“Tôi có thể làm gì để khuyến khích, giúp đỡ người khác đọc sách?”

Trước hết phải nói lời cảm ơn bạn vì bạn đã có một ý nghĩ, ý tưởng tuyệt vời!

Quan sát cuộc sống xung quanh ta sẽ thấy vô vàn con người đang ngày đêm lao đầu, đắm đuối để giải bài toán cá nhân trong một phạm vi rất hẹp là đời sống cá nhân mình và cuộc sống của gia đình mình.

Mọi thứ họ làm, mọi thứ họ tính toán, hành động đều để nhắm tới một lợi ích vật chất, tinh thần nào đó rất ngắn hạn cho bản thân, gia đình và nó không thoát ra khỏi bốn bức tường hay hàng rào vây quanh ngôi nhà của họ.

Đấy là một điều dễ hiểu nhưng không phải là một hành động khôn ngoan.

Hãy nghĩ thử xem nhé!

Để đối phó với các vấn đề của cuộc sống, xã hội nếu như các cá nhân chỉ giải quyết nó ở phạm vi cá nhân, gia đình thì sẽ thế nào?

Chẳng hạn, để tránh tai nạn giao thông, các cá nhân đều tìm cách mua xe ô tô bền, đẹp để tăng xác suất an toàn?

Để tránh ăn phải thực phẩm bẩn, các cá nhân tìm cách sở hữu trang trại hoặc tự mình sản xuất rau sạch, nuôi lấy gia súc, gia cầm để tự cung tự cấp.

Để hưởng thụ y tế tốt, cá nhân ra sức kiếm tiền bằng mọi cách để có thể tìm đến các phòng khám tư đắt tiền, phòng khám quốc tế chất lượng cao.

Để con cái được hưởng giáo dục tốt, cá nhân nỗ lực kiếm tiền để con mình có thể vào học trường tư, trường quốc tế, đi du học…

Tất cả những việc trên đều hợp pháp, hợp lẽ và không có gì khó hiểu. Nó cũng không phải là hành vi vi phạm đạo đức. Tuy nhiên, nếu suy ngẫm kĩ từ phương diện xã hội ta sẽ thấy nó có sự bất ổn. Xã hội sẽ thế nào nếu như các cá nhân bao gồm cả những cá nhân xuất sắc và ưu tú nhất trong xã hội (trong kinh tế tri thức, phần lớn những người kiếm được nhiều tiền, trở nên giàu có cũng sẽ là người có trí tuệ và nền tảng học vấn tốt) chỉ dùng trí tuệ, năng lượng, thời giờ, tiền bạc của mình vào giải quyết bài toán cá nhân?

Một bác sĩ giỏi chỉ quan tâm tới chuyện làm sao kiếm được nhiều tiền để lo cho gia đình mình?

Một luật sư giỏi cũng làm tương tự?

Rồi đến giáo viên, cảnh sát cũng toan tính như thế?

Xã hội rồi sẽ thế nào?

Tính công cộng trong công việc của họ-thứ tạo ra ý nghĩa xã hội và lý do để nghề của họ tồn tại sẽ thế nào?

Sự chính đáng của nghề có còn tồn tại?

Chắc chắn là không!

Những việc trên của cá nhân tuy không vi phạm đạo đức thông thường, không phạm luật nhưng nếu nó trở thành phổ biến ở tất cả mọi người thì nó sẽ phá hủy xã hội nhanh chóng và gây ra hậu quả khôn lường. Những nền tảng cơ bản như sự hợp tác, sự đảm bảo và duy trì tính công cộng của xã hội văn minh sẽ tan rã.

Mời xem video: Đừng sợ mọt sách, hãy sợ mọt đục đời mình.

Trong tác phẩm “Khuyến học” (nguyên tác gồm 17 cuốn được xuất bản ở Nhật Bản từ năm 1872-1876), Fukuzawa Yukichi (1835-1901) một nhà khai sáng ở Nhật Bản từng nói rất hay và thuyết phục về mối quan hệ này. Xin trích một đoạn dài trong tác phẩm này để chúng ta cùng suy ngẫm:

“Mưu cầu cái ăn, cái mặc, chỗ ở ổn định dựa vào hoạt động của khối óc và cơ thể là lẽ thường tình ở con người… .(lược một đoạn)

Tất nhiên, đối với con người việc tự lập kiếm kế sinh nhai rất quan trọng. Người xưa thường dạy: “Hãy kiếm sống bằng chính mồ hôi của mình”. Thế nhưng theo tôi, cho dù chúng ta có làm đúng theo lời dạy này thì cũng chưa phải là đã làm đúng trách nhiệm và nghĩa vụ với tư cách là con người. Lời dạy này mới dừng lại ở chỗ răn người ta làm người thì đừng để thua kém muông thú và cũng chỉ dạy có thế.

Các loài chim chóc, muông thú, tôm cá, côn trùng… tự chúng không kiếm mồi được sao? Ví như loài kiến chẳng hạn. Loài kiến không những biết kiếm mồi mỗi ngày mà còn biết làm hang, làm tổ, tích trữ mồi trong suốt mùa đông giá rét.

Vậy mà trên đời này, có không ít người, hành vi của họ cũng chỉ ngang với đàn kiến thôi mà cũng tự mãn.

Tôi lấy một ví dụ để mọi người cùng thấy. Có một người con trai đến tuổi trưởng thành. Anh ta có được việc làm trong ngành công nghiệp thương nghiệp, hoặc có chân trong giới quan chức. Bản thân anh ta hoàn toàn có thể sống độc lập mà không cần phụ thuộc vào bất kỳ một sự trợ giúp nào từ gia đình và bạn bè. Tự anh ta xoay xỏa xây lên được một căn nhà, sắm sửa được mọi vật dụng thiết yếu trong gia đình mà không cần nhờ vả người khác và cưới được một cô vợ như ý. Anh ta sống tằn tiện, sinh con, nuôi con cái ăn học. Anh ta cũng có được một khoản tiền tiết kiệm, phòng khi “trái gió, trở giời” còn có cái để chi tiêu.

Anh ta mãn nguyện vì cho rằng như thế là mình đã có được cuộc sống độc lập. Dư luận xã hội cũng đều đánh giá anh ta là một người hoàn hảo và bản thân anh ta cũng lấy làm đắc chí.

Các bạn nghĩ sao về con người này? Tôi thì không nghĩ rằng anh ta là một người hoàn hảo. Sẽ nhầm lẫn nếu dư luận xã hội đánh giá nhân vật này như tôi viết ở trên. Thực ra, anh ta chỉ lặp lại những gì mà loài kiến đã và đang làm không hơn không kém. Tôi thừa nhận rằng không phải tự nhiên mà anh ta có được cuộc sống ổn định, có được căn nhà riêng. Anh ta đã phải nỗ lực và vất vả lắm mới có được như vậy. Vả lại, tự anh ta tạo ra cho mình và gia đình mình cuộc sống độc lập chứ có dựa dẫm vào ai đâu. Ở điểm này thì anh ta hoàn toàn không phải hổ thẹn trước lời dạy của người xưa.

Nhưng, tôi lại hoàn toàn không nghĩ rằng loài người với tư cách là chúa tể của muôn loài-mới có được kết quả nhỏ nhoi như vậy mà đã coi là hoàn tất mục đích đích thực của cuộc đời.

Giải quyết được cái ăn, cái mặc, chỗ ở mà đã mãn nguyện, đã cảm thấy hài lòng rồi thì hóa ra cuộc đời con người trên thế gian này chỉ đơn thuần là được sinh ra rồi chết đi không thôi hay sao? Tình trạng lúc anh ta chết đi có khác gì lúc được sinh ra. Tức là quanh quẩn vẫn chỉ là chuyện sao cho có nhà cửa, có cuộc sống ổn định và có của ăn của để nữa. Vẻn vẹn chỉ có vậy. Nếu đến thế hệ con cháu, cũng lặp đi lặp lại y hệt cuộc sống của anh ta thì dù có trải qua hàng trăm đời, làng xóm thị trấn nơi anh ta đã sống xưa thế nào nay chắc cũng vậy, không chút thay đổi.

Không một người nào nghĩ tới sự nghiệp công ích, công cộng, chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân và gia đình. Ngoài ra thì mặc kệ. Không một người nào có ý nghĩ là phải làm gì, để lại cái gì cho quê hương khi còn đang sống” .

Như vậy, ta thấy rằng cá nhân và xã hội, số phận, hạnh phúc của cá nhân và xã hội gắn bó với nhau. Khi xã hội gặp vấn đề thì tất yếu hạnh phúc của các cá nhân trong đó cũng mong manh, dễ đổ vỡ hoặc bị đe dọa và ngược lại nếu xã hội tốt đẹp, cải thiện không ngừng, cơ hội để tìm kiếm, trải nghiệm, duy trì hạnh phúc của cá nhân sẽ lớn.

Để dễ hiểu ta hãy hình dung cho dù nhà của chúng ta to lớn đến cả nghìn mét vuông, tường cao, chăng dây thép gai, có chó dữ, lắp đặt camera mọi chỗ, có vệ sĩ canh gác ta cũng làm sao có thể bảo vệ bản thân hay con mình suốt 24/24 giờ khi ngay từ cổng trở đi đã có tội phạm và môi trường sa đọa? Hơn nữa cho dù tường cao, an ninh ngặt nghèo như vậy, ai sẽ bảo vệ con ta khỏi ảnh hưởng xấu từ bầu không khí xã hội và môi trường bị ô nhiễm?

Vì vậy, ngoài chuyện chăm lo cho bản thân và cuộc sống gia đình, cá nhân rất cần chủ động tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội để giúp cho xã hội ngày một tốt lên. Nếu có trí tuệ, cá nhân sẽ hiểu rằng làm cho xã hội tốt lên, đóng góp cho xã hội thông qua các hoạt động cụ thể mà mình có thể làm chính là vị lợi ích của chính mình. Gia đình-cá nhân mình là thành viên của xã hội và chịu tác động từ đó. Giống như là cá bơi trong nước. Khi ao nước tù đọng và ô nhiễm, không chóng thì chầy cá sẽ bị biến dạng hoặc diệt vong.

Cá nhân hoàn toàn có thể đóng góp cho xã hội bằng nhiều cách. Khuyến đọc là một cách quan trọng và hiệu quả trong bối cảnh hiện nay vì năng lực đọc sách, văn hóa đọc là một trong những nền tảng cơ bản nhất trong xã hội văn minh.

Khuyến đọc cũng là việc khả thi, phù hợp với xu hướng xã hội, được phát luật bảo đảm và ai cũng có thể làm được.

Trên thực tế hiện nay trong số những người làm khuyến đọc hiệu quả có rất nhiều người sinh ra thiếu may mắn, là người khuyết tật nhưng vẫn vượt lên số phận và có đóng góp lớn cho cộng đồng như Đỗ Hà Cừ (Thái Bình), Trần Thúy Nga (Nghệ An)… Những người thiệt thòi ngay từ lúc sinh ra còn có thể nghĩ tới cộng đồng và có thể làm tốt như vậy, tại sao chúng ta những người may mắn sinh ra khỏe mạnh, bình thường lại nghĩ rằng “Mình chỉ là hạt cát. Mình chẳng làm được gì đâu”?

Vậy thì, khi các bạn yêu thích đọc sách, muốn làm khuyến đọc để giúp đỡ người khác đọc sách các bạn có thể làm gì?

Có rất nhiều việc các bạn có thể làm.

Thứ nhất là nâng cao nhận thức của bản thân về văn hóa đọc, biến mình thành một người có thói quen đọc sách và say mê đọc sách. Không gì có sức mạnh hơn “người thật việc thật”. Khi bạn đọc sách và nhờ nó làm cho cuộc sống cá nhân của bạn tốt đẹp hơn, bản thân bạn hoàn thiện hơn, điều đó sẽ có sức ảnh hưởng lớn hơn vạn lời nói. Thực tế cuộc sống của bạn như vậy cũng sẽ làm cho phát ngôn của cá nhân bạn trở nên có sức mạnh hơn. Bạn sẽ trở thành “tấm gương đọc sách” trong gia đình, dòng họ, làng xóm, cơ quan và cộng đồng ở xung quanh.

Thứ hai, bạn có thể bắt tay vào khuyến đọc bằng các hoạt động trong chính gia đình nhỏ của mình như đọc sách cho con nghe, hướng dẫn con đọc sách, xây dựng tủ sách gia đình, vận động chồng (vợ) người thân trong gia đình đọc sách. Sau gia đình, bạn có thể vận động anh em, họ hàng, hàng xóm xây dựng tủ sách gia đình và đọc sách cũng như đọc sách cho con nghe. Việc này tưởng chừng như đơn giản nhưng thực ra lại là việc rất khó. Để thuyết phục người thân hay người xung quanh đọc sách sẽ cần đến nhiều công sức và thời gian cộng với sự kiên nhẫn, biết và dám gạt qua một bên sự tổn thương cá nhân và những lời dị nghị, đồn đại bóng gió. Bạn có thể tặng quà cho con em trong nhà bằng sách vào ngày sinh nhật, Ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung Thu, mừng tuổi sách vào năm mới…

Thứ ba, bạn có thể vận động công ty, tổ chức, cơ quan nơi mình đang làm việc xây dựng thư viện, tủ sách phục vụ cho cán bộ công nhân viên. Nếu bạn là người đứng đầu tổ chức, công ty thì việc này không phải là việc khó. Vấn đề nằm ở nhận thức và quyết tâm của bạn. Trên thực tế gần đây rất nhiều cá nhân năng động và có tư tưởng tiến bộ đã tiến hành việc này ở công ty, ngân hàng, bệnh viện… Bản thân tôi trong hai năm vừa qua đã đến khai trương thư viện và nói chuyện tại nhiều công ty thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, xây dựng, giáo dục. Những thư viện trong những công ty, tổ chức này đã ra đời từ chính nỗ lực khuyến đọc của những người làm việc ở đó. Một kết quả nội sinh.

Thứ tư, bạn có thể khuyến đọc hiệu quả, thường xuyên và lâu dài thông qua công việc của mình. Nếu bạn là nhà báo, biên tập viên bạn hãy viết nhiều hơn, đăng nhiều hơn tin bài về sách và văn hóa đọc. Nếu bạn là giáo viên bạn hãy nghĩ cách cải tiến nội dung, phương pháp để giúp học sinh đọc nhiều sách hơn ở lớp và ở nhà. Các bài tập, nhiệm vụ học tập phải có yêu cầu đọc sách và nội dung các cuốn sách nên được đưa vào khéo léo để học sinh làm quen, tiếp nhận. Nếu bạn là cán bộ quản lý văn hóa, là lãnh đạo các địa phương, ngành… bạn hãy hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa để người dân tham gia vào hoạt động khuyến đọc và đảm bảo cho hoạt động khuyến đọc diễn ra suôn sẻ, hiệu quả.

Thứ năm, bạn có thể tự mình xây dựng, thành lập các tủ sách, thư viện quản lý, điều hành nó phục vụ cho bạn đọc ở khu vực mình sinh sống. Hiện nay trên cả nước có rất nhiều thư viện, tủ sách “mini” dạng này phục vụ miễn phí bạn đọc ở cộng đồng như các tủ sách gia đình (tủ sách gia đình Văn Bùi của thầy Bùi Văn Đông ở Yên Mô-Ninh Bình, tủ sách của Trần Thúy Nga ở Nghệ An… ), các thư viện, tủ sách tư nhận thuộc hệ thống “Không gian đọc”, “Điểm đọc Việt Nam” (Không gian đọc Hy Vọng của Đỗ Hà Cừ ở thành phố Thái Bình, Không gian đọc Niềm tin của Nguyễn Lan Hương ở Đông Hưng-Thái Bình), “ngôi nhà trí tuệ” (Tủ sách nhân ái), các thư viện tư nhân (thư viện tư nhân Phạm Thế Cường ở Thành phố Hồ Chí Minh, thư viện Dương Liêu ở Hà Nội… ).

Trong khi hệ thống thư viện công chưa hoàn thiện và chậm cải cách thì việc có càng nhiều các thư viện tư nhân, các tủ sách gia đình càng tốt. Hãy tưởng tượng nếu như mỗi gia đình có một tủ sách và mỗi một làng, khu phố có ít nhất một thư viện tư nhân hoặc thư viện gia đình phục vụ cộng đồng miễn phí, đời sống xã hội nước ta sẽ tiến bộ biết chừng nào.

Thứ sáu, bạn có thể tham gia đóng góp một số tiền nhỏ hoặc tặng sách cho các thư viện tư nhân, tủ sách gia đình đang phục vụ cộng đồng miễn phí. Bạn cũng có thể tham gia góp vào các quỹ khuyến đọc mà nhiều nhà hoạt động xã hội đang tiến hành. Khi mỗi người góp một cuốn sách chúng ta sẽ có một lượng sách lớn để xây dựng thư viện cho những ngôi trường, địa phương khó khăn và giúp cho ngày một nhiều người dân có sách đọc nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo.

Thứ bảy, bạn cũng có thể tham gia thúc đẩy văn hóa đọc một cách thiết thực dễ dàng bằng cách mua và đọc sách thật không tiêu thụ sách lậu. Suy cho cùng các tác giả, dịch giả có sống và viết được hay không là nhờ vào độc giả. Nếu độc giả đọc nhiều, tiêu thụ lượng sách lớn thì tác giả-dịch giả sẽ được nhà xuất bản, công ty sách trả nhuận bút cao hơn và họ có điều kiện để chuyên tâm vào công việc viết, dịch. Văn hóa đọc ở Việt Nam còn kém một phần là vì thị trường tiêu thụ sách rất nhỏ. Khi thị trường nhỏ các nhà đầu tư sẽ không cảm thấy hứng thú nên ngành xuất bản không phát triển được. Khi xuất bản không phát triển những người có tài năng, trí tuệ sẽ không chọn viết lách là công việc chuyên nghiệp, chuyên tâm. Kết quả là các ấn phẩm ra đời có hàm lượng chất xám không cao, không sâu sắc và có tầm vóc. Để rồi chính điều này lại kéo xã hội trì trệ và làm cho đời sống tinh thần của quốc dân suy thoái. Mở rộng thị trường, gia tăng số lượng bạn đọc và biến người dân thành người tiêu thụ sách thường xuyên vừa là chiến lược kinh doanh của các công ty xuất bản nhưng đồng thời cũng là phương thức thúc đẩy tiến bộ xã hội. Không ở đâu lợi ích giữa doanh nghiệp xuất bản chân chính, người tham gia tạo ra hàng hóa (tác giả-dịch giả) lại thống nhất hài hòa với lợi ích xã hội, với người tiêu dùng như trong ngành xuất bản. Nếu làm sách tốt, sách hướng tới giá trị phổ quát, có tinh thần khai sáng thì các ông chủ xuất bản càng giàu có, xã hội càng tiến bộ, người dân càng trưởng thành. Chúng ta hiện đã có nhiều tỉ phú, đại gia trong các lĩnh vực nông sản, ngân hàng, hàng không, bất động sản. Tuy nhiên để tiến tới xã hội công nghiệp, văn minh hạnh phúc chúng ta cần phải có cả các tỉ phú thuộc lĩnh vực văn hóa và xuất bản. Ở ý nghĩa này, khi bạn mua một cuốn sách thật, sách hay, bạn cũng đã góp phần vào thúc đẩy văn hóa đọc.

Ngoài mua sách cho bản thân, bạn có thể mua sách tặng cho người thân cho gia đình, tặng cho tủ sách lớp học của con mình, thư viện trường con mình học và tặng cho bạn bè, đồng nghiệp, các tủ sách phục vụ cộng đồng… Những năm gần đây, trong tư cách là một người “bán sách rong” trên mạng và ngoài đời, tôi thi thoảng hay được tiếp xúc với những doanh nhân dành tiền cá nhân hoặc phúc lợi của công ty mua sách tặng cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, tặng cho các cô nhi viện hoặc các thư viện tư nhân, tủ sách gia đình phục vụ cộng đồng. Các chương trình khuyến đọc mà tôi khởi xướng, đồng khởi xướng cùng anh Đỗ Tiến Thành như xây dựng 12 tủ sách cho trường THCS Liên Chung (Tân Yên-Bắc Giang), Xây dựng thư viện cho trường Dân tộc bán trú THCS Bát Mọt (Thường Xuân-Thanh Hóa), tặng sách cho các trường học ở miền Trung bị thiệt hại bởi bão lụt, tặng sách cho học sinh ở Bắc Giang bị cách ly vì Covid 19… đều được rất nhiều bạn đọc trên cả nước nhiệt tình ủng hộ.

Nói tóm lại, nếu bạn đã có nhận thức tốt về văn hóa đọc và có quyết tâm cao, bạn có thể làm được rất nhiều việc có ích cho chính bản thân mình, gia đình và xã hội thông qua khuyến đọc. Trên thực tế có không ít cá nhân mà tôi quen biết, đã vừa làm tốt công việc riêng vừa có thể làm khuyến đọc hiệu quả như thầy Bùi Văn Đông-phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện Yên mô tỉnh Ninh Bình hay anh Đỗ Tiến Thành-phó giám đốc một trung tâm tư vấn xây dựng thuộc Bộ xây dựng (người thường được cộng đồng gọi một cách thân thương là “cửu vạn sách”). Hai người trong khi vừa làm các công việc thường ngày thuộc lĩnh vực mình phụ trách, vừa có gia đình riêng phải lo lắng, vẫn làm tốt công việc khuyến đọc đóng góp cho xã hội. Thầy Bùi Văn Đông có Tủ sách gia đình Văn Bùi tại nhà phục vụ miễn phí bạn đọc trong huyện và trong tỉnh. Mỗi một năm tủ sách của thầy cũng phục được khoảng trên dưới 1 vạn lượt bạn đọc. Một con số không nhỏ trong hoàn cảnh của Việt Nam. Đây là kết quả mà chưa chắc một thư viện cấp huyện, thậm chí cấp tỉnh có thể làm được. Anh Đỗ Tiến Thành thì cho dù công việc kinh doanh bận rộn vẫn đi lại khắp nơi để kết nối mọi người gây quỹ, tặng sách, tổ chức các buổi giao lưu, nói chuyện khuyến đọc trên cả nước. Bản thân tôi đã cùng anh rong ruổi trên rất nhiều chặng đường để làm việc này. Nhiều người khác như anh Cao Văn Hà (nguyên giám đốc Sở xây dựng tỉnh Bắc Ninh) sau khi về hưu vẫn không nghỉ ngơi mà cùng với gia đình chị Khanh, cán bộ, người dân địa phương xây dựng và vận hành thư viện Làng Cò (xã Đông Tiến-Huyện Yên Phong-tỉnh Bắc Ninh) hoạt động hiệu quả phục vụ bạn đọc ở địa phương. Anh Nguyễn Quang Thạch, người sáng lập Sách hóa nông thôn Việt Nam thậm chí còn lấy khuyến đọc là công việc chủ yếu và sự nghiệp của đời mình.

Không cần phải là đại gia, giáo sư, tiến sĩ hay doanh nhân thành đạt, nếu có tấm lòng và nhận thức tốt bạn hoàn toàn có thể đồng hành cùng chúng tôi bằng nhiều cách khác nhau để khuyến đọc, thúc đẩy văn hóa đọc tiến lên. Các bạn có thể liên lạc với chúng tôi để cùng làm. Chúng tôi luôn luôn chào đón các bạn.

Nguyễn Quốc Vương

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: