Cổ nhân có câu: “Thiên hữu bất trắc phong vân, nhân hữu đán tịch họa phúc”, tức là trời đất nắng mưa khó đoán, người có hoạ phúc sớm chiều. Phúc họa trong đời người là khó đoán biết trước, nhưng nếu một người biết lo liệu trước, có sự phòng bị thấu đáo thì rất có thể sẽ tránh được tai họa về sau.

Trí tuệ cổ nhân: Có phòng bị trước sẽ tránh được họa về sau
(Tranh minh họa: Họa sĩ Cừu Anh, Public Domain)

Trong thành ngữ cổ có câu: “Hữu bị vô hoạn”, có phòng bị trước thì không có tai họa. Câu thành ngữ này có xuất xứ từ cuốn “Thượng thư”, thiên“Duyệt mệnh”, nguyên văn là: “Duy sự sự, nãi kì hữu bị, hữu bị vô hoạn”, ý nói suy nghĩ mọi sự việc, sau đó có sự phòng bị, có sự phòng bị trước rồi thì không phải lo gặp họa.

Trong “Tả truyện – Tương Công” cũng có ghi thành ngữ này: “Cư an tư nguy, tư tắc hữu bị, hữu bị vô hoạn”, nghĩa là sống yên ổn phải nghĩ đến ngày gian nguy, suy nghĩ ắt phải có phòng bị, có phòng bị thì không phải lo lắng tai họa nữa.

Nói về câu thành ngữ này, trong “Thượng thư” có ghi lại một đoạn sử như sau: Thời Xuân Thu Chiến Quốc, Tư Mã Ngụy Giáng phò tá Tấn Điệu Công, giúp cho nước Tấn càng ngày càng lớn mạnh.

Năm 562 TCN, các nước chư hầu liên hợp tấn công nước Trịnh. Nước Trịnh yếu ớt bèn cầu thân với nước Tấn. Tấn Điệu Công đã chấp thuận thỉnh cầu của nước Trịnh, đặc xá tù binh, rút quân đội về nước, ngăn chặn các cuộc nội chiến ở nước Trịnh, đồng thời phái người thông báo tới các nước chư hầu khác.

Sau khi đất nước yên bình trở lại, vua nước Trịnh vì muốn cảm tạ nước Tấn bèn dâng tặng rất nhiều vàng bạc châu báu, nhạc công giỏi, ca nữ, nhạc khí quý, hàng trăm xe binh khí và rất nhiều mỹ nữ. Tấn Điệu Công muốn đem một nửa số ca nữ thưởng cho Ngụy Giáng nhưng Ngụy Giáng lại từ chối.

Ngụy Giáng nói với Tấn Điệu Công: “Cùng nước khác giảng hòa là phúc khí của quốc gia. Đại Vương vẫn phải suy nghĩ đến các mối nguy cơ ngay cả khi đất nước đang yên ổn, cân nhắc đến điều này thì mới có sự chuẩn bị trước, khi đó ắt không lo chuốc lấy tai họa”.

Tấn Điệu Công nghe xong nói: “Đúng, ngươi nói rất đúng”. Sau đó Tấn Điệu Công liền cho người đưa trả ca nữ về nước Trịnh.

Cuối cùng, dưới sự phò tá của Ngụy Giáng, Tấn Điệu Công phát triển nước Tấn thành một cường quốc.

Người xưa nói “Tửu, Vị, Sắc, Đài” là bốn tật xấu làm người ta mất nước. Ham thích rượu ngon, ăn đồ ăn ngon, mê đắm mỹ nữ, muốn xây thành cao lầu rộng, quân vương chỉ mắc một trong bốn thứ này thì đã đủ vong quốc rồi. Tấn Điệu Công nghe lời Ngụy Giáng, “Hữu bị vô hoạn”, nên có thể không mờ mắt trước sự cống nạp của nước Trịnh mà thành tựu nghiệp lớn.

Câu thành ngữ “Hữu bị vô hoạn” sau này được sử dụng vô cùng rộng rãi, khuyên nhủ con người phải luôn suy nghĩ, cẩn trọng, có phòng bị trước mọi việc, ngay cả khi chưa có nguy hiểm nào xảy ra, có như vậy mới tránh được tai họa sau này.

Có rất nhiều câu danh ngôn của cổ nhân cũng có ý nghĩa tương tự như “Hữu bị vô hoạn”. Trong “Lễ ký” viết: “Phàm sự dự tắc lập, bất dự tắc phế”, nghĩa là việc gì mà có sự chuẩn bị trước thì sẽ thành, còn như không có sự chuẩn bị trước thì thường sẽ trở thành dở dang. Trong “Kinh Thi” cũng viết: “Đãi thiên chi vị âm vũ, triệt bỉ tang thổ, trù mâu dũ hộ”, nghĩa là nhân lúc trời chưa đổ mưa hãy mau đi lấy rễ cây dâu về vá lại lỗ hổng kia.

Cổ nhân rất coi trọng tâm thái phòng bị chu toàn trong việc trị quốc. Thời nhà Chu, Chu Công Đán khuyên nhủ Chu Thành Vương rằng lúc nào cũng phải cố gắng trị vì tốt đất nước, không được lơ là khinh suất, bởi khinh suất là tự chiêu mời tai họa. Mạnh Tử từng đàm luận rằng: “Các chư hầu khanh tướng, ở vào thời điểm quốc gia thái bình vô sự, không biết thừa dịp trời quang mây tạnh mà sửa chữa chỗ hư hại, chỉ biết theo đuổi hưởng thụ, ăn chơi phóng túng, như thế chẳng khác nào tự chiêu mời tai họa.”

Trong tu thân, cổ nhân cũng đề cao việc cẩn trọng, cũng chính là việc tu dưỡng tâm tính của bản thân. Khổng Tử có câu: “Quân tử là người không sầu lo, cũng sẽ không sợ hãi”. Người luôn tu dưỡng nội tâm của mình, không làm điều sai, ngẩng mặt không thẹn với trời, cúi mặt không thẹn với người thì cũng không phải lo lắng điều gì không hay xảy ra.

Xưa nay những người thành công thường là những người có sự phòng bị chu đáo, có tầm nhìn xa hơn, thấu đáo hơn người khác. Ngay trong cuộc sống, mỗi một ngày trôi qua đều sẽ phát sinh những sự tình bởi vì có phòng bị chu đáo mà thu được lợi ích, cũng có sự tình bởi vì không phòng bị mà xảy ra tổn thất. Cho nên, phòng bị trước cũng là bước quan trọng để có được thành công.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: