Tìm lại Trung Hoa - Kỳ I: Ai chẳng có trong mình một Trung Hoa rất đẹp?
Bức “Thanh minh thượng hà đồ” của Trương Trạch Đoan (1085 – 1145). (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Nếu không phải căm phẫn trước một Trung Quốc lấn chiếm Hoàng Sa, một Trung Quốc tràn qua biên giới năm 1979, một Trung Quốc ngang ngược với đường lưỡi bò, hay một Trung Quốc bắt nạt ngư dân vô tội, thì tự hỏi xem, hình ảnh Trung Quốc trong lòng người Việt sẽ như thế nào? Sẽ là Trung Hoa…

Trung Hoa khổng lồ, Trung Hoa đau thương
Mai tan hết mây mù mưa xám
Trung Hoa Võ Tòng, Trung Hoa Lý Bạch
Lại là Trung Hoa từ tuổi nhỏ ta yêu…

Nhà thơ Lưu Quang Vũ đã từng thốt lên những lời đó trong bài thơ “Trung Hoa” mà ông viết năm 1974. Thời đó, ông vừa trả áo chiến sĩ binh nhì của binh chủng phòng không không quân, lo làm nhiều việc kiếm sống ở Hà Nội trước khi được nhận vào làm Tạp chí Sân khấu. Chiến tranh đang dần đi vào hồi kết, còn ở Trung Quốc, cuộc “Đại cách mạng văn hóa” cũng dần đi vào thời khắc lụi tàn, để lại sau lưng hàng chục triệu nhân mạng và một nền văn hóa 5.000 năm truyền thống bị tàn phá đến tiêu điều. Đó là một câu chuyện man rợ mang màu sắc hiện đại… Đứng trước những biến động đó, Lưu Quang Vũ đã viết một bài thơ thể hiện tình yêu tha thiết nền văn hóa Trung Hoa, và cũng là để bày tỏ nỗi băn khoăn về những điều đau lòng đang diễn ra tại một Trung Quốc hiện đại.

Người Việt Nam ngày nay không thích Trung Quốc, thậm chí một số người cứ động đến chữ Trung Quốc là vô cùng khó chịu. Từ vụ người dân bị kích động mà đập phá khu công nghiệp Bình Dương, tới thảm họa Formosa tại Vũng Áng, tới việc hacker Trung Quốc tấn công sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, hay mối lo về các chính sách đặc khu… Tất cả những điều đó làm người Việt rất ghét “Trung Quốc”

Nhưng người Việt Nam lại vẫn yêu thích Trung Hoa, Trung Hoa của những Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử, những Tây Du Ký, những Bảng Phong Thần. Trong ký ức tuổi thơ của rất nhiều người Việt đều in đậm một nền văn hóa đáng ngưỡng mộ như vậy, cũng như Lưu Quang Vũ đã viết: “Những Mã Viện, Liễu Thăng, Sầm Nghi Đống / Không ngăn nổi lòng tôi yêu bác Võ Tòng.”

Rốt cuộc thì Trung Quốc ngày nay và Trung Hoa ngày xưa đâu phải là một. Nếu như hiện tại ghi dấu quá khứ, thì điều gì đã dẫn đến một Trung Quốc hiện đại đáng giận? Có phải là bởi vì cuộc Cách mạng văn hóa ngày ấy đã hủy diệt đi những gì tinh túy nhất trong con người Trung Hoa, khiến cho họ trở thành những cái vỏ biết đi, đánh mất giá trị truyền thống, đánh mất niềm tin, đánh mất sự hòa hợp tuyệt vời giữa người và Đạo?

Nếu như hiện tại ghi dấu quá khứ, thì phải chăng thứ chúng ta đang ghét bỏ là cái văn hóa méo mó đã bị một chính quyền bạo ngược cưỡng ép lên người dân, khiến cho nền văn hóa 5.000 năm gần như tuyệt diệt? Nếu như hiện tại ghi dấu quá khứ, thì phải chăng thứ chúng ta đem lòng quý mến chính là cái Trung Hoa đầy chất thơ mà Lưu Quang Vũ đang nhắc đến?

Cố cung xưa bao đảo lộn kinh hoàng
Như sóng biển không ngừng một phút
Dưới liễu xanh, lũ quỷ đổi thay màu
Tiếng chiêng trống, tiếng loa gào thét (3)
Chín trăm triệu người ồn ào mà nín lặng
Trung Hoa muốn gì?
Nhân dân đi về đâu?

Người Trung Quốc ngày nay coi thường sinh mệnh, từ sử dụng chất bảo quản độc hại trong thực phẩm đến thờ ơ trước cái chết của người khác… Còn người Trung Hoa xưa kia lại giảng Nhân, cho rằng cái đạo đối xử giữa người với người – nhân đạo – là một chuẩn mực cần có của nhân phẩm.

Người Trung Quốc ngày nay, người người coi nhau như kẻ địch, thậm chí coi các quốc gia khác như kẻ địch… Còn người Trung Hoa xưa kia giảng Nghĩa. Đem quân đi đánh nhau, chỉ vì cái “nghĩa” của một người liệt nữ mà lui binh. Cái nghĩa cha con, nghĩa thầy trò, nghĩa vợ chồng, nghĩa anh em, nghĩa bằng hữu chi giao chính là điều mà ai ai cũng muốn có.

Người Trung Quốc ngày nay thật loạn, người nước ngoài phải treo biển cấm người Trung Quốc nói to, cấm vứt rác bừa bãi, thậm chí ở nhà vệ sinh phải treo biển “Đi vệ sinh xong nhớ xả nước”, “Cấm giẫm lên bệ”… Người Trung Hoa xưa kia thì giảng Lễ, đất nước còn được mệnh danh là “Lễ nghi chi bang” (Đất nước của lễ nghi).

Người Trung Quốc ngày nay có không ít người thật thâm hiểm, chỉ biết gian xảo, lừa lọc, dối trá… Nhưng người Trung Hoa xưa kia lại giảng “Trí Đức kiêm bị”, ngoài sự hiểu biết về khoa học, thì coi trọng sự hiểu biết về văn hóa, xã hội, triết học, cho rằng khi dạy học thì ngoài giảng Trí còn phải giảng Đức, nếu không thì chỉ là dạy tiểu xảo chứ không phải dạy làm người.

Trung Quốc hiện đại nổi danh là quốc gia chuyên sản xuất hàng giả, hàng nhái, chuyên lừa lọc, trở mặt, phá hoại sau lưng, đánh cắp tài sản trí tuệ… Còn người Trung Hoa xưa kia lại giảng Tín, cho rằng đó là một chuẩn mực cần có của mọi thương nhân, là giá trị mà mọi người luôn mong mỏi.

Trung Hoa đó, “Trung Hoa Tây Thi, Trung Hoa Lý Bạch”, Trung Quốc đó, Trung Quốc hiện đại, Trung Quốc xấu xí… Điều gì đã thai nghén ra một Trung Quốc xấu xí đến như vậy? Chẳng phải là Trung Cộng hay sao? Người dân Trung Quốc ấy, thật là quá đáng thương vậy!

Vấn đề Trung Quốc vẫn luôn là một vấn đề thời sự với người Việt. Nhưng chúng ta đã phản ứng như thế nào trước một Trung Quốc xấu xí?

Một số người Việt sử dụng hóa chất mua từ Trung Quốc, hàng hóa độc hại, hàng giả mua từ Trung Quốc, để lừa lẫn nhau và kiếm lợi nhuận.

Một số người Việt tự ruồng bỏ văn hóa truyền thống của chính mình, ví dụ như chữ Hán, chỉ bởi vì chữ Hán là chữ… Trung Quốc.

Một số người Việt vẫn “giãy nảy” khi nhắc đến cụm từ Trung Quốc, và không thể phân biệt ra đâu là người dân Trung Quốc và đâu là Trung Cộng.

Một số người Việt thờ ơ trước những vấn nạn đang diễn ra tại Trung Quốc, như nạn ô nhiễm môi trường, đàn áp các Kitô hữu, thu hoạch nội tạng người tập Pháp Luân Công, diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ… chỉ bởi vì “kệ cho chúng nó giết nhau” hay “tôi là Trung Cộng thì tôi cũng làm thế”.

Để rồi hậu quả là, người Việt đang tự hại chính mình. Để rồi hậu quả là, những Formosa hủy hoại môi trường làm người dân miền Trung điêu đứng. Để rồi hậu quả là, người Việt tá hỏa khi phát hiện ra người Việt cũng bị buôn sang Trung Quốc để cướp nội tạng. Để rồi hậu quả là, không khí ô nhiễm từ Trung Quốc tràn xuống Việt Nam những dịp gió mùa. Để rồi hậu quả là, dòng chảy Mê Kông bị Trung Quốc chặn trong khi Cửu Long hạn mặn…

Martin Luther King đã từng nói, “Sự bất công ở bất cứ đâu là mối đe dọa cho công lý ở khắp mọi nơi”, và “Bóng tối không thể xua đi bóng tối, chỉ có ánh sáng mới làm được điều đó. Hận thù không thể xua đi hận thù, chỉ có tình yêu mới có thể làm được điều đó.”

Trung Quốc là một tấm gương để người Việt Nam soi lại chính mình. Nếu như chính chúng ta cũng không thể tự nhìn lại bản thân và khôi phục lại những tinh hoa văn hóa truyền thống bị đánh mất, thì liệu trong tương lai không xa, chúng ta có trở thành những cái vỏ biết đi như người Trung Quốc? Nếu chúng ta dùng hận thù để tranh đấu với hận thù thì liệu chúng ta sẽ có kết cục như người Trung Quốc không?

Kỳ thực, hiện tại không chỉ ghi dấu quá khứ, mà hiện tại còn ghi dấu cả tương lai nữa!

Trung Hoa mà chúng ta yêu thương chính là những tinh hoa của một nền văn hóa, với những truyền thuyết, những giá trị, những nhân vật lịch sử hào hùng và bi tráng được nó nuôi dưỡng. Chúng ta không ghét bỏ những Võ Tòng, Lý Bạch, không ghét bỏ những Ngộ Không, Quan Vũ, Nhạc Phi…

Cái chúng ta bất bình là việc người dân Trung Quốc quên lãng nền văn minh của bản thân, là một Trung Quốc hiện đại vứt bỏ các giá trị truyền thống, là gần một phần năm nhân loại vẫn đang phải nằm dưới sự áp bức và tẩy não của một chính quyền bạo ngược.

Xin được kết lại với bài thơ “Trung Hoa” của nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ đáng mến:

TRUNG HOA
Lưu Quang Vũ

Gió bấc thổi về từ xứ xa
Bên kia núi cao sừng sững
Trung Hoa.

Trung Hoa của tuổi thơ
Tiếng ngựa hí đêm khuya
Ðoàn xe Chiến quốc đi trong tuyết
Rũ rượi tóc râu, đao thương sáng quắc
Não bạt thanh la xủng xoẻng
Dữ tợn mà sầu thương.

Bờ sông trắng hoa dương
Chia ly buồn đứt ruột
Dậm chân hát mà từ biệt (1)
Ðường thi vằng vặc

Ào ạt Hoàng Hà
Quán núi đêm hàn rượu nóng
Vạt áo xanh giang hồ
Những mắt xếch Võ Tòng
Những đầm sâu Thủy Hử
Người đi như nước, đông như cỏ
Sáng suốt và tối tăm
Uyên thâm mà nhẹ dạ
Tin ngay mọi điều, dám làm tất cả
Cái người Tàu kỳ lạ
Ngồi dầm củ cải giữa đêm khuya…

Lòng kiên nhẫn của người
Trải ra trên mặt đất
Ở bất cứ nơi nào có khói
Trung Hoa
Nét bút vờn như cánh hạc vút qua
Lóng lánh tay ngà rượu đỏ
Bể thịt rừng xương Kiệt Trụ
Những hôn quân bạo chúa
Những hoàng hậu hồ tinh
Những anh gàn và những triết nhân
Hái rau vi, mơ giấc bướm (2) (3)
Trung Hoa Tây Thi, Trung Hoa Lý Bạch

Trung Hoa đói rách
Xác người chết trận trắng xương phơi.
Trung Hoa tuổi thơ tôi
Đâu phải chỉ bầy ngựa dữ
Đêm lửa đuốc Chi Lăng
Gò Đống Đa vùi xác vạn quân Thanh
Những Mã Viện, Liễu Thăng, Sầm Nghi Đống
Không ngăn nổi lòng tôi yêu bác Võ Tòng.

Cố cung xưa bao đảo lộn kinh hoàng
Như sóng biển không ngừng một phút
Dưới liễu xanh, lũ quỷ đổi thay màu
Tiếng chiêng trống, tiếng loa gào thét (4)
Chín trăm triệu người ồn ào mà nín lặng
Trung Hoa muốn gì?
Nhân dân đi về đâu?

Ðêm nay
Trang sách tuổi thơ đưa tôi gặp lại
Gian nhà nhỏ ven thành
Vách lủng lẳng cỏ khô, lá thuốc
Một người đầu trọc
Áo bông đen khung vải cũ sờn
Một người không râu lừng lững ngồi im
Giữa hũ lọ, mực tàu, chăn rách
Chồng sách dày, đĩa đèn dầu leo lét
Tuyết rơi trắng xóa ngoài thềm.
Ông Tư Mã Thiên
Một mình ngồi thức
Ông Tư Mã Thiên mắt nhìn sáng quắc
Hiểu đời, hiểu nước, hiểu dân mình
Một ông Tư Mã Thiên
Ngàn ông Tư Mã Thiên
Muôn ngòi bút uy nghiêm
Ðang ghi sâu mọi việc: (5)
“Hồn bạo chúa nghiến răng trong bụi cát
Mọi ngai vàng, theo lửa hóa tro than…”.

Trung Hoa khổng lồ, Trung Hoa đau thương
Mai tan hết mây mù mưa xám
Trung Hoa Võ Tòng, Trung Hoa Lý Bạch
Lại là Trung Hoa từ tuổi nhỏ ta yêu…

Hà Nội 1974.

Chú thích điển cố theo Giang Nam Lãng Tử:

(1) Dậm chân hát mà từ biệt: nhắc chuyện Kinh Kha từ biệt bạn hữu ở bờ sông Dịch, đi sang Tần hành thích Tần Thuỷ Hoàng, có nhạc sĩ Cao Tiệm Ly ứng tác một bài ca tống tiễn hiệp sĩ lên đường.

(2) “Hái rau vi”: Khi Chu Vũ Vương lập ra nhà Chu, các quan chế độ cũ đều đi theo. Riêng Bá Di và Thúc Tề xấu hổ về việc đã can ngăn vua Chu diệt bạo chúa không được, bèn cùng nhau thề không ăn thóc nhà Chu. Bá Di và Thúc Tề lên núi Thú Dương, hái rau vi ăn qua bữa. Rau vi không thể nuôi sống được, cuối cùng hai ông đều chết đói tại núi Thú Dương. Theo quan niệm đời sau, hai ông là những “anh gàn” mặc dù trung thành với chủ cũ (vua Trụ).

(3) “Mơ giấc bướm”: Nhắc chuyện Trang tử nằm mơ thấy mình hóa ra con bướm, tỉnh dậy hỏi “Bướm hóa thành ta hay ta hóa ra con bướm?”.

(4) “Tiếng chiêng trống, tiếng loa gào thét”: Cảnh đội quân Hồng vệ binh hung hăng đấu tố, hạ nhục những người chân chính trong cuộc Cách mạng văn hóa (1966 – 1976).

(5) “Muôn ngòi bút uy nghiêm / Đang ghi sâu mọi việc”: Nhà thơ cảnh báo giai cấp thống trị rằng có những Tư Mã Thiên hiện đại đang ghi chép trang sử đẫm tội ác của thế kỷ XX này.

Quang Minh

Xem thêm:

Mời xem video: