Người Việt có câu “nhập gia tùy tục”, đây cũng được xem là câu nằm lòng cho những ai muốn trở thành nhà ngoại giao xuất chúng. Nhưng để thực sự áp dụng được đạo lý ấy cũng không hề đơn giản. Trong sử Việt từng xuất hiện một bậc kỳ tài về ngoại giao nhờ có thể thực hiện tốt việc này là Trần Nhật Duật.

Chiêu Văn đồng tử Trần Nhật Duật

Trần Nhật Duật là hoàng tử thứ 6 của vua Trần Thái Tông. Tương truyền lúc mới sinh, trên tay ông có bốn chữ “Chiêu Văn đồng tử” (昭文童子), nên vua Thái Tông phong cho ông là Chiêu Văn Vương.

Tài ngoại giao của Trần Nhật Duật: Không tốn một mũi tên
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Trần Nhật Duật nổi tiếng là người hiểu biết rộng, rất tôn sùng và am hiểu Đạo gia. Ông tìm hiểu và thông thạo ngoại ngữ cùng phong cách sống của các dân tộc và các nước láng giềng, sử dụng thành thạo tiếng Hán và tiếng Chăm. Ông hay thăm hỏi các dân tộc khác, cũng như đến ngao du nước Tống và Chiêm Thành để hiểu thêm văn hóa của họ.

Am hiểu văn hóa, thu phục lòng người

Năm 1280, tù trưởng vùng Đà Giang (Tây Bắc ngày nay) là Trịnh Giác Mật nổi lên chống triều đình, cùng lúc nhà Nguyên đang chuẩn bị quân tấn công Đại Việt. Triều đình nhận thấy cần dẹp yên cuộc nổi loạn này, thì dân chúng mới đoàn kết, tạo cơ sở vững chắc để chuẩn bị đánh quân Nguyên đang chuẩn bị tiến sang.

Trần Nhật Duật được trao nhiệm vụ này, dẫn quân đến Đà Giang. Giác Mật được tin, muốn ám hại ông nên đưa thư dụ rằng: “Giác Mật không dám trái lệnh triều đình. Nếu ân chủ một mình một ngựa đến, Giác Mật xin ra hàng ngay.”

Các tướng e rằng đây là kế của Giác Mật nên can ngăn, Trần Nhật Duật khẳng khái trả lời nếu quả như vậy triều đình sẽ cử một vương khác tới làm tướng. Rồi ông cưỡi ngựa mang theo vài tiểu đồng đến gặp Giác Mật.

Tại doanh trại Giác Mật, quân lính gươm giáo tua tủa vây quanh Trần Nhật Duật nhiều lớp nhằm cố thị uy vị hoàng tử trẻ. Đi qua đám quân lính không sợ hãi, ông gặp Giác Mật, nói đúng theo phong tục người dân xứ Đà Giang: “Lũ tiểu đồng của ta đi đường thì nóng tai trái, đến đây thì nóng tai phải.”

Giác Mật cùng các đầu mục đều ngạc nhiên vì điều này. Rồi Giác Mật sai mang mâm rượu đến. Trần Nhật Duật không chút ngần ngại, rất tự nhiên cầm tay bốc thịt ăn, rồi cầm gáo rượu bầu dốc vào mũi, uống rượu bằng mũi, đây đều là phong cách tập quán của người địa phương.

Trịnh Giác Mật phải kinh ngạc thốt lên: “Chiêu Văn Vương là anh em với ta rồi!” Trần Nhật Duật đáp lại rằng: “Chúng ta xưa nay vẫn là anh em.”

Giác Mật liền quên mất ý định ám hại Trần Nhật Duật lúc ban đầu, mà cùng các đầu lĩnh nói chuyện rôm rả thân mật với ông như anh em trong nhà. Ông gọi tiểu đồng đến, tự tay mở tráp, lấy những vòng bạc lấp lánh tặng cho các đầu mục. Giác Mật được một chiếc vòng lớn có lồng thêm một chiếc vuốt cọp.

Sau chuyến đi này Trịnh Giác Mật đem cả gia quyến đến doanh trại xin hàng, ai cũng đều vui vẻ.

Bang giao với phương Bắc

Trần Nhật Duật không cần đánh mà thu phục được cả vùng Đà Giang, khiến biên giới phía Tây Bắc được yên ổn, giúp nhà Trần tập trung lo chuẩn bị đối phó với quân Nguyên cũng đang chuẩn bị binh lực tiến sang.

Có lần nhà Nguyên cử sứ giả đến, Trần Nhật Duật tiếp sứ thần nhà Nguyên bằng tiếng Hán rất vui vẻ và tự nhiên suốt cả ngày. Sau đó sứ nhà Nguyên cứ khăng khăng cho rằng ông là người Hán ở Chân Định (gần Bắc Kinh) sang làm quan bên Đại Việt.

Khi đại quân Mông Cổ đánh bại nhà Tống, nhiều tôn thất của nhà Tống chạy sang Đại Việt, xin được gia nhập vào quân Việt để chống lại Mông Cổ với hy vọng sau này trở lại khôi phục nhà Tống.

Trần Nhật Duật tiếp đón các binh tướng nhà Tống. Nhờ thành thạo ngôn ngữ và phong tục, ông rất được các tướng lĩnh nhà Tống mến mộ. Nhà vua cũng giao luôn các tướng lĩnh nhà Tống cho ông. Sau này ông lập nên một đội binh mã nhà Tống, lập được nhiều chiến công trong cuộc chiến chống quân Nguyên.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: