Trong giới thương nghiệp thời Minh Thanh, những vị thương nhân Sơn Tây được cho là các doanh nhân hàng đầu, nổi trội trong suốt 500 năm. Nguyên nhân của sự nổi trội này đến từ tinh thần Nho gia, yêu chuộng tín nghĩa trong giới thương nhân Sơn Tây. Một nhân vật tiêu biểu thời kỳ này có thể kể đến là Kiều Chí Dung.

Trí tuệ cổ nhân: Kinh doanh bằng tín nghĩa
Một cảnh trong bức “Thanh minh thượng hà đồ” thời nhà Thanh, lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia Đài Bắc. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Theo ghi chép, Kiều Chí Dung tự là Trọng Đăng, hiệu là Hiểu Trì, là người huyện Kì, tỉnh Sơn Tây dưới thời nhà Thanh. Ông là đời thứ 4 của nhà họ Kiều, được người đời tôn xưng là “Lượng tài chủ”. Ông đọc sách Thánh hiền, từng thi đỗ tú tài, nhưng vì huynh trưởng đau ốm, ông phải bỏ dở việc học hành, chuyển sang gánh vác việc làm ăn của gia tộc họ Kiều. Có rất nhiều ghi chép về cách làm ăn tín nghĩa của ông.

Chẳng hạn một cửa hiệu lớn của họ Kiều ở Bao Đầu có tên Hạ Thịnh Tây Phố, chủ yếu kinh doanh dầu ăn. Lúc đó có rất nhiều cửa hàng làm giả, bán thiếu cân. Nhưng dẫu về chất lượng hay trọng lượng, nhà họ Kiều đều yêu cầu phải có trách nhiệm.

Một lần nọ, Hạ Thịnh Tây Phố vận chuyển một lô dầu mè, người làm vì muốn mưu lợi nên đã trộn thêm hàng giả. Sau khi trưởng quầy phát hiện ra việc này đã lệnh đổ bỏ dầu mè có trộn hàng giả đi, đổi lại lô dầu mới bán với giá thực. Việc này mặc dù khiến Kiều Gia tổn thất không ít, nhưng rốt cuộc lại dành được tiếng thơm, thu hút được rất nhiều thương nhân tới mua hàng.

Kỳ thực các cửa hiệu của họ Kiều cũng có tình trạng “trộn hàng giả”, nhưng việc “trộn hàng giả” này không phải là kiểu “trộn hàng giả” kia. Cửa hiệu Thông Hòa có tiếng tăm rất tốt tại Bao Đầu. Hàng năm mỗi dịp Tết đến là lúc cửa hàng Thông Hòa bận rộn nhất. Bột mì trắng và gạo của cửa hàng đều là những mặt hàng có đẳng cấp. Vì để người nghèo cũng có thể được ăn thực phẩm ngon, Kiều Gia đã cố ý trộn gạo thượng đẳng lẫn với gạo thường và bán cho người nghèo với giá gạo thường.

Cái gốc tín nghĩa đã giúp sự nghiệp của gia tộc họ Kiều ngày càng phát đạt. Cửa hàng Phục Tự nổi tiếng tại Bao Đầu. Ngoài ra còn có hai quầy giao dịch tiền tệ Đại Đức Thông và Đại Đức Hằng phân bố khắp các cảng thương mại, bến cảng.

Đến thời Mạt Thanh, gia tộc họ Kiều đã có quầy giao dịch khắp nơi tại Trung Quốc, với hơn 200 quầy giao dịch tiền tệ, tiệm cầm đồ và cửa hàng thực phẩm. Tài sản của họ Kiều đã đạt tới mức hàng chục triệu lạng bạc trắng. Mặc dù sau này quầy giao dịch của Kiều Gia suy thoái, con cháu Kiều Trí Dung vẫn kế tục việc coi trọng tín nghĩa của ông.

Đến những năm 30 của thế kỷ 20, Trung Quốc đại chiến, nền kinh tế suy thoái khiến đồng tiền mất giá. Trong tình hình này, quầy Đại Đức Thông nên đối đãi thế nào với những khách hàng muốn rút tiền tiết kiệm đây? Nếu để khách hàng gửi tiền cũ rút ra bằng tiền cũ, thì số tiền tiết kiệm của khách sẽ mất giá, quầy Đại Đức Thông lại có thể nhân cơ hội này vớt được một mẻ lớn. Nhưng quầy Đại Đức Thông đã không làm vậy, mà dùng tiền bạc mình tích lũy được suốt bao năm qua, đổi cho khách hàng theo mệnh giá tiền mới.

Kiều Ánh Hà, ông chủ quầy giao dịch Đại Đức Thông lúc bấy giờ đã nói rằng: Dẫu Đại Đức Thông phá sản, thì cũng sẽ không vì để người của mình có cơm ăn áo mặc, mà đe dọa đến khách hàng.

Đối với người hiện đại mà nói, có một thương nhân chịu “thiệt mình lợi người” như vậy quả thực là điều không tưởng. Các vị thương nhân Sơn Tây mang tinh thần Nho gia, tôn thờ việc “dùng nghĩa ước chế lợi”, coi “tín nghĩa” là nguyên tắc cao nhất như vậy, quả thật vô cùng đáng quý.

Trên hối phiếu của một quầy giao dịch khác nổi tiếng thời đó là Nhật Thăng Xương có viết như sau:

Kham tiếu thế tình bạc,
Thiên đạo tối công bình.
Muội tâm đồ tự tư,
Âm mưu hại tha nhân.
Thiện ác chung hữu báo,
Đáo đầu tất phân minh.

Nghĩa là:

Cười nhân tình thế thái,
Không biết thiên đạo công bằng.
Dẫu dối lòng tham tư lợi,
Hay bụng mưu mô hại người.
Thì rồi thiện ác đều có báo ứng,
Báo ứng phân minh, không hề sai sót chút nào.

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Minh Tâm
Thiên Cầm biên dịch

Xem thêm:

Mời xem video: