Sau khi Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân đưa quân về kinh thành truy tìm và trị tội nịnh thần, giữ yên Triều chính, năm 1800 Trần Quang Diệu lại đưa quân đến thành Quy Nhơn. Nhưng lúc này thành Quy Nhơn đã mất, Nguyễn Phúc Ánh cho đổi tên là thành Bình Định rồi giao cho Võ Tánh trấn thủ.

Cuộc chiến giữa những con người nhân nghĩa

Võ Tánh cho quân chống trả nhưng ở thế yếu hơn nên phải cho quân vào trong thành cố thủ. Thành Bình Định dễ thủ khó công, nếu tấn công sẽ hao tổn rất nhiều binh sĩ nên Trần Quang Diệu quyết định cho quân vây chặt thành, đợi trong thành hết lương thì sẽ phải đầu hàng, còn Võ Văn Dũng đưa thủy quân trấn giữ đầm Thị Nại.

Võ Tánh bị vây thì liền cho người báo tin về Gia Định xin ứng cứu, Nguyễn Phúc Ánh đem quân cứu viện đến đánh bại thủy quân của Võ Văn Dũng ở đầm Thị Nại trước. Võ Văn Dũng thua trận rút lên núi cao cùng Trần Quang Diệu vây thành Bình Định. Pháo quân Tây Sơn tập trung trên núi cao sẵn sàng nhả đạn khiến quân Nguyễn không sao tiến đánh được.

Lúc này quân sư Nguyễn Văn Thành nêu kế “thí xe bắt tướng” tức bỏ thành Bình Định, đem quân tiến thẳng ra kinh thành Phú Xuân. Nguyễn Phúc Ánh biết đây là kế hay nhưng ông lại không muốn bỏ lại Võ Tánh – một vị tướng nhiều năm theo ông trải qua những giai đoạn khó khăn gian khổ. Thế nhưng quân Nguyễn lần nào lên núi cũng bị pháo quân Tây Sơn đẩy lui.

Thành Bình Định bị vây hơn 1 năm, lương thực đã cạn, quân giữ thành cũng cạn sức. Võ Tánh không muốn vì bản thân mình mà chủ tướng mất cơ hội chiến Phú Xuân, ông viết thư cho Nguyễn Phúc Ánh phân tích rõ quân chủ lực Tây Sơn đang vây thành, không nên bỏ lỡ cơ hội chiếm Kinh thành Phú Xuân:

… Điều đó nghĩa là ở kinh đô Phú Xuân đang bỏ ngỏ, nếu lúc này quân ta chuyển hướng ra Phú Xuân ắt sẽ chiếm được, từ đó sẽ giúp thay đổi đại cuộc và kết thúc chiến tranh. Phận thần, làm tướng mà không giữ được thành thì phải chết với thành, đó là lẽ hiển nhiên, huống hồ cái chết của thần sẽ góp phần thống nhất sơn hà, vậy hà cớ gì không thể mỉm cười nơi chín suối. Thánh thượng là thiên tử, không được vì tình riêng mà quên đi đại cuộc. Xin thánh thượng hãy cho chuyển hướng đại binh ra Bắc đánh chiếm Phú Xuân.

Võ Tánh nỗ lực cố thủ trong thành, trong giờ phút hiểm nghèo vẫn nghĩ đến đại sự chứ không lo cho bản thân mình, khuyên chủ tướng không cần cứu mình mà chiếm lấy Phú Xuân, quả là hiếm có.

Không còn lựa chọn nào khác Nguyễn Phúc Ánh đem quân tiến ra Phú Xuân.

Thành Bình Định nhanh chóng kiệt quệ, binh sĩ không còn lương thực nằm la liệt không còn sức chống giữ. Võ Tánh ứa nước mắt nói quân sĩ chớ lo, ông sẽ có cách cứu họ. Ông cho quân làm lầu Bát Giác, viết lá thư tuyệt mệnh gửi cho Trần Quang Diệu, rồi cho người kéo cờ trắng đầu hàng.

Xong các việc Võ Tánh lên lầu Bát Giác phóng hỏa tự thiêu, quyết chết cùng với thành. Ngô Tùng Châu hay tin cũng uống thuốc độc chết theo.

Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân
Lăng mộ Võ Tánh trong thành Bình Định. (Ảnh: Nguyễn Đông Sơn, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Trần Quang Diệu vào thành, nhận thư của Võ Tánh. Trong thư có viết:

Phận làm tướng, ta không giữ được thành lẽ hiển nhiên phải chết theo thành. Chỉ một mong muốn sau cùng, anh em binh sĩ không có tội tình gì, xin ngài hãy vì đức lớn mà đừng làm hại, cũng như ngày trước khi chiếm được thành Quy Nhơn, quân Nguyễn đã không giết hại những binh sĩ Tây Sơn giữ thành.

Đọc xong thư Trần Quang Diệu sai phát lương thực cho hàng binh. Đồng theo tổ chức mai táng cho hai tướng Võ Tánh và Ngô Tùng Châu theo nghi lễ đặc biệt dành cho công thần.

Lễ mai táng có cả quân sĩ hai bên rất trang nghiêm, Trần Quang Diệu cảm động bước đến bên linh cữu Võ Tánh rồi cúi đầu từ biệt vị tướng trung dũng phe đối địch.

Trần Quang Diệu tập hợp các hàng binh rồi nói:

Các ngươi may mắn có được một chủ tướng kiên trung mà cả dân chúng lẫn đối thủ đều kính phục. Nay theo mong muốn tướng Võ Tánh. Các người có thể ở lại Quy Nhơn này lập nghiệp, trở lại quê nhà làm ăn, thậm chí có thể quay trở về với Nguyễn Ánh chống lại ta. Ta đảm bảo mạng sống cho các ngươi rời khỏi thành.

Các hàng binh được ta đều vô cùng cảm động, nhưng họ đều chọn con đường ra đi, không một ai theo quân Tây Sơn cả. Việc này khiến Nhiều người hỏi Trần Quang Diệu sao không giết họ, vì thả đi như thế có thể họ lại gia nhập quân Nguyễn đánh Tây Sơn.

Trần Quang Diệu đáp rằng: 

Họ không theo ta là do nhà Tây Sơn ta đã mất lòng dân. Nếu giết họ thi lại càng mất lòng dân hơn nữa. Được thua là ở lòng trời, sinh linh có tội tình gì ta nỡ đâu giết hại.

Là một hào kiệt nhân nghĩa hiếm hoi trong đội quân Tây Sơn, câu trả lời trên cho thấy Trần Quang Diệu cũng biết rằng nhà Tây Sơn đã mất lòng dân khiến không còn một ai muốn đi theo nữa. Nhưng ông cùng vợ vẫn tận sức chống giữ cho nhà Tây Sơn, đó hẳn là vì tấm lòng trung nghĩa.

Trận đánh lớn cuối cùng

Nguyễn Phúc Ánh đưa quân theo đường thủy đánh bại quân Tây Sơn và chiếm được kinh thành Phú Xuân vào năm 1801.

Lúc này Tây sơn đã cạn quân, vua Cảnh Thịnh lệnh cho các trấn lấy thêm quân. Đến tháng 12/1801 vua Cảnh Thịnh tập trung 3 vạn quân quyết lấy lại Phú Xuân. Nữ tướng Bùi Thị Xuân đem 5.000 quân đi theo hộ giá.

Đầu năm 1802, quân Tây Sơn đến Trấn Ninh (vùng Quảng Bình) thì gặp quân Nguyễn do đích thân Nguyễn Phúc Ánh chỉ huy trấn giữ ở đây. Dù đã cố đánh nhưng quân Tây Sơn không sao vượt qua được, vua Cảnh Thịnh toan rút về nhưng Bùi Thị Xuân vẫn quyết đánh.

Bùi Thị Xuân ngồi trên mình voi đốc thúc ba quân tiến đánh từ sáng sớm đến chiều tối. Tình thế vẫn đang giằng co, có lúc quân Nguyễn Phúc Ánh đã phải chia quân vượt sông Linh Giang đánh bọc hậu hòng rút lui. Nào ngờ em vua Cảnh Thịnh là Nguyễn Quang Thùy thấy quân Nguyễn tràn qua nhiều tưởng nguy khốn liền vội rút trước. Khi Bùi Thị Xuân biết thì việc đã rồi. Đúng lúc ấy lại có tin báo cánh quân thủy của Tây Sơn đã bị đánh bại, thế là quân Tây Sơn hốt hoảng bỏ luôn cả vũ khí đạn dược để chạy.

Về trận đánh này sách “Sử Việt Tân biên” có ghi chép rằng:

Tin (thủy quân bị đánh tan) đến tai vua Cảnh Thịnh và các tướng tá khiến mọi người thất vọng. Riêng Bùi Thị (Xuân) vẫn hăng hái truyền cho một đại đội khác đến thay cho bọn làm phản bỏ vắng.

Quân Nguyễn trong thành bắn ra như mưa rào. Quân Tây Sơn được lệnh ào ạt trèo tường vào (lũy) Trấn Ninh. Nữ tướng giành lấy dùi trống thúc liên hồi. Nếu trận đánh cứ tiếp diễn luôn hai tiếng nữa như thế thành Trấn Ninh có lẽ mất.

Nguyễn vương và các tướng tá bấy giờ đã hoảng hốt vội cho thủy quân vượt sông Linh Giang đánh bọc hậu có ý chia lực lượng của nữ tướng họ Bùi hầu mở được một con đường máu để thoát thân. Nguyễn Quang Thùy nhát gan thấy thế tưởng nguy liền lui binh. Được một lúc bà mới biết.

Sự kiện này làm những đạo quân còn đang chiến đấu nao lòng, đa số binh tướng Tây Sơn xin bà Bùi cho rút lui, tệ hơn nữa họ bỏ cả vũ khí đạn dược để chạy tháo thân. Cuối cùng, thế chẳng đặng đừng, nữ tướng họ Bùi cùng một số quân riêng hộ vệ cho vua Cảnh Thịnh rút về phương Bắc…

Thắng xong trận này, Nguyễn vương về Phú Xuân để sắp đặt việc tức vị.

Trận này Bùi Thị Xuân đã dốc hết sức tận trung với nhà Tây Sơn, nhưng với đội quân ô hợp, vua tướng hèn nhát, bà cũng không thể cứu nổi Triều đại đã suy sụp.

Binh sĩ đào ngũ

Lúc này tại Bình Định quân của Trần Quang Diệu bị cô lập chia cắt với quân Tây Sơn đang ở Bắc Hà. Biết không giữ lâu được, Trần Quang Diệu đành bỏ thành để ra Nghệ An.

Trần Quang Diệu phải đưa quân đi theo đường sang Ai Lao rồi đến Nghệ An. Lúc này quân ở các địa phương đều theo Nguyễn Vương hết. Thấy có quân Tây Sơn đi qua thì họ đột kích khiến quân số hao hụt. Nhiều quân sĩ cũng chán nản vì bị ép đầu quân nên cũng tìm cách đào ngũ, vì thế mà quân đi theo Trần Quang Diệu cứ vơi dần theo ngày. Khi đến châu Quỳ Hợp, đất Hương Sơn thì quân sĩ mười phần chỉ còn lại ba, bốn.

Lúc này quân sĩ vì đường xa lại phải trốn tránh quân địa phương tập kích nên hếu hết ai cũng thấm mệt. Trần Quang Diệu hai chân bị phù thũng sưng vù đi lại rất khó khăn.

Khi đến Quỳ Hợi thì Trần Quang Diệu mới biết tin thành Nghệ An đã bị mất, quân Nguyễn phát hiện quân Tây Sơn thì bất ngờ tấn công. Không ngờ Nghệ An đã bị mất nên Trần Quang Diệu không kịp phòng bị, quân sĩ đào ngũ gần hết nên không thể chống cự, Trần Quang Diệu lại bị phù thũng ở chân không thể đi lại nên cả ông và Võ Văn Dũng đều bị bắt sống.

Bùi Thị Xuân hay tin liền đem binh tìm đến giải cứu cho chồng, đến Giáp Sơn thì giải cứu được. Tuy nhiên sau đó quân Tây Sơn đào ngũ gần như toàn bộ, hai vợ chồng cũng khó khăn, người dân biết quân Tây Sơn thì liền báo quân quân Nguyễn đến bắt. Vì thế khi đến Thanh Chương thì cả hai vợ chồng và Võ Văn Dũng đều bị bắt, đóng cũi giải về Nghệ An.

Dọc đường đi Võ Văn Dũng phá cũi trốn thoát được đồng thời giải cứu luôn cho vợ chồng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân. Tuy nhiên hai chân Trần Quang Diệu bị phù không sao chạy được, không thể bỏ chồng nên Bùi Thị Xuân cũng ở lại.

  • (Còn nữa)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: