Quân Minh thảm bại rút về nước, Lê Lợi lên ngôi Vua, là Lê Thái Tổ, lập ra nhà Hậu Lê. Mặc dù có công đầu, làm quan cao, nhưng Trần Nguyên Hãn không dự định ở lại Triều đình.

Đoạn sử sau khi Lê Lợi lên ngôi cũng là đoạn sử chứa nhiều mâu thuẫn. Đại Việt thông sử chép về việc Lê Thái Tổ muốn sát hại công thần, nhưng cũng chép rằng Trần Nguyên Hãn đứng sau một cuộc nổi loạn ở châu Thượng Lang. Đại Việt Sử ký toàn thư thì cho rằng cuộc nổi loạn đó không có sự xúi giục của Trần Nguyên Hãn. Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng cho rằng việc bắt Trần Nguyên Hãn và việc nổi loạn ở châu Thượng Lang là riêng biệt.

Trần Nguyên Hãn: Vị tướng tài của nghĩa quân Lam Sơn (P3)
Tượng Trần Nguyên Hãn được xây dựng năm 1965. (Ảnh: Ken, Manhhai, Flickr, CC BY 2.0)

Đoán trước số phận của các công thần

Là cháu của Trần Nguyên Đán, biết xem tử vi và tướng pháp, Trần Nguyên Hãn biết rằng chỉ có thế làm bạn với Lê Lợi lúc khó khăn thời loạn, còn khi Lê Lợi lên ngôi thì không thể phụng sự tiếp tục. Vì thế mà ông làm Tả tướng quốc chỉ 1 năm, đến năm 1429 thì xin được từ quan về nghỉ tại quê nhà.

Có người thân cận thắc mắc, Nguyên Hãn đáp rằng: “Nhà vua có tướng như Việt vương Câu Tiễn, cho nên, ta không thể yên hưởng vui sướng được.” (Đại Việt thông sử)

Xưa kia Việt Vương Câu Tiễn đưa quân đánh nước Ngô, Phạm Lãi can ngăn không được, kết quả Câu Tiễn thua trận, bị bắt làm tù nhân, phải thần phục vua Ngô là Phù Sai, thậm chí phải nếm phân để tỏ lòng trung thành.

Phạm Lãi cùng Văn Chủng một lòng phò tá Câu Tiễn, bí mật giúp nước Việt hùng mạnh, sau này đánh bại nước Ngô. Sau khi thành công Phạm Lãi rút lui ngay lập tức vì biết tướng Câu Tiễn ghét người có công nên chỉ phò tá được lúc hoạn nạn. Văn Chủng không tin Phạm Lãi, cuối cùng bị Câu Tiễn ban chết.

Lê Lợi đồng ý cho Trần Nguyên Hãn về quê nhưng dặn mỗi năm 2 lần phải vào Triều chầu Vua.

Tự tử, gặp nạn mà chết hay mai danh ẩn tích?

Theo lịch sử làng Sơn Đông thì Trần Nguyên Hãn từ quan về quê đã giúp dân  mở rộng nghề gốm, phát triển thương mại đến các nơi bằng đường thủy, giúp đời sống dân làng ngày càng tốt hơn. Trong khi đó các gian thần trong Triều tâu lên rằng ông “xây phủ đệ lớn, đóng thuyền to, tuyển tráng binh, chở binh khí, luyện tập thủy quân, v.v. để làm phản”.

Bốn mươi hai sai nha được đưa đến làng Sơn Đông đưa Trần Nguyên Hãn về Kinh chịu tội. Người làng và gia nhân khuyên Trần Nguyễn Hãn không nên đi, nếu bị ép quá thì chống lại. Tuy nhiên Trần Nguyên Hãn không muốn những người khác bị liên lụy nên ông đã theo các sai nha về Triều.

Theo lịch sử thì trên đường về kinh thành, khi đến bến Đông Hồ trên dòng sông Lô. Ông nói: “Tôi với hoàng thượng cùng mưu cứu nước, cứu dân, nay sự nghiệp lớn đã thành, hoàng thượng nghe lời gièm mà hại tôi. Hoàng Thiên có biết xin soi xét cho” rồi trầm mình xuống sông tự vẫn.

Nhưng theo dòng tộc họ Trần truyền lại thì khi đến giữa sông, Trần Nguyễn Hãn đã giết mấy tên sai nha, tự làm đắm thuyền giống như mình đã tự vẫn, rồi bơi trở vào bờ.

Còn theo dân gian thì khi thuyền đến xã Đông Sơn, ông ngửa mặt khấn trời rằng: “Tôi với Vua cùng mưu việc cứu dân. Việc lớn đã hoàn tất mà Vua lại muốn giết tôi. Hoàng Thiên có biết thì xin soi xét cho”. Ông vừa khấn xong thì bỗng nhiên gió lớn nổi lên, lật úp cả thuyền xuống. Bốn mươi hai xá nhân đều chết đuối cả, riêng ông cùng hai gia đồng trôi dạt được vào bờ và thoát chết.

Một số (không phải tất cả) công thần khai quốc của nhà Hậu Lê có kết cục tương đối thê thảm. Năm 1429, Trần Nguyên Hãn bị triệu về Kinh thành hỏi tội. Năm 1431 đến lượt quan đầu Triều là Thái úy Phạm Văn Xảo bị xử tử. Năm 1437 (sau khi vua Lê Thái Tổ mất) thì Lê Sát và Lê Ngân bị ban chết.

Tưởng nhớ

Tin Trần Nguyên Hãn trầm mình tự sát trên sông khiến người dân làng Sơn Đông thương tiếc, họ lập đền thờ ngay trên nền nhà cũ của ông (nay thuộc thôn Đa Cai, xã Sơn Đông) gọi là đền “Trần Tả Tướng”, còn có tên là “Đền Quốc Công”. Đền thờ có đôi câu đối:

Lam Sơn tướng nghiệp tồn linh địa,
Lô thủy thần tâm đối nghĩa thiên.

Có nghĩa là:

Sự nghiệp làm tướng đất Lam Sơn còn mãi với đất thiêng này,
Lòng trung quân của người bầy tôi trên dòng sông Lô là có trời biết.

Ngoài ra căn cứ rừng Thần nơi xưa kia ông khởi nghĩa cũng được người dân lập đền thờ, nay là ở thôn Đức Lễ, xã Văn Quán.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: