Tình với nghĩa cùng là quí, không quyết hẳn được bên nào nặng hơn bên nào. Cho nên ta phải cân nhắc cho cẩn thận, lúc tình nặng hơn nghĩa, thì ta giữ tình, lúc nghĩa nặng hơn tình, thì ta trọng nghĩa. Bậc anh hùng liệt nữ thời xưa chính là vì nghĩa công mà bỏ tình riêng, bởi vậy mới lưu danh muôn thủa.

Trí tuệ cổ nhân: Cái nghĩa của bậc liệt nữ
(Tranh minh họa: Wikipedia, Public Domain)

Trong “Lưu Hương liệt nữ truyện” có kể câu chuyện vì nghĩa công mà bỏ tình riêng như thế này:

Quân nước Tề sang đánh nước Lỗ. Khi đến chỗ giáp giới, trông thấy người đàn bà tay bồng một đứa bé, tay dắt một đứa nữa. Người đàn bà thấy quân kéo tới, vội vàng bỏ đứa bé đang bồng trên tay xuống mà bồng đứa bé đang dắt, rồi chạy trốn vào trong núi. Đứa bé còn lại chạy theo mà khóc, người đàn bà cứ đi, không dám ngoảnh lại.

Một viên tướng nước Tề cho bắt đến hỏi:

– Đứa trẻ nàng bế chạy là con ai? Còn đứa trẻ nàng bỏ liều lại là con ai?

Người đàn bà thưa:

– Đứa tôi bế chạy là con anh cả tôi; đứa tôi bỏ lại là con tôi. Tôi thấy quân lính kéo đến, sức tôi không thể bảo toàn được cả hai đứa, cho nên tôi đành phải bỏ con tôi lại.

Viên tướng nước Tề nói:

– Con với mẹ kể tình thân yêu thì đau xót lắm. Nay bỏ con mình lại mà chạy lấy con anh là cớ làm sao?

Người đàn bà nói:

– Con tôi là “tình riêng”, con anh tôi là “nghĩa công”. Con đẻ tuy đau xót thật, nhưng đối với việc nghĩa thì tính làm sao. Cho nên tôi đành bỏ liều con tôi mà làm việc “nghĩa”. Tôi không thể nào chịu tiếng “vô nghĩa” mà vác mặt sống ở nước tôi được.

Viên tướng nước Tề dừng quân lại, sai người tâu vói vua Tề rằng:

– Nước Lỗ chưa thể đánh được. Quân ta mới đến chỗ cương giới, đã thấy con mụ đàn bà xó rừng còn biết làm điều “Nghĩa”, chẳng chịu đem “Tình riêng” mà hại “Nghĩa công” huống chi là những bực quan lại, sĩ phu ở trong nước. Xin kéo quân về.

Vua cho là phải, cho lui quân.

Sau vua Lỗ biết chuyện này, thưởng người đàn bà một trăm tấm lụa và phong cho hai chữ “Nghĩa cô”.

Tình và nghĩa trong cuộc sống thật khó phân nặng nhẹ. “Nghĩa” là điều đúng đắn, “tình” là cảm xúc của con người đối với người khác. Trong những việc nhỏ, đôi khi người ta tránh nói sự thật để làm tổn thương nhau, ấy là tình nặng hơn nghĩa. Nhưng ở những việc tương quan trọng đại, thì thông thường là nghĩa nặng hơn tình.

Như bậc liệt nữ nói trong truyện đây là so cái “tình riêng” đối với “nghĩa công”, thì không còn phải do dự gì nữa. Thế nào là tình riêng? Là cái lòng yêu riêng của một mình mình. Thế nào là nghĩa công? Là cái việc phải đối với nhà, với nước, với thiên hạ. Tình riêng cứ kể cũng là nặng, nhưng so với nghĩa công thì nghĩa công còn nặng gấp mấy. Nghĩa công đã nặng, thì đến cái thân là của yêu nhất của mình ở đời mình còn có thể bỏ đi để mà giữ nghĩa, huống chi là những điều ngoại thân.

Người liệt nữ đây hiểu thấu nhẽ ấy, nên mới đành bỏ con yêu của mình để giữ lấy con yêu của anh. Đặt vào lý niệm của người xưa, đặt vào hoàn cảnh xã hội xưa mà nói, khi mình giữ được con cho anh, thế là giữ được nòi giống để nối dõi cho tông tộc, ấy là điều xã hội xưa lấy làm quan trọng nhất.

Đem nghĩa để cắt tình, mà lại là tình mẫu tử, thì quả thật là đáng phục, không phải là điều mà người hiện đại có thể dễ dàng chấp nhận, cũng không phải là điều mà người hiện đại dễ dàng hiểu thấu.

Nay không nói chuyện phải đem nghĩa mà cắt tình, chỉ thấy có rất nhiều việc nghĩa, việc đúng đắn mà con người hiện đại thảy đều tránh né. Thấy tội ác thì cho đó không phải việc của mình, thấy điều bất bằng thì không dám lên tiếng. Há chẳng ngượng với bậc liệt nữ xưa lắm ru?

Theo Cổ học tinh hoa
Ninh Sơn tổng hợp

Xem thêm:

Mời xem video: