Làng Đại Toán, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh vào thời nhà Lê nổi tiếng là làng trồng tỏi. Đây là ngôi làng xuất sinh ra vị Trạng Tỏi Nguyễn Đăng, cũng là “Tứ nguyên” duy nhất trong lịch sử khoa bảng Đại Việt.

Làng Đại Toán có 4 thôn đều trồng tỏi nên được gọi là Tỏi Mão, Tỏi Thuỷ, Tỏi Đồng, Tỏi Mai. Ngoài làm tỏi, người làng còn đan dó bị bằng cói.

Theo người làng truyền lại thì trong làng có cậu bé Nguyễn Đăng sinh năm 1576, vì nhà nghèo khó nên phải suốt ngày gánh dó đi bán ở các chợ vùng quê. Trên đường gánh dó, đến đâu nghe tiếng trẻ đọc chữ là cậu bé lại tìm cách đến gần đứng ngoài học lỏm. Một thầy đồ thương tình nhận cậu bé vào học.

Dù thầy nhận học không lấy tiền nhưng Nguyễn Đăng cũng không có tiền mua giấy bút. Thế là thầy bảo mang theo tấm ván để tập viết. Nguyễn Đăng không hiểu tấm ván là gì, liền mang tấm ván thượng mà người ta vứt bỏ ở bãi tha ma. Đám học trò thấy Nguyễn Đăng mang tấm ván đó đến thì cười ồ chế nhạo. Nhưng thầy đồ chỉ tấm ván thượng nói rằng các trò đừng coi thường Nguyễn Đăng, sau này cậu bé sẽ làm thượng quan đó.

“Tứ nguyên” duy nhất trong lịch sử khoa bảng

Năm 26 tuổi, Nguyễn Đăng tham dự khoa thi năm 1602. Kỳ thi Hương Nguyễn Đăng đỗ đầu tức Giải nguyên, bước vào thi Hội lại đỗ đầu tức Hội nguyên, vào đến thi Đình ông cũng lại đỗ đầu tức Hoàng Giáp Đình Nguyên (khoa thi này không lấy Trạng nguyên).

Trạng Tỏi Nguyễn Đăng, “Tứ nguyên” duy nhất trong lịch sử khoa bảng
Tranh vẽ cảnh trường thi xưa. (Le Petit Journal, 28/7/1895)

Vì trong cả 3 kỳ thi Nguyễn Đăng đều đỗ đầu, vượt hơn hẳn các sĩ tử khác, nên trở thành “Tam nguyên”. Tuy nhiên khoa thi này vua Lê Kính Tông lại ra thêm kỳ thi ứng chế.

Trước đây việc thi thêm chỉ xảy ra nếu có 2 bài thi văn sách trở lên đều hay như nhau, không biết ai đỗ đầu. Nhưng riêng khoa thi này vua Lê Kính Tông cho thêm kỳ thi ứng chế cho các sĩ tử vào đến thi Đình, và một lần nữa Nguyễn Đăng lại được chấm cao nhất.

Vậy là Nguyễn Đăng được Vua ban tặng danh hiệu “Tứ nguyên”. Mặc dù “Tứ nguyên” này là danh hiệu có một không hai trong lịch sử khoa bảng, nhưng dân chúng lại thích gọi Nguyễn Đăng là Trạng Tỏi, tức ông Trạng ở làng trồng tỏi.

Đi sứ nhà Minh

Nguyễn Đăng là vị quan mẫn tiệp, được vua Lê Kính Tông và Lê Thần Tông mến phục và trọng dụng. Ông được bổ nhiệm làm Hộ bộ Hữu thị lang, tước Phúc Nam hầu.

Năm 1613, Nguyễn Đăng được cử đi sứ sang nhà Minh, thời gian 10 năm.

Khi đi sứ đến năm thứ 3, một lần Hoàng đế nhà Minh mở tiệc lớn nhân ngày đại khánh, có mời cả Sứ thần các nước. Hoàng đế nói các Sứ thần làm một bài thơ phú về chùa Phi Lai, vốn là một danh lam thắng cảnh lúc đó, hạn 5 ngày phải xong.

Mới hơn 2 ngày Nguyễn Đăng đã làm xong và trình lên bài “Phú chùa Phi Lai” (Phi Lai tự phú) và là người nộp đầu tiên. Sau 5 ngày thì hàng trăm bài thơ và phú cũng được trình lên Hoàng đế. Hoàng đế cùng các quan thấy rằng bài của Nguyễn Đăng là hay nhất, không bài nào sánh kịp.

Biết ở trong nước Nguyễn Đăng đỗ đầu tất cả kỳ thi và là “Tứ nguyên”. Mặc dù Nguyễn Đăng không phải là Trạng nguyên nhưng Hoàng đế nhà Minh đã phong cho ông là “lưỡng quốc Trạng nguyên”, đồng thời mở tiệc chiêu đãi.

Trong bữa tiệc, Hoàng đế thử tài “lưỡng quốc Trạng nguyên” bằng cách ra một vế đối là “Thập khẩu tâm tư, tư quốc, tư gia, tư phụ mẫu”.

Đề mà Hoàng đế ra, 3 chữ “thập” (十), “khẩu” (口), “tâm” (心) ghép lại thành chữ “tư” (思) nghĩa là nhớ. Nguyễn Đăng cũng đối ngay lại là “Thốn thân ngôn tạ, tạ thiên, tạ địa, tạ quân vương”, vế đối lại chuẩn từ cách ghép chữ đến hàm ý bên trong. Trong đó 3 chữ “thốn” (寸), “thân” (身), “ngôn” (言) ghép lại thành chữ “tạ” (謝).

Cũng bởi việc này mà Hoàng đế cho Nguyễn Đăng được trở về nước trước hạn 7 năm.

Trước khi Nguyễn Đăng về nước, Hoàng đế nhà Minh cho làm loại độc bình bằng sứ có hoa văn trang trí thật đẹp và viết bài “Phi Lai tự phú” của ông lên xung quanh lọ độc bình, để làm kỷ niệm tặng ông mang về nước.

Sau khi nghỉ hưu, Trạng Tỏi Nguyễn Đăng về làng Hán Đà thuộc tổng Quảng Lãm huyện Quế Võ, trấn Bắc Ninh (nay là thôn Hán Đà, xã Hán Quảng, huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh) mở trường dạy học cho đến khi mất, thọ 81 tuổi. Người dân lập đền thờ ngay trên nền ngôi trường để tưởng nhớ đến ông.

Năm 1938, cụ Nguyễn Thế Đống tự Long Cát đã dịch bài “Phi Lai tự phú” theo âm hưởng thể phú. Năm 1993, Viện nghiên cứu Hán nôm đã chép lại nguyên văn “Phi lai tự phú” cùng bản dịch của cụ Nguyễn Thế Đống tự Long Cát.

PHI LAI TỰ PHÚ
(Hán Việt)

Đài phong tiến phúc.
Cúc mạn Từ ân.
Cửu chiếu Đoài thiên nhật nguyệt;
Trùng khôi Chấn đán Kiền Khôn,
Trí hiệu Phi lai, quán Tùng lâm chi tuyệt dị,
Quốc doanh Cực Lạc, đẳng hữu kiết dĩ trường tồn.
Tưởng kỳ vận thuộc Lưỡng triều, giáo tôn Phạn ngữ;
Sáng tu khám vũ chi thiền liên, nguy nghiệp danh tôn chi bàn cứ.
Kỷ lý hử, tha châu cách khứ, tư giới vu hà,
Nhất dạ gian, quảng lộ phi lai, nhân danh kỳ tự.
Đặc tiến: Chi viên hoành xướng,
Tĩnh địa khoát khai
Tịch diệt chi giang hoành quá giác,
Tu di chi phong trữ huyền nhai.
Hoàn bất cưu nhi tập chi công, uyển nhĩ hoàng kim cung điện,
Kiến như huy tư phi chi trạng, y nhiên bích ngọc lâu đài.
Thiên biệt hữu nhất hồ thế giới;
Địa hồn vô bán điểm trần ai.
Hoán luân yên hoạ đống diêu lương, tuệ nhỡn quang sinh chính giác;
Yếm cứ hồ châu manh ngọc hạm, sắc thân phổ hiệu Như lai
Nội tắc: Liên toạ huy hoàng,
Đàn hương phức úc.
Bối diệc huyên bảo tạng chân kinh,
Từ đăng chiếu hôn cù cư trúc
Cúng dư kệ bãi nhàn môn bằng đồng tử sán khai
Trà kiệt chung tàn, tĩnh viện nhậm lão tăng dạ túc
Đề thi chi bích thượng lưu hương,
Đính lễ chi đường trung tịnh ngọc.
Thanh hương song hạ, tứ tự khai Bát nhã chi hoa,
Lục ấm giáo tiền, thiên nhiên trưởng Chân như chi trúc.
Ngoại tắc: Quynh khai Giáp Ất;
Bi biệt cao đê.
Thức ngọc thản tằng tằng thanh kính;
Đạp quỳnh tiêu hộ hộ vân thê.
Bả truyền đài, đài thượng hữu từ,
Nhị tương bí hiên viên chi tử.
Bán vân đình, đình trung hữu ký, nhật duyên hài tôn khúc chi thê,
Tống khách chi hoa dung hoản tiếu,
Nghinh xuân chi sơn điểu huyền đề.
Bích giản hàm phún thuỷ chi long, cựu ô tận địch;
Hương tùng dẫn tỵ yên chi lạc, lão cán thường thê.
Tự Phi Lai chi cảnh trí,
Chân danh thắng chi tiêu đề.
Nhiên hậu tri:
Tự dĩ phụng Phật vi danh,
Phật hữu phi tiên chi thuật.
Huống tiên cư bích thuỷ, thanh sơn;
Nhi Phật tại từ vân tuệ nhật.
Thanh mạc thanh, Bồng lai Lãng uyển, trùng trùng bối khuyết dao cung,
Kỳ vưu kỳ, Thứu lĩnh Tào khê, tại tại bảo tàng kim quật.
Quyến tư vân, thiền tự Phi Lai;
Thi bỉ hựu vân tiêu cao xuất.
Lịch duyệt oanh hoa tuế nguyệt,Bồ đề địa thụ thực Bồ đề;
Chu hưu yến mạch quang âm, Đâu Suất thiên vũ triêm Đâu Suất.
Biến quan pháp giới chi tam thiên;
Thực thị danh lam chi đệ nhất.
Ức hựu luận chi
Sự dục kê vu cổ;
Lý đương nghiệm vu câm (kim).
Ta phù từ chi dị hoặc,
Phủ vãng tích chi nan tầm.
Phủ đãn truyền tư đức năng phi, quải không trương phượng thuý;
Nhĩ mạn thính trung tuỳ bị độ, cách ngạn hống kình âm.
Bỉ dĩ vật phối chi phu phụ;
Thử hà nhân hồn dữ thú cầm.
Tuy lý vô hư ảo chi ngôn, sắc thị không, không thị sắc;
Nhiên khách hữu đăng cao chi hướng, tâm tức Phật, Phật tức tâm.
Dư kim:
Hương hoả hài duyên;
Hoàng hoa dự tuyển.
Cửu trùng khâm phượng chiếu khẩu hàm;
Vạn lý khoái hồng trình dục chuyển.
Quan quang thượng quốc, ninh từ lịch lộ viễn khu,
Lữ tế trung đình, mật tiếp long lâu chi cận kiến.
Tự Bắc tài cước chước dương xuân;
Nhi nam dĩ tâm kỳ hiên miện.
Chu trung mãn song thanh phong nguyệt, túc khiếu vinh cung,
Bút hạ thu tứ cố giang sơn, tương đề phẩm biến.
Kim tắc:
Án bị lâm thanh viện;
Ngoạn cảnh thướng Phi Lai.
Hà dị hồ nhập Thiên Thai chi Lưu Nguyễn.

Thượng quốc Minh triều
Sứ thần Nam Việt
Nguyễn Đăng

Sau đây là bản dịch của cụ Nguyễn Thế Đống:

Bài phú Chùa Phi Lai

Bia Phúc rêu phong;
Miếu Từ mây phủ.
Soi cung Đoài hai bóng sáng thay!
Mở phương Chấn một vùng rộng đó.
Chùa Phi Lai cảnh ấy, lạ lùng nhất chốn tùng lâm;
Miền Cực lạc là đây, lâu đài sánh cùng vũ trụ.
Tưởng từ lúc triều Lương đã mở, Giáo phạn cùng đua;
Dãy khám dựng lên như ve đứng, chân liền sin sít.
Đầu non cao ngất như rồng bò, uốn khúc quanh co;
Bao dặm đường cảnh đẹp từ lâu, ngăn qua bến nước.
Trong một tối, đường xa bay tới, nên đặt tên chùa.
Chùa đây có:
Vườn Kỳ rộng rãi,
Đất Tịnh thênh thang.
Sông Tịch diệt mênh mông chạy dọc,
Núi Tu Di tót vót nằm ngang.
Thợ hoàn thành đông tựa chim cưu, cung điện vàng soi bóng lọng;
Dáng hoạ kiểu cong theo cánh chả, lâu đài ngọc dát sáng choang.
Trời có một bầu riêng cảnh thú;
Đất không một chút để trần vương.
Rực rỡ thay! Cột vẽ đường hoa, mặt chính giác long lanh như bó đuốc;
Đẹp đẽ lắm! Rèm châu cửa ngọc, thân Như Lai óng ánh tựa tô vàng.
Trong chùa thì:
Hoa sen toả ngát;
Hương xạ thơm rơi.
Kinh Bối diệp tụng khuây niềm tục;
Ngọn từ đăng soi sáng đường đời.
Khoá lễ sớm, tiếng kệ vừa im, ngỏ cửa sổ tiểu đi thấp thoáng;
Hồi chuông chiều, chén trà đã cạn, vào phòng trai sư ngủ thanh thơi.
Trên vách đề thơ đen nét mực;
Trong nhà sửa lễ trắng mâm xôi.
Ngoài cửa thơm tho, hoa Bát Nhã bốn mùa đỏ ối;
Trước thềm mát mẻ, trúc Chân Như nghìn thuở xanh tươi.
Ngoài chùa thì:
Đông Tây cửa tía;
Cao thấp bia xanh.
Mau gót ngọc trèo lên bậc đá;
Leo thang mây bước tới cung Quỳnh.
Đài bả truyền trên nền cao, con hiên viên hai voi cùng dấu kín;
Đình bán vân trong ghi tích cổ, vở Tôn Khác một vượn kết duyên lành.
Đưa khách hoa cười tươi trước gió;
Đón xuân chim hót váng trên cành.
Rửa sạch bụi trần, nước khe biếc rồng phun bay phơi phới.
Tránh qua mây khói, ngọn thông già hạc đỗ nhẹ tênh tênh.
Cảnh trí ấy từ khi bay đến;
Giang sơn này bởi đó lừng danh.
Thế mới biết:
Chùa để thờ Phật sẵn nơi;
Phật cũng tu tiên có thuật.
Người tiên vui thú, nước biếc non xanh;
Đức Phật rong chơi, mây Từ bóng nhật.
Trên dưới đền Dao cung Quảng, Bồng hồ Lãng uyển ngắm xinh thay!
Gần xa hố bạc hang vàng, Thức lĩnh Tào khê coi lạ thật!
Chùa đây từ ngọn gió đưa sang;
Núi nọ cũng từ mây cao ngất,
Từng bao độ chim oanh học nói, đất Bồ đề trồng cây Bồ đề;
Trải bao phen con én đưa thoi, trời Đâu Suất tuôn mưa Đâu Suất.
Khắp xem pháp giới cả ba nghìn;
Đây thực danh lam là thứ nhất.
Bàn cho kỹ:
Việc từ thuở trước,
Lý cát ngày nay.
Ngán nỗi lời phao dễ hoặc.
Tiếc rằng dấu cũ khôn hay.
Miệng vẫn đồn: Chùa vượt lưng không, vù vù cánh phượng;
Tai nghe nói: Chuông qua mặt nước, văng vẳng canh chầy.
Ân ái ta xem loài vật đó,
Chim muôn ai biết cái duyên này.
Phải chăng câu chuyện ảo huyền, sắc vẫn không, không vẫn sắc đó;
Nhưng mà khách du cao hứng, lòng cũng Phật, Phật cũng lòng đây.
Tới nay:
Hương lửa đẹp duyên,
Hoa vàng dự kín.
Chín lần vâng chiếu phượng gia ban;
Muôn dặm thuận cánh hồng thẳng tiến.
Nước người thăm thú, xa xôi vó ngựa ruổi đường đi;
Cửa khuyết nhờ ơn, gần gũi ngai rồng vào bệ kiến.
Đặt chân đất Bắc, đượm vẻ dương xuân;
Tỏ vẻ người Nam, rạng mầu hiên miện.
Trăng gió sẵn con thuyền mát mẻ, mặc sức ngâm nga;
Non sông thu ngọn bút dồi dào, tha hồ tả diễn.
Nay được rung cương vâng Thánh chỉ, lên Phật đài ngắm cảnh Phi Lai,
Khác gì hái thuốc tới Thiên Thai, gặp tiên tử như chàng Lưu, Nguyễn.

Phụng dịch ngày mùng 1 tháng 2 năm Mậu Dần (3- 1938).
Long Cát: Nguyễn Thế Đống

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: