Trong lịch sử thế giới, ngôi Vua, vị trí Thái tử thường là mục tiêu mà nhiều người muốn tranh giành. Thế nhưng đối với vua Trần Nhân Tông mà nói, ngay từ khi còn là Thái tử, ông đã ao ước dành cuộc đời để tham ngộ Phật Pháp, muốn được làm người tu luyện hơn là ngồi trên ngai vàng.

Hoang de tu Phat 01
Đền thờ vua Trần Nhân Tông tại Huế. (Ảnh: Lưu Ly, Wikipedia, CC BY 3.0)

Thái tử muốn nhường lại ngôi Vua

Vua Trần Thánh Tông cùng Thiên Cảm hoàng hậu sinh hạ được hoàng tử đầu lòng là Trần Khâm vào năm 1258. Theo “Đại Việt Sử ký Toàn thư” ghi chép lại thì hoàng tử mới sinh ra đã “được tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng”, Vua cho là điềm lạ nên gọi là “Kim Tiên Đồng Tử”.

Cũng như các vua Trần trước đó, Trần Khâm từ nhỏ đã có niềm tin tín ngưỡng rất cao, hiểu sâu kinh Phật, nên vua Trần Thánh Tông rất hài lòng.

Năm Trần Khâm 16 tuổi thì được Vua cha phong làm Thái tử. Vì muốn chuyên tâm tìm hiểu Phật Pháp, Trần Khâm đã xin được không nhận, tuy nhiên vua Thánh Tông không đồng ý.

Vua Thánh Tông lập Thái tử phi, đồng thời mời rất nhiều danh sĩ đến dạy học cho Thái tử, vì thế mà Thái tử Trần Khâm đạt được trình độ cao về nhiều lĩnh vực. Sách “Thánh đăng ngữ lục” viết rằng: “Bản chất Ngài rất thông minh và hiếu học, có nhiều tài năng, xem khắp hết các sách, thông suốt cả nội điển lẫn ngoại điển”.

Sống hạnh phúc bên người vợ hiền, giữ ngôi vị Thái tử, nhưng Trần Khâm vẫn nhiều lần ngỏ ý muốn nhường ngôi Thái tử cho em mình là Tá Thiên vương Trần Đức Việp, nhưng không được Vua cha đồng ý.

Trần Nhân Tông: Vị minh quân không muốn làm Vua, chỉ muốn tu luyện
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

“Thánh đăng ngữ lục” còn chép rằng có lần Trần Khâm nhân lúc đêm khuya liền vượt tường thành đến núi Yên Tử, dự định ẩn tu. Lúc trời sáng đến núi Đông Cứu thì mệt quá, ông bèn đi vào ngôi chùa ở đấy xin được nghỉ ngơi. Vua Thánh Tông và Hoàng hậu tìm khắp nơi, biết Thái tử lên núi Yên Tử liền đến nơi khuyên nhủ Thái tử mới trở về.

Tập hợp sức mạnh Đại Việt, hai lần đánh bại đại quân Mông Cổ

Năm 1278, vua Thánh Tông lên ngôi Thượng Hoàng, truyền ngôi Vua lại cho Thái tử, Trần Khâm lên ngôi Vua hiệu là Nhân Tông.

Kế thừa truyền thống của các Vua Trần trước đó, vua Nhân Tông dùng Phật Pháp để giáo hóa muôn dân, giúp Xã Tắc ổn định. Quan lại đầu Triều lúc đó đều phải thông tỏ Bách gia, Chư tử, Cửu lưu, Tam giáo, và thi đậu Thái học sinh, giúp Giang Sơn vững mạnh.

Xã Tắc ổn định trở thành nền tảng vững chắc giúp vua Trần Nhân Tông cùng quân dân Đại Việt hai lần đánh bại cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông lần thứ 2 năm 1285 và lần thứ 3 năm 1288.

Khi quân Nguyên Mông chuẩn bị lực lượng tiến đánh Đại Việt lần thứ 2, Vua gạt bỏ thành kiến, phong cho Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn làm Quốc Công Tiết Chế thống lĩnh quân Đại Việt chống giặc. Để có được sức mạnh toàn dân, Vua tổ chức hội nghị Bình Than, lại giúp phục chức cho Trần Khánh Dư.

Tại cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3, Trần Khánh Dư trấn giữ Vân Đồn nhưng không đánh mà để thủy quân của Ô Mã Nhi đi qua. Triều đình triệu ông về trị tội, Trần Khánh Dư phải khất 3 ngày lấy công chuộc tội. Vua Trần Nhân Tông rộng lòng đồng ý, giúp mưu của Trần Khánh Dư thành, đánh tan đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ, khiến quân Nguyên Mông thiếu lương thực trầm trọng, không thể đánh lâu dài, phải rút quân trở về.

Theo “Thánh đăng ngữ lục”, vua Nhân Tông rất giản dị, thanh tịnh, lúc rảnh rỗi Vua cho mời các cao tăng đến bàn luận, chia sẻ về Phật Pháp.

Trần Nhân Tông
Cảnh Thượng hoàng Trần Nhân Tông (ngồi trên lọng) xuất sơn trong tác phẩm “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” được cho là của Trần Giám Như. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Năm 1295, Trần Nhân Tông truyền ngôi Vua cho Trần Anh Tông, rồi làm Thượng Hoàng chuyên tâm tu luyện, xuất gia ở Hành Cung Vũ Lâm (Ninh Bình), sau đó rời đến Yên Tử (Quảng Ninh) tu hành, lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy đạo hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng (hay Trúc Lâm đầu đà). Ngày nay, ông được cung kính gọi là “Phật Hoàng”, Hoàng đế tu Phật.

Nhà Vua là người tu luyện thì trăm họ được nhờ, dùng Phật Pháp giáo hóa muôn dân, tuyển quan lại là người có tiêu chuẩn đạo đức cao, giúp Xã Tắc ổn định, Giang Sơn hùng mạnh. Suốt 5 đời vua Trần là Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông thì các vị Vua đều là người tu luyện.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: