Cổ nhân đặc biệt chú ý đến sự ảnh hưởng của âm nhạc đối với tính cách con người, cho rằng lợi ích lớn lao của âm nhạc chính là giáo hóa. Âm nhạc thời cổ đại chú trọng đến sự cao thượng, ca tụng tự nhiên và lý niệm “thiên nhân hợp nhất”. Hình thức của âm nhạc vừa tĩnh vừa giản dị, viên dung và hài hòa, thanh tịnh và đạm bạc, khiến người nghe xong có một loại cảm giác tinh khiết, thoải mái, siêu phàm thoát tục.

Âm nhạc cổ đại của phương Tây mặc dù không đề xướng “đức âm” nhưng đại đa số các âm nhạc gia nổi tiếng đều là người có đức tin. Bởi vậy âm nhạc thời đó luôn thể hiện ra sự trang nghiêm thần thánh, thanh lịch và cao thượng. Chính điều đó khiến người nghe sau khi thưởng thức nhạc xong liền có cảm giác trang nghiêm, được thanh lọc tâm hồn, mà cảm thấy như thoát khỏi thế tục.

Trí tuệ cổ nhân: Âm nhạc tạo nên tính cách con người
(Tranh minh họa: Phan Chấn Dong, Public Domain)

Âm nhạc cổ đại còn được gọi là đức âm nhã nhạc, hay âm nhạc có đạo đức cao thượng. “Nhã” ở đây mang ý nghĩa chỉ sự công chính, bình thản, trang trọng. Đặc biệt, mỗi khi thành lập vương triều, các bậc minh quân đều khởi xướng, chế định ra lễ nhạc. Điều này cho thấy cổ nhân vô cùng coi trọng âm nhạc.

Thời nhà Chu, trong hoạt động lễ nghi, có quy định rất nghiêm khắc về việc tấu nhạc, các trường hợp khác nhau sẽ sử dụng loại nhạc khác nhau. Điều này khiến người tham gia lễ nghi cảm nhận được không khí trang nghiêm, cao nhã và tường hòa. Càng về sau, người ta phóng túng càng ngày càng nghiêm trọng, sự bình thản và trang trọng trong tâm của những người thuộc giới quý tộc cũng bị mất dần đi, dần dần họ không thưởng thức nhã nhạc nữa mà thay vào đó là âm nhạc dân gian, kích thích và phóng túng tình cảm.

Nói về sức mạnh của âm nhạc, có điển cố kể rằng, Khổng Tử từng tới thăm đại phu Trường Hoằng. Trường Hoằng cực kỳ tinh thâm âm nhạc, ông truyền thụ cho Khổng Tử nhạc luật, nhạc lý, đồng thời dẫn Khổng Tử đi quan sát các lễ tế Thần, khảo sát nghiên cứu các lễ nghi, khiến Khổng Tử cảm thán không ngớt.

Về sau, khi Khổng Tử ở nước Tề có may mắn được thưởng thức nhạc vũ “Đại thiều”. Sau khi thưởng thức xong thì lòng khoan khoái, ba tháng ròng ăn thịt mà không thấy mùi vị. Khổng Tử cảm thán rằng: “Không ngờ nhạc lại có thể đạt đến cảnh giới cao siêu kỳ diệu như thế này!” Chuyện này được chép lại trong sách Luận Ngữ.

Khổng Tử đặc biệt nhấn mạnh yếu tố đạo đức trong âm nhạc. Ông khẳng định rằng âm nhạc tốt có thể nâng cao đạo đức con người, cũng có thể giúp ước chế quân chủ trong việc trị quốc. Ngoài ra ông cũng ca tụng loại âm nhạc cao thượng, vui không quá độ, buồn cũng không quá sầu. Người tôn quý thưởng thức âm nhạc để học hỏi giá trị cao cả, người thường thưởng thức âm nhạc để thỏa mãn dục vọng, ham muốn của bản thân.

Có một đoạn thời gian, Khổng Tử cùng các học trò trên đường đi từ nước Trần đến nước Thái thì bị vây khốn, gặp phải nguy nan, cạn hết cả lương thực. Lúc ấy, các học trò đều mang vẻ mặt rất rầu rĩ, thất vọng, nhưng Khổng Tử vẫn giữ tâm thái bình tĩnh mà ca hát, soạn nhạc.

Tử Lộ bước vào nhìn thấy thầy như vậy liền hỏi: “Thưa thầy! Trong thời điểm này mà ca hát thì có phù hợp với khuôn phép của lễ không ạ?”

Khổng Tử không trả lời, mà vẫn tiếp tục hát hết bài rồi mới nói: “Trọng Từ này, người quân tử yêu thích âm nhạc chính là vì ở trong âm nhạc mà bình tĩnh tâm tính, hồi tưởng lại chuyện lúc xưa, tự hướng lại bản thân mà kiểm điểm chính mình, xóa bỏ đi tính khí kiêu ngạo. Kẻ tiểu nhân yêu thích âm nhạc chính là vì ở trong âm nhạc mà mong xóa bỏ nỗi sợ hãi. Mục đích là rất khác nhau. Con đi theo ta mà không hiểu ta sao?”

Bên cạnh tác dụng điều hòa tinh thần con người, khiến con người sống vui vẻ, tích cực, hướng đến những điều tốt đẹp, âm nhạc cũng có thể làm tổn thương con người, khiến tâm con người bị điên cuồng, mê loạn. Bởi vậy, người sáng tác nhạc không thể không thận trọng, người diễn tấu nhạc và người nghe nhạc cũng phải mang tâm thái khiêm cung.

Âm nhạc là con dao hai lưỡi như vậy, nên âm nhạc phóng túng sẽ gây hại đến thể xác và tinh thần của người nghe, thậm chí khiến quốc gia, xã hội bị suy bại. Thuận theo sự thay đổi của xã hội loài người, âm nhạc cũng không ngừng bị biến dị theo. Con người lựa chọn và sáng tác ra những tác phẩm kích thích mạnh đến tình cảm ngày càng nhiều. Ngược trở lại, “tà âm bất chính” lại tác động và khiến con người bị mê lạc hơn. Âm nhạc hiện đại ngày nay chẳng những không giúp con người nâng cao đạo đức, thanh lọc tâm tính, mà trái lại còn khiến tâm tình con người bị mê loạn, thậm chí điên cuồng.

Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là con người hiện đại đề xướng phóng túng tất cả, “giải phóng” tất cả, nên dễ dàng thể hiện ra mặt ác trong nhân tính. Kỳ thực con người sinh ra vốn đã có cả thiện lẫn ác, có cả vô tư lẫn ích kỷ, nên con người cần phải lấy nguyên tắc đạo đức làm tiêu chuẩn làm người. Người hiện đại cho rằng ác niệm đó là bản thân mình, là ham muốn thầm kín của mình, kỳ thực phóng túng mặt ác chính là phóng túng ma tính, ma tính nhiều rồi thì sao gọi là người được, chỉ có thể gọi là ma.

Bởi vậy, nghe loại nhạc gì là không thể không thận trọng lựa chọn.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: