Hách dịch là gì? Từ điển định nghĩa, hách dịch là có thái độ ra oai, nạt nộ, hạch sách người khác, do cậy mình có quyền thế. Hách dịch đồng nghĩa với hống hách. Ai cũng có thể trở thành người có tính hách dịch khi có chút quyền thế hơn người. Con người càng dễ dàng mắc tính hách dịch khi họ trở thành người có quyền thế do tiền bạc hay chạy chọt, cơ hội, bơm thổi, do thế lực nào đó đưa lên, do tự hão huyền… Người có tính hách dịch thường không nhận ra mình đang hách dịch với người khác mà luôn tự nhủ hành động của mình chẳng có gì sai và mình có quyền làm như vậy.

Chồng đi làm ra nhiều tiền, vợ không làm ra tiền mà còn hay ốm đau, nếu điều kết nối họ không phải là tình yêu thì anh chồng dễ sinh tính hách dịch với vợ. Hách dịch thông qua giọng nói, thái độ: “Việc nhà là của cô, tôi đã phải còng lưng kiếm tiền nuôi cái nhà này rồi, muốn gì nữa, đòi gì nữa?” Với ba mẹ: “Ông bà già rồi thì chăm cháu, việc nhà cửa việc xã hội biết gì mà bàn.” Hay ngoài xã hội: “Này, tuổi gì mà đòi kết bạn với bố?” “Mày biết ông là ai không?” Với đồng nghiệp, người làm việc cùng, các mối quan hệ: “Này, phải người thế nào mới được gặp, mới được tiếp xúc với tôi chứ không phải ai tôi cũng gặp.”… Chúng ta có thể kể ra hàng ngàn trường hợp.

Chúng ta gặp thói hách dịch ở khắp nơi: công sở, công quyền, trong gia đình, trong nhà trường, trong bệnh viện, trong hàng quán,… Trong tất cả các mối quan hệ: vợ chồng, cha mẹ con cái, anh em, người thân, bạn bè, sếp nhân viên,… Và khi gặp thái độ hách dịch, người ta rất ghét. Thật ra ai cũng ghét và khó chịu với thói hách dịch, nhưng cứ có điều kiện là lại dễ nhiễm tính hách dịch.

Người Việt dễ nhiễm tính hách dịch một cách vô thức vì phần đông người Việt có một tuổi thơ bị bắt nạt bằng rất nhiều hình thức bởi rất nhiều đối tượng khác nhau. Trẻ bị ép ăn, trẻ bị đánh đòn, trẻ bị chỉ trích mắng mỏ, trẻ bị đổ thừa, trẻ bị chịu đựng những trận cãi vã của ba mẹ, trẻ bị bạn bè đánh đập hành hạ, trẻ bị thầy cô phạt bằng đòn roi quát mắng, trẻ bị xúc phạm phẩm giá nhân thân… tất cả đều là hành vi bắt nạt. Chúng đều để lại di chứng hoặc nhỏ hoặc lớn. Những di chứng này, cộng thêm một số yếu tố và điều kiện hình thành nên trong tiềm thức con người một tâm lý phòng vệ. Cái tâm lý phòng vệ này làm người ta thường tư duy theo xu hướng: để tránh bị bắt nạt thì ta bắt nạt người khác trước. Và khi làm điều này, vô hình chung, mắc tính hách dịch một cách vô thức.

Tại sao lại nói nhiều người Việt mắc tính hách dịch một cách vô thức? Vì, khi quan sát kỹ, rất nhiều hành vi hách dịch chẳng qua là để phòng thủ và che chắn bản thân trong một xã hội con người và con người ít tin và ít đối xử tử tế với nhau. Va quẹt xe máy nhẹ, chưa kịp ngồi dậy thì một hoặc cả hai bên đã hùng hổ ra oai thể hiện và dọa nạt gọi người này người nọ để khỏi phải bị bên kia đổ lỗi cho mình! Đánh nhau, chém nhau… chỉ vì thằng đó có thái độ hách dịch. Có ai muốn hách dịch với người thân, ba mẹ của mình? Nhưng vẫn đầy ra đó. Khi bị chê trách về thái độ hách dịch thì người có tính hách dịch lập tức phản bác và chối bỏ. Một chính phủ thường xuyên phải đi xin viện trợ, một đất nước nghèo và kém về mọi mặt, nhìn xuống chỉ hơn được số ít, nhìn lên thua quá nhiều nơi, thì hách dịch ra oai được với ai? Ấy vậy mà ta vẫn thấy đầy tuyên bố, lời nói, thái độ, hình ảnh hách dịch của quan chức đấy thôi. Người Việt mình có giỏi giang có tài cán thì so với người các nước khác chúng ta đã đóng góp được gì cho nhân loại, thế thì làm sao dám hách dịch với ai? Vậy mà, vẫn đầy người hống hách.

Những người có quyền thế bởi tiền bạc bất minh, bởi tâng bốc bơm thổi, bởi hão huyền… thì hình thành tính hách dịch có ý thức và nó được nâng lên mức cực đoan. Bởi khi thể hiện thái độ hách dịch, nói giọng hách dịch… họ được thỏa mãn tính kiểm soát và tự phụ, ve vuốt những tổn thương của cái tôi bản thân. Chúng ta thường thấy ở quan chức, ở khá nhiều người nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực.

Hách dịch gây hại gì cho bản thân, người khác và cộng đồng? Bản thân: Phá hỏng các mối quan hệ.Với người khác và cộng đồng: Phá hỏng sợi dây liên kết ràng buộc tạo thành xã hội có môi trường phát triển.

Làm sao để tránh mắc tính hách dịch? Liên tục chất vấn bản thân và biết vị trí của mình, biết so sánh vị trí của mình với những cái lớn hơn, vĩ đại hơn để biết mình nhỏ bé và chẳng là gì; những việc mình làm và thành công đạt được chỉ là những điều quá tầm thường so với người A, B, C… Biết khiêm cung thì khó thể hách dịch. Biết bản thân rất dễ mắc tính hách dịch một cách vô thức, người ta cần để ý cách ứng xử để đừng vô tình mắc phải. Khi ai đó nhắc về một thái độ hách dịch mà mình có với ai đó, bản thân cần nhìn lại chính mình hoặc giải thích và chú ý hơn…

Với trẻ, hãy dạy chúng biết tự lập nhưng không tự kiêu, dạy chúng biết tôn trọng phẩm giá con người. Dạy chúng biết về vũ trụ, về những điều to lớn mà chúng chưa biết ở xung quanh… để chúng hiểu chúng nhỏ bé. Không bắt nạt chúng, không tạo ra một môi trường độc hại cho chúng..

Sửa tính hách dịch không khó, nhận ra hay không mà thôi.

Nguyễn Thị Bích Ngà
10/08/2020

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây

Xem thêm:

Mời xem video: