Cổ nhân tin vào số mệnh và thường nói: “Sống chết có số, phú quý do trời”. Nhưng mà thực ra đâu chỉ sống chết mới có số thôi, rất nhiều điều trong cuộc đời con người là được an bài tỉ mỉ, kể cả những chi tiết thuận theo sự lựa chọn của con người mà biến đổi theo.

Trí tuệ cổ nhân: Đâu chỉ là sống chết có số?
(Ảnh minh họa: LazarenkoD, Shutterstock)

Trong sách “Tử Bất Ngữ” (Những điều Khổng Tử không nói) của Viên Mai thời nhà Thanh có bài thơ rằng:

Nhân sinh mệnh định, ảo bất đắc,
Hiềm bần ái phú, sử bất đắc,
Tham tang uổng pháp, tố bất đắc,
Biệt nhân thê nữ, dâm bất đắc…
Táng quan cai bạc, hậu bất đắc!

Tạm diễn nghĩa là:

Đời người đã định không thể bẻ cong,
Chê nghèo thích giàu cũng vô dụng,
Ăn tiền phạm pháp không thể làm,
Vợ của người khác đừng bừa bãi…
Quan tài nên mỏng thì không thể dày!

Trong bài thơ này, câu “Quan tài nên mỏng thì không thể dày” ứng với câu chuyện của một ông già làm nghề giúp việc ở Đài Châu. Chuyện kể rằng:

Trước đây, ở Đài Châu có một gia tộc lớn họ Trương, trong nhà họ có một người làm đã hơn sáu mươi rồi mà không có con cái. Ông lão này vì muốn chuẩn bị cho việc hậu sự của mình nên đã sắm một chiếc quan tài. Thế nhưng ông mãi cho rằng lớp gỗ của quan tài quá mỏng, cảm thấy không hài lòng. Ông bèn nghĩ ra một cách: nghe ngóng để ý xem nhà nào có tang nhưng do ngày phát tang quá gấp, không kịp làm quan tài. Gặp lúc đó, ông sẽ cho họ mượn chiếc quan tài của mình để phát tang. Tuy nhiên ông có một yêu cầu rằng: Khi trả lại quan tài thì phải làm cho nó dày lên một lớp xem như lấy lời.

Qua nhiều năm, quan tài liên tục được cho mượn, dần dần dày lên. Khi chiếc quan tài đã dày chín tấc thì ông lão cảm thấy rất hài lòng. Thế rồi ông để chiếc quan tài ở hiên nhà chủ, đợi đến khi qua đời thì mọi người sẽ giúp ông dùng trong tang lễ.

Một đêm nọ, nhà hàng xóm bỗng phát cháy. Những người gần đó đều hoảng hốt chạy cả ra ngoài. Hiên nhà họ Trương bị lửa lan đến.

Lúc này ông lão rất lo lắng! Vội vàng đi vào nhờ cậy mọi người đẩy quan tài ra. Quan tài đã bị lửa bén đến, nên phải lập tức đẩy nó vào nước. Sau khi mọi người dập lửa xong thì quay qua vớt quan tài lên trên bờ hộ ông lão. Thật may mắn, chiếc quan tài sau khi bỏ những lớp cháy đi thì vẫn còn sử dụng được. Nhưng điều kỳ lạ là độ dày của lớp gỗ quan tài lại trở về như ban đầu. Ông lão bao lâu nay làm dày quan tài cuối cùng đều trở thành phí công.

Từ đó dân gian mới có câu rằng: “Quan tài nên mỏng thì không thể dày”, với hàm ý rằng không phải chỉ là chuyện sống chết, mà ngay cả những chi tiết nhỏ trong cuộc đời của người ta cũng là có số mệnh định sẵn.

Cổ nhân có câu: “Trong số mệnh có thì ắt sẽ có, trong số mệnh không có thì đừng cưỡng cầu”. Con người ta cũng thật đáng thương vậy, cũng như ông lão kia, chỉ vì độ dày của cái quan tài mà chịu bỏ bao nhiêu cực khổ công sức, cuối cùng khi chết cũng chẳng thể mang theo. Người ta vì vinh hoa phú quý, vì danh tiếng bản thân, vì những truy cầu “tưởng chừng có ý nghĩa” mà cực khổ một đời. Khi đi đến cuối chặng đường, giật mình nhìn lại mới thấy lãng phí vô ích, mới thấy muốn tìm kiếm chân lý của cuộc đời thì đã không còn kịp nữa…

Vậy “số mệnh” rốt cuộc là gì? Mạnh Tử nói: “Không làm mà thành là Thiên ý, không cầu mà nên là số mệnh” (Mạnh Tử – Tận tâm thượng). Đổng Trọng Thư, nhà Nho thời Tây Hán nói: “Trời lệnh thực thi thì gọi là mệnh” (Hán thư – Đổng Trọng Thư truyện). Có thể thấy rằng trong lý niệm của cổ nhân, mệnh và Trời có liên quan tới nhau. Có câu “Nhân mệnh quan thiên”, mệnh người liên quan tới Trời. Vậy nên mới gọi mệnh là “Thiên mệnh” hay “mệnh Trời”.

Mệnh hay Thiên mệnh đều là những điều mang theo tới khi sinh, hay còn gọi là Trời định. Thuật xem mệnh xưa kia thường coi sự vận hành của sinh mệnh, phân chia thành đại mệnh, tiểu mệnh và lưu niên theo tiến trình thời gian. Sự vận hành của mệnh gọi là vận mệnh, cho nên mệnh còn được gọi là “vận mệnh”, nghĩa là những hành trình khác nhau.

Sinh mệnh của con người được tổ thành bởi những hành trình khác nhau. Trong những hành trình khác nhau đó sẽ biểu hiện ra chất lượng sinh mệnh khác nhau. Thông thường chất lượng sinh mệnh có thể thấy thông qua giàu nghèo, sang hèn, thọ yểu. Một con người không chỉ có một hành trình sinh mệnh trong một đời, mà hành trình đó xảy ra như thế nào còn do lựa chọn thiện ác, sự nỗ lực hay lười biếng, tuy nhiên về tổng thể là đại đồng tiểu dị, cái đáng có thì sẽ có, cái không đáng có thì sẽ mất đi. Do vậy, mệnh hay vận mệnh, kỳ thực là chỉ quỹ đạo vận hành của sinh mệnh vốn được định hình từ trước khi con người sinh ra.

Vũ trụ vận động theo quy luật riêng của mình, người xưa gọi là luật, là Pháp, là Đạo. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, to lớn như các thiên hà, cho đến các hệ mặt trời, các hố đen, các vì sao… đều có quỹ tích riêng có thể đoán biết được. Nhỏ như các phân tử, nguyên tử, proton, electron… đều có nguyên tắc riêng có thể suy tính được. Vậy thì con người nhỏ bé ở bên trong vũ trụ này hẳn là không nằm ngoài tính khả tri ấy. Ít nhất thì khoa học hiện đại đối với một số sự tình nhỏ là có thể tiên đoán được, ví dụ sự tiến triển của sức khỏe, bệnh tật, v.v.. Muốn thấy rõ hơn, muốn biết nhiều hơn thì đơn giản là cần có trí huệ cao hơn thế.

Số mệnh của con người dẫu là Trời định, đã được an bài, gọi là tiên thiên, nhưng như trên đã nói, không phải là chỉ có thuần một con đường, cũng không phải là không thể thay đổi. Dẫu con người thông qua những nỗ lực hậu thiên của mình, có thể cải biến vận mệnh ở một mức độ nào đó, nhưng “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, con người nỗ lực một cách mù quáng thì chẳng thể thay đổi được điều lớn lao.

Vậy nên thông thường, con người chỉ có thể “Tận nhân sự, quan Thiên mệnh”, dốc hết sức mình nhưng vâng theo Thiên mệnh. Con người nếu muốn thực sự thay đổi vận mệnh, ắt phải thuận theo Thiên đạo mà hành. Bởi lẽ mệnh của con người là thiên mệnh, trong Phật gia giảng là căn cứ vào những việc làm trong kiếp trước mà phân thiện ác và đức nghiệp lớn nhỏ đối ứng. Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo.

Cổ nhân tin rằng chỉ có thuận theo thiên đạo, tuân theo phép tắc, quy luật của vũ trụ, trọng đức hướng thiện, sửa đổi lỗi lầm, tránh làm việc xấu là có thể cải mệnh mà thôi. Bởi lẽ thiên đạo thưởng thiện phạt ác, vậy nên trong văn hóa truyền thống việc tu luyện, tu tâm dưỡng tính là biện pháp duy nhất để có thể tạo ra thay đổi lớn lao trong vận mệnh của bản thân mình.

Phú quý lợi danh khi sinh chẳng mang đến, khi tử chẳng đem theo. Phật gia cho rằng dẫu có phúc phận thì vẫn là xoay vòng trong lục đạo luân hồi. Người có vận mệnh tốt tới đâu trong xã hội người thường cũng không thể thoát khỏi chuyện sống chết của số mệnh, không thể thoát khỏi quy luật “sinh lão bệnh tử”. Do đó việc thay đổi số mệnh mà mọi người thường nói chỉ là sự cải biến trên bề mặt. Còn muốn thoát khỏi luân hồi, cải biến tận gốc vận mệnh, thì chỉ có tu luyện thành đạo, có vậy mới được giải thoát, ấy cũng là giá trị phổ quát mà các tín ngưỡng của nhân loại đều nhìn nhận.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thanh Trúc biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: