Trên đời này, báo ứng là có sớm có muộn, có sự sai biệt về thời gian, nhưng xưa nay chưa từng có chuyện làm việc xấu việc ác mà không bị ác báo. Bởi vậy người xưa thường dạy: “Không được có tâm hại người”, bởi vì thiện ác có báo là Thiên lý, hại người cũng bằng như hại bản thân mình. 

Trí tuệ cổ nhân: Hại người bằng như hại mình
(Ảnh minh họa: Tooykrub, Shutterstock)

 Thời Võ Tắc Thiên khuynh quyền, có một “ác quan” tên là Chu Hưng thành danh nhờ ngụy tạo án oan “mưu phản”. Khi ông đương chức đã dùng cách bức cung nhục hình vô cùng tàn khốc, gây ra vô số án oan, hàng ngàn người bị ông ta hãm hại.

Sau này Chu Hưng cũng lại bị kẻ khác tố cáo là “tạo phản”. Khi Chu Hưng bị bắt vào nhà ngục, người xét xử ông ta là một ác quan khác, tên là Tuấn Thần.

Trước đây trong một dịp Tuấn Thần ngồi ăn cùng Chu Hưng có xin thỉnh giáo Chu Hưng về phương pháp ép phạm nhân nhận tội. Chu Hưng hãnh diện nói: “Việc này không khó, chỉ cần bỏ phạm nhân vào cái chum to rồi châm lửa đốt xung quanh thì lo gì hắn không nhận tội!”

Sau này khi Tuấn Thần xét xử Chu Hưng đã nói: “Đệ phụng theo mật chỉ, nói có người tố cáo huynh mưu phản, mời huynh vào chum đi!”

Chu Hưng vừa nghe bốn chữ “mời huynh vào chum” thì hồn bay phách lạc, toàn thân mềm nhũn, liên tục dập đầu nhận tội. Câu chuyện này là một trong những chuyện “gậy ông đập lưng ông”, “ác giả ác báo” nổi tiếng trong sử sách.

Khổng Tử giảng: “Những việc mà bản thân mình không muốn thì đừng làm cho người khác”. Đối xử tốt với người khác, giữ gìn phẩm hạnh đạo đức của bản thân mới là phương pháp hữu hiệu nhất để bảo hộ chính mình. Đạo lý làm người chính là như vậy, hại người khác cuối cùng cũng là hại mình. Thông thường trước khi nảy sinh ý nghĩ làm hại người khác, người ta thường bị tâm đố kỵ, tức giận dẫn động đến mức khó chịu. Khi một người bôi nhọ, gièm pha, làm tổn thương người khác thì tức là đã tự đẩy mình vào vòng xoáy của sự đố kỵ, thù hằn oán hận.

Hơn nữa lưới trời lồng lộng, tuy thưa khó lọt, mắt Thần như điện, không gì không thấy. Cổ nhân nói: “Nếu muốn người không biết, trừ khi chính mình đừng làm”. Con người sống nơi thế gian đừng nghĩ rằng làm việc xấu không ai biết là có thể đủ để lừa gạt Trời cao. Cần phải biết rằng Thiên lý sáng tỏ, báo ứng chỉ là sớm hay muộn, nhỏ thì thất đức chiêu họa, lớn thì phúc lộc thọ mệnh không còn. Cho nên mỗi một lời nói một việc làm cuối cùng đều là do chính mình chịu trách nhiệm, đừng vì chút lợi ích trước mắt mà hại người, hủy bỏ con đường tương lai của chính bản thân mình.

Nếu muốn có một cuộc sống hạnh phúc, khoái hoạt thực sự, người ta phải giữ cho mình một tâm linh thanh tịnh và thuần khiết. Nếu muốn bản thân không bị tổn hại thì trước hết đừng làm tổn hại đến người. 

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: