Trong sách “Tăng Quảng Hiền Văn” viết: “Cận thuỷ lâu đài tiên đắc nguyệt, hương dương hoa mộc tảo phùng xuân”, nghĩa là lâu đài ở gần nơi sông nước thì sẽ thấy ánh trăng trong nước trước nhất, hoa cỏ hướng về phía ánh sáng mặt trời sẽ đâm chồi như gặp được mùa xuân sớm nhất. Về nguồn gốc của hai câu thơ này có một điển cố liên quan đến việc kín đáo xin được tiến cử mà không làm mất phẩm hạnh của bản thân.

Trí tuệ cổ nhân: Dùng thơ xin tiến cử, không làm mất phẩm giá
(Tranh minh họa: Council Auction House, Public Domain)

Thời Bắc Tống, Phạm Trọng Yêm không chỉ tài hoa mà còn là một người chính trực, rất giỏi tiến cử và sử dụng hiền tài. Ông nhiều lần đảm nhiệm các chức vị quan trọng của triều đình, cũng từng trấn thủ qua nhiều địa phương. Trong khoảng thời gian Phạm Trọng Yêm trấn giữ Hàng Châu, ông luôn lưu tâm đến quan viên cấp dưới, nhìn thấy người có năng lực thì liền ra sức tiến cử lên triều đình. Nhờ vậy mà không ít người đã được đề bạt hoặc thăng chức đúng với tài năng. Do đó quan lại ai nấy đều rất tôn kính Phạm Trọng Yêm.

Lúc ấy có một viên quan nhỏ đảm nhiệm chức tuần kiểm tên là Tô Lân, làm việc tại một huyện cách Hàng Châu rất xa. Bởi vì đường sá xa xôi, rất ít có cơ hội gặp được Phạm Trọng Yêm, cho nên Tô Lân chưa được coi trọng. Một lần, Tô Lân vì có công việc phải đến thành Hàng Châu gặp Phạm Trọng Yêm. Ông đã làm một bài thơ, trong thơ có hai câu: “Cận thuỷ lâu đài tiên đắc nguyệt. Hướng dương hoa mộc tảo phùng xuân”.

Tô Lân dùng hai câu thơ này biểu đạt ý rằng bởi vì ở xa cho nên đến nay vẫn chưa được Phạm Trọng Yêm để ý đến. Phạm Trọng Yêm là người học vấn sâu rộng cho nên vừa xem qua thì lập tức hiểu được hàm nghĩa. Thế là Phạm Trọng Yêm bắt đầu để tâm quan sát Tô Lân. Về sau, Phạm Trọng Yêm phát hiện Tô Lân quả nhiên là người có tài năng, liền tiến cử Tô Lân. Tô Lân cuối cùng đã có được một chức vị xứng đáng và thích hợp.

Về sau, hai câu thơ của Tô Lân được lưu truyền như một cổ huấn, đồng thời cũng thể hiện ra phẩm cách nho nhã của trí thức xưa dùng thơ để biểu đạt ý muốn được tiến cử.

Từ câu chuyện này có thể thấy sự thành công của một người đến từ đức hạnh và tài năng của bản thân người ấy, nhưng hoàn cảnh cũng có ảnh hưởng nhất định. Con người trong xã hội ở vào những hoàn cảnh, vị trí khác nhau thì cơ hội gặp gỡ được người này người khác cũng là khác nhau. Đối với người ở vào vị trí tốt thì sẽ càng dễ có được cơ hội tốt.

Tuy nhiên, nếu như không thể có cơ hội gặp được hoàn cảnh tốt để thể hiện tài trí của bản thân mình thì cũng không nên thất ý. Trong “Tăng Quảng Hiền Văn” còn có câu rằng: “Náo lí hữu tiền, tĩnh xứ an thân”, ý nói nơi chốn phồn hoa náo nhiệt thì có thể khiến con người kiếm được tiền tài, còn ở nơi xa xôi u tĩnh thì khiến người ta được an thân. Chốn phồn hoa đô thị thích hợp cho những người trẻ tuổi mưu sinh kiếm sống, thích hợp cho sự phát triển. Bởi vì nơi càng đông người sinh sống thì càng dễ làm việc tích lũy tài phú. Còn khi đến lúc lá rụng về cội, người ta thường sẽ chọn những nơi thích hợp với cuộc sống chậm của tuổi già. Cuộc sống lúc này cần sự trầm tĩnh mới có thể thưởng thức được hương vị cuộc đời.

Náo lí hữu tiền, tĩnh xứ an thân”, sâu rộng hơn còn chứa đựng triết lý nhân sinh sâu sắc. Người ta không thể luôn ở mãi nơi đầu sóng ngọn gió, nơi náo nhiệt phồn hoa, một ngày nào đó thời đại huy hoàng qua đi, người ta rất có thể sẽ phải đối mặt với kết cục lẻ loi tịch mịch. Có người vui vẻ tiếp nhận cuộc sống thất thế đó, đem những điều hay lưu lại cho người sau, nhưng cũng có người không chịu đối diện với hiện thực, cứ khổ sở giày vò, kết quả vẫn không có cách nào xoay chuyển được.

Thịnh suy vốn là quy luật hết sức tự nhiên, điều không tự nhiên là tâm thái của con người. Nếu trong chốn phồn hoa mà có thể giữ được tâm bình thường, vậy thì sau khi phồn hoa qua đi, người ta vẫn có thể hưởng thụ cuộc sống. Nếu một người quá chấp nhất thì sau khi phồn hoa qua đi, họ chỉ có thể đối mặt với sự cô tịch và thất ý. Nếu một người có tâm cảnh “Náo lí hữu tiền, tĩnh xứ an thân” thì bất luận hoàn cảnh thay đổi như thế nào, họ vẫn có thể tìm được điều thú vị trong sinh mệnh.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: