Đầu năm 1427, nhà Minh cho thêm viện binh do Liễu Thăng chỉ huy tiến sang Giao Chỉ nhằm cứu quân Minh đang bị vây trong các thành, đồng thời tiếp tục cai trị Giao Chỉ. Mùa thu năm đó, Trần Nguyên Hãn được phong làm Thái úy, tổng chỉ huy quân đội.

Trần Nguyên Hãn: Vị tướng tài của nghĩa quân Lam Sơn (P2)
(Tranh minh họa của họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online)

Trận Xương Giang thể hiện tài năng của Trần Nguyên Hãn

Nghĩa quân Lam Sơn nhận thấy cần tiêu diệt ngay các cứ điểm nằm trên đường tiến quân của viện binh quân Minh, trong đó quan trọng nhất là thành Xương Giang (thuộc xã Xương Giang, Bắc Giang).

Xương Giang là thành rất vững chắc, có hệ thống bảo vệ nhiều lớp cẩn mật. Trước đó các tướng Lam Sơn là Lê Sát, Lê Triện, Nguyễn Đình Lý, Lê Thụ, Lê Lãnh vây chặt thành với 30 trận đánh kéo dài suốt nhiều tháng vẫn không sao hạ được. Quân Minh cố sức giữ bằng được thành này vì để bảo vệ con đường về nước của mình.

Đến tháng 9/1427, viện binh 15 vạn quân Minh sắp đến nơi, tình hình cấp bách, Lê Lợi phải giao cho Trần Nguyên Hãn hạ thành Xương Giang trước khi viện binh quân Minh đến.

Theo sự chỉ huy của Trần Nguyên Hãn, binh lính và dân chúng đào đường hầm bí mật từ các khu rừng phía ngoài chạy vào trong thành. Rồi Trần Nguyên Hãn cho quân theo đường hầm vào thành. Sau lệnh tổng tấn công, binh sĩ từ ngoài đánh vào, quân lính bên trong đánh ra phá cổng thành để đại quân tiến vào.

Chỉ sau 1 giờ (có nơi ghi chép 1 canh giờ tức 2 tiếng), quân Minh trong thành Xương Giang bị diệt, hai viên tướng giữ thành là Lý Nhậm và Kim Dận phải tự vẫn.

Chiến thắng này có ý nghĩa rất quan trọng, 10 ngày sau viện binh quân Minh đến, cố tiến về thành Xương Giang vì không biết thành này đã bị hạ, khi đến mới biết thì đã muộn.

Về chiến thắng này Lê Quý Đôn có ghi chép rằng: “Có thể nói, trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, đây là lần hiếm hoi có một trận thắng của quân ta triệt hạ được một thành trì quan trọng có số quân lớn. Có lẽ thành công của chiến thắng Xương Giang chỉ đứng sau sự kiện Lý Thường Kiệt hạ thành Ung Châu”.

Lên kế hoạch tiêu diệt Liễu Thăng

Lúc này nhiều người cho rằng cần đánh thành Đông Quan ngay để rảnh tay đối phó viện binh, nhưng thành Đông Quan đông quân lại phòng thủ vững chắc, nếu đánh được thì hao tổn nhiều binh sĩ, nên cũng có ý kiến cho rằng cứ vây chặt thành đồng thời chuẩn bị đánh viện binh.

15 vạn quân Minh kéo sang chia làm 2 cánh, Liễu Thăng chỉ huy 10 vạn quân từ Quảng Tây tiến sang, Mộc Thạnh chỉ huy 5 vạn quân từ Vân Nam tiến sang. Tuy nhiên Mộc Thạnh không tiến quân nhanh chóng mà có ý đóng ở biên giới chờ tin tức cánh quân của Liễu Thăng.

Theo kế hoạch của nghĩa quân, tướng quân Trần Lựu trấn giữ ải Pha Lũy chống trả đội quân tiên phong do chính Liễu Thăng chỉ huy rồi rút chạy. Liễu Thăng sẽ cho quân đuổi theo, đến ải Lưu cũng chỉ có Trần Lựu cho quân chặn đánh rồi rút lui.

Liễu Thăng cho rằng quân Lam Sơn đánh thắng được quân Minh trước đây thì lực lượng đã kiệt quệ, nên qua các ải cũng chỉ có một tướng giữ. Liễu Thăng bèn chủ quan, chỉ huy kỵ binh vượt lên đuổi sát.

Đến ải Chi Lăng vẫn chỉ có Trần Lựu chống cự rồi rút chạy, Liễu Thăng mặc cho các tướng khác khuyên can, tiếp tục đuổi gấp. Bấy giờ Trần Nguyên Hãn, Lê Sát cùng phục binh của nghĩa quân Lam Sơn đổ ra đánh, Tổng binh Liễu Thăng cùng 1 vạn kỵ binh tinh nhuệ bị tiêu diệt.

Quân Minh không có chỗ để chạy

Phó Tổng binh là Lương Minh lên thay chỉ huy quân Minh cố tiến qua ải Chi Lăng hướng đến thành Xương Giang. Trần Nguyên Hãn đưa quân chặn đường vận chuyển lương thực của quân Minh, các tướng khác chỉ huy quân mai phục khắp con đường quân Minh đến thành Xương Giang.

Khi quân Minh đến Cần Trạm (thuộc thị trấn Kép ngày nay) thì 3 vạn quân Lam Sơn tiến đánh quyết liệt, Lương Minh cùng hơn 1 vạn quân tử trận, Thượng thư Lý Khánh cùng đường tự vẫn. Các tướng Minh là Thôi Tụ và Hoàng Phúc vẫn cố gắng tiến đến thành Xương Giang.

Khi quân Minh đến được thành Xương Giang mới biết thành này vừa bị Trần Nguyên Hãn hạ, nên đành đóng trại giữa đồng. Trần Nguyên Hãn cho quân chặn đường tiếp lương khiến quân Minh khốn đốn không thể chống cự được lâu.

Quân Minh đắp chiến lũy giữa cánh đồng phòng thủ, đồng thời bắn pháo hiệu cho quân ở thành Đông Quan biết để ứng cứu. Quân Lam Sơn vây chặt chuẩn bị tấn công, Thôi Tụ cùng đường liền giả vờ xin hòa để đưa quân chạy vào thành Chí Linh gần đấy. Tuy nhiên nghĩa quân Lam Sơn biết được kế này nên không đồng ý hòa

Đại phá 15 vạn viện binh

Quân Lam Sơn tấn công, quân Minh không chống cự nổi, 5 vạn quân bị tiêu diệt. Thôi Tụ cùng đường nhưng quyết chống cự đến cùng chứ không chịu đầu hàng nên bị tiêu diệt, Hoàng Phúc tuyệt vọng đành tự vẫn nhưng một người lính thân cận đến van xin nên cuối cùng đầu hàng. 10 vạn viện binh bị tiêu diệt.

Cánh quân còn lại do Mộc Thạnh chỉ huy đóng ở gần biên giới nghe tin Liễu Thăng tử trận thì nhốn nháo hỗn loạn bỏ chạy. Nghĩa quân Lam Sơn đang chặn Mộc Thạnh tại đây thừa thắng đuổi theo, khiến quấn Minh tử trận rất nhiều.

Sau khi đại phá 15 vạn viện binh, Nguyễn Trãi một mình 5 lần vào thành Đông Quan khuyên nhủ quân Minh đầu hàng. Hội thề Đông Quan diễn ra vào tháng 12/1427. Sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn viết rằng trong danh sách đại diện phía nghĩa quân Lam Sơn thì số một là Lê Lợi, số hai là Trần Nguyên Hãn.

Ngày 14 tháng 3 năm Mậu thân 1428 trong đại hội định công ban thưởng, Trần Nguyên Hãn được phong là Tả tướng quốc, Bình chương quân quốc trọng sự, Khu mật Đại sứ, chỉ huy toàn bộ các tướng lĩnh trong Triều. Ông cùng với Thái úy Phạm Văn Xảo là quan đầu Triều nhà Lê lúc bấy giờ.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: