Pháo binh quân Pháp đặt tại các cao điểm ở Verdun có thể hỗ trợ lẫn nhau, dù quân Đức tấn công vào cứ điểm nào thì pháo binh quân Pháp từ các cao điểm khác đều khai hỏa hỗ trợ. Vì thế quân Đức quyết định chia quân đồng loạt tấn công tất cả các cứ điểm.

Cuộc chiến tại bờ tây sông Meuse

Ngày 9/4, quân Đức mở đầu cuộc tấn công mới. Tại bờ tây sông Meuse, quân Đức tấn công cùng lúc vào cao điểm 304 và đồi Le Mort Homme. Tại khu vực này quân Pháp đã kiệt quệ sau một thời gian kiên cường phòng thủ. Tuy nhiên hỏa lực pháo binh cùng tinh thần quả cảm của người lính khiến trận đánh nơi đây diễn ra ác liệt, quân Pháp tại các chiến hào cố gắng giữ vững trận địa.

Tran Verdun phan 2 02
Ghi chép về đồi Le Mort Homme (Tạm dịch là ngọn đồi của những người lính chết trận). (Ảnh: New York Public Library, Picryl, CCO 1.0 Dedication)

Tại đồi Le Mort Homme, quân Đức chỉ chiếm được chân đồi vùng thấp phía dưới, các cuộc tấn công lên trên chỉ khiến quân Đức thất bại với tổn thất lớn về nhân mạng.

Tại cao điểm 304, trước sức tấn công mãnh liệt của quân Đức, quân Pháp đã rút khỏi chiến hào thứ nhất phía ngoài rìa quả đồi, tập trung vững chắc phòng thủ phía trong. Cuộc chiến nơi đây ác liệt trên từng tấc đất. Quân Đức dù rất nỗ lực nhưng không thể tiến thêm trước sự quả cảm của người Pháp.

Cuộc chiến tại bờ đông sông Meuse

Trong khi đó tại bờ đông sông Meuse, quân Đức tấn công pháo đài Vaux. Sau 1 ngày giao chiến, đến ngày 10/4, quân Đức chỉ chiếm được đống đổ nát của khu làng Vaux.

Tuy nhiên từ cao điểm 304, pháo binh của Pháp lại nhả đạn khắp nơi vào quân Đức, cùng với hỏa lực từ khinh khí cầu và máy bay khiến cho quân Đức không thể lập các tuyến phòng thủ ở những nơi chiếm được. Đồng thời Pháo binh của Pháp đặt ở các cao điểm nên có lợi thế về tầm bắn, khiến pháo binh Đức không thể đến gần nhằm hỗ trợ tấn công.

Trận verdun
Pháo hạng nặng của quân Pháp. (Ảnh: Australian War Memorial, Wikipedia, Public Domain)

Suốt 12 ngày sau đó trời mưa ầm tã, nước ngập đến đầu gối, quân Pháp tổ chức phản công đẩy quân Đức ra hẳn khỏi cao điểm 304 và Le Mort Homme.

Hai bên chuẩn bị cho trận đánh mới

Lúc này trong hàng ngũ quân Pháp, tổng chỉ huy Pétain bất hòa với tướng Joffre về quan điểm phòng ngự. Pétain muốn kéo dài thời gian nghỉ ngơi cho binh sĩ, Joffre cho rằng Pétain quá thụ động. Cuối cùng người Pháp quyết định điều vị tướng thiên về tấn công là Robert Nivelle làm Tổng chỉ huy Verdun.

Về phía quân Đức, họ nhận ra rằng không chể chiếm được đồi Le Mort Homme nếu chưa chiếm được cao điểm 304. Quân Đức âm thầm chuẩn bị cho trận đánh cao điểm 304, có 500 khẩu pháo được huy động lặng lẽ bí mật tập kết đến một khu vực có chiều ngang chưa đến 2 km mà quân Pháp không hề hay biết.

Quân Đức giành những chiến thắng tại bờ tây sông Meuse

Sáng ngày 3/5 trận chiến bờ tây sông Meuse bắt đầu, 500 khẩu pháo quân Đức đồng loạt khai hỏa vào đỉnh cao điểm 304 liên tục suốt 36 tiếng đồng hồ, quân Pháp bị thiệt hại khủng khiếp. Có ghi nhận rằng, đỉnh của cao điểm này bị thấp đi 7m bởi trận pháo kích của quân Đức.

Trận Verdun của Thế chiến I: “Chiến tranh của những chiến tranh” (P2)
Bản đồ khu vực bờ tây sông Meuse, có cứ điểm 304 (đỏ) nằm bên trái đồi Le Mort Homme (xanh lá). (Tranh: The Times Encyclopaedia of the Great War, Wikipedia, Public Domain)

Sau 36 giờ pháo kích, quân Đức tấn công và dễ dàng chiếm được cao điểm 304. Quân Pháp vội vàng cho quân đến chiếm lại. Trận đánh giành cao điểm 304 diễn ra vô cùng ác liệt và đẫm máu, hai bên xáp chiến giáp lá cà trên từng tấc đất. Sau 3 ngày giáp chiến đẫm máu, quân Đức làm chủ cao điểm 304, có đến 10.000 quân Pháp bị tiêu diệt trong trận này.

Chiếm được cao điểm 304, quân Đức chĩa pháo sang đồi Le Mort Homme và dội đạn xuống đây, quân Pháp tan rã, đồi Le Mort Homme lọt về tay quân Đức.

Trận Verdun của Thế chiến I: “Chiến tranh của những chiến tranh” (P2)
Hàng triệu vỏ pháo còn lại sau trận Verdun cho thấy sự ác liệt của nó. (Ảnh: National Library of Scotland, Flickr)

Sau những chiến thắng tại bờ tây, binh sĩ nơi đây đã mệt mỏi, quân Đức quyết định để quân ở bờ tây nghỉ ngơi, và cho quân tấn công ở bờ đông sông Meuse, mục tiêu là pháo đài Vaux.

Quân Pháp phản công

Tuy nhiên lúc này tướng chỉ huy mới của quân Pháp là Robert Nivelle quyết định tấn công, mục tiêu là pháo đài Douaumont . Suốt từ ngày 16 đến 22, quân Pháp liên tục dùng pháo bắn vào pháo đài Douaumont và cho quân tấn công lấy lại pháo đài này.

Đến rạng sáng ngày 22/5, hai trung đoàn quân Pháp dưới sự chỉ huy của tướng Charles Mangin đã chiếm được nóc và một phần của pháo đài. Hai bên giáp mặt nhau ác liệt, quân Đức điều thêm quân đến. Quân Pháp bị kiệt quệ và bị đánh bật khỏi pháo đài, hơn 1.000 lính bị bắt, chỉ vài người sống sót trở về.

Thất bại này không chỉ gây tổn thất cho quân Pháp, mà ảnh hưởng tới cả tâm lý, tướng Mangin lập tức bị cách chức.

Quân Đức giành những chiến thắng tại bờ đông sông Meuse

Cuộc chiến bờ đông vẫn tiếp tục, quân Đức cho quân chiếm Bois de la Caillette và Bois Fumin, thẳng đường tiến đến pháo đài Vaux.

Pháo đài Vaux bị uy hiếp do không có hỏa lực tại các cao điểm hỗ trợ, quân Pháp nơi đây hiện cũng chỉ có 600 quân. Rạng sáng ngày 2/6, quân Đức dội pháo kích xuống pháo đài Vaux rồi bao vây và chiếm được các cửa đường hầm rồi tiến vào.

Quân Pháp cố thủ, nhưng vũ khí và nước uống dần cạn kiệt, chỉ huy quân Pháp nơi đây quyết định đầu hàng. Pháo đài Vaux rơi vào tay quân Đức.

Trước tình hình quân Pháp bất lợi tại Verdun, đồng thời nhận thấy liên quân Áo – Hung đang chuyển quân sang nước Ý, người Nga quyết định cho quân tấn công vào liên quân Áo – Hung tại Galicia.

Vào ngày 4/6/1916, Đại tướng Nga Aleksey Alekseyevich Brusilov chỉ huy cuộc tấn công, liên quân Áo – Hung liên tiếp thất bại. Trong chỉ vài ngày, toàn bộ các chiến tuyến quân Áo ở Galicia tan vỡ.

Quân Đức phải điều 10 sư đoàn tiếp ứng cho liên quan Áo – Hung. Điều này làm giảm bớt áp lực cho quân Pháp tại Verdun.

  • (Còn nữa)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: