Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết rằng: “Tội không gì lớn bằng nhiều ham dục, họa không gì lớn bằng không biết đủ, lỗi không gì lớn bằng muốn đắc được.” Các bậc tiên hiền cổ đại đã đặt ra lễ chế để nuôi dưỡng bản tính, tiết chế dục vọng của mỗi người, từ đó tránh làm tổn hại đến nhân quần. Bởi vì nếu thỏa sức phóng túng dục vọng thì ắt sẽ mang đến nguy hiểm cho bản thân và người khác. Chỉ có giữ lễ nghi, tiết chế dục vọng, coi nhẹ việc hưởng thụ vật chất thì mới ít phạm sai lầm, mới tránh lạc lối, không làm hủy hoại bản thân.

Trí tuệ cổ nhân: Dùng lễ nghi để tiết chế dục vọng
Tranh “Phong hỏa hí chư hầu”, mô tả cảnh một vị vua vì ham luyến mỹ nhân mà khiến vương triều suy bại. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Giữ lễ để phòng ngừa loạn

Thời kỳ Tây Chu, Khương Hậu của Chu Tuyên Vương là người hiền hậu có đức, bất kỳ việc gì không đúng lễ nghi đều không nói, không làm.

Một ngày nọ, Chu Tuyên Vương ngủ quên không lên triều. Vương hậu bèn tháo các đồ trang sức trên đầu, mặc y phục của tội nhân và quỳ ở ngoài, để Phó mẫu đi nói với Tuyên Vương rằng: “Dâm tâm của thiếp khiến quân vương thất lễ, quân vương háo sắc mà quên đức là khởi đầu của loạn. Loạn này do thiếp mà ra, xin vương giáng tội thiếp”.

Chu Tuyên Vương giật mình nói: “Là quả nhân vô đức, đây là lỗi lầm của trẫm, không phải lỗi của khanh”.

Từ đó, Chu Tuyên Vương chuyên cần chính sự, tạo phúc cho bách tính, khiến quốc gia hưng thịnh. Sử sách gọi ông là vị quân vương trung hưng nhà Tây Chu.

Khương Hậu uy nghi có đức hạnh, giữ lễ nhận lỗi, khiến Tuyên Vương hối lỗi tỉnh ngộ. Có câu rằng: Quân vương có hiền phi thì quốc gia hưng thịnh, hậu cung yên định. Nhà có hiền thê thì chồng nhân con hiếu, gia đình hạnh phúc. Quan có người hầu hiền thì không quên bổn phận, không mất đạo nghĩa. Người có bạn tốt thì tăng trí tuệ, giảm đi đường vòng.

Từ chối đi cùng xe vua, lấy lễ thờ vua

Ban Tiệp dư một phi tần thời Tây Hán. Bà xinh đẹp, hiền đức, hiểu lễ nghi, được Hán Thành Đế rất sủng ái. Một lần, Thành Đế ngồi xe rồng, mời Ban Tiệp dư cùng lên xe du ngoạn. Ban Tiệp dư khuyên Thành Đế rằng: “Các bậc quân vương Thánh hiền trong lịch sử đều có danh thần ở bên, nếu thần thiếp ngồi cùng xe với bệ hạ đi du ngoạn, như thế có phải giống với hành vi của 3 vị quân vương mất nước của 3 triều Hạ, Thương, Chu đó sao. Thần thiếp không thể làm cái việc trái lễ cuồng vọng, háo sắc quên đức này, nên lấy điều này để răn mình”.

Hán Thành Đế thấy Ban Tiệp dư nói có đạo lý bèn rời đi. Hoàng Thái hậu khen ngợi Ban Tiệp dư rằng: “Xưa có Phàn Cơ, nay có Ban Tiệp dư”. Hoàng Thái hậu ví Ban Tiệp dư với Phàn Cơ, vị Vương hậu can gián Sở Trang Vương từ bỏ sở thích săn bắn, khiến Sở Trang Vương trở thành một trong Xuân Thu Ngũ Bá.

Tuy nhiên số phận Hán Thành Đế thì không được như Sở Trang Vương. Hán Thành Đế không theo chính đạo, say mê chị em Triệu Phi Yến, cuối cùng vì thế mà giết con mình, không có người kế thừa ngôi vị.

Ban Tiệp dư tu thân thanh khiết, dùng lễ nghi tiết chế ham dục, hành xử giữ lễ, mà Hán Thành Đế phóng túng dục vọng nên đã hủy hoại bản thân.

Ngàn vàng và tước vị không có được một cái nhìn của mỹ nhân

Thời kỳ Xuân Thu, nước Trịnh có một vị thiếp tống giá là Trịnh Mậu theo phu nhân gả đến nước Sở. Một ngày nọ, Sở Thành Vương lên đài cao ngắm nhìn hậu cung, các phi tần, cung nữ hậu cung đều tranh nhau ngửa mặt ngóng trông Sở Thành Vương, hy vọng được ông để ý đến. Duy chỉ có Trịnh Mậu là không nhìn Sở Thành Vương, vẫn thong thả tiến bước.

Sở Thành Vương thấy Trịnh Mậu khác với mọi người, cảm thất vô cùng ngạc nhiên, lớn tiếng gọi: “Mỹ nhân đang đi bộ kia ơi, xin nàng hãy nhìn ta một cái”.

Trịnh Mậu không ngẩng đầu. Thành Vương nói: “Mỹ nhân, nàng nhìn ta một cái, ta sẽ phong nàng làm phu nhân”.

Trịnh Mậu vẫn không ngẩng đầu nhìn vua. Thành Vương lại nói: “Mỹ nhân, nếu nàng nhìn ta một cái, ta sẽ ban cho nàng 1000 lượng vàng và phong quan tước cho phụ thân và huynh đệ của nàng”.

Trịnh Mậu vẫn thong dong bước đi trên đường, vẫn không ngẩng đầu nhìn Thành Vương.

Thành Vương cảm thấy vị mỹ nhân này hoàn toàn khác biệt với mọi người, thế là tự mình xuống lầu hỏi nàng: “Phu nhân là ngôi vị cao trong hậu cung, phong tước có thể được quan lộc cao. Chỉ cần nàng nhìn ta một cái, thì nàng có thể có được tất cả những cái đó, tại sao nàng lại không làm?”

Trịnh Mậu trả lời rằng:

“Thần thiếp nghe nói, phụ nữ cần phải có dáng vẻ đoan chính thuận hòa. Hôm nay, đại vương đứng trên đài cao, thần thiếp nhìn thì trái với lễ nghi. Thần thiếp không ngẩng đầu nhìn, đại vương lấy ngôi vị cao phu nhân, quan tước, hậu lộc ra để dụ dỗ thần thiếp. Nếu vì ngôi vị cao và quan tước, thần thiếp nhìn đại vương, đó là tham phú quý lợi ích, mà quên đi đạo lý làm người. Thần thiếp quên lễ nghĩa làm người thì sau này lấy gì để hầu đại vương?”

Trịnh Mậu không màng danh lợi, trái lại, lại được Sở Thành Vương ban thưởng, lập tức phong làm phu nhân.

Dựa theo “Hành xử giữ lễ, thanh khiết chốn nhân gian”
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Lý Ngọc Thanh

Xem thêm:

Mời xem video: