Đạo Đức Kinh bàn rằng: “Người không tự cho là mình đúng thì mới có thể phán đoán được sự tình một cách rõ ràng, người không khoe khoang thì công lao mới có thể được thừa nhận, người không kiêu ngạo mới có thể thành tựu đại sự”. Các bậc thành hiền, người có đạo đức cao thượng thời xưa đều thấu hiểu đạo lý ấy nên không cảm thấy xấu hổ khi học hỏi, ngay cả khi kiến thức tới từ người có địa vị thấp kém hơn mình.

Trí tuệ cổ nhân: Không xấu hổ khi học hỏi người dưới mình
(Ảnh minh họa: Gyn9037, Shutterstock)

Người xưa nói: “Bất sỉ hạ vấn”, nghĩa là không xấu hổ khi hỏi người dưới. Đây là câu thành ngữ có xuất xứ trong sách “Luận Ngữ. Công dã tràng”.

Nước Vệ thời Xuân Thư có quan đại phu là Khổng Văn Tử, tên thật là Khổng Ngữ. Ông là một người rất thông minh lại hiếu học, hơn nữa vô cùng khiêm tốn. Sau khi Khổng Ngữ chết, quốc vương nước Vệ đã đặc biệt ban cho ông danh hiệu là “Văn Công” (Văn là thụy hiệu). Người đời sau gọi ông là Khổng Văn Tử.

Luận Ngữ chép rằng, Tử Cống hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy, Khổng Văn Tử vì sao lại được xưng hiệu là Văn?”.

Khổng Tử đã đáp rằng: “Mẫn nhi hảo học, bất sỉ hạ vấn, thị dĩ vị chi văn dã”, nghĩa là Khổng Ngữ chăm chỉ hiếu học, không ngại hỏi người dưới, cho nên mới được xưng hiệu là Văn.

Cũng từ đó, “Bất sỉ hạ vấn” trở thành câu thành ngữ để chỉ việc một người cầu tiến, ham học hỏi, không cảm thấy xấu hổ khi hỏi một người có địa vị thấp kém hơn mình.

Trong cuộc sống, không phải ai cũng có thể vui vẻ nguyện ý học hỏi từ người có địa vị thấp kém hơn mình. Chỉ những người ham học hỏi, có tâm khiêm tốn, cung kính, mới có thể sẵn lòng tiếp thu lời chỉ dạy từ người khác.

Những năm đầu nhà Chu, con trai của Chu Công Đán là Bá Cầm, em trai của Chu Công Đán là Khang Thúc. Bá Cầm cùng Khang Thúc đến gặp Chu Công Đán ba lần, cả ba lần đều bị Chu Công đuổi đi.

Bá Cầm không hiểu rõ vì sao nên đã cùng Khang Thúc đến hỏi một người nổi tiếng hiền tài bấy giờ là Thương Tử. Thương Tử nói: “Phía Nam núi Nam Sơn có một loài cây tên là Kiều, hai người hãy đến đó xem cây đi.”

Hai người bèn đến xem thì thấy cây Kiều cao vút lên trên. Họ trở về thưa với Thương Tử, Thương Tử nói: “Cây Kiều là đạo của người cha. Phía Bắc núi Nam Sơn có loài cây tên là Tử, hai người hãy đến đấy xem cây đi”.

Hai người lại đến xem thì thấy cây Tử thấp mà rủ xuống. Họ trở về thưa với Thương Tử, Thương Tử nói: “Cây Tử là đạo làm con.”

Bá Cầm hiểu ý của Thương Tử. Sau đó khi đến gặp cha, Bá Cầm liền quỳ gối. Chu Công Đán thấy vậy thì khen ngợi rằng Bá Cầm đã được quý nhân dạy dỗ. Khiêm tốn là điều Chu Công Đán đã thực hành cả một đời, và ông mong muốn con mình cũng học được điều ấy.

Trong gia huấn dành cho con là “Giới Bá Cầm thư”, Chu Công Đán đã răn dạy trước khi Bá Cầm đi nhận nước phong rằng:

Hãy đi đi, con chớ kiêu ngạo vì đứng đầu nước Lỗ. Ta là con trai của Văn Vương, em của Võ Vương, chú của Thành Vương, lại là tướng đứng đầu thiên hạ, ta cũng không dám coi thường người thiên hạ, mà một lần gội đầu phải dừng lại nhiều lần, nắm mớ tóc ra tiếp khách, một bữa cơm phải dừng lại nhiều lần, chỉ sợ trễ nải mà mất đi nhân tài. Ta nghe nói người đức hạnh khoan dung lại giữ mình cung kính thì được vinh quang. Người có đất đai rộng lớn lại giữ mình cần kiệm thì bình an. Người tước cao lộc hậu mà giữ mình khiêm hạ thì phú quý. Người có dân nhiều quân mạnh mà giữ mình kính sợ thì chiến thắng. Người thông minh trí tuệ mà giữ mình ngu ngốc thì sáng suốt. Người biết nhiều nhớ giỏi mà giữ mình nông cạn thì trí tuệ. Sáu loại người này đều là mỹ đức khiêm tốn cẩn thận. Cho dù là thiên tử tôn quý, giàu có tất cả trong bốn biển cũng là do đức mà ra. Người không khiêm hạ mà mất cả thiên hạ, bản thân mất mạng chính là Kiệt Trụ đó. Có thể không thận trọng sao.

Thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng là vị tể tướng tài đức. Ông cho dựng đài chiêu hiền ở phía nam thành đô để nghênh đón danh sĩ bốn phương. Khi xử lý công việc triều chính, Gia Cát Lượng tiếp thu ý kiến của mọi người, cho dù là ý kiến đồng thuận hay bất đồng, Gia Cát Lượng đều sẵn lòng lắng nghe và tiếp thu.

Gia Cát Lượng từng nhiều lần khích lệ người dưới góp ý, yêu cầu mọi người không ngại đưa ra ý kiến của bản thân và chỉ ra những thiếu sót của ông. Trong “Tự miễn”, Gia Cát Lượng viết rằng: “Kiêu giả chiêu hủy, vọng giả nhẫm họa”, kiêu ngạo sẽ dẫn đến phá hủy, ngông cuồng sẽ gây ra tai họa. Câu nói ngắn gọn nhưng bao hàm đầy đủ ý nghĩa khuyên răn, cảnh tỉnh người đời sau cần phải khiêm tốn, không nên ngông cuồng kiêu ngạo mà rước lấy tai họa.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: