Tiết tháo là phẩm chất, nhân cách cao thượng, biểu hiện bởi tinh thần quật cường kiên trì chính nghĩa, ngay cả khi đứng trước áp lực mạnh mẽ cũng không khuất phục. Người xưa ví tiết tháo cao thượng với cây tùng, cây bách, bởi vì vào ngày đông giá lạnh, khi những loài cây khác đều tiêu điều xơ xác, thì chỉ có tùng bách vẫn vươn mình, hiên ngang. Mạnh Tử đề cao chính khí hạo nhiên, tiết tháo cao thượng, gọi là “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (giàu sang không thể cám dỗ, nghèo khó không thể lay chuyển, quyền uy không thể khuất phục). Có thể thấy từ xưa tới nay tu dưỡng khí tiết là điều cổ nhân vô cùng coi trọng.

Tiết tháo cao thượng của người xưa
(Tranh: Thời Thanh, Public Domain)

Khổng Tử nói: “Bất giáng kỳ chí, bất nhục kỳ thân” (Vi Tử – Luận Ngữ), nghĩa là không hạ thấp chí hướng, không làm ô nhục sự trong sạch của bản thân, cần nghiêm khắc tuân thủ nguyên tắc làm người, không khuất phục trước bất cứ áp lực nào hết. Một người nếu bị khuất phục bởi cường quyền hoặc bị cám dỗ bởi những danh lợi bất chính, thì chỉ có thể hạ thấp nhân cách của mình, tự rước nhục vào thân.

Sử ký kể chuyện vào thời Hán, Tô Vũ phụng mệnh đi sứ tới Đại Yên Chi, do nhà Hán muốn hợp lực cùng Yên Chi để đánh Hung Nô. Giữa đường Tô Vũ bị Hung Nô bắt được. Hung Nô không giết ông, nhưng ông bị buộc phải ở lại chăn cừu và lấy một người vợ Hung Nô. Tuy vậy Tô Vũ không quên sứ mệnh của mình, khi có cơ hội, ông trốn thoát, chịu nhiều gian nan để tới được Đại Yên Chi. Nhưng khi Tô Vũ đến nơi, Yên Chi đã không còn muốn trả thù Hung Nô nữa, Tô Vũ lại vất vả cùng vợ quay về. Giữa đường, ông và vợ tiếp tục bị Hung Nô bắt giữ, nhưng lần này hai vợ chồng nhanh chóng thoát được do Thiền Vu qua đời, nội bộ Hung Nô lục đục. Sau bao nhiêu năm gian khổ, Tô Vũ mới trở lại được triều Hán. Có thể thấy điều giúp ông vượt qua bao nhiêu khó khăn trắc trở mà không gục ngã chính là tiết tháo của một sứ thần.

Bàn về tiết tháo giữ vững trách nhiệm của bản thân, Mạnh Tử nói: “Cùng tắc độc thiện kỳ thân, đạt tắc kỳ thân, đạt tắc kiêm thiện thiên hạ” (Tận Tâm – Mạnh Tử). Một người dẫu lúc thất ý hay lúc đắc chí đều cần gắng hết sức gánh vác trách nhiệm mình cần đảm đương. Khi có năng lực thì giúp đỡ người khác nhiều hơn. Khi năng lực không đủ thì ít nhất phải quản tốt bản thân mình. Dù thân ở trong cảnh thuận lợi hay nghịch cảnh, cũng đều phải kiên trì giữ vững nguyên tắc đạo đức trong tâm, giữ gìn tiết tháo cao thượng.

SáchLã Thị Xuân Thu ví tiết tháo như “thạch kiên đan xích”, tức là sự kiên cố của đá và màu đỏ của đan dược, một bên là thứ cứng cỏi trong trời đất, một bên là thứ thông qua nung luyện mà thành, đều là để chỉ sự kiên cường, tinh thần dẫu thịt nát xương tan vẫn tồn tại.

Tư Mã Thiên liệt chuyện Bá Di, Thúc Tề vào phần đầu của 70 câu chuyện trong Sử ký, chính là để suy tôn và ca ngợi khí tiết của một người. Bá Di và Thúc Tề dù biết Trụ Vương dâm loạn hại nước nhưng hai ông cho rằng mình là thần dân của triều Ân Thương, nên dám đứng trước thiên binh vạn mã của nhà Chu mà ngăn cản. Đến khi nhà Chu diệt nhà Thương, Bá Di và Thúc Tề kiên quyết không ăn hạt kê của nhà Chu, mà ở ẩn tại núi Thủ Dương, cuối cùng chết đói tại đó. Bởi vậy người xưa dùng câu “Nịnh khả ngọc toái, bất năng ngã toàn”, thà làm ngọc nát, cũng không làm ngói lành (Nguyên Cảnh An Liệt Truyện – Bắc Tề Thư) nhằm biểu đạt quyết tâm giữ vững khí tiết.

Trong gian khổ, nguy nan mới là lúc nhìn rõ sự cao thấp trong nhân cách con người. Đường Thái Tông có câu thơ rằng: “Tật phong tri kình thảo, Bản đãng thức thành thần”, trận cuồng phong thổi mới hiển hiện được sự kiên nhẫn, dẻo dai của cỏ dại; Thời loạn thế rối ren mới có thể nhận thức được bậc trung thần chính trực.

Cổ nhân dùng hình tượng của Tùng, Trúc, Mai là biểu tượng cho tiết tháo cao thượng. Ba loài cây này được gọi là “Tuế hàn tam hữu”, ba người bạn của giá lạnh. Mùa đông lạnh giá, cây cối héo rũ tiêu điều, nhưng tùng trúc vẫn hiên ngang, mai vẫn nở bất chấp sương gió. Bậc quân tử cũng như vậy, họ chính nghĩa, giữ vững khí tiết, không bị khuất phục hay lay chuyển trong nghịch cảnh.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: