Trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 30 năm giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn (1771-1802), Giám mục Bá Đa Lộc là người phương Tây có mặt lâu nhất, từ năm 1776 đến ngày ông qua đời (1799). Ông sát cánh, hỗ trợ chúa Nguyễn Ánh khi chúa còn là một thiếu niên mới 15 tuổi cho đến những ngày cuộc nội chiến đã nghiêng phần thắng lợi về phía nhà Nguyễn.

Song vị trí của Bá Đa Lộc trong cuộc chiến giằng co đó như thế nào, nhất là mối quan hệ giữa ông ta với Nguyễn Ánh ra sao. Có nhiều sự miêu tả, nhận định rất khác nhau, trong đó có những cách thổi phồng, phóng đại vai trò của vị giám mục này, trao cho ông ta một vai trò quá lớn trong cuộc nội chiến, vô tình hạ thấp tính độc lập, quyết đoán của một con người đầy bản lãnh như Nguyễn Ánh.

Tiếp theo loạt bài:

Hành trình của giám mục Bá Đa Lộc tại Đại Việt

Tháng 7-1774, Giám mục Bá Đa Lộc rời Pondichéry, thuộc địa Pháp tại Ấn Độ, cùng bốn giáo sĩ châu Âu và chín chủng sinh đi Macao, tại đây, ông ta cho in một sách về giáo lý Cơ Đốc giáo bằng chữ quốc ngữ. Những năm 1775-1776, ông đến sinh sống khi thì ở Hà Tiên, khi thì ở Phnom Penh (Chân Lạp) và gặp gỡ lần đầu tiên chúa Định vương Nguyễn Phúc Thuần rồi sát cánh cùng người còn sót lại của dòng chúa Nguyễn là Nguyễn Ánh như chúng ta đã biết trong một bài trước (Xem bài: Những ngộ nhận về mối quan hệ giữa vua Gia Long – Nguyễn Ánh và người Pháp).

Bá Đa Lộc
Giám mục Bá Đa Lộc. (Tranh: Public Domain)

Tháng 1-1780, các thủy thủ của thuyền trưởng Cook có dịp ghé lại đảo Poulo – Condore (Côn Đảo) đã được các quan lại địa phương cho xem những bức thư của Bá Đa Lộc gửi các tàu bè của người Âu đến khu vực này, nhờ họ hỗ trợ cho chúa Nguyễn. Và cũng vào thời điểm trên, ông ta đã tiến cử cho chúa Nguyễn Ánh một thủy thủ người Pháp gốc Bretagne có tên Manuel mà sử Việt gọi là Mạn Hòe. Người thủy thủ tình nguyện này đã chiến đấu anh dũng trong hàng ngũ quân đội của Nguyễn Ánh. Khoảng tháng 3, tháng 4-1782, trong một trận chiến ác liệt, Manuel đã làm nổ tung tàu, chết theo tàu để chặn đứng đường xâm nhập của quân Tây Sơn vào cửa sông Sài Gòn.

Sự thất bại trong sứ mạng của Giám mục Bá Đa Lộc tại Pháp chúng ta đã có dịp đọc qua. Ông ta trở lại Đại Việt vào tháng 7-1789 và sự hiện diện của ông ta tại đây, từ thời điểm này, đã không được chính sử Việt Nam ghi chép đầy đủ. Hầu như các chi tiết về mối quan hệ giữa chúa Nguyễn và Bá Đa Lộc đều phải dựa vào những nguồn sử liệu của người Pháp, trong đó không ít là thư từ của các giáo sĩ, kể cả thư của chính Bá Đa Lộc.

Trước tiên, điều có thể khẳng định là dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, và làm những việc gì, các giáo sĩ phương Tây từ thời Alexandre de Rhodes trở về sau cũng chỉ có một mục đích duy nhất là quảng bá rộng rãi Cơ Đốc giáo, thu nạp nhiều tín đồ và đạt đích cao nhất là xây dựng một triều đình Đại Việt nếu không thuần Cơ Đốc giáo thì ít ra cũng thân Cơ Đốc giáo. Điều này đã được de Rhodes thực hiện với Minh Đức Vương Thái Phi, phu nhân Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng, khi thuyết phục được bà này cải sang đạo Cơ Đốc; được Bá Đa Lộc thực hiện với hoàng tử Cảnh và toan tính thực hiện với chúa Nguyễn Ánh.

Vai trò thật của Bá Đa Lộc trong cuộc nội chiến

Trái với những gì mà một số cây bút Pháp từng viết, trong thời gian đầu ngay sau khi Bá Đa Lộc về tới Đại Việt, sự bất đồng giữa ông ta và chúa Nguyễn Ánh bộc lộ rất rõ, ít nhất trên hai khía cạnh:

  • Vấn đề quỳ lạy và thờ cúng ông bà của người Việt.
  • Cách điều hành cuộc chiến chống lại nhà Tây Sơn.

Về vấn đề thứ nhất, trong một bài viết dài 82 trang nhan đề “Documents relatifs à l’époque de Gia Long” (Tư liệu liên quan đến thời kỳ Gia Long) in trong Tập san trường Viễn Đông Bác Cổ (BEFEO) năm 1912, cây bút Léopold Cadière, chủ biên tờ Tập san Đô thành Hiếu cổ (BAVH), đã khẳng định chuyện hoàng tử Cảnh khước từ việc quỳ lạy trước bàn thờ tổ tiên, không chịu đi chùa và bài trừ việc cúng phẩm vật cho ông bà (tài liệu đã dẫn, trang 22). L. Cadière cũng cho in lại bức thư đề ngày 11-8-1789 của giáo sĩ Boisserand kể lại cuộc thảo luận giữa chúa Nguyễn Ánh và Bá Đa Lộc về vấn đề thờ cúng ông bà. Qua bài tường thuật này, người ta biết rằng Bá Đa Lộc lên tiếng chỉ trích tục thờ cúng ông bà và Nguyễn Ánh đã trả lời ông ta như sau: “Ta nhất thiết phải thờ cúng cha mẹ, và cái cách ta trình bày với thượng sư về điều này, theo ta không có gì lố bịch cả. Đó là căn bản nền giáo dục của chúng ta; nó gợi cho những đứa trẻ ở tuổi đời non nớt lòng hiếu thảo, và nó mang lại cho các bậc cha mẹ thứ quyền hành mà nếu không có thì họ sẽ không ngăn chặn được tình trạng rối loạn trong gia đình…” (tlđd, trang 20-21).

Trong tài liệu của mình, linh mục L. Cadière cũng nêu rõ mưu đồ của Bá Đa Lộc khi bàn về vấn đề đời sống tâm linh với chúa Nguyễn: “Đây là lý do lớn nhất đã dẫn dắt giám mục Adran (tức Bá Đa Lộc – LN). Mục tiêu của tất cả những cuộc vận động của ông, đích nhắm duy nhất của cả đời ông, là sự cải đạo (sang Cơ Đốc giáo) của người dân Đại Việt thông qua sự cải đạo của vị chúa mà ông đang gắn bó. Ông muốn loại bỏ những trở lực đã ngăn cản ông thực hiện mong muốn này…” (tlđd, trang 23). Dù đã thành công phần nào với hoàng tử Cảnh, song với một Nguyễn Ánh đã trưởng thành, dày dạn kinh nghiệm, mọi mưu toan của Bá Đa Lộc đã vấp phải một bức tường thành kiên cố. Song ông ta không nản lòng, việc cải đạo của chúa Nguyễn vẫn được ông ta nhắc đi nhắc lại trong các bức thư gửi cho giới thừa sai những năm 1795-1796.

Mối bất đồng thứ hai cũng khá gay gắt. Giữa năm 1790, quân Nguyễn Ánh đã chiếm được Bình Thuận, Bá Đa Lộc muốn ông nhân dịp này đánh thốc ra dinh lũy của nhà Tây Sơn ở Quy Nhơn song Nguyễn Ánh còn chần chừ. Sự bất đồng lên đến đỉnh điểm khiến cho vị giáo sĩ này bộc lộ hết với giáo sĩ Letondal trong một bức thư đề ngày 14-9-1791: “… Nhà vua đã không lợi dụng những phương tiện có được để chiến đấu chống kẻ thù, ông đã để cho họ có thì giờ giải tỏa nỗi sợ hãi và tin chắc rằng tất cả những gì mà người ta nói về sự giúp đỡ của người châu Âu chỉ là ảo tưởng. Ông đã áp bức thần dân của mình bằng sưu cao thuế nặng; trong lúc này, dân nghèo đã bị cái đói làm cho khổ sở đến nỗi họ mong muốn anh em Tây Sơn quay lại. Trong tình trạng hiện nay, nếu những người này có đủ tự tin và mở cuộc tấn công nhà vua, ông ta sẽ khó mà đương cự lại… Tất cả nỗi bối rối của tôi – hoặc ít ra là nỗi bối rối lớn nhất – là có thể được nhà vua đồng ý cho tôi rút lui, ít nhất trong một thời gian nào đó. Tôi rất muốn đi Macao, Manille, cả Xiêm nữa, để chờ một biến cố xảy ra” ( Georges Taboulet – La Geste Française en Indochine – Paris 1955, trang 216-217).

Bá Đa Lộc
Ngôi nhà ở của Bá Đa Lộc do chúa Nguyễn Ánh cho xây cất. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Một số cây bút giải thích sự bức xúc của vị giám mục xuất phát từ nỗi lo sợ quân Tây Sơn sẽ phản công về phía Nam, số phận của ông ta và giáo dân Cơ Đốc giáo sẽ gặp nguy hiểm. Điều lo ngại này không phải là không có lý, vì theo một số nhà nghiên cứu, trong đó có giáo sư người Mỹ George Dutton, chính sách khắc nghiệt của nhà Tây Sơn đối với Cơ Đốc giáo không có tính thuần túy tôn giáo mà chủ yếu vì các giáo sĩ đang ủng hộ mạnh mẽ lực lượng đối kháng với họ là quân đội của chúa Nguyễn.

Và Bá Đa Lộc ra đi thật. Tháng 6-1792, người ta chuẩn bị cho ông ta một chiếc tàu để đi Macao. Lúc đầu, chúa Nguyễn Ánh thuận tình cho ông ta đi, nhưng khi việc chuẩn bị gần xong thì chúa đổi ý, giữ ông lại. Lý do khiến chúa đổi ý được giáo sĩ Le Labousse giải thích trong một bức thư đề ngày 20-6-1792 gửi cho giáo sĩ Boiret: “Khi Đức Ông chuẩn bị ra đi, mọi người bắt đầu la toáng lên. Tất cả quan lại nói rằng nếu Đức Ông đi thì họ phải nghĩ đến sự an toàn của họ và sẽ trốn đi. Người dân thì dọa sẽ gọi quân nổi dậy đến đây với hy vọng về một số phận tốt đẹp hơn…” Tác giả bức thư không nêu rõ là quan lại ở đây là người Việt hay một nhóm người Pháp đầu quân với chúa Nguyễn, song dù là thành phần nào thì lý do đưa ra cũng quá chủ quan, nếu không muốn nói là khôi hài, khi đề cao vai trò và sự cần thiết của Bá Đa Lộc đến như thế.

Bá Đa Lộc
Tượng giám mục Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh. (Ảnh qua NghienCuuLichSu.com)

Tháng ba âm lịch năm 1793, chúa Nguyễn lập hoàng tử Cảnh làm Đông cung Thái tử, “dựng nhà Thái học, đặt một Đông cung phụ đạo, hai thị giảng, tám hàn lâm thị học, sáu Quốc tử giám thị học, mỗi ngày hai buổi họp các quan đốc học ở nhà thái học để giảng bàn kinh sử” (Đại Nam Thực Lục – Tập Một – NXB Giáo dục Hà Nội 2002, trang 291). Ngô Tùng Châu được cử làm Đông cung Phụ đạo, Đông cung thị giảng là hai trong ba “Gia Định tam gia”: Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định. Không thấy chính sử nói gì đến vai trò của Bá Đa Lộc vào lúc này. Những năm 1793-1794, vị giám mục cũng không tham gia các cuộc hành quân, ông dịch cho chúa Nguyễn một số tác phẩm cổ điển phương Tây về kỹ thuật quân sự, cách xây dựng công sự.

Tuy nhiên đến năm 1795 thì mọi việc thay đổi theo một chiều hướng khác, Bá Đa Lộc tiếp tục đề cập đến chuyện ra đi, lần này nguyên nhân là sự chống đối công khai hay ngấm ngầm của phần lớn quan lại dưới trướng Nguyễn Ánh đối với ông ta. Trong bức thư đề ngày 30-5-1795 gửi cho giáo sĩ Boiret, ông ta kể rằng có đến 19 cận thần của chúa Nguyễn, trong đó có một vị hoàng thân, đã dâng biểu thỉnh cầu chúa cắt đứt mọi quan hệ giữa ông ta và Hoàng thái tử Cảnh và giao hoàn toàn việc dạy dổ Thái tử cho các quan lại Việt. (G. Taboulet – sđd, trang 222). Chi tiết này phù hợp với một đoạn trong sách Hoàng Việt Long Hưng Chí của Ngô Giáp Đậu, thuộc dòng Ngô gia văn phái: “Bá Đa Lộc từng bảo hộ Đông cung Cảnh sang Tây, lại được dự bàn việc binh nhung nơi màn trướng, cậy mình có nhiều công lao nên có ý phóng túng kiêu ngạo, từng bị Trần Đại Luật dâng sớ hạch tội, xin vương thượng mượn kiếm trời chém đầu đi. Nhưng Thế tổ dụ rằng: Bá Đa Lộc đánh đông dẹp bắc, là người ngu xuẩn trí trá, nhưng có thể sai khiến được. Hãy tạm để đó đã” (Sđd – NXB Văn Học – Hà Nội 1993, trang 235-236).

Bá Đa Lộc
Mộ phần Giám mục Bá Đa Lộc, tục gọi Lăng Cha Cả. (Ảnh: Manhhai, Flickr)

Có thể cũng do mối tỵ hiềm giữa Bá Đa Lộc và các đại thần nên chúa Nguyễn không để ông ta ở lại phủ để bàn việc triều chính, mà cử ông ta đi theo hoàng thái tử Cảnh trong gần suốt thời gian những năm 1793-1799.

Với những dữ kiện trên, xin tóm lại mấy ý chính:

  • Bá Đa Lộc có công giúp chúa Nguyễn trong những ngày đầu gian khổ, khi phải trốn lánh cuộc truy sát của quân Tây Sơn. Tuy nhiên, nhiều cây bút Pháp, trong đó có Charles B. Maybon, tác giả quyển Histoire moderne du pays d’Annam 1592-1920 – Paris 1920 và linh mục Léopold Cadière, chủ bút Tập san Đô thành Hiếu cổ (BAVH), đã đề cao một cách quá đáng vai trò của Giám mục Bá Đa Lộc trong thời kỳ này nhằm gián tiếp nói rằng nếu không có ông, Nguyễn Ánh sẽ không thể tồn tại và tất nhiên cơ nghiệp của nhà Nguyễn sẽ không thể có như chúng ta đã thấy. Những người Pháp trên quên rằng vào những năm 1777-1782, lực lượng nhà Nguyễn vẫn còn trong tình trạng thường xuyên được tăng cường, bổ sung và đã nhiều lần lấy lại đất Gia Định từ trong tay nhà Tây Sơn. Công đáng kể nhất của Bá Đa Lộc là vận động tài chánh tại Pondichéry vào những năm 1788-1789 và chiêu mộ một số người Pháp có chuyên môn về giúp chúa Nguyễn Ánh, tăng cường năng lực chiến đấu của đạo quân nhà Nguyễn vốn đã tạo được ưu thế trước quân đội Tây Sơn, qua việc đánh bật họ ra khỏi đất Gia Định.
  • Trong thời gian 10 năm, từ 1789 đến 1799, ngoài mấy năm đầu có sự bất đồng giữa chúa Nguyễn và Bá Đa Lộc, từ năm 1793 trở đi, với phần lớn thời gian sống cạnh Hoàng Thái tử Cảnh trong cương vị trấn thủ thành Sài Gòn và thành Diên Khánh, Bá Đa Lộc cũng không chứng tỏ được gì khi sát cạnh vị Đông Cung Thái tử đã có những đại thần bậc nhất của chúa như Đông cung Phụ đạo Ngô Tùng Châu, Đông cung Thị giảng Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định. Sự kình chống khá công khai và gay gắt của đa số cận thần của chúa Nguyễn đối với Bá Đa Lộc từ năm 1795 trở đi đã gần như vô hiệu hóa mọi toan tính và những việc cần làm của vị giám mục này.
  • Trong mối quan hệ với Giám mục Bá Đa Lộc và các sĩ quan, chuyên viên Pháp theo giúp mình, chúa Nguyễn Ánh luôn cư xử có tình với họ, song ông luôn biết chứng tỏ là một người suy nghĩ, hành động độc lập và cương quyết, không ai dễ dàng khuất phục ý chí của ông. Ông biết tận dụng năng lực của họ, song ông không hề giao cho họ một vai trò quyết định nào. Một số cây bút Pháp cũng tỏ ra quá đáng khi cho sự hiện diện của một nhúm sĩ quan và chuyên viên Pháp trên là có tính quyết định cho cuộc chiến. Trên thực tế, nhân tố chính của cuộc chiến vẫn là những danh tướng người Việt như Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Huỳnh Đức…, những người đã lập nên nhiều chiến công có tính quyết định, nhất là trận Thị Nại năm 1801.

Về phần mình, tôi khâm phục cách giáo dục con của chúa Nguyễn Ánh, phong làm Đông cung Thái tử không phải để sống trên nhung lụa chờ ngày kế vị, mà phải cầm quân xông pha trận mạc. Kinh nghiệm những tháng năm lăn lộn trên ranh giới giữa cái sống và cái chết từ khi còn là một cậu thiếu niên 15 tuổi đã tập cho ông một thói quen luôn phấn đấu vượt qua nghịch cảnh và ông đã buộc người sắp kế vị ông cũng phải như thế.

Nhà nghiên cứu lịch sử Lê Nguyễn
Đăng tải dưới sự cho phép của tác giả (có bổ sung hình ảnh và chú thích minh họa)

Đăng lại từ báo Trí Việt News, độc giả quan tâm có thể tham khảo tại triviet.news

Xem thêm:

Mời xem video: