuyện tiếng mẹ đẻ bằng câu cuối cùng trong Truyện Kiều của minh sư Việt ngữ Nguyễn Du: “Mua vui cũng được một vài trống canh” không? Với sự cẩn trọng trước cụm từ: mua vui, trong cái nửa đùa, nửa thật của thâm học đến thấu tâm của Tố Như, nói là mua vui nhưng thật ra là cách học sống đúng để đối xử đúng với đời, với người, với tiếng mẹ đẻ. Ta lại càng phải càng cẩn trọng hơn nửa với cụm tự tiếp theo: một vài trống canh, vì một đêm chỉ có năm canh, mà vài trống canh thì đã hết cả đêm rồi! Hết đêm như là hết đời, như sống cả đời mà chưa chắc đã thấu được cái cao, thấm được cái sâu của tiếng mẹ đẻ!

Lê Hữu Khóa
Tác giả gửi Trí Thức VN

Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học * Giám đốc Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO-Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á * Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các bài viết của tác giả có thể tìm được trên facebook Vùng Khả Luận.

Xem thêm: