Mỗi người sống trong xã hội đều có vị trí của riêng mình. Có người thuộc dòng xã hội chủ lưu có địa vị xã hội cao. Có người lại thuộc dòng xã hội hạng trung, là những người thông thường. Có người thuộc dòng xã hội tầng thấp, đối với họ thậm chí miếng cơm manh áo cũng là vấn đề lớn. Lại có một số người có tài năng, có thành tựu nổi bật hơn người. Tuy vậy đây chỉ là một kiểu sắp xếp mà thôi, cổ ngữ nói: “Thiên ngoại hữu thiên, nhân ngoại hữu nhân”, không nên lấy cái sở trường của mình để so sánh với khuyết điểm của người khác. Những người thực sự có tu dưỡng đều sống khiêm tốn, không tùy tiện hiển lộ tài năng. Một trong những điều đại kỵ nhất trong đạo làm người của cổ nhân là tự cho mình cao quý mà xem thường người khác.

Trí tuệ cổ nhân: Không nên xem thường người khác
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Quân sư tài ba nhà Thục Hán tời Tam Quốc, Gia Cát Lượng, từng nói: “Vật dĩ thân quý nhi tiện nhân”, tức là đừng lấy thân phận cao quý mà khinh miệt người khác. Cuộc đời con người có vô hạn khả năng có thể xảy ra, nhưng người mỉm cười cuối cùng thì thường là người có trí tuệ và khí chất khiêm tốn, độ lượng. Khi tiếp xúc với kiểu người ấy, chúng ta sẽ cảm thấy không khó xử, không khí trước sau đều là ôn hòa, tôn trọng. Đây chính là khí chất của người ấy, là một loại tính  cách hấp dẫn hiếm có đòi hỏi phải trải qua tu dưỡng mới kết tinh thành.

Câu chuyện Kỷ Hiểu Lam và vị phương trượng

Đại học sĩ thời nhà Thanh, Kỷ Hiểu Lam, từng có lần đi đến núi Ngũ Đài du ngoạn. Khi Kỷ Hiểu Lam vào trong chùa, phương trượng nhìn ông một lượt, thấy dáng vẻ của ông rất bình thường, bèn nói: “Ngồi”. Sau đó, vị phương trượng lại kêu một tiếng: “Trà”, ẩn ý là lấy nước trà bình thường để tiếp đón.

Sau khi biết tin khách nhân là đến từ kinh thành, vị phương trượng bèn cung kính đứng dậy, lập tức dẫn Kỷ Hiểu Lam vào phòng trong, cung kính nói: “Mời ngồi!”, “Kính trà!”

Sau một hồi trò chuyện, khi biết rằng người đến chùa là lễ bộ thượng thư Kỷ Hiểu Lam, sắc mặt của phương trượng có chút thay đổi, khiêm tốn dẫn Kỷ Hiểu Lam vào trong thiền phòng, cười ngại ngùng và nói: “Mời thượng tọa!”, “Kính hương trà!”

Lúc Kỷ Hiểu Lam gần rời đi, vị phương trượng cầm giấy bút, nhất định muốn mời Kỷ Hiểu Lam lưu lại thư pháp, để làm rạng danh thiền viện.

Kỷ Hiểu Lam múa bút để lại một câu đối: “Tọa, thỉnh tọa, thỉnh thượng tọa; Trà, kính trà, kính hảo trà”. Vị phương trượng nhất thời cảm thấy xấu hổ vô cùng.

Một người sáng suốt sẽ luôn hiểu rằng phải tôn trọng bất kỳ một ai. Họ lại càng hiểu rằng, cung kính với người khác cũng là trang nghiêm với chính mình, tôn trọng người khác cũng là tôn trọng chính mình.

“Một núi, một sông, một thánh nhân”

Trong năm Càn Long thời nhà Thanh, ở Đông Bình, Sơn Đông có một vị tiến sĩ tên là Lưu Công Quán. Ông từng có thời gian nhậm chức ở phía nam. Tục ngữ có câu: “Tú tài phương nam, tướng quân phương bắc, Tây An đất chôn Hoàng đế”. Câu này nói đến ba chuyện: Tây An có nhiều lăng mộ Hoàng đế. Người phương bắc thân hình cao lớn, có nhiều người làm tướng dẫn binh đánh giặc. Thời Minh Thanh, vùng đất Giang Nam quang cảnh xinh đẹp, kinh tế phát triển, vượt xa phương bắc, đồng thời văn hóa cũng cường thịnh, người đọc sách đỗ đạt trong các kỳ thi cũng rất nhiều. Vì thế, các nhân sĩ ở phương nam thường có cảm giác tự cho mình hơn hẳn phương bắc, thậm chí cười nhạo người phương bắc.

Lúc Lưu Công Quán vừa xuống Giang Nam nhậm chức. Nhân sĩ ở Giang Nam cùng nhau dán lên cổng quan nha nơi Lưu Công Quán ở một vế của câu đối: “Giang Nam thiên sơn thiên thủy thiên tài tử” (Tạm dịch: Giang Nam, ngàn núi, ngàn sông, ngàn tài tử).

Lưu Công Quán sau khi xem xong, điềm tĩnh viết tiếp một vế dưới: “Sơn Đông nhất sơn nhất thủy nhất thánh nhân” (Tạm dịch: Sơn Đông, một núi, một sông, một thánh nhân).

Nhân sĩ ở Giang Nam sau khi đọc được vế đối của Lưu Công Quán nhất thời cảm thấy như có luồng điện chạy qua người, xấu hổ không nói thêm được lời nào. “Nhất sơn” ở đây là chỉ núi Thái Sơn. “Nhất thủy” là chỉ sông Hoàng Hà. “Nhất thánh nhân” là chỉ Khổng Tử. Những điều này ở Giang Nam không thể so sánh được.

Điều đáng quý của một người không phải ở chỗ thân phận của họ cao bao nhiêu mà là ở chỗ đối xử với bất kỳ ai cũng khiêm tốn, nhã nhặn. Có một số người vô cùng coi trọng thân phận, họ tận dụng mọi cơ hội để thể hiện thân phận và địa vị của mình, luôn cho mình là hơn người, luôn xem thường người khác. Nhưng kỳ thực chính những điều đó lại phản ánh ra sự tự ti trong nội tâm của người ấy.

3 loại thái độ khi kết giao: Nhìn xuống, nhìn lên và nhìn thẳng

Theo sử gia Plutarch, sau khi Alexander Đại Đế đánh chiếm Hy Lạp, ông đã tới Corinth. Những người đứng đầu thành phố và các triết gia đã kéo nhau tới yết kiến Alexander, duy chỉ có Diogenes là vắng mặt. Alexander bèn đích thân đi tìm triết gia Diogenes, và thấy ông này đang nằm dài sưởi nắng dưới sân. Dù biết Alexander Đại Đế đến, vị triết gia vẫn không mở mắt nhìn.

Khi ấy Alexander Đại Đế với quyền thế hiển hách đã hỏi: “Hỡi nhà hiền triết, ngươi có muốn ta làm gì giúp ngươi không?” Triết gia Diogenes đã trả lời: “Ngài hãy đứng tránh sang một bên để khỏi che lấp ánh mặt trời của tôi”.

Sau khi Alexander Đại Đế ngẩn người một lát thì vô cùng khâm phục, cuối cùng ông nói: “Nếu ta không phải là Alexander thì ta nhất định làm Diogenes”.

Trong kết giao nhân tế có ba loại thái độ, chính là nhìn xuống, nhìn lên và nhìn thẳng. Người luôn nhìn xuống là người cuồng vọng, ăn trên ngồi trước, xem thường người khác. Người luôn nhìn lên lại là người yếu nhược, ngưỡng mộ người khác, sợ hãi người trên và coi thường chính mình. Người nhìn thẳng là người không kiêu ngạo, không siểm nịnh, vừa tôn trọng đối phương, vừa tôn trọng bản thân mình. Khi đối mặt với người mạnh hơn mình thì không a dua siểm nịnh, khi đối mặt với người yếu hơn mình thì không ức hiếp xem thường người khác mà đối xử bình hòa. Đó mới là phẩm chất đáng quý mà một người cần hướng đến.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: