Trong lịch sử khoa bảng Việt Nam, mỗi khoa thi chỉ có một Trạng nguyên hoặc không có Trạng nguyên nào, bởi vì tại kỳ thi Đình, một sĩ tử vừa phải đỗ đầu, vừa phải đạt điểm tuyệt đối mới được xem là Trạng nguyên. Cũng có năm triều đình không có ý lấy Trạng nguyên, nên người đi thi cũng chỉ có thể đỗ Bảng nhãn hay Thám hoa mà thôi. Tuy nhiên khoa thi năm 1508 lại xuất ra hai ông Trạng là Trạng Me và Trạng Ngọt. Đây là cớ làm sao?

Trạng Me và Trạng Ngọt: Hai ông Trạng nguyên cùng một khoa thi
(Tranh minh họa: Báo Bình Phước Online)

Trạng Ngọt trước kỳ thi Đình

Hứa Tam Tỉnh sinh năm 1481 ở xã Như Nguyệt, huyện Yên Phong, trấn Kinh Bắc (tên Nôm là làng Ngọt), trong một gia đình rất nghèo khó, từ nhỏ đã nổi tiếng là đứa trẻ thông minh, nhanh nhẹn.

Không có đủ tiền học chữ, hàng ngày bên cạnh việc chăn trâu cắt cỏ, cậu lang thang đến trường làng nghe lỏm thầy đồ dạy chữ, rồi mượn sách bạn bè về học. Tối đến lại đốt lá khô để đọc sách, viết chữ. Nhờ đó mà lớn lên Hứa Tam Tỉnh nổi tiếng là văn hay, chữ đẹp, ứng đối giỏi.

Sách “Đăng Khoa lục sưu giảng” có câu chuyện rằng:

Sau một lần gặp đám rước quan Trấn thủ xứ Kinh Bắc, thấy phía sau kiệu có tiểu thư rất xinh đẹp, Hứa Tam Tỉnh nài mẹ đến nhà quan để hỏi tiểu thư làm vợ. Người mẹ đương nhiên không dám đi, nhưng vì thấy con con nài nỉ mãi nên mủi lòng liều mình đến nhà quan một chuyến.

Thấy chuyện lạ quan trấn thủ cười lớn, nhưng lại nghĩ biết đâu chàng trai kia không phải là kẻ cuồng vọng thì tất là người khác thường nên trả lời rằng: “Nếu con trai bà muốn vậy thì gọi nó đến đây, ta xem học hành ra sao. Nếu quả là người tài, ta sẽ gả tiểu thư cho”.

Hứa Tam Tỉnh nghe mẹ và báo thì liền đến nhà quan. Quan trấn thủ nhìn thấy anh chàng này da đen, người thấp, mặt mày lại xấu xí thì rất không ưng.

Nhưng vì thực hiện lời hứa nên quan hỏi han kiến thức sách vở, Hứa Tam Tỉnh liền đối đáp rất trôi chảy khiến quan không chê vào đâu được, nhìn kỹ lại thì thấy anh chàng này có khuôn mặt xấu xí nhưng đôi mắt lại rất sáng. Quan liền bảo Hứa Tam Tỉnh có thể ở lại trong dinh thự để học hành, nếu đỗ cao nhất sẽ gả con gái cho.

Năm sau Triều đình tổ chức thi Hương. Hứa Tam Tỉnh vượt qua tứ trường, đỗ cao nhất tức Giải nguyên. Quan trấn thủ giữ lời hứa gả luôn cô con gái cho Hứa Tam Tỉnh.

Nhưng trước khi làm lễ hợp cẩn, tiểu thư thấy anh chàng này đen lùn, mặt mày lại xấu xí thì không ưng. Nhưng nghe nói anh chàng này hay chữ, liền làm một vế đối sai người hầu đưa cho Hứa Tam Tỉnh và nói rằng nếu đối được thì tiểu thư mới làm lễ.

Hứa Tam Tỉnh đọc vế đối: “Ốc lậu nguyệt xuyên hình như kê noãn, tam tam tứ tứ”. Nghĩa là: Nhà thủng bóng trăng dọi xuống, hình như trứng gà, lốm đa lốm đốm.

Đề ra rất khó, Hứa Tam Tỉnh nghĩ mãi không được, vừa bực vừa thẹn liền lang thang ra bờ sông, nhìn thấy bóng trăng soi trên mặt nước như muôn nghìn lớp sóng bạc dập dềnh, từ đó bỗng nảy ra câu đối, mừng rỡ quay trở về.

Hứa Tam Tỉnh đối lại rằng: “Giang trường phong lộng, thế tự long lân, điệp điệp trùng trùng”. Nghĩa là: Sông dài gió lộng, thế như vảy rồng điệp điệp trùng trùng.

Tiểu thư thấy câu đối hay thì đồng ý làm lễ hợp cẩn.

Sau khi cưới vợ, Hứa Tam Tỉnh tiếp tục dự kỳ thi Hội.

Xứ Kinh Bắc quả là xứng danh với câu phương ngôn: “Một giỏ ông Ðồ, một bồ ông Cống, một đống Tiến sĩ, một bị Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn”, bời cùng khoa thi với Hứa Tam Tỉnh còn có những nhân tài khác cùng ở Kinh Bắc là Nguyễn Giản Thanh và Nguyễn Hữu Nghiêm.

Trạng Me trước kỳ thi Đình

Nguyễn Giản Thanh người làng Ông Mặc (tục gọi là làng Me) huyện Đông Ngàn (nay là Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh. Trái ngược với Hứa Tam Tỉnh, Nguyễn Giản Thanh sinh ra trong gia đình danh giá, cha ông là tiến sĩ Nguyễn Giản Liêm, từ nhỏ sống có điều kiện học hành đầy đủ, được học với thầy là Đàm Thận Huy vốn là người hay chữ và nổi tiếng bậc nhất thời đó.

Một lần Nguyễn Giản Thanh đến nhà thầy mình học, khi về thì trời bỗng mưa to không về được. Thầy Đàm Thận Huy liền ra câu đối: “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách” (Mưa không có then khóa mà có thể giữ được khách).

Nguyễn Giản Thanh đối lại rằng: “Sắc bất ba đào dị nịch nhân” (Cái sắc đẹp của phụ nữ, không phải là làn sóng nổi, nhưng dễ nhận chìm người).

Thầy Đàm Thận Huy nói rằng: “Câu đối này thật hay và thật chỉnh, văn khí này có thể đậu Trạng nguyên, nhưng về sau coi chừng việc sắc dục làm hại sự nghiệp.”

Trạng Me và Trạng Ngọt ai mới là Trạng nguyên?

Kỳ thi Hội năm đó cả Nguyễn Giản Thanh, Hứa Tam Tỉnh và Nguyễn Hữu Nghiêm đất Kinh Bắc đều vượt qua tứ trường và bước vào kỳ thi cuối cùng là thi Đình.

Kết quả các quan chấm thi chấm 3 sĩ tử đến từ đất Kinh Bắc đỗ đầu, đây là niềm tự hào của người Kinh Bắc. Nguyễn Giản Thanh có lời văn hay và bay bổng hơn, nhưng Hứa Tam Tỉnh có bài văn sách thâm trầm và sâu sắc xứng danh Trạng Nguyên.

Các quan chấm Hứa Tam Tỉnh đỗ đầu tức Trạng nguyên, đỗ nhì tức Bảng nhãn là Nguyễn Giản Thanh, còn Thám hoa là Nguyễn Hữu Nghiêm. Tuy nhiên kết quả cuối cùng là do nhà Vua quyết định.

Tam khôi vào yết kiến Vua, lúc này lại có cả thái hậu cũng có mặt. Bà nhìn thấy Nguyễn Giản Thanh có khuôn mặt sáng sủa khôi ngô tuấn tú liền nói liền hỏi các quan trường thi: “Người này chắc là Trạng nguyên?”

Quan chủ khảo lúng túng vì không muốn làm mất lòng bà liền chỉ vào cả Giản Thanh và Tam Tỉnh nói rằng: “Hai người này tài học ngang nhau nên chúng thần chưa biết lấy ai đỗ Trạng. Xin thái hậu và hoàng thượng phán xét”.

Nhà Vua nghe nói bài của Hứa Tam Tỉnh cao nhất có thể phong Trạng, nhưng do thấy mẹ mình nhìn Giản Thanh với ánh mắt quý mến nên Vua chiều lòng ra thêm một bài phú: “Phường thành xuân sắc” (cảnh mùa xuân ở kinh đô) cho hai người làm để phân tài cao thấp.

Nguyễn Giản Thanh hiểu rằng nếu mình làm bằng chữ Hán thì không thể bằng được Tam Tỉnh nên quyết định làm bằng chữ Nôm, vốn là điểm mạnh của ông. Thái hậu nghe đọc đến đâu hiểu đến đấy nên tấm tắc khen.

Đến bài phú của Hứa Tam Tỉnh làm bằng chữ Hán, đọc lên thái hậu không hiểu gì cả, vì thế bà đánh giá bài của Nguyễn Giản Thanh cao hơn.

Nhà Vua chiều ý mẹ, nhưng biết điều này là không hợp lý lắm nên tìm cách hỏi thêm. Vua hỏi Giản Thanh rằng: “Trẫm nghe nói khanh người làng Ông Mạc, vậy có gần làng Phù Chấn quê trẫm không?”. Hai làng này không ở gần nhau nhưng Giản Thanh đáp rằng: “Tâu hoàng thượng, hai làng liền một cánh đồng”. Bởi làng quê thời đấy các cánh đồng của các làng đều liền mạch nhau, nên dù ở bao xa cũng có thể coi là liền một cánh đồng.

Sau khi hỏi han một hồi thấy Giản Thanh người phủ Từ Sơn (quê ngoại của mình), nhất là Thái hậu lại thích anh ta, Vua liền quyết định thay đổi cho Giản Thanh đỗ Trạng nguyên, còn Hứa Tam Tỉnh đỗ Bảng Nhãn.

Biết truyện này giới nho sĩ đất Kinh Bắc bèn đặt cho Nguyễn Giản Thanh là “Mạo Trạng nguyên”. “Mạo” ở đây vừa mang ý nghĩa diện mạo, vừa mang ý nghĩa giả mạo.

Dù Hứa Tam Tỉnh bị mất ngôi vị Trang nguyên, nhưng trong dân gian vẫn xem ông là Trạng nguyên và gọi bằng Trạng Ngọt, từ câu chuyện này mà có câu “Trạng Me đè Trạng Ngọt”.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: Sự thật về Cách mạng Pháp: Điên cuồng, thù hận và tanh máu