Đêm 14/4/1912 là một đêm kinh hoàng, 705 người được cứu sống và 1.502 người đã thiệt mạng trong vụ đắm tàu Titanic. Nhưng nó cũng là một đêm khó quên của sự cao quý và tình yêu thương…

Khi ấy, phó thuyền trưởng Charles Lightoller (38 tuổi) là người cuối cùng lên thuyền cứu hộ. Ông cũng là người có chức vụ cao nhất trong đội ngũ thuyền viên làm việc trên tàu Titanic may mắn còn sống sót.

Sau này, ông hồi tưởng lại:

Khi đối diện với thảm họa đắm tàu, và thuyền cứu hộ bắt đầu được hạ xuống, thuyền trưởng ra lệnh: “Phụ nữ và trẻ em lên trước!”

Rất nhiều hành khách lại tỏ ra rất bình tĩnh, một vài người còn từ chối rời xa người thân. Sau khi thuyền cứu hộ đầu tiên hạ xuống, tôi nói với một phụ nữ tên Straw rằng: “Bà có muốn cùng tôi lên thuyền cứu hộ kia không?” Không ngờ người phụ nữ đó lắc đầu nói: “Không, tôi muốn ở lại trên tàu.”

Chồng bà hỏi: “Vì sao em không muốn lên thuyền cứu hộ?” Bà mỉm cười, điềm tĩnh trả lời: “Không, em muốn đi cùng anh.” Từ đó về sau, tôi không còn gặp lại đôi vợ chồng đó nữa…

Charles hô lớn: “Phụ nữ và trẻ em mau qua đây!” Nhưng chỉ có một vài người phụ nữ đồng ý rời khỏi người thân, ông gần như không tìm thấy người phụ nữ và trẻ em nào nguyện ý bỏ lại người thân để bước lên thuyền cứu hộ! Charles vẫn không khỏi cảm thán: “Chỉ cần tôi còn sống thì vĩnh viễn sẽ không quên được đêm hôm đó!”

Titanic: Nước biển dẫu nhiều cũng không thể nhấn chìm tình yêu
Bức tranh “Phụ nữ và trẻ em lên trước!” làm sững sờ công chúng khi ra mắt năm 1912. (Tranh qua Encyclopedia-titanica.org)

Khi đuôi tàu bắt đầu chìm dần xuống biển, vào thời khắc sinh tử đó, họ nói với nhau: “Anh yêu em, em yêu anh!” Đó là một lời chứng vĩ đại cho tình yêu của họ! Điều quan trọng nhất khi đó, họ chỉ muốn nói họ yêu đối phương biết nhường nào.

John Jacob Astor IV là người giàu nhất thế nhất lúc bấy giờ. Sau khi đưa người vợ mang thai 5 tháng của mình lên thuyền cứu hộ, ông đứng ở boong tàu cùng chú chó trung thành bên cạnh, châm một điếu xì gà, nhìn chiếc thuyền cứu hộ cuối cùng đang dần khuất xa và nói lớn với vợ: “Anh yêu em!”

Phó thuyền trưởng đã yêu cầu Astor lên thuyền, nhưng ông lại tỏ ra bực tức và từ chối: “Tôi ủng hộ tuyên bố của thuyền trưởng!” Sau đó, người đàn ông giàu nhất thế giới ấy đã nhường vị trí của mình cho một bé gái người Ireland. Vài ngày sau tai nạn, một thuyền viên đã phát hiện thi thể của Astor đệ tứ ở Bắc Đại Tây Dương. Khi đó, phần đầu của ông thậm chí đã biến dạng vì bị ống khói của con thuyền đập vào…

Số tài sản của Astor có thể mua được vài chiếc tàu Titanic, tuy nhiên ông lại từ chối thoát thân với tất cả những lý do chính đáng nhất.

Vì để bảo vệ nhân phẩm của mình mà ở lại, đây chính là cách lựa chọn của người đàn ông vĩ đại. Ông trùm ngân hàng nức tiếng Astor IV vào thời điểm nguy nan nhất vẫn mặc trên mình bộ đồ đắt tiền và thản nhiên nói: “Ta phải chết sao cho đáng mặt một quý ông.” Ông đưa cho vợ một mẩu giấy viết vội: “Anh sẽ không chiếm bất kỳ một chỗ nào của phụ nữ và trẻ em trên thuyền cứu hộ mà sẽ đứng trên boong tàu. Anh sẽ không chết như một con vật, mà sẽ ra đi như một quý ông chân chính.”

Chuyến tàu Titanic định mệnh còn chở theo nhiều nạn nhân khác trong chuyến hành trình như tỷ phú Acid, nhà báo nổi tiếng Stead, Thiếu tá pháo binh Bart, kỹ sư Robble nổi tiếng… Tất cả họ đã từ bỏ vị trí thuyền cứu hộ cho những người phụ nữ nông dân. Strauss là người giàu thứ hai trên thế giới và là người sáng lập của Macy, dù ông có dùng cách nào đi chăng nữa thì vợ ông – phu nhân Ida Straus cũng từ chối xuống thuyền cứu hộ, bà nói: “Bao nhiêu năm nay, ông đi đâu tôi đi đó, tôi sẽ đi theo ông dù là tới bất cứ nơi nào.”

Người phụ trách chiếc thuyền cứu hộ số 8 cũng đã dành một vị trí tốt cho quý ông Strauss và ra sức thuyết phục: “Tôi tin rằng sẽ không có ai phản đối một người lớn tuổi như ngài xuống thuyền cứu hộ”. Nhưng ông kiên quyết trả lời: “Tôi tuyệt đối sẽ không xuống thuyền cứu hộ khi những người đàn ông khác còn đang ở lại.” Sau đó ông cầm tay người vợ 63 tuổi của mình, đi tới boong tàu ngồi xuống ghế và bình thản chờ đợi thời khắc sinh tử.

Ngày nay, tại Bronx thành phố New York, Mỹ, người ta xây một tượng đài để tưởng niệm vợ chồng ông Strauss, trên đó khắc hàng chữ: “Nước biển dù nhiều tới đâu cũng không thể nhấn chìm được tình yêu”. Hơn 6.000 người cũng đã tham dự bữa tiệc tưởng niệm vợ chồng Strauss được tổ chức tại Hội trường Carnegie ở Manhattan.

Một doanh nhân người Pháp là Navratil đã dùng những nỗ lực cuối cùng để đưa 2 người con của mình lên thuyền cứu hộ và nhờ các phụ nữ trên đó chăm sóc, còn bản thân ở lại trên tàu. Ông nhắn nhủ: “Con trai, khi con gặp mẹ, và chắc chắn là con sẽ gặp mẹ, hãy nói với mẹ rằng cha luôn yêu mẹ.” Sau khi may mắn thoát nạn, hai người con của Navratil đã được báo chí khắp thế giới đăng ảnh và nhanh chóng gặp lại mẹ của họ. Nhưng nỗi đau mất cha của những đứa trẻ này là mãi mãi không thể xóa nhòa.

Trên tàu Titanic còn đôi vợ chồng mới cưới Astrid Pasi và Reta Pasi đang đi nghỉ tuần trăng mật. Khi tàu sắp chìm, Reta Pasi một mực ôm chặt chồng mới cưới và từ bỏ cơ hội xuống thuyền cứu hộ một mình. Astrid Pasi đã bất đắc dĩ phải đánh bất tỉnh vợ rồi lặng lẽ đưa cô xuống thuyền. Sau khi tỉnh lại, Reta mới bàng hoàng phát hiện sự thật. Kể từ đó, cô không tái hôn với bất ai và tưởng niệm người chồng đã mất của mình.

Trong cuộc phỏng vấn những người sống sót sau tai nạn tại Thụy Sỹ, một quý bà tên Smith đã không kìm nén được xúc động khi chia sẻ về sự hy sinh của một người phụ nữ vô danh: “Tôi bế hai con của mình và đưa chúng lên thuyền cứu hộ. Nhưng vì thuyền đã quá đông, tôi không thể lên được nữa. Khi ấy, một người phụ nữ đã đứng dậy nhường chỗ và giúp tôi xuống thuyền rồi nói lớn: Xuống đi, bọn trẻ không thể không có mẹ…”

Người phụ nữ vĩ đại ấy chẳng hề để lại tên tuổi. Sau này, để ghi nhớ sự hy sinh cao thượng ấy, một tấm bia tưởng niệm người phụ nữ vô danh đã được dựng nên.

Duy nhất phó thuyền trưởng Charles Lightoller sống sót, còn lại hơn 50 nhân viên phục vụ trên con tàu Titanic đều đã tử nạn.

Vào 2 giờ sáng ngày xảy ra tai nạn, thuyền trưởng John Phillip nhận được điện báo thúc giục ông rời tàu Titanic. Nhưng vị thuyền trưởng ấy vẫn bình tĩnh ngồi trong khoang điều khiển, không ngừng nhấn nút điện báo phát đi thông điệp “SOS” và giữ nguyên tư thế ấy cho đến phút cuối cùng.

Trong bức màn đêm đen tối nhuốm đẫm đau khổ và chia ly, tinh thần quý tộc nổi lên như ngọn đuốc rực sáng, khắc họa nên một tuyệt tác vĩ đại về nhân cách và đạo đức con người.

Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp ngoại lệ: Hirano khi đó là phó cố vấn của Viện Đường sắt Nhật Bản, mặc đồ phụ nữ, trèo lên chiếc xuồng cứu hộ số 10 đầy phụ nữ và trẻ em để trốn thoát. Khi trở về Nhật Bản, anh ta đã bị đuổi việc ngay lập tức. Anh ta đã bị tất cả các tờ báo Nhật Bản buộc tội và qua đời sau 10 năm thú nhận và sống trong trong dằn vặt…

Năm 1912, trước tượng đài tưởng niệm các nạn nhân trên tàu Titanic, người đại diện công ty vận tải biển White Star Line đã phát biểu trước báo chí: “Không có bất kỳ luật lệ nào ép buộc những người đàn ông phải dành sự hy sinh lớn như vậy. Hành động của họ xuất phát từ sự kiên định mà phái mạnh dành để bảo vệ phái yếu. Đó chính là lựa chọn của họ.” Trong tác phẩm “Không bao giờ chìm” viết về vụ đắm tàu Titanic, tác giả Danielle cũng cảm thán: “Trách nhiệm quan trọng hơn so với mọi thứ khác. Đó chính là điều mà họ được thụ hưởng bởi nền giáo dục ngay từ khi còn nhỏ.”

Khi đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết, mọi thứ đều trở nên bình đẳng. Nếu phải buông tay những người thân yêu của mình và tiếp tục sống với một khối tài sản khổng lồ thì cuộc sống đó cũng không có ý nghĩa gì. Cho dù đối diện với sinh tử hay bất kể khó khăn thế nào trong cuộc sống thì bàn tay yêu thương sẽ mãi mãi không bao giờ buông. Những con người xấu số trong cơn “bão biển” kinh hoàng năm ấy trở thành biểu tượng vĩ đại của tấm lòng thiện lương và tình yêu cao cả.

Thu Hà biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: