Gia phong tốt được coi là tài phú quý giá của một gia đình. Nó hàm chứa những quy tắc ứng xử tạo thành nếp sống trong gia đình, cũng trở thành cốt cách của người trong gia đình. Bởi vậy, trên cửa chính của từ đường xưa luôn có treo những tấm bảng yêu cầu về gia phong, truyền từ đời này sang đời khác để con cháu học tập và tiếp nối. Trong thiên “Tề gia” của cuốn “Cách ngôn liên bích” viết: “Cần kiệm là gốc rễ để trị gia, hòa thuận là gốc rễ để tề gia, cẩn thận là gốc rễ để bảo gia”. Những câu này đã trở thành nếp sống mà nhiều gia đình xưa áp dụng để xây dựng một gia đình hưng vượng dài lâu.

Trí tuệ cổ nhân: Ba nếp sống tạo phúc cho gia đình
(Tranh minh họa: Vương Thì Mẫn, Minneapolis Institute of Art, Public Domain)

Cần kiệm là cái gốc để trị gia

“Cần kiệm là gốc rễ để trị gia”, chăm chỉ làm việc và sống tiết kiệm là căn bản của việc trông coi quản lý gia đình. Cần cù tiết kiệm là mỹ đức truyền thống. Bất kể một gia đình có phúc khí nào đều có loại mỹ đức này. Một gia đình chăm chỉ lao động, tiết kiệm chi tiêu thông thường sẽ thu hoạch được càng nhiều hạnh phúc.

Ngạn ngữ có câu rằng: “Hoàng kim bổn vô chủng, xuất tự cần kiệm gia”, ý nói tiền bạc vốn có thể gieo trồng được mà không cần hạt giống, nó xuất từ gia đình cần kiệm mà ra. Cũng có câu rằng: “Cần lao đích gia đình, cơ ngạ quá kì môn nhi bất nhập”, nghĩa là một gia đình sống cần kiệm thì đói khát sẽ không thể vượt cửa mà vào được.

Đối với một gia đình sống cần cù và tiết kiệm thì cho dù là nghèo khó đi nữa cũng chỉ là tạm thời, mai sau sẽ có phúc lớn. Còn một gia đình xa hoa và dâm loạn thì phú quý cũng chỉ là nhất thời, tương lai nhất định suy sụp. Cho nên muốn gia đình làm sao để ngày càng sung túc hơn thì phải đề cao cần cù và tiết kiệm.

Cẩn thận là cái gốc để bảo gia

Cẩn thận là cái gốc để giữ gìn bảo vệ gia đình. Cẩn thận ở đây không chỉ là cẩn thận về lời nói, mà còn phải cẩn thận từ suy nghĩ đến việc làm. Mỗi một lời nói, một hành động đều phải cẩn thận suy xét xem đúng hay sai, nên hay không nên, có trái với quy phạm đạo đức hay không, có bị cám dỗ khống chế hay không. Mỗi người cần phải phân biệt rõ thiện và ác để hành động theo. Bởi vì hành thiện mới tích được đức, có đức mới có được phúc báo. Nếu muốn xây đắp tương lai tốt đẹp cho bản thân và gia đình thì phải cẩn trọng, làm người luôn làm việc thiện, rời xa việc ác.

Kinh Dịch viết: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh, tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương“, nhà tích chứa điều thiện ắt sẽ có niềm vui, nhà tích chứa điều ác ắt sẽ có tai ương. Trong “Liễu Phàm tứ huấn” cũng viết: “Nhân vi thiện, phúc tuy vị chí họa dĩ viễn; nhân vi ác, họa tuy vị chí phúc dĩ viễn”, một người hay một gia đình làm việc thiện, tạm thời mặc dù không thấy được phúc báo, nhưng tai họa thì đã rời xa rồi; còn một người hay một gia đình bất thiện, thì cho dù hiện tại không có tai họa tới cửa nhưng phúc báo thì đã sớm rời xa rồi. Cho nên nhất định phải cẩn thận trong mỗi việc làm của mình.

Sách cổ viết: “Nhất thất túc thành thiên cổ hận”, một lần sảy chân để hận nghìn đời, một sai lầm để hận mãi mãi. Một người nếu không thể cẩn thận thì có thể cả đời không có được thanh danh tốt, thậm chí lúc tuổi già còn có thể đánh mất danh tiết mà cả đời giữ gìn. Đã đánh mất thanh danh thì cũng chính là đã không thể giữ gìn được gia đạo tốt. Đặc biệt là người trụ cột gia đình, một khi đạo đức đã bị tổn hại, thanh danh đã bị hủy hoại rồi, thân bại danh liệt rồi thì những người trong gia đình cũng sẽ không thể ngẩng cao đầu lên được nữa. Cho nên, để gìn giữ gia đình thì sự cẩn thận là vô cùng quan trọng.

Hòa thuận là cái gốc để tề gia

Mọi thành viên trong gia đình một lòng hòa thuận, luôn suy nghĩ làm thế nào để biến mâu thuẫn lớn thành nhỏ, biến mâu thuẫn nhỏ thành không, làm thế nào để gia đình đoàn kết hơn, đó là điều rất quan trọng. 

Mọi người vẫn thường nghe câu nói: “Gia hòa vạn sự hưng”, đây là câu nói rất có đạo lý. Một gia đình có phúc khí hay không đều có liên quan rất lớn với việc giữa các thành viên trong gia đình có hòa thuận hay không. Thậm chí sự hòa thuận ấy quyết định đến phúc khí của gia đình.

Lễ Ký viết: “Phụ tử đốc, huynh đệ mục, phu thê hòa, gia chi phì dã”, nghĩa là ý nói một gia đình mà cha con tình cảm sâu đậm, tin tưởng lẫn nhau, anh em đồng tâm đồng đức một lòng một dạ, vợ chồng hòa thuận vui vẻ, tương trợ nhau lúc khó khăn thì tài phú có thể ào ạt kéo đến, gia nghiệp cũng có thể thịnh vượng phát đạt, cuộc sống gia đình cũng hạnh phúc mỹ mãn.

Nếu trong gia đình mà các thành viên không ngừng tranh cãi, khắc khẩu với nhau thì dù có nhiều tiền đến đâu người ta cũng không sống được cùng nhau, không thể kính trọng lẫn nhau, gặp mặt không thể vui vẻ, làm ảnh hưởng không tốt đến thế hệ sau. Con người một khi bị bao vây trong một bầu không khí gia đình như vậy thì sức khỏe tinh thần và thể xác đều bị sa sút.

Trái lại, một người được sống trong một gia đình luôn vui vẻ hòa ái, trên nhường dưới, dưới kính trên thì áp lực tinh thần sẽ rất ít. Khi tinh thần thoải mái thì việc giải quyết các vấn đề cũng thuận buồm xuôi gió, cho dù trong công việc hay cuộc sống có gặp chút khó khăn cũng sẽ có thể tìm được cách giải quyết dễ dàng hơn.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: Lấy vợ lấy đức không lấy sắc, kết bạn kết tâm chẳng kết tài