Nhân phẩm lấy chính trực, ngay thẳng làm gốc, nó là nền tảng của làm người và là căn bản của đối nhân xử thế. Tục ngữ nói: “Thân thẳng thì không sợ bóng nghiêng, chân thẳng thì không sợ giầy lệch”. Người làm việc đường đường chính chính chính thì tâm mới an, tinh thần mới thoải mái. Trong lịch sử không thiếu những vị quan lấy chính trực làm thước đo cho lương tri và hành xử của mình.

Trí tuệ cổ nhân: Chính trực làm người, làm đến tể tướng
(Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Trong Cựu Đường thư, Quyển 84, phần Liệt truyện thứ 34 có chép truyện tể tướng Lưu Nhân Quỹ. Ông khởi đầu vốn là một viên quan trông lo việc vặt tại huyện Trần Thương. Sau Lưu Nhân Quỹ được ban thưởng và phong chức Huyện úy.

Vào thời Trinh Quán của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, có một viên quan tên là Lỗ Ninh coi thường luật pháp, phóng túng vô lễ. Do giữ chức vụ cao trong binh chế nên không ai dám ngăn hắn ta lại.

Lưu Nhân Quỹ từng khuyên ngăn Lỗ Ninh và Lỗ Ninh đã đồng ý không tái phạm bất kỳ tội ác nào. Tuy nhiên, ngay sau đó, Lỗ Ninh lại còn trở nên tàn bạo và xấu xa hơn. Lưu Nhân Quỹ đã theo phép nước tử hình Lỗ Ninh.

Đường Thái Tông rất tức giận vì một huyện úy dám tử hình người trong quân đội. Hoàng đế trực tiếp đến Trần Thương để chuẩn bị trừng phạt nghiêm khắc Lưu Nhân Quỹ. Tuy nhiên, khi nói chuyện với Lưu Nhân Quỹ, hoàng đế rất ngạc nhiên bởi sự chính trực của ông. Vì thế, thay vì trừng phạt ông, hoàng đế đã thăng cho ông làm chức Huyện thừa ở Lịch Dương.

Bấy giờ khi gặp Lưu Nhân Quỹ, thì Viên Thiên Cương, một vị quan thiên văn nổi tiếng với tài tiên thời nhà Đường đã nói với ông rằng: “Ông sẽ được thăng đến chức tể tướng và sống đến khoảng 90 tuổi.”

Vào năm Trinh Quán thứ 14, Đường Thái Tông quyết định đi săn vào đầu mùa thu. Lưu Nhân Quỹ đã dâng sớ can gián. Ông báo cáo rằng năm đó tuy mùa vụ tốt, nhưng lúc ấy nông dân chỉ mới thu hoạch được 1 đến 2 phần số lượng cây trồng. Để chuẩn bị cho cuộc đi săn của Đường Thái Tông thì 10 đến 20 nghìn người nông dân sẽ bị gián đoạn việc thu hoạch. Điều này mang đến nhiều khó khăn hơn cho người dân sống trong vùng. Lưu Nhân Quỹ đã đề nghị hoàng đế rời cuộc đi săn vào sau mùa thu hoạch.

Đường Thái Tông rất hài lòng và đã ban chiếu chỉ thưởng cho Lưu Nhân Quỹ. Hoàng đế nói: “Dù chức quan của khanh thấp, nhưng ta có thể cảm nhận được khanh lo lắng cho sự hưng thịnh của quốc gia. Những gì khanh nói cũng chính là quan điểm của ta.”

Không lâu sau, Lưu Nhân Quỹ được thăng lên chức Huyện lệnh huyện Tân An, rồi trở thành quan trong triều. Vào lúc đó, Lưu Nhân Quỹ khoảng 40 tuổi, và việc thăng lên chức tể tướng theo thông lệ là bất khả thi nếu xét đến tuổi thọ trung bình và tuổi rời triều sau đó. Tuy nhiên Lưu Nhân Quỹ sau này lại làm nên ngoại lệ.

Vào thời Hiển Khánh, Đường Cao Tông muốn chế ngự quân Liêu ở đông bắc. Lưu Nhân Quỹ vốn chưa từng trực tiếp tham gia chiến trận, nhưng phải phụ trách một nhóm thủy quân, và đã đến điểm hợp quân muộn. Vì không đến đúng giờ, ông đã bị miễn quan, cách chức và rồi được giao cho chỉ huy một nhóm thủy quân khác.

Quân của Lưu Nhân Quỹ tiến vào một cảng của Hàn Quốc ngày nay, bấy giờ là vùng của quân Nhật. Quân Nhật và quân Đường giao tranh, quân Nhật thua cả bốn trận, hơn 400 chiến thuyền bị đốt và tiêu hủy. Trận chiến này đã khiến quân Nhật và Triều Tiên một lần nữa quy thuận triều Đường. Đây là chiến công lớn.

Vào năm đầu tiên của triều Thùy Củng, Lưu Nhân Quỹ được thăng làm một trong hai tể tướng, dẫn dắt triều đình. Ông sống đến 84 tuổi. Có thể nói cả chức quan và tuổi đều được vị quan thiên văn nổi tiếng Viên Thiên Cương tiên đoán trước.

Với một người có mệnh là tể tướng, thì sự khởi đầu chậm chạp hay chậm trễ từ vị trí của một viên quan huyện nhỏ bé cũng sẽ không làm mất đi cơ hội đạt đến vị trí cao nhất. Đồng thời, trong suốt chặng đường này, người đó phải chấp pháp chính trực và thẳng thắn can gián, có vậy họ mới có thể bảo toàn được phú quý của sinh mệnh bản thân.

Đăng lại có chỉnh sửa từ bài viết “Trực ngôn can gián, viên quan nhỏ được lên làm tể tướng”
Đăng trên Minghui.org

Tác giả: Đường Kiệm

Xem thêm:

Mời xem video: