Người xưa dạy, “Lấy nghiêm khắc để kiềm chế bản thân, lấy khoan dung để đối đãi người khác”. Từ xưa đến nay, bậc chính nhân quân tử có tu dưỡng đạo đức, hành vi tư tưởng của họ như thanh thiên bạch nhật, quang minh lỗi lạc, không có hành vi ám muội nào cần phải giấu, còn tài hoa và năng lực của họ như châu ngọc, nhưng lại ôn nhuận nội liễm, không dễ dàng hiển lộ ra ngoài làm loá mắt người khác. Những người như vậy khi mới tiếp xúc thì tưởng như tầm thường, nhưng sự khiêm tốn của họ sẽ để lại trong lòng người khác một nhân cách thật vĩ đại và cao quý.

Trí tuệ cổ nhân: Khiêm tốn khoan dung tạo nên nhân cách cao quý
(Ảnh minh họa: Aphotostory, Shutterstock)

Trong “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” có ghi chép một câu chuyện về Hứa Dung. Anh là một người giỏi văn chương nức tiếng vùng Chiết Giang, sống vào những năm Hoằng Trị triều Thanh. Hứa Dung thường ngày vô cùng khiêm tốn, chưa bao giờ đem tài năng của mình ra so sánh với người khác, càng không dám ví mình với các bậc Thánh hiền thời cổ.

Bấy giờ trong một kỳ thi ở trường, một người bạn của Hứa Dung đã lấy trộm bài văn của anh và giành được giải nhất. Người bạn này vênh vênh đắc ý, gặp ai cũng khoe khoang, thậm chí còn ở trước mặt Hứa Dung mà tự khoe mình.

Nhiều bạn bè cảm thấy bất bình thay cho Hứa Dung, nhưng Hứa Dung lại ra sức khuyên can mọi người: “Văn chương tao ngộ có quan hệ đến vận mệnh của một người. Vận mệnh của cậu ấy là đỗ đầu thì có quan hệ gì tới năng lực viết văn đâu? Huống hồ rằng bài văn ấy xác thực không phải do tôi viết, mọi người đừng hiểu lầm”.

Người bạn đạo văn kia nghe được thì cởi mình trần đến trước mặt Hứa Dung nhận lỗi, lại xin thêm bản thảo bài văn. Hứa Dung đã đưa bản thảo tốt nhất của mình cho người bạn này.

Sau này khi có kỳ thi, người bạn kia lại nhờ bài văn của Hứa Dung mà nghiễm nhiên đỗ tiến sĩ, còn Hứa Dung thì trượt mất. Người bạn này không những không cảm tạ Hứa Dung, mà ngược lại sau khi nhậm chức huyện lệnh thì còn tỏ ra không quen biết khi gặp Hứa Dung. Tuy nhiên Hứa Dung cũng không so đo tính toán gì.

Sau này Hứa Dung thi đỗ tiến sĩ, được đích thân Hoàng đế ban cho chức tuần phủ Sơn Đông, và là quan thượng cấp trực tiếp của người bạn kia. Người bạn ấy không còn mặt mũi nào đến gặp Hứa Dung, bèn viết thư cáo ốm. Hứa Dung nhân hậu lại an ủi bạn, vẫn đối đãi với anh ta như trước.

Đức tính khiêm nhường không chỉ thành tựu sự nghiệp của biết bao người, mà trên con đường công danh sự nghiệp ấy, nhân cách của họ càng vĩ đại và cao quý hơn. Con người càng khiêm tốn bao nhiêu sẽ càng cao quý bấy nhiêu. Đây chính là “Khiêm nhường một phân, tôn quý vạn phần”.

Dựa theo “Câu chuyện lịch sử: Hứa Dung khiêm tốn, nhân hậu”
Đăng trên Chanhkien.org
Ninh Sơn biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: