Được giao giữ chức Tư Đồ, rồi Thái úy, chỉ huy toàn bộ nghĩa quân Lam Sơn, chỉ đứng dưới chủ tướng Lê Lợi, Trần Nguyên Hãn góp công đầu quét sạch quân Minh, giành lại Giang Sơn Xã Tắc.

tuong tran nguyen han 1
Tượng Trần Nguyên Hãn ở chợ Bến Thành, Sài Gòn. (Ảnh: Ntt, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Cháu nội của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán

Khi nhà Trần bước vào cảnh suy vi, quan Tư đồ Trần Nguyên Đán đã sớm biết Hồ Quý Ly sẽ cướp ngôi nhà Trần, ông cố hết sức khuyên nhủ Thượng Hoàng Nghệ Tông nhưng không được. Biết sức người không thay đổi được thiên ý, ông quyết định về ở Côn Sơn khi đã 60 tuổi.

Biết Hồ Quý Ly khi cướp ngôi sẽ tiêu diệt nhiều tôn thất nhà Trần, Trần Nguyên Đán đã kết thông gia với Hồ Quý Ly nhằm bảo vệ con cháu. Vì vậy mà khi Hồ Quý Ly cướp ngôi và thảm sát tôn thất nhà Trần, gia tộc Trần Nguyên Đán vẫn còn bảo tồn được.

Theo ghi chép từ dòng họ Trần Nguyên Hãn thì trước khi mất, Trần Nguyên Đán đã dặn một người con là Trần Án đưa gia đình đến lánh nạn ở làng Quan Tử, xã Sơn Đông. Khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần đã truy bắt và giết chết Trần Án.

Trần Án cùng vợ là Lê Thị Hoàn có con trai là Trần Nguyễn Hãn. Trần Nguyễn Hãn lớn lên dưới sự chăm sóc của mẹ.

Trần Nguyên Hãn tỏ rõ là người tài trí, thông minh xuất chúng, 16 tuổi đã học hết Tứ thư Ngũ kinh, các sách binh thư của nhà Trần.

Bước đầu khởi nghĩa

Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần nhưng nhà Hồ cũng chỉ tồn tại được 7 năm thì bị nhà Minh tiêu diệt vào năm 1407. Tận mắt chứng kiến cảnh người dân cơ cực lầm than trước sự đô hộ của nhà Minh, Trần Nguyên Hãn ra sức luyện võ, rèn binh thư chờ cơ hội khởi nghĩa.

Năm 1410, Trần Nguyên Hãn bí mật tập hợp trai tráng lập căn cứ khởi nghĩa trong khu rừng rậm rạp ở rừng Thần, ao Tó, đầm Trạch (nay gọi là đầm Đa Mang) thuộc hai xã Sơn Đông và Văn Quán. Xung quang là đồng chiêm trũng nước, chỉ có một con đường độc đạo đi vào căn cứ trong rừng rậm.

Cũng theo dòng họ Trần Nguyên Hãn, thì lúc này bà Lê Thị Hoàn đã lấy thanh kiếm gia bảo của dòng họ đưa cho Trần Nguyên Hãn. Đây chính là thanh kiếm mà cụ tổ Trần Quang Khải dùng để đánh quân Nguyên Mông.

Lúc này quân Minh ở thành Tam Giang bóc lột dân chúng, phạm nhiều tội ác với người Việt. Trần Nguyên Hãn đã chỉ huy nghĩa quân trong đêm bất ngờ tấn công đánh tan quân Minh ở thành Tam Giang, làm chủ cả vùng đất Bạch Hạc rộng lớn.

Gia nhập nghĩa quân Lam Sơn

Gần đến tết Mậu Tuất năm 1418, Trần Nguyên Hãn cùng 200 nghĩa quân tinh nhuệ và 100 ngựa chiến đến Thanh Hóa gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Lê Lợi từ lâu đã nghe danh tiếng nghĩa quân rừng Thần nên vui mừng ra nghênh tiếp.

Giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa, nghĩa quân Lam Sơn liên tục bị quân Minh vây ráp tiêu diệt, khó khăn chồng chất, nhiều lần tưởng như đã bị diệt. Có giai đoạn nhiều tháng trời bị vây chặt trên núi Chí Linh, lương thực hết sạch đành phải mổ ngựa. Lần nào Trần Nguyên Hãn cùng nằm gai nếm mật cùng chủ tướng Lê Lợi và nghĩa quân, nhiều lần hiến kế giúp nghĩa quân vượt qua khó khăn, biến nguy thành an.

Là người góp công đầu giúp nghĩa quân vượt qua giai đoạn gian khó nhất, Trần Nguyên Hãn được phong làm Tư đồ, chỉ đứng sau Lê Lợi, phụ trách về quân sự.

Góp công lớn xây dựng hậu phương vững chắc

Năm 1424, nghĩa quân Lam Sơn qua giai đoạn khó khăn, làm chủ vùng Thanh Hóa, vờ chuẩn bị tiến quân ra bắc. Quân Minh biết tin liền chuẩn bị tăng cường phòng thủ phía bắc. Tuy nhiên nghĩa quân lại bất ngờ tiến vào nam đánh Nghệ An. Kỳ thực phương nam là cả một vùng đất rộng lớn mà nếu làm chủ được nơi đây thì sẽ có hậu phương chắc chắn cho việc tiến ra bắc sau này.

Năm 1425, nghĩa quân chiếm được Nghệ An. Trần Nguyễn Hãn hiến kế cho Lê lợi tiếp tục đánh xuống phía nam, ông chỉ huy 1.000 quân cùng các tướng Lê Nỗ, Lê Na Bồ, Đinh Đàm tiến đánh các vùng Tân Bình và Thuận Hóa (thuộc các tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế ngày nay).

Mặc dù quân số ít hơn quân Minh rất nhiều, Trần Nguyên Hãn đã đến Bố Chính dùng kế giả thua, dụ quân Minh vào thế trận mai phục chuẩn bị trước khiến quân Minh tan vỡ.

Lê Lợi nhận được tin thắng lớn nên cho thêm 70 thuyền chở quân đến chi viện. Trần Nguyên Hãn đã đánh tan quân Minh, nắm được vùng Tân Bình, Thuận Hoá, biến nơi đây thành hậu phương vững chắc cung cấp lương thực và binh lực cho nghĩa quân. 2 vạn trai tráng đã gia nhập nghĩa quân và được huấn luyện thành đội quân chủ lực cho các trận đánh sau này.

Tiến ra bắc

Năm 1426, nghĩa quân Lam Sơn chia làm 3 cánh tiến ra bắc, Trần Nguyễn Hãn chỉ huy thủy binh. 3 cánh quân tiến dần đến vây thành Đông Quan (tức thành Thăng Long). Nhà Minh mấy lần đưa thêm viện binh đến nhưng đều bị tiêu diệt.

Để cứu nguy tình thế, nhà Minh phải để Thái bảo Vương Thông đưa thêm 5 vạn binh sang, hợp với 5 vạn quân ở Giao Chỉ, quân Minh có tất cả 10 vạn.

Trận chiến lớn nhất diễn ra ở Tốt Động – Chúc Động bên sông Ninh Kiều. Vương Thông lên kế hoạch chia quân 2 cánh như 2 gọng kìm tiến đánh nhằm diệt cánh quân của tướng Lê Triện. Nghĩa quân bắt được lính quân Minh nên biết được kế hoạch này và đặt sẵn trận địa mai phục, rồi giả làm pháo hiệu để quân Minh tiến vào. Hai cánh quân Minh đều tưởng cánh quân bên kia bắn pháo hiệu liền tiến nhanh vào đánh úp nhưng bất ngờ rơi vào trận địa mai phục.

Quân Minh thảm bại, Đại Việt Sử ký Toàn thư chép rằng quân Minh bị tiêu diệt 5 vạn quân, 1 vạn quân bị bắt sống, số còn lại chạy vào thành Đông Quan cố thủ.

Ngay sau khi nhận được tin thắng trận Tốt Động – Chúc Động, Trần Nguyên Hãn chỉ huy thủy quân tiến đến phía đông thành Đông Quan để bao vây, đập tan các tuyến phòng thủ phía ngoài, tiêu diệt nhiều quân Minh và thu nhiều vũ khí.

Trong khi nghĩa quân Lam Sơn vây thành Đông Quan thì nhà Minh điều Liễu Thăng, Mộc Thạnh mang viện binh lớn đến.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: