Mỗi triều mỗi đại là một loại trang phục khác nhau. Trải qua mỗi thời đại, trang phục truyền thống của người dân Hàn Quốc nói chung và của nữ giới nói riêng lại có những thay đổi, nhưng tựu chung lại, chúng vẫn luôn là những điểm sáng kết tinh văn hóa truyền thống Hàn Quốc.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Hàn Quốc qua các thời kỳ
(Ảnh minh họa: Avigator Fortuner, Shutterstock)

Những bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Hàn Quốc dưới đây được phục chế dựa trên các bức tranh cổ, với hy vọng trang phục truyền thống của Hàn Quốc sẽ có thể sống mãi với thời gian.

Vương quốc Cao Lâu Ly (37 TCN – 668 CN)

Vào thời xưa, người Hàn Quốc thường mặc baji (quần dài) và jeogori (áo), bên ngoài thì mặc một chiếc chima (váy dài) và một chiếc áo choàng gọi là jangyu hay po. Đây là trang phục cơ bản của cư dân dưới thời Cao Lâu Ly, từ Quốc vương cho tới dân thường. Các bức bích hoạ trong các khu mộ cổ từ thời Cao Lâu Ly đã hé lộ phong cách ăn mặc thịnh hành vào thời kỳ đó.

2
(Ảnh: Tổ chức phi lợi nhuận về văn hóa Hàn Quốc, Arumjigi)

Đây là mẫu mô phỏng lại trang phục của nữ giới như được mô tả trong những bức bích hoạ của khu mộ cổ ở Suran-ri. Jeogori cơ bản được phụ nữ Cao Lâu Ly mặc vào thế kỷ 5 có chiều dài quá hông và được buộc bằng một chiếc thắt lưng quấn quanh eo. Cổ áo, đường viền của jeogori và cổ tay áo được làm từ vải có màu sắc hoặc hoạ tiết khác với phần thân jeogori để tránh bị rách hoặc bẩn, và cũng để góp phần làm nổi bật nét đẹp của trang phục này. Chima (váy) thì dài chạm đất, được xếp nếp thẳng đứng và xoè rộng ra.

Vương quốc Tân La Thống nhất (668 – 935)

Màu sắc tuyệt đẹp nhờ sử dụng các kỹ thuật nhuộm khác nhau cùng chất vải xa hoa đã thể hiện được sự xa xỉ của tầng lớp thống trị thời Tân La Thống nhất. Một chiếc váy dài mặc bên ngoài một chiếc áo ngắn, cùng một chiếc khăn quàng xếp nếp khoác trên vai là một cách ăn mặc rất phổ biến ở nhiều quốc gia Đông Á thời đó.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Hàn Quốc qua các thời kỳ
(Ảnh: Tổ chức phi lợi nhuận về văn hóa Hàn Quốc, Arumjigi)

Lấy cảm hứng từ đồ tạo tác trong các ngôi mộ cổ ở Yeonggang-dong và Hwangseong-dong ở Gyeongju, và sau khi nghiên cứu các bức hoạ từ thời Đường của Trung Quốc, phong cách giàu sang của những phụ nữ quý tộc dưới thời Tân La Thống Nhất đã được tái hiện lại với chất liệu vải nhiều hoa văn tuyệt đẹp. Các họa tiết này được nhuộm lên hai loại vải lụa có độ dày và độ xuyên thấu khác nhau. Jeogori được làm bằng cách xếp chồng hai loại vải lụa này lên nhau; còn chima thì được làm từ loại lụa nhẹ có màu xanh dương với các họa tiết được thêu bằng tơ.

Triều đại Cao Ly (918 – 1392)

Trang phục dưới thời Cao Ly bắt đầu có nhiều sự thay đổi, nhưng dáng cơ bản của jeogori và chima thì vẫn được giữ nguyên. Đôi khi chima được mặc ra ngoài jeogori, và cũng có những lúc jeogori được mặc ra ngoài chima. Cao Ly là một quốc gia tôn sùng Phật giáo, và chất vải xa hoa, nhiều màu cũng được sử dụng rộng rãi. Chỉ vàng, chỉ đồng hoặc chỉ bằng kim loại khác được dệt lẫn với nhau trên tấm vải để làm họa tiết trang trí. Các tấm vải nhiều màu thêu chỉ bạc cũng được sử dụng rất rộng rãi.

4
(Ảnh: Tổ chức phi lợi nhuận về văn hóa Hàn Quốc, Arumjigi)

Mẫu mô phỏng trên đây đã tái hiện được phong cách thanh nhã tú lệ của những người phụ nữ Cao Ly, giống như được mô tả trong các tranh Phật giáo về Thế giới Cực Lạc của Phật A-di-đà từ thời Cao Ly.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Hàn Quốc qua các thời kỳ
(Ảnh: Tổ chức phi lợi nhuận về văn hóa Hàn Quốc, Arumjigi)

Sa mỏng được dệt từ tơ tằm tạo nên dáng vẻ thướt tha mềm mại cho jeogori và chima. Trong bộ trang phục trên, jeogori được làm từ lụa đỏ với điểm nhấn là nút kết tường vân, qua đó đã thể hiện được sự sang trọng quý phái của trang phục Cao Ly.

6
(Ảnh: Tổ chức phi lợi nhuận về văn hóa Hàn Quốc, Arumjigi)

Để thể hiện được nét đẹp của người phụ nữ Triều đại Cao Ly như được mô tả trong bức “Thủy Nguyệt Quán Âm đồ”, chất vải lụa thêu chỉ vàng được tìm thấy trong ngôi chùa ở Bongseo-ri từ thế kỷ 12 đã được mô phỏng lại và dùng làm chima cho tác phẩm này. Còn jeogori thì được làm từ lụa shantung nhuộm màu hạt dẻ.

Triều đại Lý Thị Triều Tiên (1392 – 1910)

Kiểu dáng của trang phục truyền thống Hàn Quốc mà chúng ta biết ngày nay bắt đầu được phổ biến trong giai đoại Lý Thị Triều Tiên. Jeogori trở nên ngắn hơn; thắt lưng quấn quanh eo không còn; phần cổ áo chuyển sang màu trắng. Qua thời gian, hình dáng của chima cùng chiều dài và chiều rộng của jeogori đều có nhiều thay đổi. Lý Thị Triều Tiên đã duy trì tính thẩm mỹ dựa trên tư tưởng Nho giáo, và trang phục của nữ giới thời kì cuối Cao Ly cũng thay đổi dựa theo đó: jeogori trở nên ngắn hơn, và sự đa dạng của các loại quần áo lót cũng khiến cho dáng của chima trở nên thụng hơn.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Hàn Quốc qua các thời kỳ
(Ảnh: Tổ chức phi lợi nhuận về văn hóa Hàn Quốc, Arumjigi)

Trong thế kỷ 16, jeogori trở nên rộng và dài, và phần cổ áo, đường viền của jeogori và phần cổ tay áo được trang trí bằng vải nhiều màu. Thay vì sử dụng vải được dệt chỉ vàng, thì nay loại vải được ép họa tiết vàng lại được dùng để trang trí. Chima với phần phía trước dài hơn phía sau được làm từ lụa mobondan đỏ được những người phụ nữ quý tộc mặc trong những nghi lễ quan trọng của họ vào thế kỷ 16.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Hàn Quốc qua các thời kỳ
(Ảnh: Tổ chức phi lợi nhuận về văn hóa Hàn Quốc, Arumjigi)

Trang phục trên được mô phỏng dựa trên trang phục của người phụ nữ trong bức họa nổi tiếng “Mỹ nhân” của họa sĩ Shin Yun-bok (1758 ~ ?). Jeogori ngắn, bó sát và chima thụng được làm từ vải gai mịn. Để thể hiện dáng thụng của chima, rất nhiều lớp đồ lót bằng vải gai, gồm cả mujigi chima (váy lót) đã được mặc bên dưới chima.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Hàn Quốc qua các thời kỳ
(Ảnh: Tổ chức phi lợi nhuận về văn hóa Hàn Quốc, Arumjigi)

Đây là trang phục mùa đông của nữ giới như được mô tả trong bức họa “Chuyến đi đêm bí mật” của Shin Yun-bok. Jeogori và phần bao tay giữ ấm được làm từ vải lụa với len và lớp lót bằng lông bên trong. Chima được làm bằng vải lụa dệt tay kiểu cổ.

Theo Google Art & Culture
Thanh Hương biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: