Hai vợ chồng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân giúp nhà Tây Sơn đánh bại được chúa Nguyễn và chúa Trịnh, nhưng lúc này nội bộ ba anh em Tây Sơn xảy ra mâu thuẫn…

Mâu thuẫn nhà Tây Sơn

Ngay trước khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra thì Nguyễn Nhạc vốn là chủ sòng bạc rất lớn, vì thế mà thủ lĩnh Nguyễn Nhạc vốn rất coi trọng lợi ích của cải, quân Tây Sơn đi đến đâu cướp bóc được vàng bạc của cải đều dâng lên thủ lĩnh Nguyễn Nhạc (Xem bài: Những cuộc tàn phá và thảm sát của nhà Tây Sơn).

Khi Nguyễn Huệ cho quân ra Bắc hà đánh Chúa Trịnh, chiếm được thành Thăng Long, Nguyễn Nhạc nghe nói Nguyễn Huệ lấy được rất nhiều vàng bạc từ kho của Chúa Trịnh liền yêu cầu nộp lại, nhưng Nguyễn Huệ cho rằng đấy là công lao của mình nên không đồng ý.

Anh em sau đấy mâu thuẫn lớn dần rồi đem quân đánh lẫn nhau. Nguyễn Nhạc thất thế trước Nguyễn Huệ, phải nhờ mẹ giải quyết. Cuối cùng ba anh em phân định ra:

  • Nguyễn Nhạc xưng là Trung ương Hoàng đế, đóng đô ở Quy Nhơn.
  • Phong Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương, cai quản vùng đất Gia Định.
  • Phong Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương, cai quản vùng đất từ đèo Hải Vân trở ra Bắc.

Nguyễn Nhạc sau đó vẫn ngầm mâu thuẫn với Nguyễn Huệ nhưng không làm gì được, cuối cùng nhụt chí muốn trao lại quyền lực cho em.

Năm 1789 khi đưa quân ra Bắc Hà đánh quân Thanh thì Nguyễn Huệ lên ngôi vua, niên hiệu là Quang Trung. Sau khi vua Quang Trung mất, vua Cảnh Thịnh lên thay, nội bộ triều đình Tây Sơn rối bời.

Năm 1793, Nguyễn Phúc Ánh cho quân tiến đánh thành Quy Nhơn,  Nguyễn Nhạc bị vây suốt 3 tháng khiến lương thực cạn kiệt, không còn cách nào khác đành cầu viện vua Cảnh Thịnh.

Tây Sơn
Một góc thành Quy Nhơn. (Ảnh: Binhdinh.gov.vn)

Khi quân vua Cảnh Thịnh phái đến giải được vây thì Nguyễn Nhạc cũng đã mang nhiều vàng bạc ra khao thưởng. Tuy nhiên tướng Phạm Công Hưng thừa biết Nguyễn Nhạc khi làm thủ lĩnh Tây Sơn đã thu và lấy rất nhiều vàng bạc châu báu, nên ngang nhiên cho kê biên toàn bộ kho tàng tài sản của Nguyễn Nhạc.

Uất ức vì bị coi chẳng ra gì, lại thấy của cải bao nhiêu năm làm thủ lĩnh của mình vốn định để lại cho con cháu bỗng dưng bị mất sạch, Nguyễn Nhạc liền thổ huyết mà chết.

Năm 1798, con của Nguyễn Nhạc là Nguyễn Bảo không chịu được sự bức bách của em họ mình là vua Cảnh Thịnh, định đầu hàng Nguyễn Phúc Ánh. Vua Cảnh Thịnh biết được liền đem giết luôn Nguyễn Bảo.

Sự rối ren trong Triều đình cũng có ảnh hưởng lớn đến vợ chồng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân nhưng họ bỏ qua mọi hiềm khích nhằm phụng sự đến cùng cho nhà Tây Sơn vốn ngày càng mục nát.

Kiên trung

Năm 1792 khi vua Quang Trung mất, vì Cảnh Thịnh còn nhỏ nên cậu của Bùi Thị Xuân là Thái sư Bùi Đắc Tuyên nắm hết quyền hành, nhưng ông ta lại chuyên quyền. Nhận thấy Bùi Đắc Tuyên lộng hành gây bất lợi cho xã tắc, Võ Văn Dũng cùng các tướng họp nhau tìm cách giết đi.

Trần Quang Diệu lúc này đang trấn giữ vùng Diên Khánh (Khánh Hòa ngày nay) để chặn quân Nguyễn Phúc Ánh, còn Bùi Thị Xuân lúc này đang trấn thủ vùng Quảng Nam cũng để ngăn quân Nguyễn Phúc Ánh. Tuy vậy, bà được lệnh hồi Triều.

Nghe tin cậu mình bị giết, nhưng Bùi Thị Xuân vẫn rất cẩn thận tỉnh táo. Biết Nguyễn Phúc Ánh nghe tin mình về triều thì chắc chắn sẽ đem quân tiến đánh nên dù nóng lòng, bà vẫn cho quân mai phục sẵn.

Nguyễn Phúc Ánh nghe tin triều đình Tây Sơn lục đục, Bùi Thị Xuân phải về triều thì vui mừng nhận thấy đây là cơ hội tốt. Ông liền đem quân đánh Quảng Nam, nào ngờ bị quân của Bùi Thị Xuân chuẩn bị sẵn đánh cho thảm bại phải rút lui. Đến lúc đó Bùi Thị Xuân mới về triều. Từ trận đánh này cho thấy rõ bản lĩnh trận mạc của nữ tướng Bùi Thị Xuân.

Lúc này Trần Quang Diệu sớm về triều dàn quân đánh Võ Văn Dũng. Nhưng do triều đình khuyên can nên các tướng lại làm hòa. Đặc biệt Bùi Thị Xuân cũng tha thứ và thân thiết với Võ Văn Dũng vì cùng mục đích chung phụng sự cho nhà Tây Sơn.

Năm 1799, Nguyễn Phúc Ánh lần thứ hai đưa quân ra đánh thành Quy Nhơn, tướng Lê Văn Thành bị vây trong thành liền báo tin cầu cứu. Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng được cử đi giải nguy cho thành Quy Nhơn, nhưng vua Cảnh Thịnh nghe lời nịnh thần liền mật lệnh cho Võ Văn Dũng phải giết Trần Quang Diệu.

Tuy vậy Võ Văn Dũng lại đem chuyện này tiết lộ cho Trần Quang Diệu. Ông liền đem quân quay trở lại Kinh thành trị tội nịnh thần. Tướng quân Lê Văn Thành ở Quy Nhơn chờ mãi không thấy viện binh, lương cạn liền đầu hàng quân chúa Nguyễn.

Những lục đục mâu thuẫn liên tiếp cho thấy Triều Tây Sơn đã hoàn toàn suy sụp, nhiều tướng thức thời đã lui về hoặc quay sang đầu quân cho Nguyễn Phúc Ánh vốn đang rất được lòng dân. Tuy nhiên vợ chồng Trần Quang Diệu vẫn tiếp tục trung thành với nhà Tây Sơn.

  • (Còn nữa)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: