Dân gian có câu tục ngữ rằng: “Đàn ông sợ chọn nhầm nghề, phụ nữ sợ gả nhầm chồng”. Đàn ông hễ chọn nhầm nghề thì dẫu tài hoa sự nghiệp cũng bị ngăn trở. Phụ nữ hễ lấy nhầm chồng thì dẫu đức hạnh cũng coi như lỡ dở cả một đời. Bởi thế các bậc cha mẹ thời xưa rất coi trọng chuyện hôn nhân. Trong lịch sử cũng có ghi lại vài “câu chuyện kinh điển” về việc kén rể.

Trí tuệ cổ nhân: Kén rể trọng đức
(Tranh: Họa sĩ Tiền Tuyển thời Tống-Nguyên, Metropolitan Museum of Art, Public Domain)

Một câu chuyện kén rể nổi tiếng gọi là “Đông sàng khoái tế”, nghĩa là chàng rể vui vẻ ở giường phía Đông.

Thái úy Si Giám nhà Tấn có một ái nữ tên là Si Tuyền, đến tuổi kén rể. Si Thái Úy nghe nói con em trong nhà tể tướng Vương Đạo rất đông, hơn nữa ai nấy đều tài mạo song toàn, bèn muốn kén rể từ nhà họ Vương.

Được Vương Thừa tướng tán đồng, Si Thái úy cử một môn sinh cầm thư tới nhà Vương Tể tướng tìm hiểu. Vương Tể tướng nói: “Người nhà tôi rất đông, đều đang đợi ở bên kia, ông mau qua mà lựa, chọn ai cũng được.”

Người nhà họ Vương sớm đã nghe tin Si Thái úy sẽ cử người tới kén rể, ai nấy đều ăn mặc trịnh trọng, dốc sức thể hiện phong độ ngời ngời, lễ nghĩa đầy mình, nhằm để lại ấn tượng tốt trước mặt vị môn sinh nhà Si Thái úy.

Vị môn sinh cẩn thận khảo sát người nhà họ Vương một lượt, rồi về phủ bẩm báo với Thái úy rằng: “Người nhà họ Vương ai nấy đều có tài, có tướng mạo, rất đáng nể. Họ nghe nói phủ họ Si kén rể, đều thi nhau thể hiện tài năng. Chỉ có một vị công tử họ Vương nằm ngửa phơi bụng trên giường phía Đông, như thể không có chuyện gì xảy ra.”

Si Thái úy nghe vậy bèn cười lớn: “Đây mới là con rể quý mà ta muốn tìm!” Si Thái úy âm thầm đi nghe ngóng về vị công tử họ Vương này, quả nhiên anh ta tính tình cương trực, tài mạo song toàn, nên Thái úy rất yên tâm hứa hôn cho ái nữ của mình.

“Chàng rể vui vẻ ở giường phía Đông” (Đông sàng khoái tế) này chính là Vương Hi Chi danh tiếng lẫy lừng sau này. Vương Hi Chi và phu nhân Si Tuyền tâm đầu ý hợp, hai người đều yêu thích thư pháp. Ông được người đời sau gọi là “Thư Thánh”, là danh nhân thư pháp nổi tiếng Trung Hoa, còn phu nhân Si Tuyền cũng có biệt danh là “Nữ trung bút tiên”, đúng là duyên cầm sắt với “Thư Thánh”. Bảy người con trai và một người con gái của Vương Hi Chi cũng đều do phu nhân Si Tuyền sinh ra.

Trong cuốn Tân Cựu Đường Thư cũng ghi lại một câu chuyện kén rể trọng đức như vậy.

Vào năm Cảnh Vân thời vua Đường Duệ Tông, Vi Sân làm quan Thứ sử tại Nhuận Châu. Ông có một ái nữ tài mạo song toàn, muốn tìm cho con gái mình một chàng rể vừa ý, nhưng mãi vẫn không gặp được người như vậy.

Một hôm Vi Sân lên lầu đưa mắt nhìn ra xa, đột nhiên phát hiện một người đang chôn thứ gì đó phía sau hoa viên nhà mình. Ông bèn vội vàng hỏi các quan viên khác, thì được biết đó là Bùi Khoan, quan tham mưu việc quân, tư duy sắc bén, nhanh nhạy, đa tài đa nghệ.

Vi Sân cho người gọi Bùi Khoan tới, yêu cầu anh ta giải thích việc mình đã làm.

Bùi Khoan không hề sợ hãi đáp rằng: “Tôi xưa nay không hề tiếp nhận những lễ vật không minh bạch, làm ô uế thanh danh của mình. Vừa rồi có người mang tới cho tôi 2 miếng thịt hươu, để đó rồi đi mất, tôi đuổi không kịp. Chẳng có cách nào khác, tôi không thể tự lừa gạt bản thân, đành phải chôn thịt hươu đi.”

Vi Sân cảm thấy vô cùng kinh ngạc bởi đức hạnh giữ mình trong sạch của Bùi Khoan, hết lời khen ngợi, cảm khái mãi không thôi. Vài ngày sau, Vi Sân đề bạt Bùi Khoan làm quan Án sát, lại hứa gả con gái cho ông.

Vi Sân hồ hởi kể với phu nhân chuyện Bùi Khoan, rồi nói: “Quả đúng là đi mòn giày sắt tìm không thấy, đắc được lại chẳng hề tốn hơi sức nào.” Phu nhân ông nghe xong, cũng cảm thấy yên lòng vì ái nữ đã tìm được một người đạo đức cao thượng.

Ngày làm lễ đính ước, Vi Sân mời họ hàng thân thích tới giới thiệu. Mọi người ai nấy đều cho rằng chàng rể quý mà Vi Sân cất công tìm kiếm chắc chắn phải có tướng mạo ngời ngời, khí phách bất phàm. Nhưng khi nhìn thấy Bùi Khoan, ai nấy đều ngẩn người. Hóa ra Bùi Khoan vừa cao vừa gầy, tướng mạo không mấy khả ái, bấy giờ đang mặc một chiếc áo màu xanh lá cây. Bởi thế, có người giễu cợt đặt cho Bùi Khoan biệt danh là “Bích khổng tước”, nghĩa là trông Bùi Khoan như con chim công đực, chỉ có bộ lông sặc sỡ, tức chiếc áo xanh là đáng xem mà thôi.

Vi Sân nghe thấy lời chế giễu đó thì không động tâm, cũng không xấu hổ. Sau này ông lại cử hành hôn sự cho hai con.

Bùi Khoan không phụ sự kỳ vọng của Vi Sân, một đời làm quan, thanh liêm trọn kiếp. Sử sách ghi lại về ông như sau: “Cai quản bằng sự liêm chính cần kiệm, những người kề cận đều yêu mến ông.”

Các bậc hiền nhân khi kén rể, gửi gắm ái nữ ngàn vàng, đều đề cao phẩm hạnh đạo đức, tu dưỡng trí tuệ của chàng rể tương lai hơn là tướng mạo bên ngoài. Những người đàn ông như vậy cũng vì có đức hạnh nên tự nhiên tìm được người phối ngẫu tâm đầu ý hợp.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: