Trong cuộc đời của mình, Camille Saint-Saëns được biết tới như là một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất thế giới. Nhưng ngày nay, ông được tưởng nhớ đến nhiều nhất qua “Lễ hội muông thú”, một tổ khúc ông viết “chỉ để cho vui”, nhưng đã đi vào lòng người yêu vũ đạo cổ điển qua điệu múa ballet “Cái chết của thiên nga” (The Dying Swan); hay người yêu phim qua các bộ phim nổi tiếng như Bố già 1974, Người đẹp và quái vật của Disney, cùng hàng tá những bộ phim khác…

Tổ khúc "Lễ hội muông thú": Khi trò đùa âm nhạc trở thành di sản
Tổ khúc “Lễ hội muông thú” tại nhà hát Miller, New York. (Ảnh: Peter Matthews, Flickr, CC BY 2.0)

Camille Saint-Saëns (1835-1921) là nhà soạn nhạc, nghệ sĩ đàn piano, nghệ sĩ đàn organ, nhạc trưởng, nhà phê bình nghệ thuật người Pháp. Ông là một trong những nhà soạn nhạc quan trọng của thời kỳ Lãng mạn. Trong giới yêu nhạc, ông là một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất. Ông còn là một trong những thần đồng âm nhạc vĩ đại nhất thế giới. Trên thực tế, nhiều người còn cho rằng ông tài giỏi hơn cả Mozart hay Mendelssohn.

Âm nhạc của Saint-Saëns thanh nhã về hình thức và đường nét, hòa thanh đẹp. Chính vì ông chú trọng đến những phong cách âm nhạc này nên âm nhạc của ông có lúc đã bị chê là hời hợt và dễ dãi. Tuy vậy chính phong cách âm nhạc đó cộng với sự thanh nhã và giàu sức sáng tạo trong giai điệu đã giúp các tác phẩm của nhà soạn nhạc người Pháp trở nên lâu bền.

Tổ khúc "Lễ hội muông thú": Khi trò đùa âm nhạc trở thành di sản
Camille Saint-Saëns. (Ảnh: Charles Reutlinger, Wikipedia, Public Domain)

Saint-Saëns bắt đầu chơi piano từ khi mới hai tuổi rưỡi. Ông viết bản nhạc đầu tiên của mình khi được bốn tuổi rưỡi, lần đầu tiên biểu diễn trước công chúng khi lên mười. Khi đó ông không chỉ chơi hai bản concerto và biểu diễn một đoạn cadenza tự sáng tác, mà khi được yêu cầu diễn lại, ông đã ngỏ ý sẽ chơi bất kỳ bản sonata nào của Beethoven mà khán giả yêu cầu. Với 32 bản sonata khi lên mười, Saint-Saëns hoàn toàn trở nên nổi tiếng. Nhưng di sản khiến người ta tưởng nhớ đến ông nhiều nhất ngày nay lại là một bản nhạc mà ông chỉ viết để vui đùa.

Sau tour hòa nhạc thất bại ở Đức năm 1885-1886, Saint-Saëns lui về một ngôi làng nhỏ ở Áo. Chính tại nơi đây ông đã sáng tác “Lễ hội muông thú” (Le carnaval des animaux) vào tháng 2/1886. Tác phẩm viết cho dàn nhạc gồm hai piano, hai violon (vĩ cầm), một viola (vĩ cầm trầm), một cello (trung hồ cầm), một double bass (đại hồ cầm), một sáo, một clarinet (kèn hơi), một kèn armonica, và một mộc cầm.

Ban đầu, Saint-Saëns chỉ xem đây là một tác phẩm vui đùa. Vào ngày 9/2/1886, trong thư gửi cho chủ biên của mình là Durand ở Paris, ông viết rằng mình đang sáng tác một tác phẩm dành cho Ngày Bánh Kếp (ngày cuối cùng ăn nhiều chất béo trước khi Mùa Chay bắt đầu), và thú nhận rằng ông biết bản thân nên tập trung vào Bản giao hưởng số ba của mình. Nhưng theo Saint-Saëns thì tác phẩm này thật sự là “quá hài hước”. Có vẻ như ông đã dự định viết tác phẩm này dành cho những người học trò của mình ở trường École Niedermeyer, nhưng nó đã được biểu diễn lần đầu tiên tại một buổi hòa nhạc riêng tư bởi nhạc công cello Charles Lebouc vào Ngày Bánh Kếp, 9/3/1886.

Buổi biểu diễn riêng tư thứ hai được tổ chức vào ngày 2/4 tại nhà của Pauline Viardot với một khán giả là Franz Liszt, bạn của Saint-Saëns. Có một vài buổi biểu diễn riêng tư nữa được tổ chức, nhưng Saint-Saëns đã rất nghiêm khắc yêu cầu tác phẩm này không được công diễn trong khi ông còn sống, bởi vì nó sẽ làm tổn hại tới hình ảnh một nhà soạn nhạc “nghiêm túc” của ông. Ông chỉ cho phép duy nhất chương cuối của tác phẩm, “Thiên nga” (The Swan), được công bố vào năm 1887.

Trong di chúc của mình, Saint-Saëns đã đặc biệt nhấn mạnh rằng tác phẩm này chỉ được công bố sau cái chết của ông. Sau khi Saint-Saëns qua đời vào tháng 12/1921, tác phẩm đã được Durand công bố ở Paris vào tháng 4/1922 và lần đầu tiên được biểu diễn trước công chúng vào ngày 25/2/1922 bởi dàn nhạc giao hưởng Concerts Colonne.

“Lễ hội muông thú” từ đó đã trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Saint-Saëns, thường được chơi bởi dàn nhạc nguyên gốc gồm mười một nhạc cụ. Đặc biệt, một số trong 14 chương của tổ khúc đã trở thành những giai điệu nổi tiếng đi vào lòng người. Ví dụ như chương “Thiên nga” (The Swan) đã trở thành nguồn cảm hứng cho điệu múa ballet nổi tiếng “Cái chết của thiên nga” (The Dying Swan); hay chương “Bể thủy sinh” (Aquarium) đã xuất hiện trong các bộ phim nổi tiếng như Bố già 1974, Người đẹp và quái vật của Disney, cùng hàng tá những bộ phim khác…

Điệu múa ballet “Cái chết của thiên nga”:

Nội dung tổ khúc “Lễ hội muông thú”

Chương 1 – Đoạn mở đầu và Hành khúc hùng tráng của sư tử

Họ vĩ cầm (gồm violon, viola, cello và double bass) và hai piano: Đoạn mở đầu bắt đầu với một đoạn vê của hai piano, nhạc nền là khúc nhạc chủ đạo trang nghiêm của họ vĩ cầm. Hai piano chơi một cặp thang âm theo hướng đối lập chính là đánh dấu cho đoạn kết thúc của phần đầu tiên của chương này. Sau đó hai piano giới thiệu giai điệu chủ đạo của hành khúc. Họ vĩ cầm tấu lên giai điệu của hành khúc, với tiếng piano thỉnh thoảng đệm vào nhịp điệu quãng tám giống như tiếng gầm của một chú sư tử. Hai nhóm nhạc cụ này luân phiên đổi chỗ cho nhau, với piano chơi phiên bản nhẹ, cao hơn của giai điệu. Chương này kết thúc với một đoạn nhạc cực mạnh từ cả họ vĩ cầm lẫn piano.

Chương 2 – Gà mái và gà trống

Viola và violon, hai piano cùng clarinet: Phần nhạc nền chủ yếu của chương này được chơi bởi hai piano và họ vĩ cầm, dường như gợi nhớ tới âm thanh phát ra khi gà mổ thóc. Clarinet chơi những đoạn solo ngắn vào giữa khoảng nghỉ. Phần nhạc nền do piano chơi có tiết tấu nhanh, dựa trên tiếng gáy ò ó o o của chú gà trống.

Chương 3 – Những chú lừa hoang đang phi nước đại

Hai piano: Những con vật được mô tả ở đây rõ ràng là đang chạy rất nhanh. Hình ảnh này dường như hiện lên rõ nét trước mắt người nghe nhờ vào chuyển động liên tiếp, dồn dập, nhanh chóng lên và xuống của hai piano đang chơi thang âm ở quãng tám. Đây là những chú lừa hoang Mông Cổ, đến từ Tây Tạng và vô cùng nổi tiếng bởi tốc độ nhanh phi thường của chúng.

Chương 4 – Những chú rùa

Họ vĩ cầm và piano: Chương này mở đầu với một piano chơi một hình tượng giai điệu chùm ba nhấn ở khoảng âm cao hơn. Họ vĩ cầm chơi một phiên bản chậm của trích đoạn nổi tiếng “Galop infernal” (thường được gọi là Can-can) từ vở opera “Orpheus in the Underworld” (Tạm dịch: Orpheus ở dưới Địa ngục) của Offenbach.

Chương 5 – Chú voi

Double bass và piano: Piano chơi một hình tượng giai điệu chùm ba giống điệu valse trong khi bass chơi những âm điệu ở dưới thấp. Giống như chương “Những chú rùa”, đây cũng là một trò đùa vui – chất nhạc chủ đề được lấy từ phần nhạc nền của tác phẩm “Giấc mộng đêm hè” của Mendelssohn, và từ khúc “Vũ điệu của Sylphs” của tác phẩm “The Damnation of Faust” của Berlioz (Xem bài: Vở opera “La Damnation de Faust”: Kết cục của kẻ bán linh hồn cho quỷ dữ). Hai khúc nhạc gốc đều được viết cho những nhạc cụ có âm cao, nhẹ (như sáo, kèn gỗ, hay violon), nhưng trò đùa ở đây là Saint-Saëns đã chuyển sang dùng những nhạc cụ có âm thấp và trầm, ví như double bass.

Chương 6 – Những chú kangaroo

Hai piano: Hình tượng giai điệu chính ở đây là kiểu nhảy của chú kangaroo, được diễn tả bằng những nốt nhạc hoa mỹ. Khi chú nhảy cao lên dốc, nhịp độ dần dần nhanh lên và âm lượng trở nên to hơn, còn khi chú nhảy xuống, thì nhịp độ từ từ chậm lại và âm lượng cũng trở nên nhỏ hơn.

Chương 7 – Bể thủy sinh

Hai violon, viola, cello, hai piano, sáo, và armonica: Đây là một trong những chương sử dụng phong phú các loại nhạc cụ nhất. Giai điệu được chơi bởi sáo, đệm bởi họ vĩ cầm, và piano dường như đang vuốt trên phím đàn, gợi lên sự phong phú của vô số các loại cá khác nhau cùng với vẻ đẹp diệu kỳ nhưng cũng tràn đầy bí ẩn của cuộc sống dưới làn nước biếc.

Chương 8 – Những nhân vật với đôi tai dài

Hai violon: Đây là chương ngắn nhất trong tất cả các chương. Hai violon luân phiên nhau chơi những nốt cao, vang và những nốt thấp, nhỏ. Các nhà phê bình âm nhạc đã suy đoán rằng chương này dường như có ý muốn so sánh những nhà phê bình âm nhạc với những con lừa đang kêu be be.

Chương 9 – Chú chim cu cu ở sâu trong rừng

Hai piano và clarinet: Hai piano chơi những hợp âm rộng, nhẹ trong khi clarinet chơi một bè trì tục hai nốt đơn, hết lần này tới lần khác, mô phỏng lại tiếng kêu của một chú chim cu cu. Saint-Saëns đã nói rõ trong bản tổng phổ gốc của mình rằng nhạc công chơi clarinet nên ở sau sân khấu.

Chương 10 – Chuồng chim

Họ vĩ cầm, piano và sáo: Họ vĩ cầm đóng vai trò là nhạc nền, tạo nên những âm thanh khiến người nghe liên tưởng tới âm thanh ồn ã của một khu rừng. Tiếng sáo đóng vai trò như tiếng chim, với một giai điệu láy rền lên xuống trầm bổng. Chương này kết thúc một cách yên lặng sau một thang âm nửa cung lên cao kéo dài của tiếng sáo.

Chương 11 – Những nhạc công piano

Họ vĩ cầm và hai piano: Chương này gợi lên một hình ảnh thoáng qua trước mắt người nghe: những nhạc công đang chơi các thang âm. Chương này khác thường ở chỗ ba hợp âm cuối cùng không kết thúc cho phần này, mà nó giống như đang dẫn dắt người nghe tới với chương tiếp theo.

Chương 12 – Hóa thạch

Họ vĩ cầm, hai piano, clarinet và mộc cầm: Tại đây, Saint-Saëns đã mô phỏng lại dựa theo chính tác phẩm “Danse macabre” (Tạm dịch: Vũ điệu tử thần) của mình. Chương này sử dụng rất nhiều âm thanh của mộc cầm để gợi lên hình ảnh của những bộ xương đang chơi bài, tiếng xương lách cách kêu cùng nhịp gõ của mộc cầm.

Chương 13 – Thiên nga

Hai piano và cello: Chương này bắt đầu bằng âm thanh của hai piano, âm thanh tựa như tiếng nước lăn tăn, với những gợn sóng nho nhỏ trải dài. Rồi mọi thứ tập trung vào tiếng cello. Người nghe dường như có thể nhìn thấy rõ cảnh tượng một chú thiên nga trắng muốt đang tao nhã lướt trên mặt hồ. Ban đầu chú cúi chiếc cổ mảnh khảnh xuống làn nước biếc, rồi theo những nốt nhạc dài, chiếc cổ kiêu sa dần dần ngẩng lên một cách đầy duyên dáng yêu kiều.

Là một trong những chương nổi tiếng nhất của tác phẩm này, “Thiên nga” thường được biểu diễn dưới phiên bản dành cho một cello và một piano, và đây cũng là chương duy nhất được Saint-Saëns cho phép công bố ra công chúng khi ông còn sống. Những chương còn lại, ông nói rằng sẽ được công bố sau khi ông qua đời. Vào thời điểm đó, ông đã khá là lo lắng, vì di sản để lại là cả một vấn đề quan trọng. Và bởi ông là một nhà soạn nhạc người Pháp thường sáng tác các tác phẩm nghiêm túc, nên đây không phải là tác phẩm mà ông muốn mình trở nên nổi tiếng. Tuy vậy, bằng cách nào đó mà “Thiên nga” đã thực sự trở thành giai điệu tinh tế, trong sáng, đơn giản và đẹp đẽ nhất mà ông từng sáng tác.

Chương 14 – Kết thúc

Rất nhiều các chương trước đã được dẫn vào đây, như phần mở đầu, sư tử, lừa hoang, gà mái và kangaroo. Tất cả đã được kết hợp một cách hài hòa và đầy thú vị, góp phần tạo nên một dấu chấm kết thúc hoàn mỹ cho ngày hội âm nhạc của muôn loài.

Độc giả có thể thưởng thức trọn vẹn tác phẩm “Lễ hội muông thú” theo đường dẫn dưới đây. Trong video này, tác phẩm được trình diễn bởi các nghệ sĩ đến từ Học viện âm nhạc Zagreb:

Thanh Hương

Xem thêm:

Mời xem video: